CÁCH GIEO GIỐNG

A. Giới thiệu

Cổ nhân dạy rằng: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” bồ tát thường suy xét những việc của mình xem kết quả như thế nào, nếu nhận thấy kết quả là bất thiện đưa đến đau khổ cho người, cho mình thì Bồ tát sẽ không bao giờ làm việc đó. Vì Bồ tát sợ tội lỗi từ cái nhân ban đầu và ngăn ngừa tội lỗi từ trong tâm thức của mình trước khi nó phát khởi dẫn đến hành động xấu ác.

Còn chúng sanh thì ngược lại, coi thường những nguyên nhân gây ra tội lỗi, có khi vô tình vì không suy xét kỹ, nhưng cũng có lúc cố ý tạo nên những tội lỗi nghiêm trọng. Lúc đầu họ thờ ơ, vô tâm trước những tội lỗi mình làm nhưng khi kết quả không tốt trổ ra thì vô cùng lo sợ. Nhưng cũng có một số người đến chết cũng không hối hận việc xấu ác mình đã làm.

Về mặt xã hội những người làm việc xấu ác, sẽ để lại tiếng xấu và làm gương không tốt cho những người chung quanh, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ. Về mặt tâm linh, những người này sau khi thác sanh sẽ bị đọa xứ vào những cảnh khổ, phải chịu quả báo luân hồi từ những việc mình làm.

B. Nội dung

1. Gieo giống thực vật

a. Chọn giống thuần

Muốn có năng suất cao thì người nông dân phải chọn  những hạt giống tốt, mau thu hoạch, ít sâu bệnh. Muốn có những hạt giống ấy, chúng ta phải trải qua thời kỳ sàn lọc loại bỏ những hạt lép, hạt sâu, những hạt kém chất lượng.

Còn ngược lại, trong quá trình chọn giống, chúng ta chỉ chọn một cách qua loa, chọn cho có lệ thì năng suất mà chúng ta có được sẽ không được như mong muốn, mà có khi còn trắng tay.

b. Làm đất

Phải chọn nơi đất tốt, màu mỡ, nếu đất không tốt thì chúng ta phải cải tạo nó cho tốt. Có vậy, khi sản xuất nó mới cho một mùa bội thu. Còn như chúng ta chọn loại đất không tốt, có nhiều cỏ, phèn, nhiều côn trùng gây hại,… thì chắc chắn chúng ta có một mùa thu hoạch không như ý.

c. Kỹ thuật

Bên cạnh việc chọn giống, chọn đất thì khâu kỹ thuật: gieo trồng, giữ nước, bón phân,… cũng không kém phần quan trọng. Tại sao? Nếu khi chúng ta gieo hạt không đều, chỗ có, chỗ không thì lúc chúng ta thu hoạch cũng vậy! Nếu chúng ta giữ nước không tốt để cho hạt giống phải sống nơi khô cằn, hoặc nơi có quá nhiều nước, giống chết nhiều quá thì chúng ta cũng không thu hoạch được mùa. Rồi chúng ta cũng phải bón phân, chăm sóc, nhổ cỏ thì chúng ta mới có được một mùa bội thu.

Qua cách gieo giống của những người nông dân, những người làm vườn giúp cho chúng ta liên tưởng đến cuộc sống đời thường của chúng ta. Đôi khi chúng ta cứ nghĩ trong cuộc sống hàng ngày cứ để mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên của chúng, không cần cải tạo, vun vén, chăm sóc, giúp đỡ nhau,.... Nhưng từ cuộc sống thực tế cho chúng ta thấy, nếu trong cuộc sống đời thường mà mình không vun đắp tình cảm, không cải tạo tốt các mối quan hệ chung quanh thì phần lớn cuộc đời chúng ta có nhiều nỗi buồn và ít niềm vui, cuộc sống trở nên tẻ nhạt.

2. Gieo giống trong cuộc sống đời thường

a. Gia đình

Người xưa nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Con người là thành viên trong gia đình, con người tốt là gia đình tốt, gia đình tốt xã hội tốt, xã hội tốt tức là mọi người đều tốt. Muốn được như vậy thì chúng ta phải thường xuyên rèn luyện nhân cách của mình, rồi tạo các mối quan hệ tốt trong gia đình, kế đến là xã hội ,…

Chúng ta thường có những câu của miệng như thế này: người trong nhà mà lo gì! Người trong nhà sao cũng được. Nhưng thực sự là từ những mối quan hệ không tốt trong gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ xã hội. Ngược lại, sự quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình là một trợ lực rất lớn trên bước đường thành công của một con người và có một mối tương quan tốt với những mối quan hệ còn lại.

- Hạt giống mà ta gieo trong gia đình đó chính là lòng yêu thương. Vì chỉ có lòng yêu thương thì mới giúp đỡ, chia xẻ, cảm thông và tha thứ cho nhau. Khi có việc không tốt xảy ra giữa các thành viên thì cũng chính nhờ vào lòng yêu thương mà chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.

- Miếng đất mà ta chọn trong gia đình đó chính là sự chân thành. Nhờ vào sự chân thành mà mọi người sống thật lòng, biết xây dựng và đóng góp ý kiến để sữa chữa nếu có một người mắc sai lầm. Nhờ vào sự chân thành mà trong đầu mọi người sẽ không có con sâu nghi kỵ, không có ngọn cỏ ganh ghét, chống đối nhau. Vì thế mà mọi người tin tưởng nhau hơn, tạo ra hạnh phúc thực sự trong gia đình.

- Kỹ thuật gieo cấy, giữ nước, bón phân trong gia đình chính là nghệ thuật sống, cách cư xử, đối đãi hàng ngày với nhau.

Ví dụ như ông bà, cha mẹ phải cư xử với con cháu như thế nào cho đúng? Con cái có bổn phận gì đối với ông bà, cha mẹ? Rồi vợ chồng phải cư xử với nhau như thế nào cho phải phép? Anh em phải sống với nhau ra sao?

Đó là những cách thức sống rất là đời thường nhưng nếu chúng ta không xử lý khéo léo thì dễ có mâu thuẩn giữa các thành viên trong gia đình, có thể dẫn đến xung đột. Lúc đó chuyện bình thường sẽ trở thành bất thường. Mà một khi chuyện bất thường xảy ra rồi chính là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình, sự đoàn kết và tình yêu thương lúc này sẽ không hiện diện.

b. Xã hội

Từ mối quan hệ gia đình, chúng ta nhân rộng đến mối quan hệ bên ngoài xã hội thì nó càng trở nên phức tạp hơn. Những tình huống đơn giản như thế này: con trâu nhà này sang ăn ruộng lúa của nhà kia, con chó nhà kia sang cắn phá đồ đạc nhà này, đứa trẻ nhà này chơi không tốt với đứa trẻ nhà kia,… nếu chúng ta xử lý không khéo thì sẽ dễ dẫn đến sự tranh cãi, làm mất lòng hàng xóm, họ hàng,… nhạy cảm hơn nữa là trong công việc làm ăn, buôn bán,… thì sự tranh chấp với nhau càng trở nên khốc liệt. Chỉ cần một lợi ích nhỏ là người ta có thể đẩy đối thủ cạnh tranh vào bước đường cùng.

Để cải thiện những mối quan hệ không tốt trong xã hội thì mọi người nên sống với nhau bằng: nhân, lễ, nghĩa, trí và tín,… Ngoài ra, chúng ta cần phải gieo vào mảnh đất tâm của mình bằng những hạt giống tâm linh

3. Gieo hạt giống vào đất tâm linh

Con người sống ở đời thường thì trau chuốt, chăm sóc thân này nhiều hơn tâm, tức là lo làm nhà cho thân mà không làm nhà cho tâm. Do đó khi có sự việc không tốt xảy ra mới cầu trời khấn Phật nhờ các Ngài hộ trì cho tai qua nạn khỏi. Nhưng mà làm sao khỏi được vì cả một đời làm ác, tội chất chồng như núi, mới một ngày làm thiện, phước nhỏ như hạt bụi.

Lúc mạnh khỏe không lo tu tạo nhân lành, làm những điều lợi mình, lợi người, đến lúc một chân bước vào quỷ môn quan rồi mới ăn năn hối hận, liệu có trễ quá chăng?

Nếu chúng ta hiểu được lý nhân quả, thì ngay bây giờ, nhân lúc chúng ta còn khỏe mạnh, còn đủ sáng suốt, chúng ta hãy gieo các nhân lành, thực hiện lời Phật dạy: “Điều ác nhỏ cũng không làm, điều thiện nhỏ cũng không bỏ”. Chúng ta hãy gieo những hạt giống trí tuệ, tưới những giọt nước từ bi vào mảnh đất tâm khô cằn của chúng ta, rồi chúng ta sử dụng những giới phần Phật dạy, tĩnh tâm thiền định để ngăn các ma xâm nhập vào đời sống tâm linh của chúng ta giống như người nông dân lúc nào cũng chăm sóc, để tâm đến những con côn trùng, những ngọn cỏ dại xâm nhập ruộng lúa của họ.

C. Lời kết

Chúng ta là những lữ khách lên xuống, ra vô trong ba cõi sáu đường từ vô thỉ kiếp. Kiếp này, chúng ta hạnh ngộ với bậc thiện tri thức, có thầy, có bạn, rồi được nghe giáo pháp thậm thâm vi diệu của đức Phật, đó cũng là một phúc duyên lớn không phải ai cũng có được. Vì thế chúng ta phải biết trân trọng và cố gắng tu tập, gieo những hạt giống tốt, những nhân lành ở kiếp sống hiện tại để mai hậu chúng ta mới thu hoạch được những quả ngon, trái ngọt.

Chúng ta hãy sống làm sao cho thân, khẩu, ý ngày càng được an lạc, ít khổ, vui nhiều, đi đến đâu cũng gặp được bạn lành, thầy giỏi cùng nhau tu tập để mau chóng đi trên con đường giải thoát an lạc.

                                                                                                                                                                                                                                                                              Minh Sĩ