HT. Giác Toàn

Tịnh xá là dịch nghĩa của chữ Phạn “Vihāra”, vốn có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch; là nơi ở của các vị Sa-môn, Bà-la-môn đang tu tập để giải thoát, giác ngộ, không phân biệt đó là truyền thống nào. Chữ Vihāra này, cả văn hệ Pali và Sanskrit đều dùng chung. Nó được các dịch giả Trung Hoa dịch là “Tinh xá” và Hòa thượng Thích Minh Châu, dịch Đại tạng kinh Pali sang tiếng Việt cũng dùng từ “Tinh xá”, như Tinh xá Trúc Lâm, Tinh xá Kỳ Hoàn, v.v… Một số bản kinh Đại thừa dịch từ Hán sang Việt ngữ, một vài dịch giả cũng dịch là “Tinh xá” hoặc “Tịnh xá”. Điều này thiết nghĩ không có gì quan trọng, mà vốn chỉ là dụng ngữ của từng dịch giả mà thôi. Tổ Sư Minh Đăng Quang dùng từ “Tịnh xá”, thiết nghĩ, nghe gần gũi và dễ hiểu hơn đối với quần chúng và điều đó cũng là một phần thể hiện quan điểm của Ngài tại sao phải Việt hóa kinh điển. Rõ ràng khi nói đến sự trong sạch, chúng ta dùng chữ thanh tịnh chữ không dùng chữ “thanh tinh” nên cách dùng từ “tịnh” gần gũi với quần chúng hơn. Mặc dầu chữ “tinh” ở đây có nghĩa là tinh khiết, trong sạch, đồng nghĩa với chữ “tịnh” nhưng vì quần chúng ít dùng, nên Tổ không dùng. Nói tóm lại, Tịnh xá là nơi vắng vẻ, trong sạch, yên lặng, trú xứ dành cho chư Tăng tu hành, tham thiền, nhập định.

 2. DANH HIỆU CÁC NGÔI TỊNH XÁ

Danh hiệu các ngôi tịnh xá thường có hai chữ, thường có chữ Ngọc đứng đầu để ẩn dụ rằng các ngôi đạo tràng tịnh xá là nơi hoằng hóa đạo đức, lợi lạc quần sanh, có giá trị như là những viên ngọc quý trong thế gian. Còn chữ thứ hai, Tổ sư và chư Trưởng lão Tăng Ni đã tùy nghi dùng tên địa phương của khu vực đó để đặt. Một trường hợp khác là Tổ sư và quý Trưởng lão Tăng Ni cũng dùng một từ liên hệ đến giáo pháp, hoặc diễn tả được quan điểm đạo đức, hoài bão hay chí nguyện của người khai sáng, hay tâm nguyện chung của đồng bào Phật tử địa phương.

Ví dụ, các tịnh xá sau đều mang tên của địa phương, như Tịnh xá Ngọc Bình và Ngọc Dương tại Bình Dương, Tịnh xá Ngọc Long và Ngọc Khánh tại Long Khánh, Tịnh xá Ngọc Phụng và Ngọc Hiệp tại Phụng Hiệp, Tịnh xá Ngọc Ninh và Ngọc Thuận tại Ninh Thuận, Tịnh xá Ngọc Đà tại Đà Lạt, Tịnh xá Ngọc Nhơn tại Quy Nhơn, Tịnh xá Ngọc Kỳ tại Tam Kỳ, Tịnh xá Ngọc Tiên tại Hà Tiên, v.v…

Còn nhiều tịnh xá đã được đặt tên liên hệ với pháp như: Ngọc Pháp, Ngọc Tâm, Ngọc Thiền, Ngọc Viên, Ngọc Quang, Ngọc Đăng, Ngọc Liên, Ngọc Phương, v.v…

Ngoài ra, có một vài tịnh xá, tịnh thất không đặt tên theo hai cách trên mà đặt tên theo ý nghĩa nhân duyên của trụ xứ hoặc tên nói lên chức năng của một ngôi tịnh xá, hoặc là các phương danh Tịnh xá ở Ấn Độ thời Phật, hoặc là tên của một bộ kinh, tên của chư Tổ, như: Tịnh xá Mộc Chơn (tịnh xá đầu tiên của Đạo Phật Khất Sĩ), Tịnh xá Trung Tâm (trụ sở Hệ phái), Tịnh xá Kỳ Viên (GĐ V), Tịnh xá Trúc Lâm (GĐ II), Tịnh xá Lộc Uyển (GĐ VI), Tịnh thất An Lạc (GĐ I), Tịnh thất Hoa Nghiêm (GĐ IV)…

 3. TỔ ĐÌNH VÀ CÁC TRỤ SỞ TRONG HỆ PHÁI

Giống như các truyền thống tông môn pháp phái khác, mỗi tông môn đều có tổ đình và các trụ sở chính. Tổ đình luôn luôn là nơi kỷ niệm, dấu ấn của một bậc Tổ sư khai sáng, kiến lập và hành đạo một thời gian. Các trụ sở của hệ phái là nơi đào tạo Tăng tài hoặc cơ sở văn hóa tôn giáo tâm linh lớn, hoặc là nơi để chư tôn đức Giáo phẩm câu hội về để trao đổi những Phật sự. Các trụ sở của Giáo đoàn không hẳn là lớn nhưng do tính quyết định của vị trí địa dư cũng như vai trò chủ lực trong quá trình hình thành và phát triển của giáo đoàn, đặc biệt liên hệ đến những kỷ niệm hành đạo của vị trưởng giáo đoàn.

(i) Tổ đình Hệ phái: TX. Ngọc Viên, Xóm Chài, P.2, thị xã Vĩnh Long.

(ii) Trụ sở Hệ phái:

TX. Trung Tâm, 21 Nguyễn Trung Trực, P.5, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Pháp viện Minh Đăng Quang, 505 xa lộ Hà Nội, P. An Phú, Q.II, TP. Hồ Chí Minh.

(iii) Trụ sở các giáo đoàn Tăng:

GĐ I: TX. Ngọc Viên, Xóm Chài, P.2, thị xã Vĩnh Long.

GĐ II: TX. Ngọc Đăng, 558 Bùi Đình Túy, P.12, Q. Bình Thạnh, TP. HCM.

GĐ III: TX. Ngọc Tòng, thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

GĐ IV: TX. Trung Tâm, 21, Nguyễn Trung Trực, P.5, Q. Bình Thạnh, TP. HCM.

GĐ V: TX. Trung Tâm, 570/2F Hùng Vương, P.13, Q.6, TP. HCM.

GĐ VI: TX. Lộc Uyển, 463-465 Hùng Vương, P.12, Q.6, TP. HCM.

(iv) Trụ sở Ni giới Khất sĩ và các phân đoàn Ni:

Ni giới Khất sĩ: TX. Ngọc Phương, 498/1 Lê Quang Định, P.1, Q. Gò Vấp, TP. HCM.

Phân đoàn 1 Ni giới: TX. Ngọc Tiên, ấp Tô Châu, xã Thuận Yên, Hà Tiên, Kiên Giang.

Phân đoàn 2 Ni giới: TX. Ngọc Phú, 1888 Ni Sư Huỳnh Liên, P.10, Q. Tân Bình, TP. HCM.

Phân đoàn 3 Ni giới: Tịnh Độ Ni giới, thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

4. MÔ HÌNH TỊNH XÁ ĐẶC THÙ

Khi kiến lập cơ sở hạ tầng cho Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ Sư Minh Đăng Quang đã phác họa mô hình tịnh xá như sau:

… Tại chỗ trụ: Trong đó có nhà tịnh xá, xây tháp thờ Pháp của chư Phật quá khứ. Tháp phải mười ba từng (vì đức Như Lai là ngôi vị thứ 13 của chúng sanh tiến lên từ nấc), tháp phải mở trống bốn cửa. Nơi đó chỉ để kinh sách hoặc cốt tượng Phật. Tháp bề cao ba thước, chưn rộng vuông một thước tám. Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông mười sáu thước. Có nhà độ cơm nghỉ mát bề ngang tám thước, bề dài mười sáu thước (ba cái này gọi là nhà Tam Bảo), và có nhà thờ riêng cho cư gia, bề dài tám thước, bề ngang bốn thước.

Phía trước, bên trái có nhà thiện nam, bên mặt có nhà tín nữ. Phía sau, bên mặt có cốc nghỉ chơn cho Ni lưu, bên trái có cốc của Tăng. Có hồ sen, núi đất, có ao rạch hoặc suối, có cây cao bóng mát gió thanh, xa nhà bá tánh trăm thước, trống trải giữa trời, không trồng bông trái. Xa núi, xa chợ, cảnh giữa vườn rừng, đó mới là nơi thiền định đáng làm chỗ trụ. Đất rộng trăm thước, không thú dữ, xa tôn giáo, tránh binh gia, gần xóm người hiền, tránh xa trộm cướp, chẳng cận đường đi, không xây tường gạch, nóc ngói, chỉ cất dùng cây, ván, lá. Cốc phải lót sàng, xa mồ mả trăm thước. Nhà tiêu hướng Đông-Nam, nhà tắm phía Tây-Bắc, nhà bếp để hờ nấu nước, thuốc, phương Đông-Bắc. Chỗ để đồ vật Giáo Hội tại Tây-Nam. Mặt tiền Tam Bảo ngay phía Tây, lưng trở lại Đông; thiện nam phương Nam, tín nữ phương Bắc. Có cốc Tăng ở. Chung quanh có hàng rào cao hai thước làm ranh. Thiện nam, tín nữ, Ni lưu chẳng được nghỉ đêm trong khuôn chùa cổng rào, sáng 7 giờ mở ra, chiều 5 giờ đóng lại, để yên cho các sư tu tịnh.

Trong mô hình này có những điểm đặc biệt sau:

- Tịnh xá luôn luôn là nơi lý tưởng để chư Tăng Ni tham thiền nhập định.

- Chánh điện luôn luôn ở chính giữa, là trung tâm điểm của một ngôi Tịnh xá.

- Nơi tháp cao nhất chính là nơi Đức Phật Bổn Sư ngự.

- Tịnh xá luôn luôn là nơi rộng mở đối với mọi người, nên bốn hướng đều có bốn cửa và luôn luôn rộng mở.

- Nối theo sau Chánh Điện luôn luôn là nhà thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Có thể được xây nối liền hoặc có khoảng sân hình chữ nhật ở chính giữa tùy theo khuôn viên tịnh xá. Mô hình này rất tiện cho các Phật tử tới lui lễ bái chư Phật, rồi thăm viếng ông bà quá vãng.

- Có chỗ riêng biệt cho chư Tăng, chư Ni, thiện nam và tín nữ. Điều này cũng cho thấy ý tưởng của Tổ Sư khi đưa ra mô hình đạo tràng. Chư Tăng Ni và thiện nam tín nữ phải ở riêng và mỗi người đều có phận sự riêng.

- Kiến trúc hình bát giác đã trở thành nét đặc trưng vô cùng độc đáo của các tịnh xá đạo tràng, hệ phái Khất Sĩ Phật giáo Việt Nam. Đây là một trong những mô hình thể hiện tính kế thừa và sáng tạo của Tổ Sư. Tổ không theo mô hình của Phật giáo Nam truyền ở Campuchia hoặc ở vùng Nam bộ Khmer, mà cũng không hoàn toàn theo truyền thống của Phật giáo Đại thừa. Cho tới ngày nay, như chúng ta biết, dẫu mô hình tháp thờ Phật của Thái Lan, Tích Lan hoặc khu vực Bagan của Miến Điện có trên cả mấy ngàn tháp hoặc tự viện xưa và nay, nhưng mô hình Bát giác này đều không giống với mô hình các tháp hoặc tự viện. Điều này cũng cho thấy rằng mỗi quốc gia, xứ sở hoặc tông phong pháp phái đều có những đường nét kiến trúc riêng, thể hiện được sắc thái, đặc thù của nghệ thuật, văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống tâm linh của dân tộc và xứ sở.

Phân tích sâu hơn về một mô hình ngôi Tịnh xá, chúng ta mới thấy được tính triết học về con số và biểu tượng về pháp của Tổ Sư rất cao. Đây cũng là điểm độc đáo của hệ phái. Chánh điện luôn là mô hình bát giác, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo; cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ Diệu Đếbốn cột lớn trong lòng chánh điện tượng trưng cho Tứ Chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cận sự nam và cận sự nữ cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp; tháp gỗ trên chánh điện trang nghiêm Phật tượng có mười ba tầng tượng trưng cho mười ba nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sanh hữu tình: từ lục phàmlên tứ Thánh và tam Tôn. Trên đỉnh chánh điện là Hoa sen hoặc Ngọn đèn Chơn Lý biểu trưng cho sự thanh tịnh cao khiết hoặc ánh sáng chơn lý sẽ soi sáng cho muôn loài chúng sanh.

Có một vài trường hợp đặc biệt với chánh điện mô hình chữ nhật, tượng trưng cho nhất thể hoặc là thuyền Bát Nhã; và bệ thờ cũng nhất quán có ba bậc tượng trưng cho Tam Bảo.

- Ngoài chánh điện, giảng đường và Tăng xá ra, Tổ sư còn hoạch định cả cốc cho Ni lưu, nhà thiện nam, nhà tín nữ, nhà thờ cho cư gia, nhà bếp, nhà tắm, nhà tiêu… Như vậy, mô hình tịnh xá đã được Tổ sư phác họa rất khoa học.

5. Những tiếp biến mô hình Tịnh xá trong bối cảnh ngày nay

Trong quá trình phát triển xã hội, các tịnh xá sau này được chư tôn đức linh hoạt, uyển chuyển kiến thiết tùy duyên theo khuôn đất của trú xứ đó cho phép, khó có thể xây dựng đúng theo mô hình của Tổ Sư đề nghị hay loại vật liệu mà Tổ Sư đã gợi ý một cách trọn vẹn. Ngày nay rất nhiều ngôi Tịnh xá được xây dựng rất quy mô bằng cốt thép xi măng và có nhiều tầng lầu trong các khu đô thị thành phố. Vấn đề là làm sao mô hình nào cũng cố giữ cho được sự thanh tịnh, trang nghiêm và đặc biệt có khoảng cách với nhà thế. Cũng nên nói ở đây, có nhiều tịnh xá ngày xưa khi nhận chỉ là một mảnh đất hoang sơ, chỉ lưa thưa vài ngôi nhà, nhưng quá trình tăng dân số và đô thị hóa của xã hội sau 30 năm đã khiến cho mảnh đất “ngủ yên” bấy giờ cũng “trở giấc giật mình” vì sự “ô nhiễm” của tiếng ồn!

Ngày nay, các mô hình Tịnh xá có phần bị thay đổi bởi nhu cầu tín ngưỡng và học pháp của quần chúng. Các tịnh xá ở thành phố dần dần phải cất lầu, dưới là giảng đường phần lớn đều đặt tên là Giảng Đường Minh Đăng Quang để giảng kinh thuyết pháp, tầng trên là Chánh Điện thờ Phật; hoặc đôi chỗ tận dụng Giảng Đường như là chỗ thờ Phật chính để cho các Phật tử lớn tuổi có thể tới lui lạy Phật, còn tầng trên chỉ để cho chư Tăng tụng giới vào ngày Trưởng Tịnh (Uposatha) và hành thiền mỗi ngày. Thiết nghĩ với một mô hình như vậy cũng rất phù hợp cho bối cảnh địa dư và nhu cầu của quần chúng ngày nay.

Sau đây là hai mô hình tiêu biểu tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam:

Mô hình tịnh xá Ngọc Viên ở Vĩnh Long - Tổ Đình của hệ phái.

Mô hình tịnh xá Trung Tâm, Q. Bình Thạnh, TP. HCM - trụ sở chính của hệ phái.

MohinhNgocVien

CHÚ THÍCH:

 

1.Cổng Tam quan

2.Ni xá vãng lai

3.Chánh điện

4.Nhà thờ Cửu Huyền Thất Tổ

5.Giảng đường

6.Cốc Tổ Sư Minh Đăng Quang

7.Trai đường (tầng trệt)

8.Tăng xá (tầng 1)

9.Cốc trụ trì

10. Cốc Tăng trụ xứ

11. Nhà trù

12. Nhà vệ sinh

CHÚ THÍCH:

1. Cổng Tam quan

2. Cây Bồ Đề (có bánh xe Pháp bao quanh)

3. Bảo tháp Ngọc Phật (37m)

4. Thánh tượng Quán Âm lộ thiên (13m)

5. Giảng đường Minh Đăng Quang - phòng khách (tầng trệt, chữ nhật)

6. Chánh điện – Tổ đường - nhà thờ chư linh (lầu 1)

7. Tịnh thất hòa thượng trụ trì

8. Phòng thất chư tôn đức chứng minh, chư tôn giáo phẩm

9. Nhà vệ sinh cho thiện nam

10. Nhà vãng lai chư Tăng

11. Hai văn phòng và các phòng cho thiện nam (trệt)

12. Tăng xá 1 (lầu 1)

13. Nhà trù (trệt)

14. Nhà vãng lai chư Ni (lầu 1,2)

15. Hai trai đường và một số phòng sinh hoạt chung (trệt)

16. Tăng xá 2 (lầu 1, 2)

17. Giảng đường phụ (lớp Sơ cấp, lầu 2)

18. Thiền đường (lầu 3 và nhà tiền chế ở sân thượng). 

Nguồn: daophatkhatsi.vn