11-10-2016 | Admin




A. DẪN NHẬP

Sau khi Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng năm 1954, hàng đệ tử của Tổ sư đã nối chí Ngài đi hành đạo. Trong bối cảnh ấy, Hòa thượng Giác Huệ xuất gia trở thành đệ tử của đức Nhị tổ Giác Chánh. Trải qua thời gian hầu Thầy, tu tập tăng trưởng đạo hạnh cùng với tài năng thuyết pháp, sáng tác văn thơ, Hòa thượng được mọi người quý kính. Khi ấy các vị Đức Thầy lần lượt mở ra các Giáo đoàn. Hòa thượng Giác Huệ và Hòa thượng Giác Đức thành lập đoàn Du tăng năm 1962 và đi giáo hóa nhiều nơi  ở miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ. Các trụ xứ chính được xây dựng như: Tịnh xá Lộc Uyển (Q.6 , Tp. HCM), Tịnh xá  Ngọc Châu (Tân Châu, An Giang), Tịnh xá Ngọc Ánh (Chợ Mới,  An Giang), Tịnh xá Ngọc Tân (Thủ Thừa, Long An), Tịnh xá Ngọc Huệ (Cai Lậy,  Tiền Giang), Tịnh xá Ngọc Lợi (Bạc Liêu),...

Năm 1980, sau khi Hòa thượng Giác Huệ vắng bóng, Hòa thượng Giác Đức trở thành Đệ nhị Trưởng đoàn. Trong giai đoạn này Hòa thượng Giác Đức đã có nhiều nổ lực củng cố Giáo đoàn, nhất là đưa Giáo đoàn hội nhập sinh hoạt cùng hệ phái Khất sĩ, thành viên của GHPGVN Hòa thượng Giác Đức là người thầy đỡ đầu và chứng minh cho một số chư Tăng và tịnh xá cùng sinh hoạt tu học trong giai đoạn này như: Tịnh xá Ngọc Nhơn (Bình Thuận), Tịnh xá Quang Minh (Bà Rịa Vũng Tàu), Tịnh xá Ngọc Thành (Cần Thơ), Tịnh xá Ngọc Nhân (Tp. HCM), Chùa Giác Quảng (Cần Thơ),…

Năm 1997, HT. Giác Đức viên tịch, Hòa thượng Giác Tuấn trở thành Trị sự trưởng giáo đoàn dưới sự cố vấn của Hòa thượng Giác Giới và Hòa thượng Giác Toàn. Từ năm 2010 đến đến 2022, Hòa thượng Giác Tuấn đã chứng minh xây dựng các ngôi đạo tràng: Tịnh xá Đại Quang (Bình Chánh, Tp. HCM), Tịnh xá Ngọc Chơn và Ngọc Long  (Bình Phước), Tịnh thất Kỳ Viên  (Tp. HCM), Tịnh xá Ngọc Định  (Bình Dương), Tịnh xá Trúc Lâm  (Tây Ninh), Tịnh xá Ngọc Tâm  (Lâm Đồng).



B. NỘI DUNG

CHƯƠNG 1. HOÀN CẢNH THÀNH LẬP GIÁO ĐOÀN VI

1. Yếu tố lịch sử

Từ ngày Tổ sư vắng bóng năm 1954 đến năm 1960, các đoàn du Tăng hành đạo đều phát triển mạnh mẽ trong ở Nam, Trung nước Việt. Tuy nhiên, vào ngày Rằm tháng Bảy hằng năm các vị Tăng Ni Khất sĩ đều phải tập trung về làm lễ Tự tứ chung với nhau theo đúng như lời Phật dạy. Trong những năm đầu của thập niên 60, do đất nước vẫn còn chiến tranh nên kế hoạch Tự tứ của Tăng đoàn gặp nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ chư Tăng phải làm lễ Tự tứ riêng theo sự dẫn dắt của các Đức thầy đệ tử lớn của Tổ. Đây chính là sự manh nha cho việc hình thành đoàn hành đạo của giáo đoàn 6 sau này.

Nhận thấy tình hình xã hội không còn như trước, Hòa thượng Giác Huệ đã nhận định muốn hoằng pháp lợi sinh người hành đạo phải tùy duyên phương tiện cho hợp thời duyên cảnh ngộ. Do đó, Ngài cùng Hòa thượng Giác Đức dẫn dắt 50 chư Tăng đi hành đạo và xây dựng các đạo tràng Tịnh xá tại Sài Gòn kéo dài đến một số tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ. Vào ngày Rằm tháng Bảy năm 1962, nhân sự kiện họp mặt chư Tôn đức trong Hệ phái cho lễ tự tứ tại tịnh xá Ngọc Thạnh- Tây Ninh, Hòa thượng Giác Huệ cùng Hòa thượng Giác Đức đảnh lễ chư Tôn đức xin thành lập đoàn du Tăng hành đạo riêng và được sự chấp thuận của đại chúng. Đây cũng là dấu mốc ấn định cho ngày thành lập Giáo đoàn VI sau này.

2. Lược sử các Đức Thầy trưởng đoàn

2.1. Lược sử Hòa thượng Giác Huệ

- Nguyên Tăng trưởng Giáo hội Khất sĩ Việt Nam.

- Nguyên Tổng Vụ trưởng Vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

- Nguyên Cố vấn Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước quận 6.

- Bậc Thầy khai sơn Giáo đoàn VI.

a. Thân thế thuở thiếu thời

Vùng đất Sài Gòn với lịch sử hình thành và phát triển kéo dài trên 300 năm ghi dấu biết bao bậc hiền tài xuất thế. Đây là nơi tập trung kinh tế, văn hóa và tôn giáo hàng đầu đất nước. Sinh trưởng từ một gia đình hiền lương nhân hậu tại vùng đất này, nên Hòa thượng Giác Huệ đã sớm hấp thụ được nếp sống đạo đức và nền tri thức thuộc nhiều lĩnh vực sâu rộng. Ngài sinh ngày Rằm tháng Tám năm Kỷ Mão (1939), tại Gia Định – Sài Gòn nay là quận Bình Thạnh – Thành phố Hồ Chí Minh. Cha mẹ đặt tên cho Ngài là Ngô Trọng Tín. Ngài là người con thứ hai trong gia đình có 3 anh em, tất cả đều là trai. Thân phụ là nhà văn Ngô Trọng Phú, thân mẫu là cụ bà Lâm Thị Lựu, thọ Tam quy giới pháp danh Minh Ngọc.

Khi Ngài lên 3 tuổi, chiến tranh ly loạn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khắp cả nước trong đó có gia đình Ngài. Là một nhà văn nghèo phải kiếm miếng ăn bằng ngòi bút qua những áng văn chương nên cha Ngài đã qua đời bởi những tháng ngày cơ cực. Còn lại một mình tảo tần nuôi đàn con thơ dại, chồng chất thêm nỗi nhớ thương người bạn đời khuất núi, mẹ Ngài phải gồng gánh biết bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Thế rồi đôi vai gầy của người góa phụ không thể chịu đựng nỗi cô độc nơi xứ lạ quê người nên dẫn đàn con thơ dại trở lại Bạc Liêu nơi quê ngoại để sinh sống.

b. Cơ duyên Quy y với Tổ sư Minh Đăng Quang

Cả tuổi ấu thơ sống nơi quê ngoại, Hòa thượng được nuôi dưỡng bằng sự chăm sóc và dạy bảo của người mẹ hiền. Dẫu cha mất sớm, nhưng thân mẫu vẫn nuôi nấng cả 3 anh em Ngài trở thành những người con tốt đẹp. Tuổi cắp sách đến trường, Ngài chăm chỉ học hành, có tính khiêm cung lễ độ với mọi người và luôn thương yêu giúp đỡ bạn bè xung quanh. Tuy tuổi đời còn non trẻ nhưng Ngài lại có tâm hướng Phật, không thích các cuộc vui chơi như những người cùng trang lứa. Những ngày không đến lớp, Ngài thường theo dì đến chùa lễ Phật, tụng kinh và nghe Phật pháp.

Trong khoảng năm 1950, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã xiển dương mạnh mẽ đạo Phật Khất sĩ Việt Nam và dẫn đoàn du Tăng đi hành đạo khắp nơi cùng xứ. Hình ảnh các nhà sư đầu trần chân không, tay ôm bình bát đất đã lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Cơ duyên tương hội, trong lần Tổ sư hành đạo tại Bạc Liêu, Hòa thượng được chiêm ngưỡng tôn nghiêm và những lời giảng dạy Chơn lý của Tổ sư. Ngài được dì dẫn đến quy y, được Tổ sư chấp thuận ban cho pháp danh là Huệ Chơn.

Kể từ ngày quy y với Tổ, Ngài lập hạnh trường chay, nuôi chí muốn xuất gia trở thành nhà sư Khất sĩ không không trong sạch. Và bồ đề tâm ấy đã phát triển mạnh mẽ trong lòng nên Ngài xin dì dẫn đến đảnh lễ Tổ sư và quỳ bên chân Tổ trình bạch về tâm nguyện xuất gia của mình. Tuy nhiên, do vì còn nhỏ tuổi nên Tổ sư không chấp thuận và bảo: “Con hãy trở về học hết trung học rồi đi tu cũng không muộn”.

Lời dạy ân cần của Tổ sư cũng là lời dạy sau cùng của bậc ân sư khả kính mà trong suốt cuộc đời Hòa thượng Giác Huệ không còn nghe lại được. Vì vào năm 1954, khi Ngài đang học bậc trung học thì Tổ sư đã vắng bóng tại Cần Thơ. Dẫu không có duyên xuất gia với Tổ nhưng trong suốt cuộc đời tu hành sau này, Hòa thượng luôn hướng về bậc ân sư bằng tâm kính quý chân thành nhất. Ngài từng cảm tác trong những dòng thi phẩm của mình bằng câu: “Kính dâng Tôn sư Minh Đăng Quang, người đã ươm mầm giải thoát cho con”.

c. Xuất gia tu học

Sự vắng bóng của Tổ sư đã ảnh hưởng một cách sâu sắc đến tâm hồn của chàng trai niên thiếu. Mặc dù thương tiếc khôn nguôi bậc ân sư, Huệ Chơn không hề nản chí xuất gia mà ngược lại càng quyết tâm hơn nữa.

Cũng trong năm 1954, đức Nhị tổ Giác Chánh tiếp nối sứ mạng của bậc Thầy hiền dẫn đoàn du Tăng tiếp tục hành đạo như ánh vầng dương mỗi ngày đều xuất hiện ở phía trời Đông. Cuối năm 1954, đoàn du Tăng trụ tại Tịnh xá Ngọc Khánh tỉnh Sóc Trăng, lúc này Huệ Chơn tròn 15 tuổi. Không để lỡ cơ duyên, Ngài xin dì dẫn đến phát nguyện xuất gia với đức Nhị tổ. Với lòng từ bi cao cả, đức Nhị Tổ đã chứng minh cho Huệ Chơn xuất gia và đổi pháp danh là Giác Huệ.

Tuy nhiên, xuất gia không bao lâu vì quá thương nhớ con, thân mẫu của Ngài đã tìm đến xin Ngài trở về sum họp gia đình. Không nỡ làm buồn người mẹ hiền với hai hàng nước mắt khóc thương con, Ngài đành gác mảnh huỳnh y trở về phụng dưỡng mẹ già. Nhưng với chí kiên gan vào con đường giác ngộ, dù trở về nhà Ngài vẫn trường chay, ngày ăn một ngọ như đời sống của chư Tăng thời bấy giờ. Công hạnh ấy được Ngài bồi đắp trải dài một năm sau đã xoay chuyển được tâm ý của thân mẫu một cách nhiệm mầu. Bà đã đồng ý cho Ngài xuất gia trở lại.

Tâm nguyện của Hòa thượng được viên thành khi đức Nhị tổ chứng minh cho Ngài xuất gia lần thứ 2 vào ngày Rằm tháng Bảy năm Ất Mùi (1955), lúc bấy giờ Ngài tròn 16 tuổi. Và trong lần xuất gia này, Ngài được truyền cho giới Sa di theo làm thị giả cho đoàn du Tăng hành đạo mà không cần qua thời gian tập sự.

Vào ngày Rằm tháng Bảy năm Mậu Tuất (1958), Ngài chính thức thọ đại giới Tỳ kheo tại tịnh xá Liên Trung – Cần Thơ, bước vào hàng ngũ xuất gia bình đẳng. Và cũng từ đây, tài năng thiên bẩm lẫn công hạnh tu hành của Ngài phát huy rực rỡ.

d. Hoằng pháp lợi sanh

Kể từ ngày làm trưởng đoàn du Tăng Khất sĩ, Ngài đã dùng tài năng và đạo hạnh của mình đem ngọn đèn chơn lý đi soi rọi khắp muôn phương. Nói đến Ngài là nói đến khả năng biện tài vô ngại mà hiếm có ai bì kịp. Những bài pháp của Ngài như những tiếng chuông cảnh tỉnh chúng sanh đang đắm chìm trong màn vô minh thoát ra miền tục lụy. Chính vì lẽ đó, trong suốt những năm hành đạo từ năm 1962 đến năm 1971 bá tánh quy ngưỡng phát tâm cúng dường để Ngài thành lập được 10 ngôi tịnh xá và 15 ngôi đạo tràng khác xin gia nhập đoàn du Tăng Khất sĩ của Ngài.

Trên 20 năm giáo hóa chúng sanh, Ngài thâu nhận gần một trăm đệ tử xuất gia, lấy Tịnh xá Lộc Uyển làm trung tâm hành đạo chính. Các đệ tử lớn của Ngài có các vị tiêu biểu như: Giác Dõng, Giác Nghiêm, Giác Ngàn, Giác Nghĩa, Giác Chân, Giác Trí, Giác Kiên, Giác Nhựt, Giác Giới, Giác Tuấn, Giác Thắm, Giác Hảo, Giác Thịnh, Giác Minh, Giác Quang,… Trong đó nổi bậc là Hòa thượng Giác Giới hiện là Tăng trưởng Giáo đoàn I và Hòa thượng Giác Tuấn hiện là Trị sự trưởng Giáo đoàn VI (từ năm 1997 đến nay).

Thời kỳ này Ngài không còn dẫn đoàn du tăng hành đạo khắp nơi như lúc xưa, mà thường xuyên lưu trú tại Tịnh xá Lộc Uyển để ra sức phát triển cơ sở và tham gia công tác Phật sự cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cũng như Ban liên lạc Phật giáo yêu nước. Mỗi tháng Ngài tổ chức thuyết giảng theo trình tự vào các ngày cúng hội: Mùng 8 tại Tịnh xá Ngọc Huệ - Tiền Giang, Rằm tại Tịnh xá Lộc Uyển – TP. Hồ Chí Minh, 23 tại Tịnh xá Ngọc Tân – Long An, 30 tại Tịnh xá Ngọc Mỹ - Mỹ Tho.

Danh tiếng về tài năng giảng thuyết và trước tác văn thơ của Hòa thượng được rất nhiều người biết đến trong những năm Ngài còn hành đạo. Hàng cư gia bá tánh tìm đến quy y với Ngài cũng rất đông. Trong thời gian này các tịnh xá được thành lập như: Ngọc Lợi – Bạc Liêu, Ngọc Châu – Tân  Châu, Ngọc Ánh – Chợ Mới, Ngọc Huệ - Tiền Giang, Ngọc Tân – Long An, Lộc Uyển – Quận 6, Ngọc Diệp – Quận 3… Ngài còn đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo thời bấy giờ tham dự nhiều kỳ họp quan trọng trong nước và Phật giáo Quốc tế tại các nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai…

Tài năng của Hòa thượng còn quy tựu nhiều thành phần trí thức, thi văn trở về cộng tác để xây dựng tòa soạn báo và nhà phát hành các ấn phẩm Phật pháp góp phần xây dựng Văn học Phật giáo cho đất nước. Các tác phẩm nổi tiếng của Ngài được nhiều người biết đến như: Thẳng Nét Mực Tàu, Tôn Giáo Và Thế Giới Ngày Mai, Giác Huệ Thi Tập, Bông Huệ Trong Rừng Thiền, Tình Trong Lửa Đạn, Đường Xa Xứ Lạ, Thằng Sửu Con Loan…

Trong thời kỳ hành đạo, Ngài hóa độ chư Ni cũng khá đông, Ngài đã mời Ni trưởng Tràng Liên làm trưởng Phân đoàn ni của Giáo đoàn. Sau khi Hòa thượng vắng bóng năm 1980, Ni trưởng không còn sinh hoạt theo Giáo đoàn VI mà cùng một số Ni chúng trở về sinh hoạt với Ni giới Hệ phái.

e. Thời kỳ vắng bóng

Từ ngày xuất gia hành đạo nương theo bóng từ quang của Tổ sư Minh Đăng Quang đến ngày vắng bóng đã hơn 25 năm, những tưởng trên bước đường phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh làm ngọn hải đăng cho đoàn hậu tấn noi gương, cho kẻ lầm đường lạc lối sớm trở về với chánh pháp… Nào ngờ tâm nguyện chưa tròn thì bỗng nhiên vào ngày mùng 08 tháng 02 năm Canh Thân - 1980 trên pháp tòa không thấy hình bóng của Hòa Thượng đâu nữa. Người đã thực sự ra đi không bao giờ trở lại và mãi mãi về sau để lại cho môn đồ pháp quyến và toàn thể Phật tử xa gần hướng tâm mong đợi bóng Thầy.

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của Hòa thượng, với 42 tuổi đời 25 năm hành đạo. Hòa thượng đã thể hiện đúng với tinh thần lợi tha là thuyết pháp độ sanh, thâu nhận Tăng Ni xuất gia tu học, phát huy mở rộng ngôi nhà chánh pháp làm chỗ dựa nương cho cư gia bá tánh. Đó là những công đức mà Hòa thượng đã làm được trong cuộc đời cao đẹp của mình. Thế nhưng đang trên đường sứ mạng Ngài chợt quảy bát hành đạo phương xa chưa một lần hồi quy bổn tự. Sự ra đi này từng được Ngài cảm tác trong mấy vần thơ:

“Vẫn biết đường đời muôn vạn nẻo

Còn ta khách tạm của thời gian

Gặp đây là gặp trong cơn mộng

Rồi đến một ngày mộng rã tan.”

Vâng, đường đời sẽ dài muôn vạn nẻo, thời gian sẽ đưa những người khách tạm vào chốn vĩnh hằng nhưng cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng Giác Huệ sẽ còn sáng mãi trong tâm thức của Tăng Ni và Phật tử hậu thế. Đây là điểm tựa tâm linh sáng ngời để quy hướng chúng con đoàn kết hòa hợp sống chung tu học để tiếp nối gia tài pháp bảo mà ân sư đã hi sinh một đời phụng sự đạo pháp và chúng sanh.

2.2. Lược sử Hòa thượng Giác Đức

- Hòa thượng Thích Giác Đức pháp tử Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

- Đệ Nhị Trưởng Giáo đoàn 6 Hệ phái Khất sĩ.

- Thành viên Hội đồng Chứng minh Hệ phái Khất sĩ.

- Đồng thành lập Giáo đoàn 6- HPKS

a. Thân thế gia đình

Cố Hòa Thượng Thích Giác Đức thế danh Phạm Văn Hòa, sanh năm Bính Tý (1936) tại làng Tân Nhuận Đông-  Sađéc nay là tỉnh Đồng Tháp. Cố Hòa Thượng sinh trưởng trong gia đình nông dân hiền lương, có nề nếp nho phong lễ giáo, chân chất hiền hòa. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Vạng, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nguyên. Cố Hòa thượng là đứa con thứ tám trong gia đình có 9 anh em. Lúc lên 5 tuổi thì người mẹ hiền qua đời, và sau 7 năm khi Hòa Thượng lên 12 tuổi người cha đáng kính cũng ra đi về cõi vĩnh hằng. Những sự mất mát lớn lao này đã để lại cho cố Hòa thượng bao nỗi sầu lo thương nhớ. Từ đó, Hòa Thượng sống trong sự đùm bọc chở che của các anh, chị trong gia đình và đi học hết bậc tiểu học.

b. Xuất gia tu học

Cuộc sống cứ như thế mà êm đềm trôi qua. Rồi có một hôm, người anh thứ ba của cố Hòa Thượng được cha báo mộng rằng: “Ngày mai con hãy thỉnh ông Thầy đi khất thực trước nhà vào siêu độ cho cha”. Quả đúng như lời ứng mộng, sáng hôm sau Đức Tổ sư Minh Đăng Quang trong chiếc hoàng y phấp phới, tay ôm bình bát, khoan thay đi vào làng khất thực, với dung mạo uy nghiêm và  sắc tướng phi phàm, khiến cho cả nhà đều kính phục, nên cung thỉnh Đức Tổ sư vào nhà để sớt bát cúng dường, tụng kinh siêu độ cho cha. Cũng nhờ vào nhân duyên này mà gia đình của cố Hòa thượng có 03 anh chị em phát tâm xuất gia theo Tổ sư vân du hành đạo.

Người đầu tiên là cố Thượng tọa Thích Giác Thanh phát tâm xuất gia với Tổ sư tại Tịnh xá Ngọc Quang Sa- đéc, kế đến là cố Hòa thượng Thích Giác Đức và người sau cùng là cố Ni trưởng Thích Nữ Quảng Liên.

Hòa Thượng xuất gia vào ngày 15 /6 /1950, lúc đó Ngài vừa tròn 14 tuổi. Trong các đệ tử của Tổ sư thì cố Hòa thượng là người nhỏ tuổi nhất, nhưng lại có đức khiêm cung, điềm đạm và rất tinh tấn trên bước đường tu học nên được đức Tổ sư yêu mến mà hết lòng chỉ dạy. Mặc dù được sự ưu ái như vậy, nhưng cố Hòa thượng vẫn không tỏ ra là người kiêu căng mà Ngài luôn cố gắng tu học nhiều hơn nữa và được Đức Tôn sư cho làm thị giả cùng Người đi hành khắp Nam Trung đất Việt.

c. Thời kỳ hành đạo

Đến 1954, Đức Tôn sư Minh Đăng Quang, người Thầy khả kính của cố Hòa Thượng lâm nạn. Mặc dù không còn Thầy bên cạnh, nhưng cố Hòa thượng và các huynh đệ vẫn tu học tinh tấn không hề xao lãng để khỏi phụ lòng Người trước lúc đi xa. Vào mỗi buổi sáng cố Hòa thượng đi khất thực hóa duyên, buổi chiều nghe pháp học kinh, tối đến tham thiền nhập định, quán chiếu soi rọi nội tâm, diệt trừ phiền não…

Trên khắp mọi nẻo đường đất nước, nơi nào mà cố Hòa thượng đặt chân đến, Ngài đều đem lại cho mọi người bao niềm an lạc. Mỗi lời giảng của Ngài đều mang hương vị giải thoát, làm cho mọi người vơi đi sự đau khổ của cuộc đời và hướng đến con đường đạo đức.

“Cây khô xuân đến hoa nở rộ,

Gió thoảng ngàn xưa hương ngát bay”

Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài tế độ một số lớn Chư Tăng xuất gia và rất nhiều Phật tử quy y. Ngài xây dựng được các tịnh xá như: Ngọc Thuận (Tây Ninh), Tịnh xá Ngọc Hiếu (Đà Lạt). Ngoài ra, Ngài cùng Hòa thượng Giác Huệ thành lập Giáo đoàn VI và xây dựng thêm một số Tịnh xá cho giáo đoàn cũng như Giảng đường Lộc Uyển tại Tp. Hồ Chí Minh làm trụ sở của Trung tâm giáo đoàn 6 hệ Phái Khất sĩ. Ngài có chứng minh xuất gia, đắp y cho một số vị như: Thượng tọa: Giác Nhuận, Giác Thiện, Giác Nghiêm, Giác Minh,…

Trải qua mấy mươi năm sương gió, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Ngài vẫn luôn miệt mài dạy dỗ và khuyến tấn chư Tăng trong giáo đoàn nỗ lực tinh tấn tu học theo đường lối Y bát Khất sĩ của Tổ sư  đã vạch ra. Ngài cũng vận động Phật tử trùng tu lại Giảng đường lộc Uyển, cất Tăng xá cho Chư Tăng có chỗ ở mà yên tâm tu học. Với hàng Phật tử, Ngài thường xuyên thăm hỏi và nhắc nhở mọi người hãy tinh tấn trên bước đường tu nhân học Phật. Chẳng những thế, Ngài còn vận động làm từ thiện như lập Phòng thuốc Nam,  phát thuốc miễn phí hay tổ chức cứu trợ  ở những nơi bị thiên tai, lũ lụt và giúp đỡ người nghèo tại địa phương…

d. Những năm tháng cuối đời

Kể từ năm 1995 cố Hòa thượng đã phải chịu cơn bạo bệnh ngặt nghèo, sức khỏe có phần giảm sút nhưng cố Hòa thượng vẫn nổ lực thực hành Phật sự lợi lạc quần sanh, quyết tâm đi cho trọn con đường phụng sự đạo pháp và nhân sanh, nhưng lực bất đồng tâm, như cổ đức có câu:

Bầu thuốc thánh, đâu cứu được người hết số

Chén linh đơn, sao chữa được bệnh nan y

Cuộc đời như đóa phù vân, vô thường hợp tan có mấy ai mà tránh khỏi định luật sanh, lão, bệnh, tử. Ngài biết rõ quy luật đó nên vào lúc 12 giờ ngày 13 tháng 7 năm Đinh Sửu, Ngài đã an nhiên thị tịch không bận chút trần ai. Ngài đến với cuộc đời được 62 năm và vào đạo được 47 năm.

Sự ra đi của Ngài là nỗi mất mát lớn lao của Tăng ni Phật tử Hệ phái Khất sĩ. Từ nay cho đến suốt đoạn đường còn lại của môn đồ đệ tử không làm sao tìm lại được người Thầy khả kính làm mô phạm cho mọi người.

“Người xưa nay đã còn đâu,

Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương.

Ra vào lòng dạ vấn vương,

Bóng hình Đại sĩ du phương nơi nào.”



CHƯƠNG 2: CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO ĐOÀN VI

2.1. Giai đoạn 1962- 1980

2.1.1. Thành lập Giáo hội Khất sĩ Việt Nam

Sau năm 1954, Tổ khai sơn Hệ phái Khất sĩ vắng bóng, đoàn Du tăng Khất sĩ do đức Trưởng lão Giác Chánh và Trưởng lão Giác Như thừa truyền dẫn dắt hành đạo khắp miền Tây Nam bộ, miền Đông và miền Trung. Chính trong thời gian này, Hòa thượng đã theo chân Đức Nhị Tổ thuyết pháp giảng kinh, tiếp chúng độ Tăng, làm lợi lạc quần sanh. Từ năm 1958 đến năm 1960, trên đà phát triển, Đạo Phật Khất sĩ thành lập các đoàn Du tăng do các vị Đại đệ tử của Tổ sư đứng ra xiển dương Chánh pháp, đáp ứng nhu cầu học đạo của cư gia bá tánh.

Năm 1962, nhân dịp chư Tôn đức Tăng trở về Tịnh xá Ngọc Thạnh, Tây Ninh để tham dự lễ Tự tứ. Hòa thượng Giác Huệ và Hòa thượng Giác Đức đã bạch xin được thành lập đoàn du Tăng để đi hành đạo riêng.

Năm 1971, “Giáo hội Khất sĩ Việt Nam” do Hòa thượng Giác Huệ và Giác Đức thành lập được chính quyền đương thời chính thức chấp nhận. Trong nhiệm kỳ đầu 1971-1973, Hòa thượng Giác Huệ được công cử làm Tăng trưởng và đến nhiệm kỳ 1973-1975 được bầu làm Tổng Trị sự trưởng kiêm Trưởng đoàn cho đến ngày vắng bóng. Hòa thượng Giác Đức được công cử là Phó trưởng đoàn, rồi làm Trưởng đoàn khi Hòa thượng Giác Huệ vắng bóng vào năm 1980. Trong giai đoạn này, Hòa thượng Giác Huệ có mời Ni trưởng Tràng Liên làm Trưởng Phân đoàn Ni để dẫn dắt và hướng dẫn chư Ni trong phân đoàn tu học.

2.1.2. Hoằng pháp và xây dựng

Trong suốt thời gian hoằng pháp độ sanh, Hòa thượng Giác Huệ và HT. Giác Đức cùng chư Tăng trong giáo đoàn đã xây dựng được một số  ngôi tịnh xá như : Tịnh xá Ngọc Lợi (Bạc Liêu), Tịnh xá Ngọc Châu (Tân Châu), Tịnh xá Ngọc Ánh (Chợ Mới), Tịnh xá Ngọc Huệ (Cai Lậy), Tịnh xá Ngọc Tân (Thủ Thừa), Tịnh xá Lộc Uyển (Quận 6), Tịnh xá Ngọc Diệp (Quận 3), Tịnh xá Ngọc Hiếu (Đà Lạt), Tịnh xá Ngọc Thuận (Tây Ninh)… Riêng với Hòa thượng Giác Huệ, với biện tài vô ngại, từ năm 1972, Hòa thượng được GHPGVNTN (VNQT) mời giữ chức vụ “Tổng Vụ trưởng Vụ Hoằng pháp”. Cũng trong giai đoạn này giáo đoàn cũng đã tiếp nhận 15 ngôi tịnh xá khác xin gia nhập.

2.2. Giai đoạn 1980- 1997

Vào năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hệ phái Khất sĩ trở thành một trong ba thành viên chính. Sau đó một năm, Trưởng lão Giác Đức, người thay thế Hòa thượng Giác Huệ đã vắng bóng năm 1980 được công cử làm trưởng đoàn. Hòa thượng đã đưa Tăng đoàn trở về sinh hoạt cùng Hệ phái Khất sĩ và trở thành Giáo đoàn VI (thay thế tên cũ là Giáo hội Khất sĩ Việt Nam). Hòa thượng Bửu Long được công cử làm Phó trưởng đoàn, Hòa thượng Giác Tuấn làm thư ký giáo đoàn.

Trong giai đoạn này có một số chư Tăng cùng chí hướng tu tập theo đường lối Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang đã xin về gia nhập, sinh hoạt theo giáo đoàn 6 và được sự chứng minh cao quý của Trưởng lão Hòa thượng Giác Đức như: Hoà thượng Bửu Long (Tịnh xá Bửu Long, Tp. HCM), Thượng tọa Minh Điển (Tịnh xá Quang Minh, Bà Rịa Vũng Tàu), Hòa thượng Giác Điệp (Chùa Giác Quảng, Cần Thơ), Thượng tọa Minh Nhơn (Tịnh xá Ngọc Nhơn, Bình Thuận), Hòa thượng Giác Vinh (Tịnh xá Bửu Long, Tp. HCM), Thượng tọa Minh Nhân (Tịnh xá Ngọc Nhân, Tp. HCM), Thượng tọa Giác Thời (Chùa Phước Lâm, Sóc Trăng),…

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này Hòa thượng Giác Đức cũng chứng minh và mời là Ni trưởng Quảng Liên, là chị ruột của mình khi đang dưỡng bệnh tại Tịnh xá Lộc Uyển – Q.6, Tp. HCM chứng minh tinh thần cho chư Ni tại Tịnh xá Ngọc Sanh- Bình Thuận do Ni sư Sanh Liên làm trụ trì, chư Ni tại Tịnh xá Phước Hưng do Ni trưởng Thắm Liên làm trụ trì, chư Ni tại tịnh xá Ngọc Chu- Bà Rịa Vũng Tàu do Ni sư Diễm Liên làm trụ trì, chư Ni Tịnh xá Ngọc Tuyền, Tp. HCM do Ni sư Độ Liên làm trụ trì,… về tham gia sinh hoạt cùng giáo đoàn.

Trong suốt 17 năm, từ năm 1980- 1997, giáo đoàn với sự lãnh đạo của Hòa thượng Giác Đức, cùng Chư Tôn đức trong Ban Trị sự  đã củng cố và phát triển hài hòa trong lòng dân tộc và Giáo hội. Tuy trong giai đoạn này chư Tăng Ni trong giáo đoàn không phát triển mạnh về mặt hoằng pháp nhưng về tinh thần hòa hợp trong tu học của tự thân Chư Tăng Ni thì rất là ổn định.

Về mặt an sinh xã hội, trong  giai đoạn từ năm 1980- 1990 do tình hình khó khăn chung nên phong trào từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn chưa được khả quan. Tuy nhiên bắt đầu giai đoạn từ năm 1991, phong trào an sinh xã hội của giáo đoàn có bước tiến triển, Hòa thượng Giác Đức cùng chư Tăng Tịnh xá Lộc Uyển đã thành lập Phòng thuốc Nam từ thiện để khám chữa bệnh cho bà con có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Phòng khám từ thiện này hoạt động cho đến ngày hôm nay. Song song đó, hàng năm vào các ngày rằm lễ lớn, Chư Tăng Ni trong các tịnh xá trực thuộc cũng làm rất nhiều Phật sự từ thiện an sinh xã hội tại địa phương. Đây cũng là nền tảng xuất hiện các hội từ thiện của các tịnh xá sau này.

2.3. Giai đoạn 1997-  2007

Kể từ khi Trưởng lão Hòa thượng Giác Đức viên tịch vào năm 1997, Hòa thượng Giác Tuấn được chư Tăng Ni trong giáo đoàn công cử lên làm Trị sự trưởng tiếp nối sứ mạng lãnh đạo Giáo đoàn. Hòa thượng Giác Thịnh được bầu làm Tri sự phó giáo đoàn, Thượng tọa Giác Nhuận làm thư ký, cố Đại đức Minh Tâm làm phó thư ký. Giáo đoàn cũng bầu ra hội đồng Tỳ kheo của giáo đoàn để giải quyết các việc Tăng sự.

Để cho sự sinh hoạt của giáo đoàn ngày càng tốt đẹp hơn, Ban Trị sự giáo đoàn đã theo lời chỉ dạy của Hòa thượng Giác Đức trước khi viên tịch đã cung thỉnh Hòa thượng Giác Giới và Hòa thượng Giác Toàn làm cố vấn cho Giáo đoàn. Với sự ủng hộ về tinh thần và cố vấn về mặt tu học của nhị vị Hòa thượng trong Ban Thường trực Hệ phái, cộng thêm sự lãnh đạo hài hòa của Hòa thượng Giác Tuấn, sự đồng tâm hiệp lực của chư Tăng Ni trong giáo đoàn, giúp cho giáo đoàn ngày càng phát triển về nhân sự, cũng như sự tu học của Tăng Ni.

Để cho sự sinh hoạt giữa các miền tịnh xá được thông suốt, giáo đoàn lấy ngày mùng 08 tháng 02 và ngày 13 tháng 07 hàng năm làm ngày họp mặt để báo cáo tình hình tu học và sinh hoạt của các miền tịnh xá. Tình hình chung của Giáo đoàn và Hệ phái cũng được phổ biến trong các cuộc họp quan trọng này.

Trong giai đoạn 10 năm (từ năm 1997 đến 2007) nhờ sự cố vấn của Hòa thượng Giác Giới, Hòa thượng Giác Toàn và sự lãnh đạo hài hòa của Hòa thượng Giác Tuấn cùng Thường trực Ban Trị sự Giáo đoàn mà chư Tăng Ni từng bước ổn định. Với sự ổn định về mặt nhân sự và tu học trong giai đoạn này đã mở một trang sử mới và đây cũng là giai đoạn phục hưng làm tiền đề vô cùng quan trọng cho sự phát triển của Giáo đoàn VI sau này.

2.4. Giai đoạn 2007- đến nay (2023)

Đây là giai đoạn tiếp nối và phát triển giáo đoàn trong thời kỳ hội nhập. Ban Trị sự giáo đoàn đã đưa ra 03 mục tiêu cho các hoạt động Phật sự cũng như tu học cho Tăng Ni trong giáo đoàn. Thứ nhất là phát triển nhân sự, đào tạo tăng tài. Thứ hai là mở ra các khóa tu học nội bộ của giáo đoàn, tham gia các khóa tu chung của Hệ phái. Thứ ba là phát triển về cơ sở vật chất. Tuy 03 mục tiêu đề ra không hoàn thành trọn vẹn nhưng cũng đạt nhiều hiệu suất tích cực.

Về nhân sự, tuy không có nhiều vị tài năng xuất hiện nhưng giáo đoàn vẫn được phát triển bền vững theo thời gian, hoàn thành tốt các công tác Phật sự của Giáo hội, cũng như Hệ phái giao phó. Đây cũng nhờ vào sự đoàn kết hòa hợp của Tăng Ni trong giáo đoàn.

Về việc tham gia các khóa tu chung của Hệ phái và mở ra các khóa tu nội bộ giáo đoàn Tăng Ni. Điều này chư Tăng Ni trong giáo đoàn cũng thực hiện tương đối tốt. Đặc biệt là trong các lần tổ chức các khóa tu chung cho Hệ phái do Tăng Ni giáo đoàn 6 được phân công qua các năm 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 tại các Tịnh xá Ngọc Nhơn, Ngọc Như, Trúc Lâm. Ban Trị sự giáo đoàn cũng mở khóa tu chung cho chư Tăng, Ni và khóa riêng cho chư Tăng và Phân đoàn Ni. Trong năm 2021, Ban Trị sự giáo đoàn đã lập ra Ban Hành đạo để đến sinh hoạt, sách tấn chư Tăng, Ni các Tịnh xá trực thuộc giáo đoàn.

Còn về mục tiêu thứ ba là phát triển cơ sở vật chất, với mục tiêu này giáo đoàn thực hiện khá tốt. Từ năm 2010, vì lý do sức khỏe không ổn định và một phần vì muốn chuyên tập trung vào việc hành trì lời Phật dạy, Hòa thượng Giác Tuấn, Trưởng Ban Trị sự giáo đoàn đã ủy quyền điều hành giáo đoàn lại cho Thượng tọa Giác Nhuận, Phó Trị sự trưởng Thường trực giáo đoàn. Với sự chứng minh cao quý của Hòa thượng Giác Tuấn, Thượng tọa Giác Nhuận đã cùng Thường trực Ban Trị sự giáo đoàn và chư Tôn đức Tăng tại các Tự viện cùng nhau chung sức, chung lòng xây tôn tạo lại Tịnh xá Lộc Uyển, trung tâm giáo đoàn, tạo lập và xây dựng các tịnh xá như: Tịnh xá Đại Quang (Tp. HCM), Tịnh xá Ngọc Chơn, Tịnh xá Ngọc Long (Bình Phước), Tịnh xá Ngọc Định (Bình Dương), Tịnh xá Trúc Lâm (Tây Ninh), Tịnh xá Ngọc Tâm (Lâm Đồng), Tịnh thất Kỳ Viên (Tp. HCM), Tịnh xá Quang Minh (Bà Rịa Vũng Tàu),…

Tóm lại, với khoảng thời gian hơn 10 năm mà giáo đoàn phát triển tương đối ổn định về nhân sự, về mặt tu học và đặc biệt là xây dựng được một số cơ sở khang trang, làm nơi sinh hoạt trang nghiêm cho chư Tăng Ni là nhờ vào ân đức của Tổ Thầy, sự ủng hộ nhiệt tình, sự hòa hợp, đoàn kết của toàn thể chư Tăng Ni trong giáo đoàn. ……


CHƯƠNG 3: GIÁO ĐOÀN VI HIỆN NAY

3.1. Cơ cấu Giáo đoàn VI nhiệm kỳ 2021- 2025

·    Ban Chứng minh

- HT. Thích Giác Giới

- HT. Thích Giác Toàn

·    Ban Trị sự

- Trưởng ban: HT. Giác Tuấn

- Phó ban thường trực (Ngoại vụ): HT. Giác Điệp

- Phó ban thường trực (Nội vụ): TT. Giác Nhuận

- Phó ban: HT. Giác Mỹ, TT. Minh Nhơn

- Chánh Thư ký: ĐĐ. Minh Sĩ

- Phó Thư ký: ĐĐ: Minh Đăng, Minh Điền, Minh Điệp

- Tài chánh- Thủ quỹ: ĐĐ. Minh Đạo, ĐĐ. Minh Hạnh

- Các Ủy viên: TT. Giác Thiện, TT. Giác Nghiêm, TT. Giác Minh, ĐĐ. Minh Chính, ĐĐ. Minh Dẫn, ĐĐ. Minh Toàn, ĐĐ. Minh Kính, ĐĐ. Minh Chuẩn.

Ngoài ra, Ban Trị sự giáo đoàn cũng bầu ra các phân ban tương ứng với các ban của Hệ phái để tiện bề sinh hoạt và thực hiện các Phật sự Hệ phái phân công.


3.2. Nội quy và thời khóa tu học chung cho các tự viện trong giáo đoàn

3.2.1. Nội quy chung cho giáo đoàn

Để ổn định trong việc tu học theo tinh thần giới luật, đúng theo đường lối Giáo hội và tông chỉ của Hệ Phái, do đó Chư Tăng trong Giáo đoàn phải tuân giữ các điều sau đây:

a. Điều lệ:

- Không được sai phạm các giới đã thọ

-  Không được lợi dụng danh nghĩa đoàn thể làm các việc sái quấy

- Giữ đúng nếp sống theo truyền thống Hệ phái Khất sĩ

- Sinh hoạt Giáo đoàn một năm 02 kỳ, vào ngày 08-02 và ngày 13-07. Chư Tăng, Ni phải có mặt đầy đủ.

- Muốn đắp y Sa di cho tập sự, phải đưa về Trung tâm Giáo đoàn (Tăng, Ni) trước một tháng để xem xét giới hạnh và khảo giới.

- Các Sa di đúng tuổi thọ giới Tỳ kheo phải về Trung tâm Hệ phái nhập hạ 03 tháng. Chư Ni về Trung tâm Phân đoàn Ni.

- Muốn xây dựng cơ sở tại các trú xứ của Giáo đoàn, Phải trình qua Ban Trị sự Giáo đoàn xem xét mô hình, kiến trúc.

- Sinh hoạt tại các cơ sở Giáo đoàn, Phải giữ đúng theo truyền thống Hệ phái.

- Chư Tăng, Ni trong Giáo đoàn không được thâu nhận các vị ngoài Giáo đoàn.

- Thâu nhận người xuất gia phải thông qua Ban Trị sự Giáo đoàn mới được nhận.

- Chư Tăng, Ni sống tại các trú xứ mỗi năm phải về Trung tâm Giáo đoàn 2 kỳ để dự lễ Tổ và Tự tứ.

b. Kỷ luật.

Nếu vị nào sai phạm các điều trên, Ban Giám luật tùy theo đó mà xử phạt.

- Lần 1: Nhắc nhở trước đại chúng.

- Lần 2: Sám hối trước đại chúng.

- Lần 3: Thâu y bát và tẩn xuất ra khỏi Giáo đoàn.

c. Lục hoà

Khi kỷ luật xong, Chư tăng, Ni phải sống hòa hợp, hoan hỷ để cho đoàn thể hưng thạnh, Tăng chúng được trang nghiêm.

3.2.2. Nội quy tu học (Dành cho các Tịnh xá trong đoàn)

Nhằm để nêu cao nếp sống phạm hạnh thanh tịnh nơi chốn tòng lâm. Do đó, Chư Tăng, Ni phải nghiêm chỉnh thực hiện các điểm sau đây:

a. Phần giới hạnh

- Giữ gìn “Tứ oai nghi “trong mỗi lúc

- Không được sai phạm các giới đã thọ

- Khi đi duyên sự bên ngoài phải trình với trụ trì hoặc quản chúng

- Tiếp xúc với Phật tử phải giữ oai nghi

- Cấm vô lễ, ngã mạn với bề trên, khi có việc phải cung kính, xin phép, trình báo.

- Không được lạm dụng danh nghĩa “đoàn thể” để làm việc lợi ích riêng tư

- Không được chỉ trích “phá hòa hợp Tăng”  trong mọi hình thức

- Tăng chúng “hòa hợp” y theo thời khóa biểu tu học.

- Không được lạm dụng tài vật hoặc làm hư hao, thất thoát của Tam bảo.

- Không được vắng mặt trong các buổi sinh hoạt quy định của đại chúng, trừ khi có lý do chính đáng.

b. Phần kỷ luật

Vị nào cố ý vi phạm các điều trên đây, tùy theo mức độ xử phạt:

- Lần 1 : Kiểm điểm và phê bình trước đại chúng

- Lần 2: Quỳ hương và sám hối trước đại chúng

- Lần 3: Trục xuất ra khỏi đại chúng hoặc giáng cấp

c. Lục hòa

Khi kỷ luật xong, Chư tăng lục hòa, phân giải trong hoan hỷ. Mong mỏi Chư Tăng nội tự y giáo phụng hành, để thiền môn hưng thạnh, đại chúng an hòa.


3.2.3. Thời khoá tu học tại các Tịnh xá trong Giáo đoàn:

Sáng:

- 4h00’          è        5h00’   : tọa thiền (hoặc tụng kinh)

- 6h 00’         è          7h 00’        : điểm tâm

- 8h 00’         è          10h 00’      : công quả (hoặc xem kinh)

Trưa:

- 11h 00’       è          12h 00’            : độ ngọ

- 12h 00’       è          13h 45’            : chỉ tịnh

Chiều:

- 14h 00’       è          15h 00’            : học kinh (luật)

- 15h30’        è         16h30’      : công quả

- 18g 00’       è          18h 45’            : tọa thiền

Tối:

- 19h 00’       è          20h 00’            : tụng kinh

- 20h 00’       è          21h 00’            : xem kinh (luật)

- 23h 00’       è          3h 45’              : ngủ nghỉ



3.3. Các khóa tu học

Nhằm tạo điều kiện và dành thời gian cho chư Tăng Ni trong giáo đoàn cùng ngồi lại thực hành pháp học và pháp hành của đức Phật và đức Tổ sư Minh Đăng Quang để lại. Trong những năm gần đây, Ban Trị sự giáo đoàn đã tổ chức một số khóa tu nội bộ dành riêng cho chư Tăng Ni trong giáo đoàn.

Một hai khóa đầu có chút trở ngại của các vị trụ trì, quản lý các tự viện do việc cân bằng Phật sự tại địa phương và tham gia khóa tu nhưng về gian dần về sau, được sự khuyến tấn của Chư Tôn đức lãnh đạo giáo đoàn, chư Tăng Ni trong giáo đoàn hưởng ứng rất tích cực trong các khóa tu giáo đoàn đưa ra. Các thời khóa sống chung tu học của giáo đoàn Tăng và Phân đoàn Ni đều dựa trên thời khóa của Hệ phái nhưng Ban Trị sự có chút điều chỉnh để cho phù hợp với sự tu tập của Tăng Ni trong giáo đoàn.

Ngoài ra, Ban Trị sự giáo đoàn lập ra Ban Hành đạo của giáo đoàn, do Ban thường giáo đoàn hướng dẫn cùng một số huynh đệ phát tâm đến thăm và sinh hoạt với các trú xứ neo người. Điều này cũng nên sự gắn bó và khích lệ rất lớn cho các trú xứ ít Tăng, ít người lui tới.


3.4. Hoạt động an sinh xã hội

An sinh xã hội là một trong những điều kiện gieo duyên căn bản và đưa hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo dễ dàng tiếp cận với quần chúng nhất. Trong những năm vừa qua theo sự kêu gọi của giáo hội Phật giáo và Hệ phái, chư Tăng Ni trong giáo đoàn, ngoài phần tu tập cho tự thân cũng đã rất cố gắng thực hiện an sinh xã hội như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai lũ lụt, xây cầu, cất nhà tình thương,…

Bên cạnh đó trong giáo đoàn cũng có mở một số phòng khám từ thiện châm cứu, hốt thuốc như: Phòng thuốc Nam từ thiện Tịnh xá Lộc Uyển, Q.6, Tp. HCM, phòng thuốc Nam Tịnh xá Ngọc Tuyền, huyện Hóc Môn, Tp. HCM, phòng thuốc Nam tịnh xá Ngọc Thành, Hậu Giang và phòng thuốc Nam Tịnh xá Phước Hưng (tạm ngưng một thời gian).

Tuy hoạt động an sinh xã hội của giáo đoàn chưa được lớn mạnh bằng những giáo đoàn Tăng- Ni khác trong Hệ phái nhưng cũng góp một phần sức nhỏ của mình cùng chánh quyền địa phương vào việc giúp đỡ cho những bà con có hoàn cảnh khó khăn. Tạo điều kiện cho cư gia bá tánh có một cái nhìn thiện cảm vào Phật giáo.


3.5. Danh mục các tịnh xá


-     TỊNH XÁ LỘC UYỂN (TỔ ĐÌNH)

ĐC: 121 Kinh Dương Vương, P.12, Q.6, TP. HCM. ĐT: 083.8751155. Năm thành lập: 1965. Người sáng lập: HT. Giác Huệ. Trụ trì: HT. Giác Tuấn.

-     TỊNH XÁ NGỌC ÁNH

ĐC: 43 Trần Hưng Đạo, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. ĐT: 076.3887657. Năm thành lập: 1961. Người sáng lập: HT. Giác Huệ. Trụ trì: TT. Giác Mỹ.

-     TỊNH XÁ NGỌC CHÂU

ĐC: 43A Nguyễn Tri Phương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. ĐT: 076.3530871. Năm thành lập: 1963. Người sáng lập: HT. Giác Huệ. Trụ trì: ĐĐ. Minh Điền.

-     TỊNH XÁ NGỌC CHƠN

ĐC: 157/7 tổ 1, khu phố 6, thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. ĐT: 01286566677.  Năm thành lập: 1972. Người sáng lập: TT. Giác Đính. Trụ trì: TT. Giác Nhuận, Quản lý: TK. Minh Đạo.

-     TỊNH XÁ NGỌC HIẾU

ĐC: Khe Sanh, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Năm thành lập: 1973. Người sáng lập: HT. Giác Đức.

-     TỊNH THẤT NGỌC HÒA

ĐC: Xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 0916486664. Năm thành lập: 2004. Người sáng lập và trụ trì: ĐĐ. Giác Minh.

-     TỊNH XÁ TRÚC LÂM

ĐC: Ấp Thạnh Nam, xã Thạnh tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. ĐT: 0938610130. Năm thành lập: 2010. Người sáng lập. HT. Giác Tuấn. Quản lý: ĐĐ. Minh Dẫn.

-     TỊNH XÁ QUANG MINH

ĐC: ấp Ông Trịnh, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. ĐT: 0913873578. Năm thành lập: 1984. Người sáng lập: TT. Minh Điển. Trụ trì: TT. Giác Nhuận, quản lý: ĐĐ. Minh Chuẩn.

-     TỊNH XÁ NGỌC NHƠN

ĐC: Xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. ĐT: 0976686758. Năm thành lập:1988. Người sáng lập và trụ trì: TT. Minh Nhơn.

-     TỊNH XÁ NGỌC NHƯ

ĐC: Ấp Cầu Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. ĐT: 0937333946. Năm thành lập: 2009. Người sáng lập và trụ trì: ĐĐ. Minh Đăng.

-     TỊNH XÁ ĐẠI QUANG

ĐC: Ấp 3, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM. ĐT: 01286566677. Năm thành lập: 2013. Người sáng lập: TT: Giác Nhuận. Trụ trì: ĐĐ. Minh Sĩ.

-     CHÙA GIÁC QUẢNG

ĐC: 309/9 An Bình, TP. Cần Thơ. Năm thành lập: 1938. Viện chủ: HT. Giác Điệp. Trụ trì: ĐĐ. Minh Cầu.

-     TỊNH XÁ NGỌC TÂM

ĐC: Thôn 3, Hà Lâm, thị trấn Đambri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. ĐT: 01683006802. Năm thành lập: 1973. Người sáng lập: Cư sĩ: Diệu Tâm. Quản lý: TK. Minh Trung.

-     TỊNH XÁ NGỌC THÀNH

ĐC: 555 ấp Thới Hòa C, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, Tp. Cần Thơ. Năm thành lập: 1983. Người sáng lập: ĐĐ. Giác Luận. Trụ trì: ĐĐ. Minh Chính.

-     TỊNH THẤT KỲ VIÊN

ĐC: Xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. HCM. ĐT: 0943499047. Năm thành lập: 1985. Người sáng lập và trụ trì: TT. Giác Nhuận, quản lý: TK. Minh Quảng.

-     TỊNH XÁ NGỌC TÂM

ĐC: 117 tổ 17, ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. ĐT:0933224344. Người sáng lập: sư cô Diệu Tâm. Đại trùng tu và trụ trì: TK. Minh Trực.

-     TỊNH XÁ NGỌC LONG

ĐC: Phường An Lộc, TX. Bình Long, tỉnh Bình Phước. ĐT: 0943499047. Người sáng lập: TT. Giác Đính. Trụ trì: TT. Giác Nhuận, quản lý: TK. Minh Hạnh.

-     TỊNH THẤT NGỌC BÌNH

ĐC: ấp Bàu Lùn, xã Bình Minh, Tp. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. ĐT: 0937333946. Năm thành lập: 2015. Người sáng lập và trụ trì: ĐĐ. Minh Đăng.

-     TỊNH XÁ NGỌC ĐỊNH

ĐC: Thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Người thành lập: TT. Giác Nhuận, trụ trì: ĐĐ. Minh Đạo

-     TỊNH XÁ NGỌC GIÁC

ĐC: Xã Hiệp Thành, Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Người sáng lập và trụ trì: ĐĐ: Minh Giác.

-     CHÙA PHƯỚC HUỆ

ĐC: Khóm Long An “A” phường Long Phú, thị xã Tân Châu, An Giang. Người sáng lập: ĐĐ. Minh Khánh, trụ trì: ĐĐ. Minh Trực.

-     TỊNH XÁ NGỌC THUẬN

ĐC: Ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. ĐT: 066.3850577. Năm thành lập: 1963. Người sáng lập: HT. Giác Đức. Trụ trì: NS. Châu Liên.

-     TỊNH XÁ NGỌC TÂN

ĐC: 2/057 ấp Cầu Xây, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Năm thành lập: 1962. Người sáng lập: HT. Giác Huệ. Trụ trì: SC. Hội Liên.

Tịnh xá Ngọc Thuận- Tây Ninh và Tịnh xá Ngọc Tân- Long An hiện giờ do Ni giới Hệ phái quản lý về nhân sự và cơ sở.


C. LỜI KẾT

Ai sinh ra và lớn lên cũng đều có một quê hương, xứ sở nên dù có đi bất cứ phương trời nào tiếng vọng quê hương cũng luôn thôi thúc trong lòng dạt dào, tha thiết. Cũng vậy, chiếc nôi nuôi lớn giới thân huệ mạng của người Khất sĩ chính là tông phong Hệ phái. Chính ngọn đèn chơn lý được đức Tổ sư thắp lên, chư vị đức Thầy truyền lửa và Tăng chúng hậu học là người kế thừa ngọn lửa thiêng liêng ấy. Thế nên, dù tu học ở bất kỳ đạo tràng thuộc Giáo đoàn nào, người Khất sĩ chân chính cũng luôn lấy sự lãnh đạo của chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo sáu Giáo đoàn làm khuôn mẫu tu học. Và tất cả mọi Tăng Ni đều chung tay trên dưới một lòng tô đắp cho Hệ phái ngày càng vững mạnh và phát triển rộng khắp từ trong nước cho đến nước ngoài.

Giáo đoàn VI từ lúc được thành lập cho đến nay đều luôn khép mình tôn kính chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo, luôn đoàn kết hoà họp và tuân thủ mọi sự chỉ đạo của Hệ phái. Giáo đoàn VI luôn giữ đúng theo tất cả mọi sự lãnh đạo và kế hoạch mà Hệ phái đề ra để cho tốt đời, đẹp đạo và hoàn thành sứ mệnh của người con Phật. Bên cạnh những thành tựu khả quan, chúng con biết rằng có thể còn những việc làm chưa hoàn thành tốt đẹp cúi xin Chư Tôn đức trong Hệ phái từ bi hoan hỷ góp ý kiến để cho chúng con rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong tương lai.

Cội nguồn Khất sĩ thơm hương ấy

Ngàn năm xin nguyện bước chân sang

Trên lộ trình tu hành thiên lý

Giữ mãi bát y, giữ đạo vàng…