Đức Phật chỉ giảng dạy những gì giúp chúng sanh thoát khỏi đau khổ, hướng đến an tịnh giải thoát Niết-bàn mà thôi. Ngài bỏ qua một bên những lý thuyết về vũ trụ, về nhân sanh, vì những lý thuyết ấy không giúp gì cho người tu hành hướng đến an tịnh giải thoát Niết-bàn.


Đại đức Cùla Màlunkyàputta, một hôm trong khi tu hành thanh tịnh vắng vẻ bỗng nghĩ rằng: Đức Thế Tôn có bỏ qua không trả lời những vấn đề: “Thế giới là thường còn hay không thường còn? Thế giới là vô biên hay hữu biên? Thân thể với sự sống là một hay không là một? Sau khi mất rồi, Đức Như Lai còn tồn tại hay không tồn tại, cũng tồn tại và cũng không tồn tại hay cũng không tồn tại cũng không không tồn tại?”

Đại đức tự thấy băn khoăn không được vui, vì Đức Phật không trả lời vấn đề này, nên Đại đức liền đến đảnh lễ yết kiến Đức Phật, yêu cầu Ngài trả lời dứt khoát những vấn đề trên, và Đại đức nói thêm, nếu Đức Phật trả lời dứt khoát thì Đại đức sẽ hoan hỷ ở lại tu hành trong đạo Ngài, còn nếu Đức Phật trả lời không dứt khoát thì Đại đức sẽ không theo học đạo Ngài và sẽ hoàn tục trở về với đời sống xưa. Đức Phật trả lời như sau:

“Này Màlunkyàputta, Ta có nói với ngươi chăng: Hãy xuất gia tu phạm hạnh trong đạo Ta, rồi Ta sẽ trả lời cho ngươi: Thế giới là thường còn hay thế giới là không thường còn; thế giới là hữu biên hay thế giới là vô biên; Sự sống và thân thể là một hay không phải một; sau khi tạ thế Đức Như Lai tồn tại, hay không tồn tại, cũng tồn tại và cũng không tồn tại, hay không tồn tại và cũng không không tồn tại”.

- Bạch Thế Tôn, không có vậy.

“Này Màlunkyàputta, ngươi có nói với Ta chăng: Con sẽ xin xuất gia tu phạm hạnh trong đạo Ngài và Ngài sẽ trả lời cho con: Thế giới là thường còn hay không thường còn...”.

- Bạch Thế Tôn, không có vậy.

- Như vậy, Ta không có hứa với ngươi là nếu ngươi xuất gia, Ta sẽ trả lời cho ngươi: “Thế giới là thường còn...” Và ngươi cũng không có nói với Ta: “Con sẽ xin xuất gia tu phạm hạnh trong đạo Ngài và Ngài sẽ trả lời cho con: Thế giới là thường còn...” Sự thể đã như vậy, này kẻ mê muội kia, ngươi là ai, và ngươi tuyên bố từ bỏ bài bác cái gì mới được! Này Màlunkyàputta, nếu có người nói: “Con sẽ xuất gia tu phạm hạnh trong đạo của Đức Thế Tôn chỉ khi nào Đức Thế Tôn trả lời cho con: Thế giới là thường còn hay thế giới là không thường còn...”, này Màlunkyàputta, câu hỏi của người ấy chưa được Đức Như Lai trả lời thì người ấy đã phải chết rồi.

Này Màlunkyàputta, ví như có người bị một mũi tên bắn phải, và mũi tên ấy lại tẩm thuốc độc. Bạn bè quyến thuộc người ấy mời một vị lương y ngoại khoa để chạy chữa. Nhưng người ấy nói: “Không, tôi chỉ nhổ mũi tên này ra khi nào tôi được biết người đã bắn tôi tên là gì, thuộc dòng họ nào. Người bắn mũi tên ấy là da đen hay da xám... ở tại làng nào, huyện nào, tỉnh nào, mũi tên làm bằng gì...”. Này Màlunkyàputta, trước khi người ấy được biết điều người ấy muốn biết thì người ấy đã chết rồi. Cũng vậy, này Màlunkyàputta, nếu có người nói như sau: “Tôi sẽ xuất gia tu phạm hạnh với Đức Thế Tôn chỉ khi nào Đức Thế Tôn trả lời cho tôi: Thế giới là thường còn hay thế giới là không thường còn...”, này Màlunkyàputta, trước khi người ấy được Như Lai trả lời thì người ấy đã phải chết rồi.

Này Màlunkyàputta, thật ra sự có mặt của lý thuyết Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường không giúp gì cho sự tu hành phạm hạnh. Này Màlunkyàputta, chính sự có mặt của lý thuyết: Thế giới là vô thường và sanh tồn tại, già tồn tại, chết tồn tại, ưu bi khổ não tồn tại. Và chính Ta đã giảng dạy phương pháp trừ diệt chúng chính trong đời này. (Cũng như vậy, với các lý thuyết: Thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên, thân thể với sự sống là một hay không phải một ...).

Vậy nên Màlunkyàputta, những điều Ta đã không tuyên bố, ngươi phải nắm giữ lấy là không tuyên bố; những gì Ta đã tuyên bố, ngươi phải nắm giữ lấy là đã tuyên bố. Này Màlunkyàputta, những điều gì Ta không tuyên bố? Này Màlunkyàputta, thế giới là thường còn, đó là điều Ta không tuyên bố. Thế giới là vô thường, đó là điều Ta không tuyên bố... Này Màlunkyàputta, tại sao Ta lại không tuyên bố? Này Màlunkyàputta, sự tuyên bố ấy không đưa lại lợi ích, không phải là căn bản của sự tu hành phạm hạnh, không đưa đến chán ghét, ghê tởm, sự diệt trừ, sự an tịnh, không đưa đến thượng trí, Chánh giác, Niết-bàn, vì vậy Ta không tuyên bố.

Này Màlunkyàputta, những gì Ta tuyên bố? Này Màlunkyàputta, đây là Khổ. Này Màlunkyàputta, đấy là lời Ta tuyên bố. Đây là nguyên nhân của khổ, này Màlunkyàputta, đó là lời Ta tuyên bố. Đây là sự diệt khổ, này Màlunkyàputta, đó là lời Ta tuyên bố. Đây là con đường đưa đến diệt khổ, này Màlunkyà-putta, đó là lời Ta tuyên bố. Này Màlunkyàputta, tại sao ta lại tuyên bố những điều ấy. Những điều ấy đưa lại lợi ích, là căn bản của sự tu hành phạm hạnh, đưa đến chán ghét, ghê tởm, diệt trừ, an tịnh, đưa đến thượng trí, chánh giác, Niết-bàn, vì vậy Ta tuyên bố những điều ấy. Này Màlunkyàputta, những điều Ta không tuyên bố, ngươi phải nắm giữ lấy là không tuyên bố những điều Ta đã tuyên bố, ngươi phải nắm giữ lấy là đã tuyên bố. “Như vậy là lời dạy của Đức Phật” Đại đức Màlùnkyàputta hoan hỷ tán thán lời dạy của Đức Như Lai.

Lời bàn của người dịch:

Đoạn kinh trên nêu rõ Đức Phật chỉ giảng dạy những gì giúp chúng sanh thoát khỏi đau khổ, hướng đến an tịnh giải thoát Niết-bàn mà thôi. Ngài bỏ qua một bên những lý thuyết về vũ trụ, về nhân sanh, vì những lý thuyết ấy không giúp gì cho người tu hành hướng đến an tịnh giải thoát Niết-bàn. Thái độ của Đức Phật rất thiết thực và rõ ràng. Đối với Đức Phật, vấn đề có Thượng Đế hay không, không phải là vấn đề quan trọng, vì dầu Thượng Đế có hay không, sự đau khổ vẫn đè nặng trên đời sống con người và loài người vẫn sống trong dục vọng tham, sân, si, phiền não. Tuy vậy, các học trò Đức Phật về sau đã quên lời dạy này, hợp thành các tôn phái chống báng nhau, công kích nhau, tạo thêm nhiều lý thuyết mới, và quên rằng người Phật tử chỉ là người theo lời dạy Đức Phật, thiết thực tu hành theo con đường Ngài đã thực nghiệm và truyền dạy.

Vậy điều cần hiện tại của người Phật tử là bỏ qua một bên các biện luận suông, bỏ sự chấp chặt những lý thuyết tôn phái này tôn phái khác, thiết thực cố gắng ứng dụng những lời dạy Đức Phật trong đời sống hàng ngày của mình, để san bớt dần những dục vọng, giải thoát dần những phiền não. Có vậy mới nhận chân được ý nghĩa lời dạy Đức Phật và mới hưởng được lợi ích thiết thực của đạo Phật.


 Hòa thượng Thích Minh Châu

 Nguồn: vuonhoaphatgiao.com