Sau 7 năm tiến hành chụp cắt lớp CT, nghiên cứu và phân tích chuyên sâu, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những bí mật về lịch sử và hình dáng ban đầu của một bức tượng Phật giáo cổ của Nhật Bản, là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới sử gia về nghệ thuật. Bức tượng này là hình tượng thần A-tu-la có 3 mặt và 6 tay - niên đại từ thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên.

ca1b749990306329884086159eb6c2b7_715__2.jpg
Tượng A-tu-la thuộc chùa Kofuku, Nara

     Bức tượng này được đánh giá cao và được Chính phủ công nhận là Quốc bảo, còn được mệnh danh là “Tượng thần Vệ Nữ thành Milo của Nhật Bản” - hiện đang thuộc sở hữu của chùa Kofuku, một ngôi chùa cổ thuộc địa phận Nara - một thành phố lịch sử của Nhật Bản.

     Bức tượng này tồn tại hàng thế kỷ, không bị hư hại trong chiến tranh, hỏa hoạn, thiên tai và được tu sửa nhiều lần. Sau nhiều năm nghiên cứu ảnh chụp CT bức tượng, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những bằng chứng về những lần tu sửa trước đây và họ tin rằng những thông tin này sẽ làm sáng tỏ về hình dáng ban đầu của bức tượng.

     Hình chụp CT cho thấy hợp chất sơn mài và bột gỗ gia cố ở dưới hai cánh tay phía trước của bức tượng khiến cho phần cẳng tay của bức tượng có vẻ không được tự nhiên. Đây là lần tu sửa được tiến hành trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Qua khảo sát này, các nhà nghiên cứu đã loại bỏ hợp chất sơn mài làm cho cánh tay ôm sát vào thân bức tượng như hình dạng ban đầu, với hai bàn tay cùng ngửa lên và đưa bàn tay trái vào gần thân tượng khoảng 2cm.

     Bức tượng được tu sửa một lần nữa trong khoảng thời gian 1902-1905 với một phần của cánh tay bên phải bị thay thế và hai bàn tay chắp lại phía trước ngực. Các nhà sử học cho rằng trước đây bức tượng này từng cầm một pháp khí Phật giáo.

     Hiroaki Kaneko, người quản lý và là một chuyên gia về lịch sử điêu khắc Nhật Bản đến từ Bảo tàng Quốc gia Tokyo, cho biết: “Bức tượng thần chắp tay là một tư thế rất tự nhiên và thực tế hơn. Đây là một khám phá quan trọng sử dụng công nghệ hiện đại nhất và không làm hư hại bức tượng”.

     Chụp cắt lớp CT được tiến hành từ năm 2009 ở Bảo tàng Quốc gia Kyushu trong một dịp triển lãm lưu động đã trở một hiện tượng xã hội thu hút hơn 1,7 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 946.000 lượt khách đến Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

     Bức tượng được tạc vào năm 734, được bao phủ bởi một lớp sơn mài truyền thống Nhật Bản là “urushi” và một phần của bức tượng được mạ vàng. Ba khuôn mặt của bức tượng có nét biểu cảm khác nhau và được thể hiện một cách tinh tế.

     Bức tượng thần A-tu-la, cao khoảng 1,5 mét, là một trong 8 bức tượng về 8 vị Hộ pháp của Đức Phật. Hoàng hậu Komyo (701-760), phu nhân Thiên hoàng Shomu (701-756) đã cho tạc bức tượng này nhân dịp giỗ đầu của thân mẫu hoàng hậu. Ngoài 8 vị Hộ pháp, hoàng hậu Komyo cũng cho tạc tượng 10 vị đại đệ tử của Đức Phật và đến nay chỉ còn 6 bức tượng hiện đang được lưu giữ tại chùa Kofuku.

     “Bức tượng này có khuôn mặt, hình dáng và cảm xúc gần gũi với con người. Bạn sẽ tự hỏi bức tượng này bao nhiêu năm tuổi hay những cảm xúc trong bạn khi bạn chiêm ngưỡng bức tượng này. Bạn yêu thích bức tượng này theo cách của bạn” - theo Shiro Maruyama, nhà quản lý buổi triển lãm tổ chức năm 2009.

ccef70de7bd296d4bf088bd21c439a29_715__2.jpg
Các nhà nghiên cứu khảo sát hình chụp CT từ bức tượng ở Bảo tàng Quốc gia Kyushu năm 2009

     Khai sơn năm 669, chùa Kofuku là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Nhật Bản chỉ sau chùa Todai. Ban đầu, chùa Kofuku được xây dựng ở cố đô Kyoto, nhưng sau này được di dời đến Nara sau khi nơi này trở thành thủ đô của Nhật Bản vào năm 710. Ngày nay, chùa Kofuku là một trong những ngôi chùa thuộc Pháp tướng Tông trong Phật giáo Nhật Bản, phát triển từ Pháp tướng Tông Trung Hoa và có nguồn gốc từ Luận Du Già Sư Địa của Phật giáo Ấn Độ.

     Chùa Kofuku được biết đến là ngôi chùa của các tôn tượng và các tôn tượng này từng được trưng bày tại Tokon-do (Đông Kim Đường) cùng với tôn tượng Phật Dược Sư và Kokuhonkan, nơi lưu giữ tượng thần A-tu-la và những tượng Phật từ thời cổ đại. Cùng với nhiều địa danh lịch sử khác ở Nara, chùa Kofuku được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1998.

Đỗ Chu Vĩnh Hưng
(theo Buddhist Door)