Lễ tưởng niệm 37 năm HT. Giác Huệ- Đệ nhất trưởng giáo đoàn VI vắng bóng

Vào ngày mùng 08 tháng 02 năm Đinh Dậu (5/3/2017), chư Tăng- Ni Giáo đoàn VI- Hệ phái Khất sĩ tổ chức Lễ tưởng niệm 37 năm, HT. Thích Giác Huệ, đệ nhất trưởng giáo đoàn VI vắng bóng. Đến chứng minh và tham dự lễ có HT. Thích Giác Hà- Phó Trưởng BTSGHPGVN- TP. HCM, Trị sự trưởng Giáo đoàn V- HPKS, HT. Thích Giác Tuấn- Chứng minh BTSGHPGVN- Q.6, Trị sự trưởng giáo đoàn VI- HPKS, TT. Thích Giác Điệp, nguyên Phó BTSGHPGVN tỉnh Cần Thơ, Phó Trị sự trưởng giáo đoàn VI- HPKS, TT. Thích Giác Nhuận, Phó Ban thường trực BTS GHPGVN- Q.6, Phó Trị sự Giáo đoàn VI- HPKS,… Chư Tôn đức  Tăng- Ni trong giáo đoàn và khách mời về tham dự hơn 100 vị.

Hòa thượng Giác Huệ thế danh Ngô Trọng Tín, sinh ngày Rằm tháng tám năm Kỹ Mão (1939) tại Gia Định Sài Gòn nay là quận Bình Thạnh TP. HCM.Thân phụ là nhà văn Ngô Trọng Phú, thân mẫu là cụ bà Lâm Thị Lựu, pháp danh Minh Ngọc, Hòa thượng là người con thứ hai trong gia đình có 3 anh em đều là trai.

Hòa thượng xuất gia vào năm 1955, thọ cụ túc giới năm 1958 tại tịnh xá Liên Trung- Cần Thơ. Vào năm 1962 Hòa thượng xin Hòa thượng Nhị Tổ thành lập giáo đoàn VI và được đức Nhị Tổ chấp nhận.

Trong suốt thời gian hoằng pháp từ 1962 đến 1971 Hòa thượng đã xây dựng được 09 tịnh xá như: Tịnh xá Ngọc Lợi ( Bạc Liêu), Tịnh xá Ngọc Châu (An Giang), Tịnh xá Ngọc Ánh (An Giang), Tịnh xá Ngọc Huệ (Tiền Giang), Tịnh xá Ngọc Tường (Mỹ Tho), Tịnh xá Ngọc Mỹ (Mỹ Tho), Tịnh xá Ngọc Tân (Long An), Tịnh xá Lộc Uyển (quận 6, Tp. Hồ Chí Minh), Tịnh xá Ngọc Diệp (quận 3, Tp. Hồ Chí Minh). Với năng khiếu thuyết giảng vô ngại, Hòa thượng được GHPGVNTN mời giữ chức vụ “ Tổng Vụ trưởng Vụ Hoằng pháp” .

Ngoài ra Hòa Thượng còn tiếp nhận 15 ngôi tịnh xá khác xin gia nhập vào giáo đoàn. Từ năm 1971 “Giáo hội Khất sĩ Việt Nam” được ra đời trong nhiệm kỳ đầu 1971-1973 Hòa thượng được công cử làm Tăng trưởng và đến nhiệm kỳ 1973-1975 được bầu làm Tổng Trị sự trưởng cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày đất nước hòa bình, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước ra đời và Hòa thượng được mời làm Cố vấn Ban Liên lạc Phật giáo Quận 6 cho đến năm 1980.

Trong quá trình hành đạo năm 1955 đến năm 1980, trên 20 năm giáo hóa chúng sanh, Hòa thượng đã thâu nhận nhiều Tăng Ni xuất gia và tiếp độ hàng ngàn cư sĩ thọ Tam quy Ngũ giới. Đối với đoàn thể Hòa Thượng là vị lãnh đạo sáng suốt, còn đối với Hệ phái Hòa thượng là một giảng sư lỗi lạc. Với đức tính khiêm cung, bình dị, Hòa  thượng lúc nào cũng hòa mình với đại chúng, kính trên nhường dưới, luôn luôn gìn giữ đạo hạnh của người Tăng sĩ. Ngoài việc tu học, Hòa thượng còn phát huy năng khiếu viết lách các truyện ngắn, cộng tác với nhiều nhật báo trong mục thơ văn.

Những tác phẩm do Ngài sáng tác gồm có: Thẳng nét mực tàu, Tôn giáo và Thế giới ngày mai, Tôn giáo và sự thống nhất nhân loại, Đường xa xứ lạ, Thằng Sửu con Loan. Về thơ có: Giác Huệ thi tập I, Giác Huệ thi tập II ( Bông Huệ trong rừng thiền)

Đó là những đóng góp về tinh thần trong các loại thơ văn cùng vì lợi ích cho chúng sanh qua nhiều phương tiện. Đối với Phật giáo Thế giới, Hòa thượng cũng được mời tham dự đại hội Phật giáo Thế giới ở các nước: Nhật Bản, Mã Lai, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore……

Với tâm nguyện đem chánh pháp phổ hóa khắp nhân gian, nên ngày mùng 08 tháng 02 năm Canh Thân ( 1980), Ngài ra hải ngoại để thực hiện tâm nguyện của mình nhưng rồi từ đó đến nay, bóng Thầy biệt vô âm tín. Người thực sự ra đi không bao giờ trở lại. Mãi mãi về sau môn đồ pháp quyến và toàn thể Phật tử xa gần hướng tâm mong đợi bóng Thầy.