Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, tại khu rừng Ảo Vọng thuộc vương quốc Phù Sinh, có một cuộc tàn sát đẫm máu diễn ra, khiến cho muông thú sống trong cảnh tối tăm hoảng loạn. Loài Sư tử vốn là vua thống trị khu rừng này bằng Chánh pháp do chính Đức Phật truyền lại đã bị lật đổ bởi loài Lang sói hiểm độc.

chuyen ve ao vong lam

Thuở xưa, khi Đức Thế Tôn vì thất vọng trước sự tranh chấp trong hội chúng Tỷ-kheo nơi Kosambi nên từ bỏ Tăng đoàn đi vào rừng sâu, Ngài đã được voi chúa và khỉ chúa chăm sóc. Voi đào giếng, khỉ hái trái. Cả hai tận tụy phục vụ cho Ngài như hai thị giả và học Pháp với Ngài. Sau khi Thế Tôn rời khỏi khu rừng trở về cùng chúng Tỷ-kheo, voi chúa lúc bấy giờ đã già và rất đau buồn trước sự chia tay này, bèn đi tìm vua Sư tử nơi rừng Ảo Vọng để truyền trao giáo pháp mà Đức Phật dạy và quyết định ẩn cư cho đến lúc xác thân tan hoại. Từ khi được truyền pháp, nhiều thế hệ vua Sư tử đã cai trị thần dân của mình bằng giới luật và lòng từ bi rộng lớn, biến Ảo Vọng lâm thành một nơi chốn bình yên miên viễn.

Đẹp nhất là vào đêm trăng tròn hàng tháng, tất cả muông thú đều tập hợp nơi quảng trường lớn của khu rừng, vua Sư tử bấy giờ ngự trên một mỏm đá hình cánh sen nơi trung tâm quảng trường và bắt đầu thiền định. Dáng vẻ uy nghi của vị chúa tể muông thú soi bóng xuống mặt hồ Phản Quang lấp lánh dưới ánh trăng huyền diệu khiến tâm ý các loài đều được thuần phục và bị nhiếp phục. Không gian chìm trong yên lặng cho đến khi loài chim Thiên Đường có màu sắc sặc sỡ, có cái đuôi dài như một tấm lụa và đôi cánh xòe mềm mại thực hiện một điệu múa thiên thần bay lượn từ nơi ngọn của những cây đại thụ chạm nhẹ xuống mặt hồ. Chúng bay quanh vua Sư tử ba vòng và khi đoàn vũ công Thiên Đường biến mất sau những tán cây, vua Sư tử bắt đầu gầm lên những tiếng gầm sấm sét, tiếng gầm về giáo pháp và giới luật của Đức Phật. Bất cứ loài thú nào có vi phạm những điều cấm đều phải phát lồ sám hối trước toàn thể thần dân và vua Sư tử sẽ cử vị quan giám sát hành vi phục thiện trong vòng nửa tháng.

Thế nhưng, trong rừng thì chỉ có “luật rừng” mới có thể tồn tại, đó cũng là luật. Sự cai trị bằng giới luật của vua Sư tử tuy đem lại sự bình yên cho muông thú, khiến Ảo Vọng lâm nảy nở những bông hoa thánh thiện nhưng không có nghĩa là tất cả các loài thú đều chấp nhận. Chúng âm thầm chống đối và lén lút bàn tính với nhau nơi những hang sâu u tối nhất của khu rừng sau mỗi lần tập hợp đại chúng của nhà vua. Cầm đầu trong số đó là loài Lang sói. Với bản tánh tham lam, giả dối, ưa sát hại, bọn chúng thường xuyên phải ra trước đại chúng sám hối. Mỗi lần như thế, chúng khóc lóc, tự bảo mình nghiệp chướng quá sâu dày, cầu xin nhà vua và cộng đồng tha thứ. Rồi chúng hú lên những tiếng hú vang động cả khu rừng với những lời ca ngợi sự sáng suốt của nhà vua.

Vĩ đại thay đức vua / Cai trị bằng Chánh pháp / Ảo Vọng lâm xanh mát / Vĩnh viễn hết khổ đau.

Tuy nhiên, khi rút vào những hang sâu, chúng bắt đầu chỉ trích rằng chính vua Sư tử đang làm hại muông thú bằng những điều luật phi lý không thể chấp nhận được, đặc biệt là giới cấm sát sanh. Vua Sư tử chỉ cho phép ăn thịt những con thú đã chết và hoàn toàn không được làm tổn hại đến con người, dù cho đó là một thợ săn. Điều luật này ban đầu khiến cho hầu hết các loài ăn thịt hoang mang vì sợ nguy hiểm đến tính mạng nếu bị thợ săn bố ráp và chúng sẽ phải chịu những cơn đói khát đến kiệt sức.

Theo thời gian, với bản lĩnh của vua Sư tử, loài ăn thịt mạnh mẽ nhất khu rừng, các loài thú khác dần bị thuyết phục. Trước hết, vua Sư tử hướng dẫn các loài ăn thịt cách sống tiết chế đối với dục vọng bản năng là giết chóc để xâu xé xác thịt của loài khác yếu hơn mình. Chúng sẽ giảm bớt các hoạt động tiêu tốn năng lượng không cần thiết và hấp thu các nguồn năng lượng tích cực có trong tự nhiên bằng tu tập thiền định và phát triển tâm từ. Càng giảm bớt giết chóc, nguồn năng lượng thiết yếu cho sự sống nơi rừng Ảo Vọng càng tăng lên. Không khí trở nên mát mẻ hơn, cây lá xanh hơn, các loài hoa xuất hiện ngày càng nhiều, màu sắc và hương thơm lan tỏa khắp khu rừng. Những hồ nước lớn nhỏ trong khu rừng ngày càng trong sạch và tinh khiết, phản chiếu vạn vật như một tấm gương thần kỳ. Vua Sư tử đã làm được điều đó, cả dòng tộc Sư tử đã làm được điều đó và các loài ăn thịt khác cũng làm được như vậy. Và bất cứ ai bước chân vào Ảo Vọng lâm đều được muông thú thân thiện đón chào, đem nước cho uống, hái trái cây cho ăn. Khu rừng như một thiên đường thực sự, nguồn năng lượng tinh sạch và từ ái bao phủ, đến nỗi bất kỳ một tên thợ săn hung ác nào cũng bỏ lại tâm sân hại của mình nơi cửa rừng và bước vào thế giới của vua Sư tử với một niềm hoan hỷ vô cùng.

Dù vậy, không phải ai cũng hoan hỷ với những điều tốt đẹp. Loài Lang sói vẫn ngày đêm suy nghĩ tìm một cơ hội nào đó để đưa Ảo Vọng lâm trở về thời chưa được cai trị bởi Chánh pháp của vua Sư tử. Chúng thèm khát được giết hại, được gian dối, đến đầu này nói chuyện người kia, đến đầu kia nói chuyện người này, làm sao mà có nhiều màn kịch bi hài của ân nghĩa chia lìa được dựng lên càng nhiều càng tốt. Chúng kiên nhẫn nuôi hạt giống xấu ác đó từ thế hệ này sang thế hệ khác, âm thầm chuẩn bị và đợi chờ…

Rồi thời cơ đến. Khi vị vua Sư tử đời thứ năm mươi lên kế vị, triều chính có một số dấu hiệu sa sút. Lúc bấy giờ, loài Lang sói đã tiếp cận được với các vị trong vương thất dòng họ nhà vua. Chúng liên tục rỉ tai, cung phụng, lấy lòng và lén lút rủ rê các vị vương tôn trẻ tuổi tham gia vào những trò vui chơi phù phiếm, kể cả săn đuổi giết hại một số loài thú nhỏ. Khi biết tâm của các vị này đã đắm nhiễm vào dục lạc, chúng bèn kể về thời xa xưa, khi chưa có giáo pháp của Đức Phật ngự trị nơi rừng Ảo Vọng, không có một điều luật nào được ban ra. Muông thú sống theo bản năng sinh tồn mạnh được yếu thua. Sư tử là loài mạnh nhất, lẽ đương nhiên là được hưởng thụ dục lạc nhiều nhất, chứ không phải như bây giờ. Nói đến đó, chúng bèn nhỏ lệ, thở dài, ra chiều ngao ngán. Dù vậy, chúng cũng chưa thể làm được gì vì vua Sư tử vẫn đầy đủ uy đức thống lãnh thần dân. Nhưng vua có một điểm yếu là không có con trai kế vị. Công chúa tuy đoan chính, tài năng xuất chúng, am hiểu Phật pháp nhưng theo luật lệ truyền thống của dòng họ Sư tử, con gái không thể làm vua. Vua Sư tử ngày càng già, đành phải chọn lựa một vị vương tôn trẻ tuổi trong vương thất làm Thái tử kế vị. Người được chọn là Đề-bà, rất có tài năng và tham vọng được ẩn dưới đôi mắt sâu thẳm không thể dò đoán nổi. Đề-bà ra sức học tập dưới sự trực tiếp dạy bảo của đức vua, nhất là học về lối cai trị bằng Chánh pháp. Đề-bà luôn tỏ ra quan tâm, hiểu ý, hiếu thuận với đức vua. Vua hoàn toàn tin tưởng.

Nhưng có một điều không ai hay biết, là từ lâu Đề-bà đã bị loài Lang sói đầu độc về cái mà chúng cho là thời hoàng kim của Ảo Vọng lâm. Đề-bà muốn thống trị muông thú bằng sức mạnh chứ không phải bằng Chánh pháp mà mỗi ngày hắn vẫn đang được học. Và một kế hoạch vô tiền khoáng hậu lật đổ vua Sư tử được tiến hành. Trong những hang sâu u tối, các đội quân thiện chiến đã được chuẩn bị. Và những tên thợ săn với vũ khí sắc bén trong tay cũng đã được loài Lang sói dẫn đến chờ sẵn nơi bìa rừng. Nhân ngày đại lễ quán đảnh, vua Sư tử chính thức truyền ngôi cho Đề-bà, cuộc tấn công toàn diện và đẫm máu sẽ diễn ra tại quảng trường lớn của rừng Ảo Vọng.

Cuộc lật đổ đã thành công.

Máu lênh láng khắp khu rừng. Hồ Phản Quang chuyển sang màu đỏ thẫm. Sau ba ngày, cây lá héo tàn. Tất cả các hồ đều chuyển sang màu đen. Loài chim Thiên Đường đồng loạt bay từ trên cao xuống đâm đầu vào mỏm đá hình cánh sen, nơi năm mươi đời vua Sư tử đã ngự trị và tuyên bày Chánh pháp đến muông thú bằng tiếng gầm uy dũng. Vua Sư tử, những vị lão thành trong vương thất, các vị quan trung thành có sức mạnh và uy đức, vì nguyện không sát sanh đã chọn cái chết mà không chống trả lại kẻ phản bội. Kỷ nguyên bình yên đã chấm dứt nơi rừng Ảo Vọng.

Nhưng loài Lang sói không chuẩn bị kế hoạch hoàn hảo này để cho Đề-bà lên ngôi. Đề bà cũng chỉ là một con cờ trong tay chúng mà thôi. Hắn đã bị giết chết ngay khi đặt bước chân đầu tiên lên mỏm đá hình cánh sen của vua Sư tử. Loài Lang sói tham lam, giả dối, ưa sát hại nắm quyền cai trị rừng Ảo Vọng. Chúng không tận diệt loài Sư tử. Chúng mở hết tất cả các cánh cửa ác pháp và biến loài chúa sơn lâm thành những kẻ nô lệ thấp hèn phục vụ cho chúng. Giờ đây, Sư tử phải đi như sói, đứng như sói, nằm như sói, ngồi như sói, ăn như sói, nói như sói và suy nghĩ như sói. Bài kệ bảy đời chư Phật dạy đã bị vùi sâu dưới đáy hồ Phản Quang một màu đen tối.

Chư ác mạc tác / Chúng thiện phụng hành / Tự tịnh kỳ ý / Thị chư Phật giáo.

Tất cả đã chìm vào quên lãng.

Một hôm, có vị Sa-môn đi vào Ảo Vọng lâm. Vị Sa-môn không hề biết nơi này đã hoàn toàn thay đổi, không còn là thiên đường với những nguồn năng lượng tốt lành và muông thú sống hiền lành, hài hòa với nhau, với con người. Khi đang thiền định dưới cội cây cổ thụ trơ trụi lá, vị Sa-môn quán sát thấy rõ nơi này Sư tử đi như sói, đứng như sói, nằm như sói, ngồi như sói, ăn như sói, nói như sói và suy nghĩ như sói. Thật lạ lùng. Khác xa với những lời đồn về Ảo Vọng lâm từ bấy lâu nay. Vị Sa-môn bèn tìm cách tiếp cận với một con Sư tử mà bằng tâm của mình, ngài biết rằng con Sư tử này vẫn chưa quên nguồn cội của nó. Sư tử bèn kể cho vị Sa-môn nghe cuộc lật đổ đẫm máu diễn ra cách đây ba năm. Giờ đây, Sư tử không còn quyền thống trị rừng Ảo Vọng. Nếu có một con Sư tử nào không đi như sói, đứng như sói, nằm như sói, ngồi như sói, ăn như sói, nói như sói và suy nghĩ như sói thì sẽ bị giết chết ngay lập tức. Sư tử cũng không còn biết hình dáng mình hiện nay ra sao, vì tất cả các hồ lớn nhỏ đều chuyển sang màu đen, chiếc gương Phản Quang để soi mình cũng không còn nữa. Nói xong, Sư tử khuyên vị Sa-môn nên mau rời khỏi khu rừng, vì nếu ở lại sẽ bị các loài thú ăn thịt tấn công.

Vị Sa-môn vốn đã chán cảnh đời ô trược, nhiều phiền tạp, muốn vào Ảo Vọng lâm - thiên đường như ngài đã được biết - để ẩn tu. Nào ngờ…

Ngài đành từ giã Sư tử, từ giã Ảo Vọng lâm ra đi với lời cảm thán:

Thương thay Ảo Vọng lâm/ Thương thay cho giáo pháp/ Thương thay cho chúng sinh/ Chìm đắm trong vô minh/ Còn đâu nữa rừng xanh/ Còn đâu nữa yên bình/ Còn đâu nữa tiếng gầm / Của loài Sư tử chúa/ Thế gian này tàn úa/ Vì tham vọng sân si/ Ảo Vọng lâm ra đi/ Có bao giờ trở lại?

Có thực Chánh pháp sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi Ảo Vọng lâm? Trước khi diễn ra cuộc tàn sát, vua Sư tử đã biết được sự phản bội của loài Lang sói và Đề-bà. Nhà vua âm thầm nhờ hậu duệ của khỉ chúa và voi chúa từng phục vụ cho Đức Phật thuở xưa đưa công chúa Sư tử Ta-ra lần theo đường hầm bí mật nằm ngay phía dưới mỏm đá hình cánh sen nơi lòng hồ Phản Quang ra đi an toàn. Công chúa được đưa đến một khu rừng thuộc vương quốc Phục Sinh và giữ lấy sứ mạng vua cha giao phó: đưa Ảo Vọng lâm trở về với Chánh pháp huy hoàng.

Bài viết: "Chuyện về Ảo vọng lâm"
Truyện ngắn Thắng Trí/ Vườn hoa Phật giáo