Hạnh nguyện Quán Âm


Trên thế gian này có rất nhiều hình ảnh của người mẹ hiền hy sinh cả cuộc đời mình cho con cái, nhưng tất cả những người mẹ hiền ấy không ai qua được hình ảnh của mẹ hiền Quán Thế Âm. Vì đây là một người mẹ hiện thân của đức từ bi, thiết tha, chân thành và quảng đại luôn vì nỗi khổ của chúng sanh mà cứu độ cho họ qua cơn khổ đau. Một người mẹ, một vị bồ tát luôn luôn thị hiện với những hình ảnh rất dung dị, gần gũi với tất cả chúng ta.

Ngài đã phát đại nguyện lực, thực hiện hạnh từ bi trong tận cùng những đời vị lai, Ngài sẽ không thành Phật nếu có chúng sanh còn lặn hụp, trôi lăn trong biển ái trầm luân. Vì chỉ có lòng từ bi và trí tuệ mới phá đi được bóng tối vô minh, mới giúp được nhân sanh thoát khỏi đêm trường mộng ảo, mới có được hạnh phúc thật sự của kiếp người. Vì thế mà Ngài phát hạnh nguyện từ bi tầm thinh cứu khổ cho muôn loài qua hai pháp môn nổi tiếng là nhĩ căn viên thông.

Theo kinh Quán Âm tam muội nói rằng, Ngài chính là vị cổ Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, cũng vì lòng từ bi và hạnh nguyện độ sanh mà Ngài thị hiện làm bồ tát để dấn thân vào con đường hóa độ.

Mỗi khi có người bị nạn tai, với tâm thành cầu nguyện, thì Ngài đều thị hiện qua nhiều hình ảnh được nhắc đến trong kinh Diệu pháp Liên hoa như là: Phật, Bồ tát, Thinh văn, Duyên giác, Đế thích, Tỳ sa môn thiên vương, Cư sĩ, Trưởng giả, Đồng nam, Đồng nữ,… thậm chí là  một người mẹ, một người cha, hay là một một người nào đó giúp cho chúng ta vượt qua những cơn khổ đau của cuộc đời.

Đó là một số hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm mà chúng ta cúng vái, lễ lạy hàng ngày. Có khi nào chúng ta tự nghĩ mình là một người Phật tử lâu năm mình có thực hiện được hạnh nguyện của đức Quán Âm hay không? Hay là chúng ta chỉ biết khấn vái, cầu nguyện sự giúp đỡ từ tha lực của người khác, trong khi cốt lõi của đạo Phật là chúng ta phải biết tự lực, phải biết tự tu tập mới là phần trọng yếu, còn cầu nguyện, lễ lạy chỉ là thứ yếu.

Đây là một vấn đề mà chính những người trong cuộc phải tự trả lời. Theo chúng tôi, mỗi người chúng ta đều có thể là một hóa thân của đức Quán Âm nếu chúng ta biết đồng cảm với những niềm vui  những nỗi khổ của người khác. Chúng ta có lòng từ bi và trí tuệ để giúp đỡ, vỗ về, an ủi người khác khi người ta gặp những hoạn nạn, khổ đau hay những biến cố lớn trong cuộc sống. Những lúc người khác cần sự giúp đỡ nhất mà chúng ta có thể giúp đỡ được họ trên tinh thần vô ngã, không vụ lợi, không tính toán và không  tổn hại về mạt đạo đức. Chính những lúc đó chúng ta là một hóa thân của đức Quán Âm.

Như vậy, trong cuộc sống đời thường, chúng ta phải tập sống làm sao chúng ta là những người giúp đỡ được người khác thì chúng ta sẽ luôn được an lạc trong kiếp sống hiện tại và vị lai. Còn như chúng ta chỉ biết có cầu nguyện, nhờ vào tha lực, nhờ vào sự giúp đỡ của người khác thì cuộc sống chúng ta chưa thực sự được hạnh phúc. Vì cầu nguyện có lúc nguyện ước được thực hiện nhưng đa phần là không thành hiện thực. Nếu chư Phật, chư Bồ tát, chư hiền Thánh tăng có năng lực biến những nguyện ước của chúng ta thành hiện thực thì trên đời này đâu còn khổ đau. Chư Phật ba đời chỉ là người hướng đạo sư chỉ cho chúng ta những con đường sáng để chúng ta tu tập, làm các thiện sự,… tạo bước căn bản cho con đường tu tập giải thoát.

Để cho cuộc sống tâm linh của chúng ta được thăng hoa thì chúng ta phải biết kết hợp giữa cầu nguyện lễ bái và thực hành những lời dạy của chư Phật, chư Bồ tát. Cầu nguyện để các Ngài chỉ cho chúng ta một con đường sáng, lễ lạy giúp cho chúng ta dần dần tiêu trừ những sự cống cao, ngã mạn, chấp trước, ích kỷ,… Còn thực hành giúp cho chúng ta vượt thoát sinh tử luân hồi và vững bước trên con đường giải thoát.