GN - Thiểu dục và tri túc còn gọi là hỷ túc thiểu dục, vô dục tri túc, lòng ít ham muốn với những thứ chưa có, ngoài tầm với của mình, hài lòng, biết đủ với những gì mình đang có.

Như vậy có thể thấy thiểu dục và tri túc là một hình thái tâm lý sống, có khả năng giúp con người có một đời sống nhẹ nhàng, tránh những tham vọng, ganh đua, đố kỵ, tranh chấp và khổ đau trong đời sống thường nhật. Thiểu dục và tri túc không phải là cách sống yếm thế, giới hạn nhu cầu của con người và làm chậm bước tiến của xã hội. Nếu khát vọng chính đáng, ước muốn thiết thực, phù hợp khả năng của mỗi người thì Phật giáo luôn khích lệ và trân trọng.

Thực tập hạnh thiểu dục và tri túc

Người thực tập hạnh ít muốn và biết đủ là kiềm chế giữ gìn không cho tâm khởi lên tham ái khi các giác quan tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài. Giữ tâm bất động đối với ngũ dục đang vây hãm xung quanh, ít ham muốn và biết đủ đối với tài sản, nhan sắc, danh vọng, ăn uống, và ngủ nghỉ.

- Biết đủ với tài sản đang có

Tài sản là phương tiện giúp cho con người giải quyết ổn thỏa nhu cầu vật chất trong cuộc sống, tuy nhiên nó không giải quyết hết được những khó khăn về mặt tinh thần. Nhưng không phải vì vậy mà xem nhẹ tài sản, quan trọng là thái độ của chúng ta và sử dụng nó như thế nào cho hợp lý.

- Biết đủ với hình hài cha mẹ ban tặng

Con người chịu chi phối bởi quy luật sinh, lão, bệnh, tử nên sắc đẹp dù có lộng lẫy đến mấy thì cũng sẽ tàn phai theo năm tháng. Cho nên về hình thức bên ngoài, chúng ta không quá chú trọng đến mức phải dành tất cả công sức và tiền bạc để chăm dưỡng, chỉ cần làm thế nào cho dễ nhìn là được. Bởi giá trị của con người chính là nếp sống thiện lương với tâm thái không sân hận, vui vẻ hòa đồng với mọi người xung quanh.

- Biết đủ với địa vị của mình

Danh vọng là một trong những mục tiêu hướng đến của con người, thể hiện sự thành công trong cuộc sống. Mỗi người sống trên đời đều có một ngành nghề, danh phận. Không có ngành nghề nào xấu xa trên cuộc đời này cả, trừ những việc bất thiện, đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai. Vì vậy, hãy an nhiên với địa vị mình đang có, hãy đi lên bằng thực lực, không mong cầu quyền cao chức trọng ngoài khả năng của mình. Người làm việc mà không màng danh lợi tự khắc sẽ thanh cao.

- Biết điều độ trong ăn uống

Từ xa xưa con người đã biết “bệnh tùng khẩu nhập”. Cho nên mục đích của ăn uống là để nuôi dưỡng và phát triển cơ thể, phục hồi sức lực. Ngày nay, việc tiêu thụ quá mức các chất bổ dưỡng đã trở thành nguyên nhân của nhiều chứng bệnh, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đức Phật đã dạy về cách ăn uống để tốt cho sức khỏe như sau:

Con người thường chánh niệm

Được ăn, biết phải chăng

Chừng mực, cảm thọ mạnh

Già chậm, tuổi thọ dài 1.

- Biết đủ trong việc ngủ nghỉ.

Ngủ nghỉ là một trong những nhu cầu quan trọng của đời sống con người, có tác dụng phục hồi sức khỏe sau thời gian làm việc mệt mỏi. Nhưng ngủ nghỉ quá nhiều sẽ làm cho con người trở nên thụ động, biếng nhác, và chướng ngại sự tu tập. Muốn thành công, đạt được nguyện vọng trong cuộc sống, chúng ta phải biết tiết chế, giảm thiểu ngủ nghỉ, dành thời gian cho những công việc đem đến lợi ích cho mình và người.

Có thể thấy, việc thực tập sống thiểu dục và tri túc không phải phải dẹp bỏ mọi ước mơ, mà phương pháp này giúp chúng ta hiểu được sự nguy hiểm của năm dục để biết dừng lại đúng lúc. Đừng để những dục vọng trong con người âm thầm lớn lên, vì tham ái càng lớn thì tâm không biết đủ càng mạnh, vì vậy khó có thể cất bước thoát ra khỏi vũng lầy đó được. Khi đã thực tập thiểu dục và tri túc một cách thuần thục thì dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng đều làm chủ được cuộc đời mình.

Làm chủ cuộc đời bằng hạnh thiểu dục và tri túc

- Không dua nịnh và kiêu mạn

Người thực hành hạnh thiểu dục và tri túc biết hạnh phúc với những gì mình đang có. Họ phấn đấu trong khả năng và thực lực của bản thân. Người ít muốn và biết đủ được xem là người giàu có nhất thế gian, họ không cần phải dua nịnh nhằm mục đích trục lợi cho riêng mình.

Kiêu mạn là một trong những chướng ngại, làm cho con người có cảm giác rằng họ không có gì để học hỏi nữa. Hãy học hạnh thiểu dục và tri túc, trừ bỏ tâm kiêu mạn nơi Đức Phật. Từ lúc ở đời là thái tử, đến khi thành bậc Giác ngộ, Ngài không bao giờ bộc lộ sự kiêu mạn, cao ngạo: “Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn! Như Lai thiểu dục như vậy, tri túc như vậy, nghiêm túc như vậy; trong khi Như Lai có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy, mà không tự mình tỏ lộ. Bạch Thế Tôn, nếu có một du sĩ ngoại đạo nào, tự thấy mình chứng được dầu chỉ có một pháp, họ đã giương cờ (gióng trống) lên rồi” 2.

- Không để dục vọng trói buộc tâm

Trong cuộc sống, phần nhiều chúng ta khổ đau không phải vì thiếu thốn mà là do mong ước quá nhiều. Đành rằng, đã là con người thì ai cũng phải nỗ lực phấn đấu để xây dựng cuộc sống mình ngày một hoàn thiện hơn, nhưng quan trọng là cần phải có thái độ thật sáng suốt, biết rõ điểm dừng của các nhu cầu.

Làm chủ cuộc đời bằng thiểu dục và tri túc ảnh 1

Để không bị dục vọng trói buộc tâm hồn, chúng ta phải biết kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của mình, bởi khi mất kiểm soát thì rất dễ bị dục vọng lôi kéo. Nhu cầu và khát vọng của con người không bao giờ có sự bão hòa nên nếu không thực hành thiểu dục và tri túc sẽ bị tham dục chi phối mất hết sự tự do. Muốn kiểm soát nhu cầu của bản thân trước hết phải kiểm soát tâm tham, muốn chuyển hóa tâm tham phải từng bước gỡ bỏ, cần vượt qua bằng tuệ giác chứ không phải là kìm nén hay chịu đựng.

- Sống bình thản giữa cuộc đời

Bản tính con người là luôn tìm kiếm, săn lùng ngũ dục, cho nên mỗi ngày phải chạy đôn chạy đáo, gây ra vô số lỗi lầm để mong có được miếng ăn ngon, chức vụ tốt. Việc chúng ta nỗ lực để đạt được sự hoàn hảo, vui lòng trong công việc, học hành, gia đình,… là lẽ tất nhiên. Nhưng càng đuổi theo sự hoàn hảo đó thì cuối cùng ta càng nhận lại những kết quả không mong muốn.

Nếu quá phụ thuộc và lạm dụng vào cái hư danh thì ta đang đánh mất chính mình. Đôi khi chính sự thành công lại trở thành phù sa màu mỡ cho cái tôi nảy mầm, bén rễ. Nếu sống với tâm thái muốn ít và biết đủ, chúng ta sẽ thấy cuộc sống này dễ chịu hơn, không còn ngột ngạt bởi hơn thua tranh giành. Cho nên, hãy biết ơn những gì mình đang có thì mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày có giá trị và thảnh thơi, không bắt bản thân phải chịu đựng quá nhiều do chạy theo những nhu cầu không thiết thực.

Tóm lại, Phật giáo không có ý tán dương, ca ngợi con người chịu sự an bài của số phận mà không cố gắng. Việc thực tập phương pháp sống thiểu dục và tri túc, mới nhìn qua có vẻ tiêu cực, chỉ dậm chân tại chỗ mà không biết phát triển, nhưng nếu chưa đủ khả năng làm chủ bản thân, khống chế sự tham muốn khi các căn tiếp xúc với các trần thì dễ bị cuốn theo dục vọng và chịu nhiều khổ đau.

Cho nên phấn đấu để xây dựng một cuộc sống sung túc, đầy đủ luôn là tiêu chí chung của nhân loại nhưng nếu không biết điểm dừng, không thiết lập được sự cân bằng thì cuộc đời mãi là cuộc hành trình đầy gian khổ của hướng về hay hướng đến trong sự chi phối của lòng tham mà thôi. Vì vậy, phương pháp sống thiểu dục và tri túc là triết lý sống cân bằng thân tâm, giúp con người luôn an nhiên giữa cuộc đời, giảm thiểu tranh chấp, hơn thua, ganh tị. Có như vậy con người mới có thể giữ tâm hồn an ổn, sống thanh thản và giải thoát giữa vòng vây của ngũ dục.

Hãy buông bỏ những dục vọng bất thiện và sống hết mình mỗi ngày, cố gắng làm chủ cuộc đời của mình bằng phương pháp sống thiểu dục và tri túc, từ đó hướng đến lợi ích tha nhân, xây dựng một xã hội lý tưởng tốt đẹp.

---------------

Thích Minh Châu (2016), Kinh Tươngưng bộchương 3, phần Đại thực, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.

2 Thích Minh Châu (2016), Kinh Trường bộ, kinh Tự hoan hỷ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.

Thông Bảo/Báo Giác Ngộ

Nguồn: giacngo.vn