Đại đức Minh Sĩ

Giới (Sìla), Định (Samàdhi), Tuệ (Paññà) hay Bát chánh đạo (Ariya –atthangika- magga) là con đường độc đạo, duy nhất của người học Phật, và nó cũng là đỉnh cao của sự bình đẳng trong giáo lý của Phật đà. Người cao quý hay người cùng đinh, người quý tộc, hay kẻ dân thường, một khi đã thọ giới pháp để trở thành người Phật tử tại gia hay người xuất gia, đều phải giữ gìn như nhau. Trong kinh Trường bộ , tập 1 bài kinh Đại bát Niết bàn có dạy: “Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Định được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Tuệ được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh giải thoát được giác ngộ, được chứng đạt, thời tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống được dứt sạch, nay không còn một đời sống nào nữa”[1].

Con đường tu tập thông qua Giới, Định, Tuệ để thành tựu thánh quả là con đường chung cho tất cả chúng sanh, không dành riêng cho một đối tượng nào. Nếu chúng sanh biết tinh tấn tu tập đúng cách thì quả vị đạt được như nhau, không cao không thấp. Nếu tinh thần bình đẳng trong tu tập, bình đẳng trong giải thoát được được chúng ta khéo léo phương tiện vào trong cuộc sống đời thường thì sẽ đem lại rất nhiều hạnh phúc và an lạc cho nhân loại. Vì con người thường hay phân biệt có sự cao quý và thấp hèn trong các lãnh vực, trong công việc của mình. Đối với tinh thần bình đẳng giải thoát thì không có nghề nghiệp hay con người thấp hèn hay cao quý mà thấp hèn hay cao quý chỉ thể hiện trong lối sống và cách cư xử thường ngày của họ.

Thông qua khóa tu Giới, Định Tuệ giúp cho hành giả có thời gian chiêm nghiệm lại  thời gian đã qua mình đã thành tựu được những gì trên bước đường tu tập. Đồng thời cũng nhắc nhở cho chúng ta cái gì là quan trọng trên lộ trình giải thoát của mình.

Sau một tuần tập trung tu học cho khóa tu Giới Định Tuệ lần 2 của Phân đoàn Ni- Giáo đoàn 6- HPKS. Hôm nay là ngày cuối cùng, Chư Hành giả trong khóa tu đã thu hoạch một số điều bổ ích để làm hành trang trên bước đường tu học của mình. Điều này được thể hiện qua sự hoan hỷ của từng hành giả và sự mong muốn được tham dự khóa tu tiếp theo của Phân đoàn Ni trong giáo đoàn, dự trù sẽ được tổ chức vào tháng 9 AL trong năm.

Trong buổi lễ bế mạc, qua lời chứng minh của TT. Giác Nhuận, Phó Trị sự trưởng của giáo đoàn, Ngài tán thán công đức lành và sự cố gắng của từng vị trong phân đoàn Ni giới của giáo đoàn đã tạo nên sức mạnh đoàn kết đúng như tinh thần Tập sống chung tu học của đức Tổ sư khai sơn Hệ phái đã dạy. Và điều này cũng đúng với tinh thần đoàn kết, hòa hợp mà Phật dạy trong Trường bộ kinh tập 1, qua bài kinh Đại bát Niết- bàn câu chuyện vua Ajjatasattu muốn chinh phục nước Vajjì, nên sai đại thần Vassakara đến gặp đức Phật để thăm dò ý kiến. Phật không trả lời trực tiếp mà hỏi Ananda về tình hình nước Vajjì qua 7 câu hỏi. Ananda đều trả lời đầy đủ các câu hỏi đó. Lúc ấy đại thần Vassakara nghe xong, bạch với đức Phật nếu dân nước Vajjì chỉ cần giữ một trong bảy điều ấy thì không có ai xâm phạm được. Nhân đó Phật bảo Ananda gọi chư tỷ kheo đến giảng đường để dạy bảy[2] điều này. Chúng tôi xin trích dẫn điều thứ nhất trong bảy điều đức Phật đã dạy cho chư tỷ kheo.

“Này các Tỷ- kheo, khi nào chúng Tỷ kheo tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc tăng trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ- kheo, chúng Tỷ- kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[3].

Tại sao đức Phật dạy chúng tăng phải có tâm đoàn kết, vì Ngài sợ sau khi diệt độ các hàng đệ tử sẽ có mâu thuẩn với nhau dẫn đến sự tổn giảm về giới hạnh và sự chia rẻ trong tăng đoàn. Ngài như một người cha dặn dò các con trước lúc đi xa rằng, các con hãy thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, không có một kẻ thù nào hại được các con nếu các con đoàn kết một lòng, và ngược lại nếu các con sống không hòa thuận, không đoàn kết cho dù những thế lực bên ngoài không đến phá hại mình thì mình cũng tự tan vỡ.

Như vậy, đoàn kết và hòa hợp sẽ tạo nên một sức mạnh không có gì phá vỡ, đồng thời cũng giúp cho những người tu tập hiểu nhau hơn trong thời gian cộng trú với nhau. Khóa tu Giới Định Tuệ của Hệ phái tổ chức cho chư Tôn đức Tăng hay các khóa tu của Chư Tôn đức Ni trong các giáo đoàn Ni cũng nhằm giúp cho chư Tăng, chư Ni có điều kiện tu tập tốt, trao đổi kinh nghiệm học tập với nhau, đặc biệt là có điều kiện tìm về cội nguồn Khất sĩ của ba đời chư Phật.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ bế mạc khóa tu:






































[1] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, tập 1, ‘Kinh Đại bát niết bàn’, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 616.

[2] Tức là bảy pháp bất thối

[3] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, tập 1, bài kinh Đại bát Niết- bàn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, tr 547.