Tin: Đại đức Minh Sĩ, ảnh: Pt. Diệu Anh

Giới Định Tuệ chính là cốt lõi của giáo lý Phật- đà. Vì chính bản thân đức Phật hay bất kỳ một người nào, một giai cấp nào trong xã hội muốn chứng được thánh quả cũng đều kinh qua con đường này. Dù cho là thời kỳ Nguyên thuỷ Phật giáo, thời kỳ Phân phái hay thời kỳ Đại thừa Phật giáo cũng đều lấy Giới, Định, Tuệ làm nền tảng. Với đặc tính quan trọng của Giới, Định, Tuệ mà trên đường đến Kùsinara để nhập niết bàn, đức Phật đã nhiều lần (cụ thể là 8 lần)[1] nhắc vấn đề này với đại chúng Tỷ- kheo, Tỷ- kheo- ni … bằng những lời hết sức chân thành tha thiết qua kinh Trường bộ, tập 1 như sau: Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn, Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu[2].



Qua lời dạy của đức Phật cho chúng ta thấy Giới, Định và Tuệ liên kết với nhau rất chặt chẽ như là một thể thống nhất, như là kiềng ba chân. Nếu thiếu một trong ba thì hành giả không thể nào thành công trên bước đường tu tập của mình được.

Ngài Kimura Taiken cũng tuyên bố “Tam học là nền tảng của tất cả đạo hạnh, nó bao gồm hết thảy đức mục tu dưỡng của một đệ tử Phật”[3]. Nếu người đệ tử Phật muốn thành công trên bước đường tu học thì phải thông qua con đường Giới, Định, Tuệ. Vì nó chính là nền tảng của một người học Phật.




Hôm nay ngày 16 tháng 03 năm Mậu Tuất (01/05/2018), noi theo truyền thống của ba đời Chư Phật, Chư Tổ và đặc biệt là truyền thống của Hệ phái Khất sĩ. Nhằm tạo điều kiện cho Chư Ni trong Phân đoàn được học tập và thực hành theo bổn hoài của người xuất gia. Dưới sự chứng minh, điều hành của của Chư Tôn đức Tăng trong Ban Trị sự giáo đoàn. Chư Tôn đức Ni Phân đoàn Ni giới giáo đoàn 6 đã long trọng tổ chức Khóa tu Giới Định Tuệ lần thứ hai.

Đến chứng minh và tham dự Lễ Khai mạc có TT. Thích Giác Nhuận, UV Ban Trị sự GHPGVN Tp. HCM, Phó Ban TT Ban Trị sự GHPGVN- Q.6, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, Phó Trị sự trưởng Giáo đoàn 6, ĐĐ. Thích Minh Sĩ, UV Ban Văn hóa GHPGVN Tp. HCM, Phó Thư ký Ban Trị sự GHPGVN- Q.6, Thư ký Giáo đoàn 6- HPKS cùng chư Tôn đức Tăng trong giáo đoàn. Về Chư Tôn đức Ni, có NS. Chu Liên, trụ trì TX. Ngọc Chu, NS. Sanh Liên, trụ trì TX. Ngọc Sanh,… cùng quý Ni sư, Sư cô, cũng như quý Phật tử trong giáo đoàn về tham dự và hộ trì khóa tu lần này.





Sau phần phát biểu khai mạc của NS. Chu Liên là phần báo cáo về thành phần Ban Tổ chức, công việc tổ chức, túc số chư Tôn đức Tăng- Ni tham dự của sư cô Phương Liên trụ trì TX. Phước Hưng như sau:

Về Ban Tổ chức

· Trưởng ban: TT. Giác Nhuận

· Phó ban: NS. Sanh Liên, NS. Độ Liên

· Thư ký: SC. Huệ Liên, PT. Diệu Anh

· Ban Hộ trì: SC. Phương Liên, Quý Phật tử TX. Phước Hưng và các Tịnh xá trong giáo đoàn.

· Giáo Thọ sư: TT. Giác Nhuận, ĐĐ. Minh Sĩ

·

Số lượng Chư Tôn đức Tăng- Ni tham dự:

- Chư Tăng: 8 vị

- Chư Ni: 28 vị

Sau phần báo cáo của SC. Phương Liên là phần phát nguyện hộ trì khóa tu của PT. Huệ Trí cùng quý Phật tử các tịnh xá trong giáo đoàn. Sau cùng là lời chứng minh đạo từ của TT. Giác Nhuận với nội dung nhắc nhở, khuyến tấn các hành giả hãy tinh tấn tu tập trong suốt 6 ngày diễn ra khóa tu với tinh thần sống chung tu học của đức Tổ sư Minh Đăng Quang: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”.

Hình ảnh khất hực trước lễ khai mạc:














[1] Lần 1: tại Rajagaha; lần 2: tại Ambalatthika; lần 3: tại Nalanda, rừng Pàvàrikamba; lần 4: tại Kotigàma; lần 5: tại Nàdika; lần 6: tại Vesàli; lần 7: tại Bhandagàma; lần 8: tại Bhogamagara.

[2] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, tập 1, ‘Kinh Đại bát niết bàn’, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 554- 555.

[3] Kimura Taiken, Nguyên thuỷ Phật giáo tư tưởng luận, HT. Thích Quảng Độ dịch, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 346.