GN - Xóm tôi (Q.4, TP.HCM) có một bà cô già tuổi ngoài 60, không chồng con, sống một mình. Tất cả sinh hoạt của cô phụ thuộc vào khoản lương hưu hơn năm triệu mỗi tháng. Cô tiết kiệm mọi chi tiêu, nước và điện xài gói ghém, cả ăn uống cũng vậy.

Thức ăn của cô thanh đạm đúng nghĩa, chỉ có mớ rau, cái trứng luộc, hôm nào “sang trọng” lắm là có thêm giỏ cá hấp. Cô tiết kiệm cho mình, nhưng lại hào sảng với lũ chim.

cho chiman.jpg
Giữ cho tim mình không héo úa - Ảnh minh họa


Khoảng mười năm nay, cô giữ thói quen cho chim chóc ăn. Sáng nào cũng vậy, sau khi ngủ dậy, vệ sinh, thắp nhang lên bàn thờ xong là cô hốt gạo rải ngoài hiên nhà đãi chim và niệm A Di Đà Phật. Mỗi lần như vậy hơn nửa chén gạo. Hàng xóm thương, vừa khuyên vừa trêu “sao mà bao đồng, để gạo ăn, có chi mà cho chim ăn suốt”, nhưng cô cứ cười xòa rồi thôi.

Có lần tôi hỏi: “Tư ơi, sao Tư thương lũ chim quá vậy?”, cô cười hiền trả lời: “Thì thương nó đi kiếm ăn cực nhọc. Như mình hồi xưa đi làm được trả lương, kiếm được tiền nuôi được gia đình là mừng vậy đó. Con chim đi kiếm mồi mà gặp mớ gạo mình rải, nó cũng vui như mình có việc làm, có tiền mua thức ăn, nên Tư cho tụi nó ăn”.

Hỏi thêm mới biết, để cho chim ăn, cô phải nhín bớt cữ ăn của mình. Cô bảo: “Không đáng bao nhiêu. Già rồi, nấu cơm nhão nhão như nấu cháo cho dễ nuốt, tốn nhiêu gạo đâu. Cho chim nó ăn, nó vui, lòng Tư cũng vui, sung sướng lạ lắm. Tư tuổi đã già nhưng lòng chưa bị héo úa, là nhờ biết cách tìm niềm vui cho mình như vầy nè”.

Dường như sự sẻ chia chân thành đến từ suy nghĩ thiện lành bao giờ cũng đem đến cho người ta thật nhiều hạnh phúc.

Khánh Vi

Nguồn: giacngo.vn