Hãy quay vào lắng nghe bên trong và lắng nghe cẩn thận. Để lắng nghe bên trong, hãy xem sự vật bên ngoài là hoàn toàn không quan trọng - đừng dính mắc vào những khái niệm và suy nghĩ, chúng không phải là bạn.


Hãy lắng nghe những gì chung quanh các lời nói thì thầm - sự yên lặng, khoảng không. Vậy, khi bạn lắng nghe, bạn nghe những gì? Lắng nghe những sự thay đổi (sinh diệt) đang diễn ra giống như có một ai đó đang nói chuyện, kẻ đó nói, “Tôi không thích điều này hay điều nọ. Tôi đang chán, chán ngấy, tôi muốn về nhà”. Hoặc hãy lắng nghe tiếng nói của một “kẻ cuồng tín về tôn giáo" hay "những kẻ hoài nghi", dẫu cho giọng điệu của nó ra sao đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhận thấy được bản chất luôn thay đổi (sinh diệt) của nó.

Bạn không thể chỉ có mãi hoài một thứ ham muốn. Cứ quay vào lắng nghe bên trong, cho đến khi chúng ta bắt đầu trải nghiệm một sự rỗng không. Bình thường, chúng ta không lắng nghe, và chúng ta nghĩ rằng những tiếng thì thầm ấy chính là chúng ta, và chính sự tự đồng hóa chúng ta với những tiếng nói của sự ham muốn ấy đang tạo nên các vấn đề bi thảm cho cuộc đời của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có một tính cách cố định hay bản chất của chúng ta lúc nào cũng vậy, luôn có một sự tham lam cố hữu. Nhưng trong thiền tập, chúng ta có thể nhận ra rằng những tiếng nói này sinh khởi từ khoảng trống (trong tâm thức), chúng sinh khởi và rồi hoại diệt.

Theo lời dạy của đức Phật, chúng ta hành thiền để hiểu cái đã biết. Vậy, để hiểu điều gì? Phật tử biết những gì? "Cái kẻ đang biết đó” hiểu gì vậy? “Cái kẻ đang biết đó” hiểu rằng các pháp (1) đang thay đổi (sinh diệt) không ngừng (trong thân và tâm) này không phải là tự ngã của ta. Không có một cái gì đại loại được coi là linh hồn vĩnh cửu hay bất diệt, không có chất gì trong đó mà ta có thể gọi là một vật sở hữu vĩnh cửu. “Cái kẻ đang biết đó” hiểu rằng pháp đó nếu sinh lên thì sẽ hoại diệt đi. Bạn chỉ cần hiểu được như vậy là đủ để có thể trở thành một bậc Giác ngộ.

Là một bậc Giác ngộ có nghĩa có sự hiểu biết qua quan sát (minh sát), chứ không phải do tin vào kinh điển hoặc tin vào tôi (2). Hãy thử tự tìm một pháp nào đó sinh lên mà không hoại diệt xem. Có cái gì sinh ra mà không chết đi không? Hãy là một bậc Giác ngộ do có sự hiểu biết, bằng cách tập trung năng lượng để tự kinh nghiệm cuộc sống của mình trong từng khoảnh khắc hiện tại, đừng để mình lạc lối trong cái ảo tưởng của cái ý tưởng mình đang là một bậc Giác ngộ - "Tôi là một bậc Giác ngộ; Tôi biết rõ điều đó". Đôi khi ham muốn thậm chí còn đội lốt Phật. Trên thực tế thì không một ai là người biết cả, và tự cho mình là một bậc Giác ngộ thì không phải là một bậc Giác ngộ.(3)

Những nhà Nguyên thủy nói về vô ngã, và các nhà Phát triển nói về tánh Không (Shunyata) (4) - chúng thực sự có nghĩa như nhau. Để trải nghiệm vô ngã, chúng ta phải tìm hiểu để thấy rằng việc bám vào cái tôi, có nghĩa là bám vào chứng loạn thần kinh, đây là cái tật mà tất cả chúng ta ai cũng mắc phải, bám vào những suy nghĩ, tham lam, hận thù, và si mê - tất cả những thứ đó đều là vô ngã. Chẳng có cái ngã nào để được cứu rỗi, nó chỉ là những thay đổi (sinh diệt) sinh lên từ khoảng trống trong tâm thức và rồi lại lặn mất tăm vào cái chốn mà từ đó chúng đã sinh khởi. 

Vì vậy, chúng ta cứ để cho mọi thứ ra đi, để cho mọi sự đến và đi theo đúng bản chất thực sự của chúng. Và chúng sẽ thay đổi (sinh diệt) hoàn toàn tự nhiên theo cách của riêng chúng. Bạn không cần phải dùng vũ lực với chúng. Nếu bạn đang kinh nghiệm một điều gì khó chịu, bạn không cần phải tiêu diệt nó, tự nó, nó sẽ ra đi. Cái ngã ngã mạn nói: "Ta không thích cái này. Ta phải loại bỏ nó, xóa sổ nó”. Việc này sẽ tạo ra một tình huống phức tạp hơn trước - bạn đang cố gắng xua đuổi một cái gì đó bằng cách vùi đầu của mình vào trong đất và nói, “Ồ, nó đi rồi!” Nhưng cái ước muốn xóa sổ nó - vibhavataṇhā tanha - chỉ tạo duyên cho cái mà bạn không thích đó sinh lên trở lại, vấn đề là ở chỗ là chúng ta chưa thấy nó diệt đi một cách hoàn toàn tự nhiên.

Bây giờ chúng ta đang ngồi trong một căn phòng đầy các nghiệp hành (4) mà chúng ta cho đó chính là cái cá tính cố định của chúng ta. Đi đâu chúng ta cũng mang những nghiệp hành đó bên mình giống như mang một cái “túi đựng khái niệm” trên vai. Bởi vì nếu chúng ta xem xét sự suy nghĩ về mặt thực tại khái niệm (tục đế), chúng ta sẽ thấy chúng ta đối đãi với nhau như thể chúng ta là những cá tính bất di bất dịch. Bạn đem theo bạn bao nhiêu thứ nghiệp hành - đố kỵ với người khác, sự mê đắm, nỗi sợ hãi và những ký ức của quá khứ, đúng không? 

Chỉ cần nghĩ đến tên của một người nào đó đã gây cho chúng ta đau khổ - một chuyện đã xảy ra cách đây hai mươi năm, chúng ta có thể trở nên buồn bã! - "Sao mà họ lại dám làm điều đó, sao họ lại dám đối xử với tôi như thế!”. Một số người dành phần lớn cuộc sống của mình để theo đuổi những mối hận thù, vì vậy họ đã làm hỏng phần còn lại của cuộc đời của họ.

Nhưng là những thiền sinh, chúng ta sẽ phá vỡ cái nếp mà chúng ta ghi nhớ những gì đã xảy ra. Thay vì nhớ đến người này người nọ và làm cho họ trở nên sống thực, chúng ta thấy rằng, khoảnh khắc mà chúng ta đang nhớ đến ai đó chỉ có ký ức và sự cay đắng đang sinh diệt, chúng ta thấy rằng chúng là anicca, dukkha, anatta (vô thường, khổ, vô ngã). Chúng được tạo thành do đủ điều kiện (duyên), li ti và nhỏ nhiệm như những hạt cát của sông Hằng - cho dù chúng đẹp, xấu, đen hoặc trắng, chúng đều là những hạt cát.
 
Vì vậy, lắng nghe bên trong. Lắng nghe tâm mình khi bạn đang bắt đầu thấy đau nhức trong cơ thể, lưu ý đến giọng nói, “Ta không thích cái đau này, khi nào thì người ta rung cái chuông chết tiệt (chuông báo hết giờ của thời thiền) đây?”. Hãy nghe giọng nói rên rỉ, bất mãn; hoặc lắng nghe khi bạn đang vui vẻ, phấn khởi: "Ôi hạnh phúc làm sao, tôi cảm thấy thật tuyệt vời!”. Hãy lắng nghe vị Trời đang đắm chìm trong niềm vui và hạnh phúc nói, và hãy giữ vị trí của một người im lặng lắng nghe, không có sự ưu tiên, thiên vị nào giữa vị Trời và những thứ khổ não mà mình không ưa thích. Và hãy nhớ rằng nếu nó là một pháp do duyên sinh, nó sẽ kết thúc.

Nhận biết và để cho mọi thứ đến và đi - để hiểu rằng đây chỉ là những pháp sinh lên do nghiệp, do đó, bạn không nên can thiệp. Xu hướng của một cái tâm hiện đại nghĩ rằng có một con yêu tinh ẩn nấp rất sâu bên trong, đang chờ một khoảnh khắc không phòng thủ là nhào ra áp đảo chúng ta và làm cho chúng ta bị khùng điên suốt đời. Một số người thực sự sống cả đời của mình với loại sợ hãi đó, và mỗi lần con quái vật bắt đầu xuất hiện là họ la: "Ôi… ôi ...!", nhưng con quái vật chỉ là một hành uẩn (sankhàra) khác, một hạt cát của sông Hằng. 

Có thể một hạt cát xấu xí, vậy thôi. Nếu bạn cứ thất vọng mỗi khi bạn thấy một hạt cát xấu xí, bạn sẽ thấy cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng một số hạt cát là xấu xí. Cứ để cho chúng xấu xí, đừng thất vọng. Nếu bạn thấy tôi đang ngồi trên bờ sông Hằng ngắm những hạt cát xấu xí và nói, “Tôi sắp điên lên mất!” Bạn cứ việc nghĩ rằng, “Ajahn Sumedho điên!”. Ngay cả một hạt cát thực sự xấu xí cũng chỉ là một hạt cát.

Vì vậy, những gì chúng ta đang làm là quan sát các đặc tính chung của tất cả những sự vật có những phẩm chất khác nhau - những đặc tính chung này là những con quái vật giấu mặt hay nói cách khác những năng lượng bị dồn nén âm ỉ bên trong với năng lực và sức mạnh nguyên mẫu của chúng - tất cả chúng chỉ là các hành uẩn (sankharas), chỉ vậy thôi. Được như vậy có nghĩa là bạn đang ngồi vào vị trí của bậc Giác ngộ vì bạn là người đang hay biết.

Thậm chí, những thứ mà chúng ta không biết, chúng ta cũng xem chúng như là những pháp đang thay đổi (sinh diệt) khác - pháp này duyên cho pháp kia sinh khởi. Lỗ đen (trong vũ trụ), ánh sáng mặt trời, đêm và ngày là tất cả đều đang thay đổi (sinh diệt), nếu bạn đang có sự hay biết thì bạn sẽ thấy rằng không có một cái gì đang trở thành. Nhưng nếu bạn phản ứng với tất cả những pháp đang sinh khởi do nghiệp của bạn tích lũy từ vô lượng kiếp trong vòng sinh tử luân hồi, bạn thực sự sẽ bị rối loạn thần kinh. Đó là một việc vô cùng vô tận, phản ứng với nó chẳng khác gì bạn phản ứng tất cả các hạt cát của sông Hằng. 

Bạn phải mất bao nhiêu thời thời gian sống để phản ứng với tất cả các hạt cát của sông Hằng? Bạn nghĩ là mình có cần phải phản ứng theo tình cảm với từng hạt cát của sông Hằng không? Ngất ngây trước những hạt đẹp và thất vọng trước những hạt xấu? Tuy nhiên, đó là những gì con người đang làm, tự họ làm cho bản thân mình ngu si đần độn, hao mòn và kiệt sức với tất cả các loại rối loạn cảm xúc này, và cuối cùng là họ muốn tự tiêu diệt chính mình. Vì vậy, họ bắt đầu sử dụng chất gây nghiện, lúc nào cũng say sưa để tự gây tê chính mình.

Những gì chúng ta đang làm - thay vì xây dựng một cái vỏ cứng và tự ẩn mình trong đó để trốn tránh sự sợ hãi và buồn chán - là quan sát để thấy rằng trong sự sợ hãi và buồn chán đó chẳng hề có một cái ngã. Vì vậy, chúng ta không cần phải tự gây tê chính chúng ta: Chúng ta có thể còn trở nên nhạy cảm hơn, trong sáng và rạng rỡ hơn. Trong sự trong sáng và rạng rỡ đó có sự hay biết rằng: Nếu sự trong sáng và rạng rỡ này nó sinh lên nó sẽ hoại diệt - và đó là những gì mà các bậc Giác ngộ hiểu!

Thiền sư Ajahn Sumedho
Supanna Bảo Trí dịch

----------------------

Chú thích

(1) Pháp là đối tượng của tâm, mà tâm là sự hay biết, nên bất cứ cái gì mà tâm chúng ta biết đều gọi là pháp: Về phương diện cụ thể thì có màu sắc, âm thanh, mùi vị,...; về phương diện trừu tượng thì có suy nghĩ, các trạng thái tâm - chẳng hạn khi vui ta biết ta vui, khi buồn ta biết ta buồn, v.v… Vì vậy, pháp thì mênh mông, bao la gồm hữu vi (các pháp còn sinh diệt) và vô vi (pháp không còn sinh diệt: Niết bàn) nên các thiền sư vẫn hay nói "cái chi chi cũng là pháp"

(2) Tôi ở đây là Ajhan Sumedho. Tác giả muốn nói là đừng tin vào tác giả

(3) Tác giả muốn nói đến sự vô ngã. Một bậc Giác ngộ không còn thấy "tôi, ta" nên không còn thấy có ai là là người giác ngộ trong đây cả. Do vậy, còn tự cho mình là một bậc Giác ngộ thì không phải là một bậc Giác ngộ

(4) Shunyata (một từ Sanskrit) có nghĩa là “ rỗng không” (tánh Không)

(5) Nghiệp hành: Mọi sự tạo tác và tựu thành của nghiệp