HT. Giác Giới

Kính bạch Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN,

Kính bạch Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhường – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh cùng chư vị tôn túc trong HĐCM GHPGVN,

Kính bạch Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu và Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực, chư Tôn đức Phó Chủ tịch, chư Tôn đức Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN,

Kính thưa Hoà thượng Thích Như Tước – Trưởng ban Trị sự và chư Tôn đức đại diện Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long và 12 BTS các tỉnh lân cận,

Kính thưa Ông Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ và các vị đại diện các cấp chính quyền đại diện tỉnh, thành và địa phương.

Kính thưa chư vị khách quý,

Kính thưa quý liệt vị,

(Ảnh: VG)

Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên lớn, đó là “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”; đã mở ra Ánh đạo vàng, xóa tan bóng tối đêm dài sanh tử cho vô lượng chúng sanh, đưa đến an vui hạnh phúc tuyệt đối, tức là Niết-bàn. Nối tiếp tâm nguyện của chư Phật, các bậc Tổ sư từ Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Việt Nam… đều đã nỗ lực tu học, chứng đắc và dùng vô số phương tiện để hoằng truyền Chánh pháp, làm lợi lạc quần sanh.

Trong số những vị Tổ sư ở miền Nam đã tạo nên những dấu ấn lịch sử có sức lan tỏa trong đời sống tu tập tâm linh tại miền Nam, như Tổ sư Huệ Quang, Tổ Khánh Anh, Tổ Khánh Hòa còn có Tổ sư Minh Đăng Quang, vị khai sáng đạo Phật khất sĩ Việt Nam. Tuy thời gian chứng ngộ, hoằng hóa chỉ trong vòng 10 năm, song Ngài đã tạo nên một dòng truyền thừa Phật giáo biệt truyền Khất sĩ có sức lan tỏa khắp miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

“Mười năm ấy một dấu son,

Mười năm đi lại con đường Thích-ca”.

Ngài sinh vào năm 1923 tại tổng Bình Phú, xã Hậu Lộc, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là Ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Tại chính mảnh đất này, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã kiến lập ngôi Tổ đình Minh Đăng Quang hầu lưu niệm dấu tích lịch sử quan trọng này.  

Ngài xuất gia, tu tập và giác ngộ Chơn lý vào mùa Xuân năm 1944, sau đó lên vùng núi Thất Sơn ẩn mình tu tập. Năm 1946, Ngài được một cư sĩ nam thỉnh về Linh Bửu Tự ở Mỹ Tho để hoằng truyền Chánh pháp. Cũng tại ngôi chùa này, Ngài phát nguyện thọ Sa-di giới và Cụ túc giới năm 1946.

Năm 1947 - 1948, Ngài thâu nhận đệ tử và bắt đầu hành đạo từ Phú Mỹ lên Long An, xuống Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, rồi về lại Long An, Thủ Thừa và Ngài tiếp tục hành đạo lên các vùng Bến Lức, Phú Lâm, Chợ Lớn, Bà Chiểu, đến các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Trong hai năm này, Ngài đã nhiếp độ hai chúng xuất gia và tại gia, soạn thảo nghi thức tụng niệm, chương trình tu học, hành đạo cho Tăng Ni và cư sĩ. Ngài quan tâm giáo dưỡng, tạo nền tảng cho Tăng đoàn và Ni đoàn, tốt về đạo hạnh, vững về kiến thức Phật pháp.

Trong suốt 8 năm hoằng hóa (1947 – 1954), Ngài tế độ hàng trăm Tăng Ni và quy y cho hàng vạn tín đồ. Pháp bảo cao quý của Ngài để lại là bộ Chơn Lý, gồm 69 quyển, mà trong di thư cho tứ chúng đệ tử, Ngài gọi là đó là “dấu xương”. Chính nhờ dấu xương này, chư Tăng Ni và các thiện nam tín nữ hữu duyên hiểu rõ hơn hoài bão, tâm nguyện của Đức Tổ sư cũng như phương pháp then chốt trong việc hành trì giáo pháp và ý nghĩa phụng sự nhân sinh. Trong thời gian đó, Ngài cũng đã chứng minh và kiến lập hơn 20 ngôi tịnh xá.

Ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ - 1954, Ngài thọ nạn và vắng bóng cho đến ngày nay. Kể từ đó, mỗi năm hàng môn đồ đệ tử đến ngày này đều câu hội về một trú xứ để tưởng niệm, chia sẻ kinh nghiệm tu học và hoằng pháp, bày tỏ hiếu tâm, thực hành hiếu hạnh, như một nén tâm hương dâng lên cúng dường đức Tổ sư.

Năm nay, được sự cho phép của chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long và các cấp Chính quyền, chúng tôi tổ chức trọng thể lễ Tưởng niệm 65 năm Đức Tổ sư vắng bóng để bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân đối với Ngài đã khai sáng nên ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM, với chí nguyện “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP”.

Chúng tôi thiết nghĩ, ân đức sâu dày của Tổ sư mà hàng môn đồ đệ tử và hậu thế thọ nhận là sự xả thân học đạo của Ngài, tinh thần tha phương tầm cầu chân lý, sự nỗ lực tu tập để chứng đắc chân lý, đúng với chân lý Phật-đà, truyền dạy và biên soạn thành bộ Chơn Lý gồm 69 quyển, để mỗi học trò đệ tử trong Hệ phái tiếp nhận và hành theo, không ngoài đại nguyện vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

(Ảnh: VG)

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa đại chúng,

Chân lý Chánh pháp Phật-đà ấy, chính Đức Thế Tôn thuở xưa khi còn là Bồ-tát đã xả thân tìm cầu và tu tập như trong Kinh Thánh Cầu (số 26) thuộc Trung Bộ có viết: “Ta, kẻ đi tìm cái chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng, an tịnh đạo lộ”. Ý pháp này cũng còn được Đức Thế Tôn trình bày, giải thích một cách sâu sắc trong Kinh Makkhadeva (số 83) thuộc Trung Bộ Kinh: “Truyền thống tốt đẹp do Ta thiết lập này, đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn, chính là Thánh đạo tám ngành này, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm Chánh định. Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, hãy tiếp tục duy trì, các ngươi chớ thành người tối hậu sau Ta.”

Cũng chính truyền thống chân lý Chánh pháp này đã được Thế Tôn rống tiếng rống sư tử tán thán đề cao trong Kinh Pháp Cú, từ câu 273 – 276.

Tám Chánh, đường thù thắng,

Bốn câu, lý thù thắng.

Ly tham, pháp thù thắng,

Giữa các loài hai chân,

Pháp nhãn, người thù thắng.

“Đường này không đường khác,

Đưa đến kiến thanh tịnh.

Nếu ai theo đường này,

Ma quân sẽ mê loạn”.

“Nếu ngươi theo đường này,

Đau khổ được đoạn tận.

Ta dạy ngươi con đường,

Với trí, gai chướng diệt”.

“Ngươi hãy nhiệt tâm làm,

Như Lai chỉ thuyết dạy.

Người hành trì thiền định,

Thoát trói buộc Ác ma”.

Trong Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ” (số 63), Đức Tổ sư đã khẳng định: Ngài  xuất gia 1944 tại Vĩnh Long, đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa (Bắc truyền) và Phật giáo Nguyên thủy của xứ Chùa tháp Campuchia và Việt Nam.  

Với cách nhìn Chân đế, Đức Tổ sư nhận thấy cả Phật giáo Thượng tọa bộ và Đại thừa, về cốt lõi không có gì sai biệt, nên Ngài dạy:“Không có phân biệt thừa phái gì cả, mà chỉ có sự khổ của chúng sanh thôi và chỉ có Giới Định Huệ là pháp cần phải tu học”.

Đức Tổ sư còn nhấn mạnh: “Người Khất sĩ, chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới Định Huệ” (Chơn Lý Y bát Chơn truyền - số 13) và đối với người tại gia cư sĩ, Đức T cũng dạy như vậy: “Bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ cần phải mang theo Giới Định Huệ” (Chơn Lý “Cư sĩ” - số 16).

Giới, Định, Huệ được Đức Tổ sư xác định ở đây là hình thức tóm gọn lại từ Bát Thánh Đạo do Đức Thế Tôn thuyết giảng ở nhiều kinh trong Tam tạng Thánh điển, đặc biệt Kinh Makkhadeva (số 83, Trung bộ) đức Thế Tôn gọi đây là “Pháp truyền thống do Ngài tìm cầu, chứng đạt, công bố và thiết lập. Trong Kinh Thánh Cầu (số 26, Trung Bộ Kinh), đức Thế Tôn còn gọi Bát Thánh đạo là:“Con đường chí thiện, vô thượng, tối thắng, an tịnh đạo lộ”. Pháp này cũng là Pháp thu nhiếp tất cả các thiện pháp, như dấu chân voi - đệ nhất về sự to lớn, thu nhiếp tất cả dấu chân các loài động vật (Tiểu Kinh Đại Kinh Dấu Chân Voi, số 27 và 28, Trung B Kinh).

Các bậc Thánh đệ tử của Đức Phật đương thời tinh tấn hành trì giáo pháp này và sau khi được sáng tỏ pháp, hoan hỷ dâng trào, thốt lên lời cảm trọng ân đức đến bậc Thầy rằng: “Như người dựng đứng lại những gì bị ngã xuống, đem đèn sáng vào trong bóng tối, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng”.

Thật hạnh phúc thay cho chúng ta, cho những ai thành tựu được Pháp nhãn:

“Hơn thống lãnh cõi đất,

Hơn làm vua cõi trời,

Hơn chủ trì vũ trụ,

Quả Dự Lưu tối thắng”.

(Pháp Cú, số 178)

Tóm lại, khi nào chúng ta tuệ tri được Pháp chí thiện, nghĩa là Sơ thiện là Thánh Giới, Trung thiện là Thánh Định, Hậu thiện là Thánh Huệ, là pháp chí thiện vô thượng, tối thắng, an tịnh đạo lộ, do Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni tìm cầu, chứng đạt và công bố, nay Pháp ấy được Đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất gia tầm cầu, xác chứng với tâm nguyện: Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, thì khi đó chúng ta mới thật sự là người biết ơn và đền ơn đúng pháp, đúng nghĩa nhất đối với Đức Thế Tôn và Đức Tổ Sư.

Nói rõ hơn, khi nào chúng ta tinh tấn thực hiện trọn vẹn di ngôn tối hậu của Đức Thế Tôn, khi trên đường từ Vaishali đến Kusinara để nhập Vô dư Niết-bàn:Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ngươi; các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để Phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài trời và loài người, chính là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần, khi ấy chúng ta mới thật sự nhớ ơn, đền ơn Đức Phật, Đức Tổ một cách đúng pháp và có ý nghĩa nhất.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa đại chúng,

Nhân Đại lễ Tưởng niệm 65 năm Tổ sư vắng bóng, chúng tôi đồng tổ chức Lễ Khánh thành Tổ đình Minh Đăng Quang sau 6 năm xây dựng.

Nhân đây, chúng con xin thành kính đảnh lễ tri ân đến với mười phương Tam Bảo đã gia hộ, ân đức cao trọng của Tổ sư cùng chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức Tăng Ni. Chúng tôi trân trọng cảm ơn quý Phật tử trong và ngoài nước đã nhiệt tâm góp phần cúng dường tịnh tài, tịnh vật để ngôi Tổ đình gồm 10 hạng mục được hoàn thiện khang trang như ngày hôm nay.

Chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân đến các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép xây dựng, nhờ đó công trình mang tính tâm linh, lịch sử trọng đại và ý nghĩa này được thực hiện, thi công và hoàn thành đúng như tâm nguyện của hàng đệ tử Khất sĩ.

Trước khi dứt lời, chúng con xin thành kính tri ân và kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm các cấp Giáo hội Pháp hỷ sung mãn, Phật sự viên thành.

Chúng tôi thành kính cầu nguyện Tam Bảo chứng minh cho toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái một mùa tri ân, tưởng niệm trọn vẹn và tinh tấn trong tu tập.  

Kính chúc quý vị đại biểu, đại diện Chính quyền các cấp sức khỏe an khang, để đóng góp xây dựng đất nước ngày một phồn vinh thịnh vượng.

Chúc lành đến toàn thể quý Phật tử tham dự Đại lễ Tưởng niệm 65 năm và Khánh thành Tổ đình Minh Đăng Quang cát tường như ý, thuận duyên trong cuộc sống.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT