Một thời, Thế Tôn trứ ở Vesàli, tại Đại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỳ Kheo:

Này các Tỳ Kheo, có năm hạng người ban đêm ngủ ít thức nhiều. Thế nào là năm?

Người đàn bà, này các Tỳ Kheo, thao thức đến đàn ông. Người đàn ông, này các Tỳ Kheo, thao thức đến đàn bà, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Người ăn trộm, này các Tỳ Kheo, thao thức đến đồ ăn trộm, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Vị vua, này các Tỳ Kheo, lo lắng các công việc của vua, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Vị Tỳ Kheo, này các Tỳ Kheo, thao thức đến ly hệ phược, ban đêm ngủ ít thức nhiều.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, Chương V, Phẩm Vua, Phần Chúng ngủ rất ít, VNCPHVN, ấn hành năm 1996, tr 563)

 LỜI BÌNH:

Lấy đêm làm ngày là xu hướng của đời sống hiện đại. Vì thế, chứng mất ngủ hoặc ngủ rất ít ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và hiệu quả lao động. Trong đó, ngoài những người do công việc phải ngủ ít còn đa phần thao thức vì suy nghĩ, toan tính cho những tham vọng cố hữu của con người.

Thường thì những lúc cuộc sống bị biến động do áp lực công việc, tình cảm thái quá cùng với bao nỗi lo toan sẽ dẫn đến căng thẳng, khó ngủ hoặc không ngủ được. Ai đã từng thức khuya mới biết đêm dài và ít nhiều có cơ hội đối diện với chính mình khi xung quanh đều vắng lặng rồi tự khám phá rằng đêm thấy ta là thác đổ. Bóng đêm thật đáng sợ, vì đó là lúc con người cảm nhận một cách sâu sắc về những điều sâu kín, tiềm ẩn trong tâm hồn. Những niềm vui, nỗi buồn, yêu thương và thù hận, nhân cách cao thượng hay thấp hèn, những khao khát thầm kín, cháy bỏng… tất cả đều trào tuôn, sủi bọt và tung tóe trên dòng sông tư tưởng.

Đặc biệt nhất là những suy tư liên hệ đến ái và dục. Những đêm trắng thao thức dệt mộng vàng đã nung nấu và đốt cháy thời gian nghỉ ngơi của con người. Mặt khác, những dự định, toan tính cho sự nghiệp ngày mai đều góp phần làm cho con người thức nhiều, ngủ ít. Nhưng đêm dài lắm mộng ngoài những suy tư đem đến hạnh phúc cho cá nhân và xã hội còn có nhiều mưu đồ đen tối và xấu xa lợi mình, hại người.

Tuy nhiên, còn không ít người biết tận dụng quỹ thời gian ít ỏi của đời người để suy nghĩ, tìm cách đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho tha nhân. Đặc biệt là sự thao thức đến việc kiện toàn nhân cách để trở thành con người hoàn thiện, có ích cho xã hội.

Mặc dù, Thế Tôn không cho phép hàng đệ tử ngủ nghỉ quá nhiều, bởi đắm sự ngủ nghỉ sẽ chướng ngại tu tập và làm cho con người trở thành biếng nhác nhưng ngài cũng không tán thành việc ít ngủ để tư duy những việc không cần thiết. Phải biết tận dụng thời gian, tập trung vào công việc, nhất là những việc lợi mình và lợi người là phương châm của những người con Phật, sống theo lời Phật dạy.

Kinh lời Phật dạy

TT. Quảng Tánh