Có,

Tới…

   Đêm về.

   Dưới ánh điện sáng choang, hai trò nhỏ đang ngồi quây quần bên cha, nghe cha kể chuyện cổ tích.

   Câu chuyện đã tàn. Ông cha mở lấy kẹo chia cho mỗi trò hai cục.

   Trò lớn, hân hoan tiếp lấy, đem khoe với mẹ:

   - Mẹ ơi! Cha cho con “tới” hai cục kẹo lận!

Còn trò nhỏ buồn bã , đi trách móc với mẹ:

   - Mẹ ơi! Cha cho con “có” hai cục kẹo hà!

   Thưa quý đạo tâm, mỗi trò nhỏ đó, đồng thọ lãnh hai cục kẹo của cha cho, nhưng tâm trạng lại khác nhau: Vui, buồn!

   - Tại sao vậy?

   - Tại vì cái “muốn” khác nhau, mặc dù cái thấy chỉ là một.

   Trò lớn và trò nhỏ vẫn “thấy” mình có hai cục kẹo. nhưng trò nhỏ cho ít:

   - “Cha cho CÓ hai cục kẹo”. Trò nhỏ mới khổ.

   Còn trò lớn cho nhiều:

   - “Cha cho TỚI hai cục kẹo”. Lòng trò lớn vui.

   Phải chăng cái muốn khác nhau.

   Sở dĩ con người có vui, buồn là do cái “muốn”.

   Nếu sự kiện xảy ra, đồng với ý của ta, ta vui. Trái lại, ta buồn.

   Một triệu phú muốn trúng số độc đắc, đứng về phương diện tâm lý vẫn khổ như người ăn mày muốn có bịch gạo.

   Cái vui, hay cái khổ, không phải do cái giàu, hay cái nghèo, mà chính do cái “muốn giàu”, hay cái “sợ nghèo”.

   Kinh Pháp Cú Phật dạy:

   - “Người tri túc, dù ở lều tranh vẫn vui sướng. Còn người không biết tri túc dầu ở lầu các vẫn đau khổ”.

   Dưới dòng nước trong veo, đàn cá vàng lơ lững lội. Con chim nhìn thấy, ao ước mình được như cá.

   Trên trời xanh, con chim thong thả lượn, cá thấy ao ước mình được như chim.

   Lòng của chim cá đều khổ.

   Vì chim, không thể lội như cá, mà cá cũng không thể bay như chim.

   Chim khổ vì chim muốn mình sống trong cảnh cá.

   Cá khổ, vì cá muốn mình sống trong cảnh chim.

   Hơn nữa, chim, cá, nó không thấy cái vui của nó:

   Chim đối với cá, chim là ngôi thứ nhất, cá là ngôi thứ hai, thì chim không thể thấy cái vui của nó (ngôi thứ nhứt) mà chỉ thấy cái vui của cá (ngôi thứ hai), và nó cũng không dè nó cái vui… (cá đối với chim cũng như vậy)…

   Sao bằng, cá hãy tìm nỗi vui của cá dưới dòng nước trong veo, còn chim hãy tìm nỗi vui của nó trên khoảng trời xanh bát ngát, rừng rộng thênh thang.

   Vậy đứng về phương diện vật chất, tại sao ta không bảo:

   - “Tới hai cục kẹo” cho lòng được vui? Lại thốt:

   - “Có hai cục kẹo’ cho lòng khổ?

   Mô Phật!

Ghi lại lời của Thượng Tọa Giác Huệ thuyết tại Vũng Tàu - 1960

Nhất Chi Hoa