Suckhoedoisong.vn - Cơm xôi thuộc loại dây bò, thường mọc hoang khắp những bờ bụi vùng trung du và miền núi, cả cây và lá đều có gai.


Cây cơm xôi còn gọi đùm đũm, miền Trung gọi cây ngấy.  Cây cho nhiều quả, mọc thành chùm giống như đĩa xôi. Bà con ở nhiều vùng quê thường cắt lá và thân cây để nấu nước uống. Tác dụng ngon cơm, sáng mắt... Cơm xôi còn có nhiều công dụng trị bệnh.

Theo Đông y, cây cơm xôi bổ tỳ vị, sáng mắt, trị đau nhức, giảm đau đầu, bổ thần kinh, săn da thịt. Sau đây là một số bài thuốc thường dùng từ cây cơm xôi.

cay-com-xoi-chua-nhieu-benh-1

Cây cơm xôi nấu nước uống, toàn cây cũng là vị thuốc trị nhiều bệnh.

Thông sữa, giúp sản phụ có nhiều sữa sau sinh: cây cơm xôi 20g, lá ngũ gia bì 20g, nhân trần 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: giúp sản phụ ăn ngon cơm, tăng sữa và thông sữa, săn da thịt.

Chữa đau mắt đỏ, giảm thị lực: cây cơm xôi 30g, lá hòe (đồ chín phơi khô) 20g. Hai thứ sắc nước uống ngày 1 thang. Dùng được dài ngày giúp phục hồi thị lực, mắt tinh nhanh và khỏe hơn.

Chữa khớp sưng đau nhức mỏi: rễ cây cơm xôi (sao rượu) 30g, cà gai leo 20g, hà thủ ô chế 20g, nam tục đoạn 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa tỳ vị hư  nhược, ăn kém, đại tiện lỏng: cây cơm xôi 30g, bạch truật (sao hoàng thổ) 16g, đương quy 16g, hà thủ ô 12g, cao lương khương 12g, hoài sơn (sao) 20g, trần bì 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tinh hoàn sưng do biến chứng của quai bị: rễ cây cơm xôi 30g, bạch truật 20g, ngũ gia bì 12g, lệ chi hạch 16g, trần bì 10g, thăng ma 12g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, bạch linh 10g, kinh giới 16g, xa tiền tử 10g, cẩu tích 12g, đỗ trọng 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Cách sắc thuốc: Các vị thuốc cho vào nồi, đổ 1.400 ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc. Lại đổ 1.000 ml nước sắc lấy 150ml nước thuốc. Hòa chung nước của hai lần sắc, đun sôi, chia uống 2 lần trong ngày.

Lương y Đình Thuấn

Nguồn: suckhoedoisong.vn