Danh từ “bhikkhu” trong phạn-ngữ có nghĩa là “ngươi đi xin”
Bhikkhu

Thầy tỳ-khưu không phải là người ăn xin như đời thường lầm hiểu dầu danh từ “bhikkhu” trong phạn-ngữ có nghĩa là “ngươi đi xin”. Thầy tỳ-khưu cũng không phải là một trung-gian giữa người và một thần linh toàn-tri, toàn-năng, cũng không phải là người thay mặt, thế quyền cho một nhân vật ngự trị con người. “Tu-sĩ hành-khuất” có lẽ là một định-nghĩa gấn nhất của danh từ “bhikkhu”.

Ngày nay, khi dùng danh từ bhikkhu, người ta muốn nói tới những nhà tu-sĩ Phật-Gíao. Tu-sĩ các tôn-giáo khác gọi là Paribbājaka, Ajivaka, Sanyasiu v.v…


Giới luật Tăng-già không cho phép thầy tỳ-khưu thọ-lãnh tất cả mọi vật người ta dâng đến cho mình. Nếu có người dâng, thầy chỉ có thể nhận bốn món vật dụng thông-thường là y, thức ăn, chỗ ở, thuốc men. Khi cần dùng một trong bốn món ấy mà không có ai cho, vị tỳ-khưu chỉ được phép hỏi bà con thân thuộc, hoặc những thí-chủ nào có hứa trước và yêu cầu ngài cho biết khi cần dùng đến. Thiện-tín không thể nhờ thầy tỳ-khưu chuyển-đạt lên một thần linh những lời cầu nguyện vì trong Phật-Gíao không có một quyền lực nào trên và ngoài con người có thể nhận những lời cầu-khẩn do sự trung-gian của một tu-sĩ để ban phước hoặc xóa tội.

Một vị tỳ-khưu không bắt buộc phải giữ trọn đời lời nguyền xuất gia, giới tử tự xin khép mình vào giới-luật để sống trong sạch đời sống của một người tu-sĩ, cho đến ngày muốn ra thế, cũng tự ý bước chơn ra khỏi Gíao-Hội Tăng-Gìa. Nhưng ngày nào còn khoác trên y vàng, tượng trưng chư vị A-La-Hán, là bậc đáng tôn-kính, thì vị tỳ-khưu có bổn phận phải giữ tròn giới hạnh. Ngày nào vị tỳ-khưu không còn đủ nghị lực để sống đời sống cao-thượng, có thể hoàn tục bất luận lúc nào mà vẫn không làm hoen-ố cửa thiền.


Trích: Mười pháp ba la mật-Phạm Kim Khánh dịch


Mha.

phatgiaonguyenthuy.com