Hôm qua, ngày 01/01/2021 nhằm 19/11/ Canh Tý. Hòa thượng Giác Giới Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất sĩ, Viện chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang, Vĩnh Long đã quang lâm đến tịnh xá Ngọc Chơn, Chơn Thành, Bình Phước thăm và chia sẻ kinh nghiệm tu tập đến chư tôn đức Tăng – Ni các miền tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn 6.



Buổi sáng, Ngài chia sẻ kinh nghiệm độ chúng của người xuất gia, thông qua câu chuyện của bản thân, Ngài nhấn mạnh là người tu, là con của Phật thì sự tu tập phải đạt sơ quả, có chánh kiến, tránh được Dục lậu, Hữu lậu, Kiến lậu và Vô minh lậu. Tu tập làm sao bước vô dòng thánh quả Tu đà hoàn, Nhị quả Tư đà hoàn, Tam quả A na hàm, Tứ quả A la hán.

Thành tựu Thánh quả A-la-hán là mục tiêu tối hậu, giải thoát hoàn toàn mọi chi phối của phiền não sanh tử, chứng đắc Niết bàn. “Sanh đã tận, lậu đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Sơ quả Tu đà hoàn, còn gọi Nhập lưu hay Thất lai. Hành giả phát huy tuệ giác thiền quán quét sạch ba kiết sử Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ. Bậc Sơ quả biết rõ thân và tâm vô thường; dứt trừ hoài nghi về Tam bảo, hiểu rõ Phật, Pháp, Tăng; tin tưởng tuyệt đối vào nhân quả, trì giới, bố thí, tham thiền, không còn mê tín. Bậc Sơ quả còn bảy lần tái sanh nữa để tiếp tục tu tập chứng đạt quả tối thượng.

Nhị quả Tư đà hàm, còn gọi Nhất lai, là quả vị đã đoạn trừ ba kiết sử đầu và làm suy yếu hai kiết sử kế tiếp là Dục và Sân. Bậc Nhị quả còn một lần tái sanh nữa để tiếp tục tu tập chứng đạt quả tối thượng.

Tam quả A na hàm, còn gọi Bất lai, là quả vị đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử (Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục và Sân). Bậc Tam quả không bị tái sanh vào cõi Dục, thường sanh vào cõi Sắc hoặc Vô sắc, từ đó tu hành và chứng đạt quả tối thượng.

Tứ quả A la hán, quả vị đã đoạn trừ hoàn toàn mười kiết sử, gồm năm hạ phần kiết sử nói trên và năm thượng phần kiết sử (Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh). Hữu ái tức luyến ái sự hiện hữu, trú vào cõi Sắc. Vô hữu ái tức ưa thích sự không hiện hữu, trú vào cõi Vô sắc. Mạn là tâm kiêu mạn, chấp thấy có sự chứng đắc. Trạo cử, sự dấy động của tâm, kể cả sự thao thức về chứng ngộ. Vô minh là si mê, mê mờ vì các kiết sử ngăn che. Quả vị A la hán còn gọi là Vô sanh, không còn tái sanh, chấm dứt sinh tử luân hồi, chứng đắc giải thoát Niết-bàn.

Ngài sách tấn Tăng – Ni tu tập theo Tứ Diệu Đế có ba bước hành động, trong kinh gọi là tam chuyển.

Thứ nhất là thị chuyển, nghĩa là nhận diện cái khổ: Không phải tự dưng mà nhận diện được cái khổ. Phải có kiến thức, phải có kinh nghiệm, phải thực tập. Phải lắng nghe, phải nhìn kỹ thì mới nhận diện được cái khổ thật của mình.

Thứ hai là khuyến chuyển, liễu tri được cái khổ thật của mình. nhận diện tìm hiểu rõ hơn. Đó là hành động thứ hai để bánh xe pháp quay thêm, gọi là nhị chuyển.

Và thứ ba là chứng chuyển, là chứng nghiệm rằng cái khổ này đã được liễu tri. Chứng ở đây có nghĩa là đã tu tập, đã thấy được, đã liễu tri được cái khổ.

Tóm lại, chuyển thứ nhất là nhìn thấy đây là con đường, đây là phương pháp diệt khổ. Xác nhận có một con đường, một phương pháp, nhận rõ con đường đó và phương pháp đó giúp cho ta thoát khổ đau và đạt tới an lạc. Chuyển thứ hai là đạo này cần được tu tập, đó là khuyến chuyển. Thao thức, ước muốn thực tập, vì ta biết rằng chỉ có thực tập mới đưa tới chuyển hóa. Không thể cầu một đấng thiêng liêng nào tu hộ cho mình chuyển hóa, ta phải tự mình tu. Nếu muốn tới thì ta phải đi bằng hai chân của ta. Thứ ba là tu chứng đạo. đạo đã thực tập rồi thì cố nhiên diệt đã chứng, tập đã đoạn và khổ đã liễu tri.

Buổi chiều cùng ngày, Ngài đã nhấn mạnh về Tứ Diệu Đế được coi là cốt tủy, là xương sống của toàn bộ giáo pháp của Phật pháp. Tất cả giáo pháp của Đức Phật sau này đều là sự phát triển mở rộng dựa trên nền tảng của Tứ Diệu Đế.

Đức Phật đã dạy rằng: “Nếu con người ta không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì không có cách nào khác có thể tránh được con đường sinh tử luân hồi, không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì sẽ không thể nào tìm được con đường để thoát ly khổ đau, trầm luân từ kiếp này sang kiếp khác”.

Để hàng Phật tử tham dự hiểu về đường tu Ngài lại khuyến tấn Phật tử tu theo Bát Chánh Đạo

1. Có kiến thức chân chánh không bị mê hoặc và lôi cuốn bởi ngọai đạo tà giáo.

2. Suy nghĩ chơn chánh không bị sa vào lỗi lầm đen tối.

3. Lời nói chân chánh lợi mình lợi người.

4. Hành động chân chánh có ích cho mình và không làm thương tổn người khác.

5. Đời sống chân chánh không bị khinh rẽ, chê bai, được mọi người mến mộ, kính trọng.

6. Siêng năng chơn chánh sẽ thu được nhiều kết quả.

7. Nhớ nghĩ chân chánh giải tõa được sự nuối tiếc.

8. Thiền định chơn chánh trí huệ phát triển và Phật quả viên thành.

Bát Chánh đạo chính là phương pháp tu phổ biến cho tại gia lẫn xuất gia, trong bất cứ hòan cảnh, môi trường cũng có thể thực hiện được.

Tu tập Bát chánh đạo chính là tu tập Thân; Khẩu; Ý của chúng ta, khi thực hành Bát chánh đạo thì gặt hái nhiều kết quả tốt.

Bát chánh đạo lại là nền tảng chánh giác, là căn bản của Giải thóat và Giác ngộ.

 



Ảnh, lược ghi: Huỳnh Bích Đào- Ban truyền thông giáo đoàn 6