KHAI MẠC KHÓA TU “NÊN TẬP SỐNG CHUNG TU HỌC” LẦN THỨ I

DÀNH CHO PHÂN ĐOÀN NI GIỚI TRỰC THUỘC GIÁO ĐOÀN VI

BAN THƯ KÝ GIÁO ĐOÀN VI

Vượt mọi biên giới của văn hóa, ngôn ngữ và chủng tộc, Phật giáo du nhập vào đất nước Việt Nam một cách hài hòa như những dòng sông xuôi nguồn về biển. Ươm mầm bén rễ và phát triển cực thịnh trong suốt hơn 2000 năm qua, Phật giáo đã tô đắp nên biết bao nét đẹp tâm linh cho hồn thiêng sông núi nước nhà. Và trong sự giao hòa giữa truyền thống Nam tông và Bắc tông, Đạo Phật Khất Sĩ đã ra đời. Hội tụ tinh hoa của hai nền giáo lý, đức Tổ sư Minh Đăng Quang nối truyền Thích Ca chánh pháp, xiển dương con đường giải thoát của đức Thế Tôn. Chỉ vỏn vẹn mười năm hành đạo mà công hạnh của Tổ sư đã vực dậy tinh thần giác ngộ cho cả một thế hệ máu đỏ da vàng, đồng chung lý tưởng dưới sự chở che của hồng ân Tam bảo. Cho đến tận ngày nay, âm vang phạm hạnh và những lời dạy của Tổ sư vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức của hàng hậu học đời đời. Tổ sư đã cống hiến trọn vẹn đạo hạnh của mình góp phần to lớn trong công cuộc chấn hưng đạo pháp. Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên và bối cảnh xã hội mà có sự hình thành phát triển khác nhau. Trong đó, các đức Thầy lớn nhất thuộc thế hệ đệ tử đầu tiên của Tổ đã thành lập ra sáu Giáo đoàn đi hành đạo khắp cả nước.

Vào ngày Rằm tháng Bảy năm 1962, nhân sự kiện họp mặt chư Tôn đức trong Hệ phái, Đức thầy Giác Huệ cùng Hòa thượng Giác Đức đảnh lễ chư Tôn đức xin thành lập đoàn du Tăng hành đạo riêng và được sự chấp thuận của đại chúng. Trong bối cảnh thời đại ấy, để có tính pháp nhân pháp lý Đức Thầy Giác Huệ đã thành lập Giáo Hội Khất Sĩ Việt Năm vào năm 1970 qua nghị định của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất. Thời kỳ này Ngài tiếp độ tăng ni số lượng khá đông. Vào năm 1980, Đức Thầy Giác Huệ thọ nạn và vắng bóng. Sự vắng bóng này đã ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đối với đoàn du Tăng, số lượng tăng ni có phần suy giảm. Trưởng lão Giác Đức thay thế Đức Thầy Giác Huệ trở thành Trị sự trưởng của đoàn du Tăng. Vào năm 1981, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, Hệ Phái Khất Sĩ trở thành một trong ba thành viên chính. Trong thời gian đó, Trưởng lão Giác Đức xin gia nhập Hệ phái Khất Sĩ và trở thành Giáo Đoàn VI vào năm 1982. Trong giai đoạn này, Trưởng lão Giác Đức chăm lo củng cố tình hình tu học và sinh hoạt của chư Tăng Ni tại Tịnh xá Lộc Uyển và một số đạo tràng Tịnh xá còn lại ở một số tỉnh lân cận. Ngài còn tiếp độ và truyền trao giới pháp cho một số tăng ni bên ngoài vào sinh hoạt trong Giáo đoàn VI. Thuận thế vô thường, Trưởng lão Giác Đức thâu thần thị tịch năm 1997 trong sự kính tiếc vô vàn của Hệ phái. Thay thế các bậc thầy hiền, Hòa thượng Giác Tuấn đảm đương trọng trách Trị sự trưởng Giáo đoàn VI và cung thỉnh Hòa thượng Giác Giới và Hòa thượng Giác Toàn làm cố vấn tối cao cho Giáo đoàn. Thời gian này số lượng tăng ni trong Giáo đoàn sinh hoạt ổn định và ngày càng tăng nhanh. Nhân đại lễ tưởng niệm Đức Thầy Giác Huệ ngày mùng 08 tháng 08 năm 2012 Al, Ban Trị sự Giáo đoàn VI kính trình Hòa thượng Giác Giới chứng minh cho phân đoàn ni trực thuộc Giáo đoàn VI được sinh hoạt chính thức. Nhận thấy đây là thỉnh cầu thỏa đáng nên Hòa thượng Giác Giới đã hoan hỷ châp thuận và chỉ dạy Ban trị sự Giáo đoàn VI kính trình lên chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái. Nhân phiên họp định kỳ của Hệ phái vào ngày 20 tháng 04 năm 2013 Al, Ban trị sự Giáo đoàn VI kính trình chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái cho phép phân đoàn ni giới trực thuộc Giáo đoàn VI sinh hoạt cùng Hệ phái và được chư Tôn đức hoan hỷ chấp nhận. Từ đây, ni giới Giáo đoàn VI có đầy đủ tư cách pháp nhân, pháp lý và có đầy đủ tư cách giới pháp bình đẳng của hàng Khất sĩ.

Nhằm để hướng dẫn chư ni tu tập đúng đường lối của Hệ phái, vào ngày 20 tháng 06 năm Đinh Dậu ( nhằm ngày 13 – 07 – 2017) Hòa thượng Giác Tuấn – Trị sự trưởng Giáo đoàn VI chỉ đạo chư Tôn đức Ban trị sự Giáo đoàn VI quang lâm tịnh xá Phước Hưng để chứng minh lễ khai mạc Khóa tu “Nên Tập Sống Chung Tu Học” lần thứ nhất. Đây là Khóa tu nội bộ dành cho ni giới trong Giáo đoàn VI theo đúng mô hình Khóa tu Truyền thống của Hệ phái. Số lượng hành giả tham dự gồm 26 vị.

Quang lâm chứng minh cho lễ khai mạc, Thượng tọa Giác Nhuận – phó trị sự trưởng Giáo đoàn VI đã ban đạo từ chứng minh sách tấn hành giả qua pháp ý trong kinh tạng và trong Chơn Lý của đức Tổ sư. Thượng tọa đã trích dẫn lời kinh Phật trong Aguttara Nikāya, X. Phẩm Hạt Muối, 93. Hội Chúng: Có ba hội chúng này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba? Hội chúng tối thượng, hội chúng không hòa hợp, hội chúng hòa hợp.Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng tối thượng?Ở đây, này các Tỷ-kheo, hội chúng nào có các Tỷ-kheo trưởng lão, không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, tinh cần tinh tấn, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và những thế hệ kế tiếp chúng tùy thuận theo tri kiến của chúng. Hội chúng ấy không có sống đầy đủ, không có biếng nhác, từ bỏ dẫn đầu về đọa lạc, đi đầu về hạnh viễn ly, tinh cần tinh tấn, để chứng những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng tối thượng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng không hòa hợp?Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, tranh luận, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng không hòa hợp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng hòa hợp?Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào các Tỷ-kheo sống hòa hợp hoan hỷ, không có luận tranh, sống như nước với sữa lẫn lộn, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp. Lúc nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không có luận tranh, như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tạo được công đức, lúc ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống phạm trú. Nghĩa là, với ai hân hoan với tâm giải thoát liên hệ với hỷ, thời hỷ sanh; với ai có hỷ, thân được khinh an; với thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với ai cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh”. Như vậy, ni chúng Giáo đoàn VI muốn được trở nên tối thượng phải biết hòa hợp, phải biết cùng nhau trở về sống chung tu học theo đường lối của Tổ thầy. Và khóa tu hôm nay chính là điều kiện để chư hành giả đạt được sự thù thắng ấy. Trong Chơn Lý Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã dạy rằng: “Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt đó là Giới – Định – Tuệ”. Lời dạy của đức Tổ sư tuy ngắn gọn nhưng hàm súc ý pháp để hành giả tu tập trọn đời. Nếu đã mang danh là người Khất sĩ mà không có Giới – Định Tuệ thì không xứng là người Khất sĩ. Cũng như trong kinh điển, đức Phật có ví dụ một con lừa đi vào trong đàn bò dù nó có bắt chước theo cách kiểu cách con bò thế nào chăng nữa nó vẫn không thể là bò mà mãi mãi chỉ là một con lừa. Cũng vậy, xuất gia vào hàng Khất sĩ mà không tu Giới – Định – Tuệ thì dù mang hình thức Khất sĩ chúng ta cũng chỉ là hạng phàm phu xen lộn trong đại chúng thanh tịnh mà thôi. Vì vậy, để tu học đúng giới luật và con đường y bát của tông môn Khất sĩ, hành giả cần phải nỗ lực tinh tấn tu hành trong suốt thời gian diễn ra khóa tu tại đạo tràng nơi đây theo đúng lời dạy của đức Tổ sư: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phái học chung, cái linh là phải tu chung”.

I. BAN TỔ CHỨC

- Chứng minh: HT. Giác Tuấn

- Trưởng ban: TT. Giác Nhuận

- Phó ban: NS. Hội Liên

- Trưởng Giám luật: ĐĐ. Giác Minh

- Phó Giám luật: NS. Hội Liên, SC. Liên Sanh

- Kiểm soát: SC. Liên Hồng

- Kiểm thiền: ĐĐ. Minh Toàn, SC. Độ Liên

- Giáo thọ: TT. Giác Nhuận, ĐĐ. Giác Minh

- Ban Hộ trì: SC. Liên Phương

- Thư ký: TK. Minh Điệp, TK. Minh Thành

- Điển lễ: TK. Minh Đạo

- Trực kẻng: ĐĐ. Minh Toàn

- Thị giả: SD. Minh Tiến, SDN. Liên Nhẫn, SDN. Liên Nhã

II. THỜI KHÓA BIỂU

BUỔI SÁNG

03.30 : Thức chúng

04.00 – 04.30 : Thiền hành

04.30 – 05.15 : Thiền toạ

05.30 – 06.00 : Chấp tác / vệ sinh

06.00 – 07.00 : Điểm tâm

07.30 – 08.15 : Thiền tọa

08.15 – 08.45 : Thiền hành

09.00 – 10.00 : Thính pháp

10.30 – 12.00 : Khất thực – Thọ trai

BUỔI CHIỀU

01.30 : Thức chúng

02.00 – 03.00 : Đọc Chơn lý

03.30 – 04.00 : Thiền hành

04.00 – 04.45 : Thiền tọa

05.00 – 06.00 : Vệ sinh

BUỔI TỐI

06.15 – 07.00 : Thiền tọa

07.00 – 07.30 : Thiền hành

08.00 – 09.00 : Sám hối

10.00 : Chỉ tịnh

III. NỘI QUY

Nhằm giúp chư hành giả tham dự khóa tu Giới Định Tuệ dành cho chư ni do Giáo đoàn VI tổ chức tu tập có kết quả tốt, xin các vị tuân thủ triệt để nội quy sau:

1. Tập sống nghiêm túc theo Tứ y pháp trung đạo (bốn pháp truyền thống của bậc Thánh), nghĩa là tập sống đơn giản tối đa.

2. Không giữ tiền và những vật không cần thiết của một người Khất sĩ.

3. Nghiêm túc theo sát thời khóa biểu. Trong trường hợp vắng hoặc trễ phải báo cho Tôn đức trong ban kiểm soát.

4. Không nói chuyện, trao đổi, bàn luận ồn ào khi không có lý do chính đáng.

5. Không sử dụng điện thoại (nếu có chuyện cần dùng điện thoại phải kính trình và được sự chấp thuận của Ban tổ chức).

6. Không vượt ra khỏi khuôn viên đạo tràng Tịnh xá đang diễn ra khóa tu.

7. Không nên tu theo các truyền thống pháp môn khác; nên tu Giới Định Tuệ theo sự hướng dẫn của chư Tôn đức Giáo thọ.

8. Không được nghe băng đĩa, xem kinh sách khi chưa được sự đồng ý của ban Giáo thọ.

9. Khi tham dự khóa tu hành giả phải mang đầy đủ tư cụ: y, bát, tọa cụ, túi bát, khăn, ca, muỗng…

10. Trong thời gian tham dự khóa tu nếu có mang theo các vật cá nhân không cần thiết như: tịnh tài, điện thoại, thiết bị điện tử, chuỗi đeo tay, đồng hồ đeo tay… phải gửi cho Ban tổ chức.

Mong mỏi chư hành giả thực hiện tốt các điều trong nội quy trên để thời gian tu tập đạt kết quả tốt đẹp nhất.

IV. THỜI GIAN TU HỌC

- Khai mạc: 15g ngày 20 tháng 06 năm Đinh Dậu

- Tu tập chính thức: ngày 21 đến 23 tháng 06 năm Định Dậu

- Bế mạc: đêm 23 tháng 06 năm Đinh Dậu

Sau đây là một số hình ảnh lễ Khai mạc:




TT. Giác Nhuận - Phó tri sự trưởng GĐ VI ban đạo từ chứng minh



ĐĐ. Giác Minh phát biểu khai mạc


ĐĐ. Minh Điệp dẫn chương trình


SC. Liên Phương - Chánh thư ký Phân đoàn Ni giới GĐ VI báo cáo số lượng hành giả tham dự