Trong cuộc sống, mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với không ít người, và xã hội phát triển cũng chính là nhờ vào sự giao tiếp giữa người với người. Điều này cho thấy việc thấu hiểu lẫn nhau quan trọng như thế nào.

hoc duoc dieu nay thi dau di khap thien ha cung khong co ke thu

Có câu chuyện kể rằng, một hôm giữa sư tử và hổ phát sinh mâu thuẫn, cả hai cùng quyết chiến với nhau. Sau một hồi giao tranh quyết liệt, cả hai cùng bị trọng thương. Trong lúc thoi thóp sư tử mới nói với hổ rằng: “Giá mà anh không cướp mất địa bàn của tôi thì hai chúng ta đâu phải ra cơ sự như thế này”. Hổ nghe xong tỏ ra kinh ngạc nói: “Tôi trước nay chưa hề có ý định muốn tranh đoạt địa phận của anh. Tôi cứ nghĩ anh muốn cướp lấy địa bàn của tôi nên mới hành động”.

Câu chuyện này cho ta thấy, làm người đối nhân xử thế thì việc thấu hiểu lẫn nhau quan trọng nhường nào. Vậy làm cách nào để có thể thấu hiểu nhau nhất có thể? Khi nóng giận thì phải làm sao để hạ bớt cơn oán giận xuống? Có lẽ chỉ có hoà hoãn mới là cách tốt nhất.

Khi bản thân nóng giận, chúng ta không làm chủ được chính mình thì sự việc bị biến tướng đó là điều không thể tránh khỏi. Dẫu hai người có tình cảm tốt đến đâu nhưng không có sự giao tiếp đúng mực thì đôi lúc nói nhiều chỉ trở nên vô nghĩa. Miệng thì nói là liễu giải lẫn nhau nhưng tính khí thì ngược lại, ai cũng muốn mình đúng, ai cũng muốn mình hơn, vậy đây là nói chuyện hay là cãi nhau?

Khi hai người giao tiếp với nhau thì 70% là tình cảm, 30% mới là nội dung. Người khác nhau có cách nghĩ khác nhau, ở cùng nhau có chỗ hiểu lầm đó là điều khó tránh. Vậy nên khi sự việc có chỗ sai lệch thì cần nói rõ, có như vậy mới tránh khỏi cảnh cùng thuyền mà khác hướng.

Tai khác nhau thì cách nghe cũng khác nhau. Làm người thì khi gặp việc khó khăn, xung đột thì không nên tức giận, có tranh chấp cũng đừng nên manh động. Có những lúc trong giao tiếp thì nghe nhiều tốt hơn là nói nhiều. Con người ta mất 3 năm để học nói nhưng mất cả đời để học im lặng cũng là lý do đó. Bậc cao nhân trước khi tức giận thì thường hỏi chính mình:

– Việc này có đáng để tức giận không?

– Tức giận và không tức giận thì kết quả sẽ khác nhau như thế nào?

– Tức giận rồi vấn đề giải quyết có tốt hơn không?

Sau khi tìm được cho mình đáp án rồi hãy làm gì thì làm, vạn sự trên đời này có sinh ắt có diệt, có sự việc phát sinh thì có cách giải quyết.

Ngoài đó ra thì, thái độ hoà ái chính là tiền đề để thấu hiểu và liễu giải lẫn nhau. Một khi chưa thể có được tâm bình, khí hòa thì không nên nói chuyện với người khác. Thái độ không chân thành, lời nói ra cũng chẳng thể có thành ý, chỉ khiến cho người khác tức càng tức hơn. Trên đời này có biết bao nhiêu người chỉ vì ứng xử không tốt mà tình cảm mỗi ngày mỗi xa. Hậu quả khi một người không hiểu được giá trị của việc giao tiếp đó chính là chia cắt.

Khống chế được thái độ bản thân, ấy chính là người làm chủ; bị thái độ khống chế, ấy lại là người bị dắt mũi. Học được cách bình tĩnh chính là học được cách khống chế tâm thái của mình, tâm thái bản thân được khống chế vậy thì còn gì có thể cản trở bạn thành công?

Hãy nhớ, người chịu được tính khí của bạn chính là người yêu bạn. Người trị được tính khí của bạn lại cũng chính là người yêu bạn. Vậy nên đừng để những người yêu thương mình bị tổn thương.


Bài viết: "Học được điều này thì dẫu đi khắp thiên hạcũng không có kẻ thù"
Minh Vũ / Vườn hoa Phật giáo