Đại đức Minh Điệp

(Thuyết giảng tại đạo tràng Bát quan trai Tịnh xá Phước Hưng ngày 25/05 năm Mậu Tuất)

Rong ruổi bao tháng ngày trong kiếp nhân sinh, mấy ai nhận ra mình đang từng bước vào đời bằng đôi chân trần dính đầy bụi cát của nhiễm ô phiền não. Khi người ta đau khổ, người ta ngoài việc than trời trách đất ra chẳng biết làm gì khác hơn là tự chịu nỗi khổ lấy một mình. Nào ai tự mình suy gẫm lại những nỗi khổ niềm đau ấy đâu phải ai ban cho mà tất cả là do tự mình làm mình chịu vậy. Thế nên, những bước chân con người lê la vào đời chính là những hành nghiệp hoặc thiện hoặc ác nơi thân khẩu ý. Nhưng phần nhiều, dấu chân con người luôn hằn nặng vết bùn của ác nghiệp. Bằng sự chi phối của tham sân si, con người như đùa cợt với bổn nghiệp của chính mình khi vô tình hay cố ý tạo ra những ác bất thiện pháp. Họ vào đời bằng ác pháp cho nên mãi mãi bị trói buộc vào cuộc đời không bao giờ giải thoát ra được.

Quay ngược thời gian hơn 2600 năm về trước, một bậc Bồ tát vào đời cũng bằng đôi chân trần như chúng ta, nhưng đôi chân của Ngài hoàn toàn tinh khiết và mỗi bước chân đều có những đoá sen tươi thắm nâng đỡ. Đó là hình ảnh ra đời của Đức Phật vô cùng thuần tịnh dù lúc ấy Ngài chưa chứng quả Toàn giác. Giờ phút Đản sinh, Bồ tát ra đời bên hông mẹ, đi bảy bước trên bảy đoá sen giữa đất trời như muốn nhắn nhủ con người một bài học vào đời vô giá. Bảy đoá sen lành, bảy bước chân thuần khiết vì vậy không chỉ gói gọn là hình ảnh Bậc đạo sư ra đời mà còn là một bài pháp sống động cho người con Phật mãi mãi những thế hệ về sau.


(Phật tử tụng kinh sám hối và thọ trì Bát Quan Trai giới)

Chúng ta biết rằng, con đường tiến hoá là con đường mà Chơn Lý luôn đề cập đến trong vấn đề tu học của người Khất sĩ. Theo tư tưởng đó, chúng sanh là sự tiến hoá từ thấp đến cao nghĩa là có sự khởi đầu và cuối cùng cũng có lúc kết thúc: Khởi đầu từ chúng sanh và kết thúc là quả vị giải thoát. Chúng ta không thể truy nguyên lại nguồn gốc chúng ta như thế nào nhưng chúng ta có thể bắt đầu bước vào con đường tiến hoá hướng về giải thoát mà Tôn sư đã chỉ dạy. Có thể thực hiện điều đó bằng hình ảnh Đản sinh của Đức Phật và bài học về bảy bước chân mà Tôn sư đã dạy trong Chơn Lý: Thất Bồ Đề Phần còn gọi là Thất Giác Chi. Nếu con người do tham sân si chi phối vào đời bằng những bước chân tội lỗi, thì bằng bảy đoá sen nâng gót Phật, Tôn sư đã dạy chúng ta vào đời bằng Bảy bước chân của thiện pháp: phân biệt sự lành với sự dữ, tinh tấn mà lướt lên, an lạc trong vòng đạo đức, thắng phục tâm ý mình đặng làm lành, nhớ tưởng đạo lý, nhứt tâm đại định và vui chịu với mọi cảnh ngộ[1].

Bước chân đầu tiên cũng là bước chân quan trọng nhất: phân biệt sự lành với sự dữ. Như trên đã nói, sở dĩ con người tạo nghiệp ác là do không phân biệt được hạnh nghiệp mình tạo là ác hay thiện hoặc có phân biệt được cũng không phân biệt đúng đắn và rõ ràng. Thế thì dựa vào đâu chúng ta phân biệt đâu là sự lành, đâu là sự dữ? Đó chính là nhìn vào Tam nghiệp thân khẩu ý. Thân nghiệp có ba sự dữ: sát sanh, trộm cắp, dâm dục. Khẩu nghiệp có bốn sự dữ: nói dối, ác khẩu, thêu dệt và đâm thọc. Ý nghiệp có ba sự dữ: tham lam, sân hận và tà kiến. Khi thực hành 10 việc ác này tức là ta đang thực hiện sự dữ (tạo tác ác nghiệp). Ngược lại với 10 điều trên là 10 việc lành. Như vậy, bước chân đầu tiên đã vận dụng trí tuệ của hành giả trong việc tạo nghiệp của mình. Dùng trí tuệ quán xét cho kỹ Tam nghiệp để phân biệt nghiệp lành và nghiệp dữ. Từ đó mới có thể lựa chọn một pháp tu thích hợp (trạch pháp) để dứt ác làm lành, thuần tịnh thân khẩu ý.


(ĐĐ. Minh Điệp quang lâm thuyết giảng)

Khi có bước chân căn bản ban đầu, bước chân thứ hai là sự thăng tiến mạnh mẽ: tinh tấn mà lướt lên. Nhờ khả năng phân biệt sự lành với sự dữ, người tu tinh tấn thực hành pháp Phật không chút biếng lười để làm cho các điều ác đã phát sinh phải bị đoạn diệt. Bên cạnh đó, quán xét trong tâm nếu có pháp ác chưa phát sanh phải nỗ lực ngăn chặn không cho nó phát sanh. Song song việc dứt trừ điều ác, hành giả lại quán sát vào tâm nếu có thiện pháp nào chưa sanh phải tinh tấn làm cho nó sanh khởi. Và khi thiện pháp đã sanh khởi phải cố gắng nỗ lực làm cho thiện pháp tăng trưởng ngày một nhiều hơn.

Bước chân thứ ba là sự thâm nhập vào Phật pháp: an lạc trong vòng đạo đức. Trong bài pháp thoại nhân kỷ niệm 30 năm ngày Hoà thượng Giác Huệ vắng bóng, Hoà thượng Giác Toàn dạy rằng: “Khi người tu trưởng thành trong giáo pháp tức là người đã thâm nhập vào Phật pháp. Trạng thái của người có tu là biết cảm giác tiếp xúc với Phật pháp. Kinh luật thẩm thấu vào thân, lan toả toàn thân và tràn đầy tâm thức. Hành giả đạt được sự tươi tỉnh, thư thái và vui sống một cách tuyệt vời”. Như vậy, vòng đạo đức ở đây là chính là bầu không khí an lành của thiện pháp khi người tu thực sự áp dụng Phật pháp trong mỗi giờ phút. Đó là niềm an lạc do tự mình tu được mang giá trị thực tập tự thân nới mỗi hành giả.


(Đại đức Minh Điệp đang giảng pháp)

Bước chân thứ tư nói về sự chiến thắng tự thân: thắng phục tâm ý mình đặng làm lành. Nếu một người chiến sĩ ra đi chiến đấu chống giặc thù vào thời kỳ đất nước chiến tranh thì cuộc chiến của người tu với phiền não xảy ra từng ngày, từng giờ và là cuộc chiến cam go và gian khổ. Nhưng nếu đem so hai cuộc chiến, theo lời Phật dạy thì chiến thắng tự ngã là chiến thắng oanh liệt nhất. Con người do thói quen hưởng thụ, tìm sự thoả mãn trong các giác quan nên thường bị cảm xúc của các giác quan nhấn chìm. Để rồi từ đó tạo ác gieo nhơn không biết bao nhiêu mà kể. Khi chúng ta bước được ba bước chân đầu tức là chúng ta có được nền tảng hành pháp căn bản để chiến thắng bản chất khát ái của bản thân. Đây là sự thuần hoá tam nghiệp, thắng phục tâm ý để thực hiện thiện nghiệp.


(SC. Liên Phương - trụ trì tịnh xá Phước Hưng hướng dẫn Phật tử cúng ngọ)

Bước chân thứ năm là sự niệm pháp: nhớ tưởng đạo lý. Kinh Pháp Cú câu 297 có dạy rằng:

          Đệ tử Go ta ma

          Luôn luôn tự tỉnh giác

          Vô luận ngày hay đêm

          Thường tưởng niệm chánh pháp.

Tư duy và suy niệm về Pháp là điều mà bất kỳ một người tu nào cũng phải thực hành. Vì khi có tâm nhớ nghĩ Phật pháp như vậy mới có khả năng lĩnh hội và giác ngộ con đường giải thoát. Thuở sinh tiền, Hoà thượng Giác Thường trong một bài pháp đã chia sẻ rằng: “Tôi xem kinh như một người bạn thân nên thường xuyên nhớ tưởng đến kinh Phật. Mỗi khi giở trang kinh đọc, trong lòng tôi trỗi lên một tình cảm gắn bó thân thiết với từng trang kinh đó”. Lời chia sẻ này của Hoà thượng như một bài học về việc niệm pháp, luôn luôn nhớ tưởng pháp để dần dần thâm nhập vào Phật pháp.


( SC. Liên Phương và ni chúng TX. Phước Hưng)

Bước chân thứ sáu là sự vững vàng của tâm thức trong việc tu thiền: nhứt tâm đại định. Chúng ta biết rằng, tất cả các pháp học và hành của Phật giáo đều không ngoài Giới, Định và Huệ. Những bước chân đầu tiên nêu trên là những bước chân giúp hành giả kiến tạo nền móng của việc hành trì giới luật. Khi giới luật trong sạch hành giả dễ dàng thực tập thiền định. Do vì tam nghiệp thuần tịnh cho nên tâm ý không bị dao động bởi ác nghiệp vì vậy mà hành giả có thể đạt sự nhất tâm đại định ngay trong đời này.

Nếu sáu bước chân đầu là sự tu tập tự thân, thì bước chân thứ bảy mang ý nghĩa về sự sống chung tu học, vốn là một nội dung quan trọng của Chơn Lý: vui chịu với mọi cảnh ngộ. Người Khất sĩ luôn sống với hai cảnh ngộ: môi trường sống và con người. Môi trường sống là trú xứ mình đang tu học. Còn con người là những huynh đệ đồng tu. Một hành giả sống đúng pháp là phải biết vui chịu với môi trường sống và với huynh đệ chung quanh. Điều quan trọng là phải biết cách ứng xử sao cho phù hợp để mang đến sự hoà hợp đoàn kết giữa mình và chúng Tăng. Khi còn sinh tiền, Đức Trưởng lão Nhị tổ Giác Chánh thường dạy rằng: “Khi chúng ta bước vào nhà, chúng ta va phải những góc cạnh làm chúng ta đau đớn. Chúng ta phải chịu những đau đớn đó cho đến khi nào tất cả góc cạnh vỡ hết đi để được sự tròn nhẵn. Khi đã tròn rồi thì lăn đi đâu cũng được”.  Lời dạy của Ngài tuy giản dị nhưng là một bài học vô giá rằng: chúng ta phải biết thực tập hạnh nhẫn nhục để vui chịu với mọi cảnh ngộ và đạt được mục tiêu cao đẹp là sự sống chung an lạc với hoàn cảnh sống, với bạn đồng tu.


(Chư Ni Tx. Phước Hưng lưu niệm cùng Phật tử Thọ bát)

Tóm lại, bằng hình ảnh bảy đoá sen nâng gót Phật Đản sinh người viết dùng bảy pháp mà Tôn sư đã dạy trong quyển Chơn Lý – Luật nghi Khất Sĩ để trình bày bảy bước chân giúp chúng ta vào đời bằng thiện pháp. Đây là nội dung của Thất giác chi hay còn gọi là Thất Bồ đề phần, nằm trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo thuộc phần Đạo Đế trong Tứ diệu đế. Khi được thực tập trong Đại chúng, bảy pháp này có thể mang đến sự hoà hợp thanh tịnh và giúp Tăng chúng tồn tại vững bền trong xã hội. Kinh Tăng Chi đã dạy: “Này các Tỳ kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỳ kheo, khi nào các Tỳ kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ lớn mạnh, không bị suy giảm[2]”. Ngoài ra, nếu áp dụng tu tập tự thân, thì đây là bảy bước tiến quan trọng trên lộ trình giác ngộ giải thoát của bất kỳ người tu Phật nào. Bảy pháp này gom đủ yếu tố pháp học và pháp hành, nếu tin tưởng và hành theo chắc chắn chúng ta sẽ bước vào đời bằng đôi chân bất nhiễm của thiện pháp, làm an lạc và lợi ích cho bản thân và cho cuộc đời. Đây là thông điệp mà khi mới đản sinh, Đức Phật đã gửi đến chúng ta như một bài pháp không lời nhưng đầy đủ ý nghĩa nhất.


[1] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý- Luật nghi Khất sĩ, (HCM: nxb HCM, 1998), 154.

[2] HT. Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi III, chương Bảy pháp, Giác Chi (HCM: Viện NCPHVN, 1996), 311.