Đại đức Minh Sĩ

(Giảng tại TX. Phước Hưng- Khóa tu Giới Định Tuệ lần 2 của Ni giới Giáo đoàn 6- HPKS)

Kinh này được đức Phật dạy cho các Tỷ kheo tại Savatthi (Xá Vệ), Jatavana (Kỳ- đà lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc).


Thế Tôn gọi các Tỷ kheo lại và bảo: “Này các Tỷ kheo hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật”. Ta có lòng thương tưởng các người và Ta nghĩ “Làm sao những đệ tử của ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật[1]. Rồi Ngài cũng dạy tiếp nếu các Tỷ kheo là người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp thì người khác sẽ nói cả thầy và trò đều là người thừa tự tài vật, không phải là người thừa tự pháp và chính bản thân của đức Phật cũng bị nói là cả thầy và trò là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp.


Nếu các Tỷ kheo là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật thì người khác sẽ nói cả thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật và cả đức Phật cũng được nói là cả thầy và trò đều là người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật.

Qua đó đức Phật cũng đưa ra một câu chuyện về như thế nào là người thừa tự pháp như sau. Một hôm sau khi đức Phật ăn xong còn lại thức ăn tàn thực đáng được quăng bỏ. Lúc đó, có hai Tỷ kheo từ phương xa đến. Ngài bảo là đã ăn xong còn lại thức ăn tàn thực, có thể quăng bỏ nhưng các Tỷ kheo muốn ăn thì ăn, không ăn thì Ngài quang bỏ nơi không có cỏ xanh hoặc chỗ nước không có chúng sanh ở trong đó”. Một vị Tỷ kheo sau khi suy nghĩ về những điều Như Lai nói, vì muốn thừa tự pháp của Ngài nên không dùng, chịu đói qua đêm. Vị còn lại suy nghĩ nếu mình không ăn thì cũng bị quăng bỏ nên vị ấy ăn và trừ được cơn đói trong đêm.

Qua câu chuyện Phật bảo vị Tỷ kheo đầu tiên đáng được tán thán hơn vì vị này trong một thời gian lâu dài, ít dục, biết đủ, khổ hạnh, tinh cần, tinh tấn,… là người thừa tự pháp của Như Lai không phải là người thừa tự tài vật.

Qua đoạn trích cũng như câu chuyện cho chúng ta thấy đức Phật dạy và khuyên những người tu hành chúng ta rất rõ ràng chúng ta phải thừa tự pháp của Ngài thì mới đem được lợi ích lớn cho mình, cho người và cho cả hai. Còn nếu chúng ta chỉ là những người thừa tự tài vật thì sẽ trái với bổn hoài của chư Phật ba đời. Các Ngài đã từ bỏ những của cải, vật chất, tình thương, địa vị,… của đời sống cá nhân để sống với một đời sống thanh bần, đơn giản của một người tu hành.

Còn chúng ta ngày nay, có thể vì Phật sự, vì phương tiện giáo hóa chúng sanh, vì những việc an sinh xã hội,… mà chúng ta quên mất rằng, chúng ta cần có một chiều sâu về tu tập, có một nội lực vững vàng thì chúng ta mới có thể làm công việc giáo hóa. Nếu chúng ta chưa có đạo tâm vững vàng mà lao mình vào các công việc thế sự nhiều quá thì chúng ta dễ quên mục đích và hoài bão ban đầu của chúng ta.

Pháp của đức Phật gồm có: Pháp học và pháp hành. Pháp học là những lời dạy của đức Phật, của các vị thánh đệ tử hay của của chư vị tổ sư,… giúp cho chúng ta đến với pháp hành một cách dễ dàng. Nếu chúng ta chỉ học mà không hành, không áp dụng vào đời sống tu tập thì cái học của chúng ta chỉ được bề ngoài, chỉ giỏi về đa văn, còn cái người tu thực sự cần thì chúng ta chưa có. Cái mà người tu thật sự cần là gì? Ngoài những việc nỗ lực tu tập của tự thân, sự thực hành thiền định và các oai nghi hàng ngày thì các khóa An cư kiết hạ, hay các khóa tập trung tu học như là Khóa tu tập Giới- Định- Tuệ rất cần thiết cho người tu.


Có những thời khóa như thế này giúp chúng ta rất tiến bộ trong việc tu hành qua sự chỉ bảo những kinh nghiệm quý báu từ Chư Tôn thiền đức lớn tuổi đạo, hay học hỏi những điều hay lẽ phải từ những người đồng tu. Nhờ có khóa tu như thế này chúng ta mới có nhiều thời gian cho việc tụng kinh, ngồi thiền, sám hối,… giúp cho chúng ta chiêm nghiệm lại thời gian qua chúng ta làm được những lợi ích gì cho mình, cho người, cho nhân sinh xã hội.

Nhờ có những thời khóa thực hành, sống trong thiền định giúp cho chúng ta cũng cố niềm tin đối với Phật pháp, thấy rõ những việc ta cần làm của một tu sĩ Phật giáo. Xứng đáng với tinh thần mà đức Phật đã dạy trong bài kinh: “Làm sao những đệ tử của ta là những người thừa tự pháp của ta, không phải là những người thừa tự tài vật”.






[1] Đại Tạng Kinh Nam truyền, Kinh Trung bộ, tập 1, ‘Kinh Thừa tự pháp’, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 31