GN - Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày 26-5 - một ngày buồn, khi vụ việc bất ngờ xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM): cây phượng vĩ bật gốc khiến 18 học sinh bị thương, trong đó có một em tử vong.

Đó là nỗi đau, mất mát khó gì bù đắp nổi và cũng là tai nạn hy hữu trong trường học. Hiệu trưởng nhà trường ngay sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm. Nhưng điều đáng nói là những ngày tiếp theo, trong nỗi lo sợ, hàng loạt trường học, địa điểm công cộng đã quyết định chặt bỏ phượng, cùng nhiều loại cây xanh khác.

Nhiều người càng cảm thấy những quyết định nói trên có lý khi chiều 13-6, một nhánh cây gãy cũng đã làm một người tử vong trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM).

cayxanh.jpg
Gia tài cho con cháu nên là cây xanh - Ảnh minh họa


Thành phố thiếu cây

Bảo vệ học sinh hay con người sống và hoạt động trong một môi trường công cộng có cây xanh với nguy cơ gãy, đổ là điều cần thiết. Tuy nhiên việc chặt cây vô tội vạ chỉ vì một vụ tai nạn lại là việc làm có nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Thực ra, có nhiều giải pháp tránh cho cây đổ, ở nước ngoài người ta sử dụng các công cụ chằng, buộc cây và giữ cành.

Tôi nhớ, thời tôi học phổ thông ở Quảng Nam, Trường THPT Nông Sơn của tôi ngày đó rất nghèo. Đó là ngôi trường ở tuyến huyện miền núi. Để tạo cảnh quan, nhà trường huy động học sinh đi lao động, tìm các gốc cây bằng lăng về trồng trong khuôn viên trường. Mùa hè vừa rồi, bạn tôi - một giáo viên Văn trở lại trường cũ công tác - đã gửi vào group của lớp cũ những bức ảnh bằng lăng nở tím, cùng những cánh hoa rụng đầy dưới sân thật đẹp. Theo bạn, những học trò sẽ nhớ về sân trường qua ký ức hoa bằng lăng tím ấy.

Phượng vĩ còn hơn thế, loài cây này đã trở thành biểu tượng của nhiều thế hệ học trò và của cả một thành phố ở Việt Nam - thành phố Hải Phòng. Mỗi khi nhắc “thành phố hoa phượng đỏ”, gần như ai cũng biết đó chính là phố cảng lớn nhất miền Bắc nước ta. Tôi tìm hiểu và được biết, ở Việt Nam, phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng khoảng những năm cuối thế kỷ XIX. Hiện nay phượng được trồng nhiều trên vỉa hè, công viên, trường học. Hải Phòng còn có một công viên hoa phượng ngay trung tâm thành phố và có lễ hội hoa phượng diễn ra vào tháng 5. Trồng cây, tôn vinh, gìn giữ cây trở thành nếp sống đẹp, nhất là mảng xanh ngày càng thu hẹp do nạn phá rừng, các thành phố dần mở rộng.

Với người thành phố, cây xanh là một trong những yếu tố bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo đó, quy hoạch xác định diện tích cây xanh cần đạt được từ 6-7m2/người, nhưng hiện chỉ đạt 0,5m2/người. Tổng diện tích cây xanh so với yêu cầu chỉ đạt 8%. Khi quy hoạch, các đô thị mới đều phải dành một phần diện tích cho cây xanh tương ứng với 7m2/người nhưng thực tế trong các khu đô thị mới, diện tích cây xanh chỉ đạt 0,5m2/người. Tại Hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019-2025 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 14-8 năm ngoái, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận điều này rằng: kinh tế TP.HCM khá phát triển nhưng cây xanh còn hạn chế.

So sánh với một số nơi, tỷ lệ cây xanh trên địa bàn hiện rất thấp. TP.HCM có hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 102.000 cây xanh được đánh số, có địa chỉ. Trong khi đó, Singapore có diện tích hơn 1/3 diện tích của TP.HCM và dân số chỉ hơn một nửa dân số của TP.HCM nhưng có hơn 2 triệu cây xanh.

Nếu ai đã sống ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ cảm nhận được, ngày hè ở đây nóng bức như thế nào. Nguyên nhân xuất phát từ việc tại các nơi này, có quá nhiều nhà cao tầng, những mảng bê-tông ken đặc trong khi diện tích cây xanh như đã nói, chỉ đạt tỷ lệ nhỏ.

Hãy lắng nghe cây

Có thể vẫn còn những cái cây khác có nguy cơ bật gốc nhưng không phải là tất cả. Do vậy, việc nên làm ở đây là cần “khám bệnh cho cây”, tìm cách bảo tồn cây xanh chứ không nên “đốn nhầm hơn bỏ sót” vì sợ liên lụy trách nhiệm. Tất cả những cây trồng khác ở nơi công cộng, vào mùa mưa này đều có thể gãy đổ do gió, do đất bị mềm và bộ rễ của cây không đủ vững chãi. Sau khi khám bệnh, có thể tỉa bớt cành, nhánh để tránh gãy đổ, nhất là khi miền Nam đang mùa mưa.

Nếu “lắng nghe” cây và có cách làm hợp tình, hợp lý hơn thì có lẽ người ta sẽ không vội vàng đốn hạ phượng vĩ và cây xanh ào ạt như đã làm.

Thỉnh thoảng, trên báo đài, người ta lại thấy có những vụ triệt hạ cây trồng hàng loạt. Rất nhiều lần, người nông dân đã cắt bỏ những loại cây được trồng đại trà do trước đó nó là mặt hàng bán chạy, giá cao. Hay có thành phố vì yêu hoa sữa Hà Nội đã đem về trồng san sát, gây ra mùi khó chịu cho người dân, bị phản ứng mới “giật mình” đốn bỏ… gây nên những lãng phí rất lớn, cũng như kéo theo những phản ứng từ phía người dân.

Ở quê tôi, người dân đang khá lên nhờ trồng keo lá tràm. Những cánh rừng phía sau nhà tôi do một số ít người đấu thầu đất trồng cây này và khai thác cả chục năm qua. Mừng vì những thay đổi từ quê với lợi nhuận từ việc trồng keo nhưng tôi vẫn lo về thế độc canh của loại cây trồng này. Tôi có đọc một tài liệu và thấy, độc canh rừng như vậy có khá nhiều tác hại. Cụ thể, một khu rừng nguyên sinh chứa hàng triệu loài trong khi những rừng độc canh (như chỉ trồng mỗi cây keo) - làm mất đi 25% số loài, các loài chim, lưỡng cư và bò sát cũng giảm 40% đến 60%, đó là chưa kể đến những mất mát tổng thể khác.
Cây xanh không có lỗi, lỗi ở chỗ người dân thiếu thông tin hoặc không được tư vấn trong nuôi trồng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có lần giảng về vô thường, đã kể về việc Hòa thượng từng hỏi một bông sứ, rằng: “Em có phải là bông sứ mà hôm qua ta nhìn thấy không?”. Thiền sư nhẹ nhàng mỉm cười: “Lúc đó tôi nghe bông sứ trả lời - em là cái bông sứ hôm qua anh nhìn thấy, nhưng em cũng không phải là bông sứ mà hôm qua anh nhìn thấy đâu”. Thầy nói, nếu lắng nghe hoa, nghe cây xanh, mình sẽ nhận về rất nhiều thông điệp. Đó là sự vô thường, đó là sự nương nhau biểu hiện. Cái cây cũng có một phần trong mình vì nếu không có cây mình đâu thể thở những hơi thở bình yên giữa bầu không khí trong lành? Vì thế, trước khi đốn hạ một cái cây, hãy lắng nghe cây. Cây cũng biết đau. Trước khi trồng cây cũng phải lắng nghe cây: liệu loài cây này có hợp với khu phố hay sân trường, nếu trồng mỗi loại cây thì sẽ gây hậu quả gì… Theo thiền sư, lắng nghe cây cũng như lắng nghe chính mình khi thiết lập một mối quan hệ hay chấm dứt nó, đừng quên lý do bắt đầu và đừng quên hỏi vì sao tôi đến với người đó để tránh những sai lầm đáng tiếc.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Chánh Quán

                                                                                                                                                                                                                                                                                                              Nguồn: giacngo.vn