GN - Theo kinh Nguyên thủy, khởi đầu Đức Phật thuyết pháp ở vườn Nai là vườn Lộc Uyển thuộc thành Ba La Nại. Phật thuyết Tứ Thánh đế, chủ yếu Ngài nói 37 Trợ đạo phẩm để hướng dẫn năm anh em Kiều Trần Như tu hành.

doc kinh.jpg
"Và pháp Tam quy, ngũ giới chắc chắn cũng giúp ích rất nhiều cho hàng đệ tử Phật biết áp dụng sẽ có được cuộc sống an vui, hiểu biết, tiến bộ và thăng hoa tâm linh cho mình"

Sau này trong kinh Pháp hoa, Phật cũng dạy rằng vì người cầu Thanh văn, Ngài nói pháp Tứ Thánh đế, vì người cầu Duyên giác, Ngài nói pháp 12 nhân duyên, vì người cầu Bồ-tát, Ngài nói 6 pháp Ba-la-mật. Từ đây có Tam thừa giáo là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa dành cho những người xuất gia nương theo đây tu hành ra khỏi sanh tử luân hồi. Nhưng còn những người không thuộc ba hạng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát thì sao.

Vì vậy, từ Phật giáo Nguyên thủy chúng ta thấy thêm khi trưởng giả Da Xá tới Lộc Uyển tìm con, ông thấy năm vị Thánh Tăng thanh tịnh giải thoát, ông liền xin Phật cho xuất gia ở đây; nhưng Đức Phật từ chối.

Chúng ta thấy đối với con của Da Xá phát tâm xuất gia, Phật liền cho tu. Với năm anh em Kiều Trần Như thì Phật tự tìm tới dạy họ tu. Trong khi trưởng giả Da Xá giàu nhất xin xuất gia, Phật không cho.

Điều này thể hiện rằng từ Phật giáo Nguyên thủy nhìn về đạo Phật, thấy rõ Đức Phật có trí tuệ vô thượng. Với người đáng dùng pháp nào để độ thì Ngài dùng pháp đó, với người khác, Ngài sử dụng pháp tương ưng thích hợp để họ tu được. Không phải ai Phật cũng cho xuất gia. Kinh Pháp hoa nói lý này rằng Phật có vô số phương tiện độ được vô số người.

Ngày nay, chúng ta thấy pháp Phật rất thực tế, trong xã hội, mọi người có hoàn cảnh khác nhau, trình độ khác nhau, hiểu biết khác nhau…, tất yếu không thể dùng chung một pháp để dạy.

Thật vậy, Mục Kiền Liên đắc quả A-la-hán, ông mới nhận thấy pháp Tứ Thánh đế hay quá, nên gặp ai, ông cũng dạy pháp này. Nhưng khi ông giảng Tứ Thánh đế cho các công tử, họ không nghe và bỏ đi. Vì pháp hay nhưng dạy không đúng người thì cũng không hay, cũng như thuốc hay dùng không đúng bệnh cũng trở thành hại.

Vì vậy, với những công tử có nhiều ước vọng, trong tương lai họ muốn kiếm được nhiều tiền, muốn có chức vụ cao, nhưng Mục Kiền Liên dạy pháp Tứ Thánh đế giải thoát. Họ đâu cần giải thoát mà dạy pháp giải thoát.

Bấy giờ, Bồ-tát Duy Ma Cật xuất hiện nói ngược lại Mục Kiền Liên rằng các cậu còn trẻ phải ráng học thì sau này thành tài mới làm được việc lợi ích cho cuộc đời. Nghe Duy Ma Cật dạy, các công tử thấy pháp tu như vậy thích hợp với họ, liền theo Duy Ma Cật học. Với người muốn làm thương gia, Duy Ma dạy cách kinh doanh hợp pháp và thành đạt, với người muốn làm thầy thuốc, ông dạy cách trở thành lương y tài đức, với người muốn làm quan, ông dạy cách lãnh đạo được dân thương dân quý…

Rõ ràng xã hội có nhiều yêu cầu, Phật giáo muốn tồn tại phải có nhiều phương tiện để đáp ứng được nguyện vọng của mọi người. Phật giáo không chỉ có duy nhất pháp Tứ Thánh đế dành cho người muốn ra khỏi sanh tử mới học được.

Thiền sư nước ta xưa kia đã thể hiện sâu sắc việc truyền dạy pháp Phật thích hợp với đúng đối tượng đưa đến lợi ích tốt đẹp vô cùng cho cả đất nước. Điển hình như Lý Khánh Vân nuôi dạy Lý Công Uẩn tu, nhưng ông không thích tu, lại trở thành phá phách. Nhưng với tuệ giác của Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn sẽ trở thành nhân tài của đất nước nếu được đào tạo đúng. Và quả đúng như vậy, ngài Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn về chùa, không dạy tụng kinh gõ mõ, nhưng dạy ông cách trị quốc an dân theo Phật khiến ông ưa thích, ngày đêm ôn văn luyện võ. Chẳng bao lâu ông trở thành bậc minh quân là vua Lý Thái Tổ mở đầu triều đại nhà Lý được sử sách tôn vinh là triều đại thuần từ nhất nước ta lâu dài đến 200 năm..

Phương pháp trị nước an dân này lấy từ những bài thuyết pháp mà Phật đã giảng dạy cho các ông vua nổi tiếng đương thời với Ngài.

Kinh Nguyên thủy đã ghi rõ pháp căn bản này rằng muốn trở thành đệ tử Phật phải quy y Tam bảo và giữ năm giới cấm thì đời đời sanh lại chốn nhơn thiên. Nghĩa là người quy y Tam bảo và giữ năm giới, sau khi chết, nếu không về thế giới Phật cũng lên trời, hay tái sanh làm người có đức hạnh và làm người lãnh đạo.

Sự thật muốn lãnh đạo phải có trí tuệ và đạo đức. Trí tuệ và đạo đức từ đâu ra. Phật dạy phải có ba chỗ nương tựa quý báu gọi là Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng. Không có ba chỗ nương tựa vững chắc này thì công việc không lâu bền được.

Thứ nhất là quy y Phật, quy y Phật không phải Phật bảo các vua quan hay dân chúng phải theo Phật, nhưng Phật là trí tuệ, tức phải có trí tuệ mới làm đúng. Làm gì cũng phải cân nhắc, suy nghĩ để nhận ra việc đúng đắn và lợi ích cho mình và người mới làm, vì làm sai phải trả giá đắt. Thực tế cho thấy nhiều ông vua phạm sai lầm làm xã hội bất an, loạn lạc, cuối cùng thì mất ngôi vua cho đến mất mạng.

Vua quy y Phật, đem Phật vào tâm trí giúp tâm trí sáng suốt để thấy nhân dân muốn gì, nghĩ gì, làm được gì thì tùy theo đó mà đưa ra việc làm thích hợp khiến người dân vui thích, họ sẽ làm với tất cả tấm lòng, đất nước mới phát triển được.

Vua không sáng suốt, không hiểu lòng dân. Điều họ muốn thì không cho, cứ đưa ra luật lệnh mà dân không đồng tình vẫn áp đặt và cai trị khắt khe thì trước sau gì cũng thất bại. Sử sách từng ghi rằng vua Lê Long Đĩnh dùng hình phạt độc ác để răn đe, nhưng dân vẫn không sợ. Người có tội hay nghi có tội, vua lệnh nhốt vô cũi dìm xuống sông, hay đẩy vào chuồng cọp, xô xuống hầm đầy rắn. Nhưng hình phạt càng nặng khiến người dân chống đối vua nhiều hơn, cuối cùng nhà Lê phải mất.

Có trí tuệ thấy ý dân muốn gì, coi ý dân là ý trời và vua làm theo ý dân, đáp ứng được nguyện vọng của dân, tất nhiên được dân ủng hộ thì việc khó mấy cũng làm được giống như các vua thời Lý-Trần nương theo trí tuệ Phật dạy, đã thành công trong việc trị vì đất nước vẫn còn lưu danh thơm trong sử sách.

Ngoài ra, muốn làm được việc lớn, chẳng những có trí tuệ và làm hợp lòng dân, nhà vua phải có đạo đức, tức phải thanh liêm, phải làm gương. Đưa ra luật lệ gì, vua phải làm trước, rồi bá quan làm theo gương tốt đó và nhân dân cũng bắt chước cùng làm. Còn vua hưởng thụ và tham quan hưởng nhiều hơn nữa thì dân không nể phục, không tuân thủ luật vua.

Tình trạng này đã có từ thời xưa. Khi vua Tống Nhân Tông ở Trung Hoa đi điều tra dân tình, nhận thấy triều đình làm đủ cách để thu thuế, nhưng dân cũng tìm đủ cách để trốn thuế và họ lại cúng dường xây chùa, còn kho của vua thì trống rỗng. Vì dân căm ghét sự nhũng nhiễu của quan lại, chỉ lo hưởng thụ, không quan tâm đến đời sống khổ cực của dân, nên dân không dại gì làm.

Hoàng tử Nan Đà đã thể hiện sâu sắc ý Phật dạy. Khi vua Tịnh Phạn bảo Nan Đà phải ở nhà làm vua, vì Thái tử Tất Đạt Đa đã tu rồi. Ông trả lời rằng con không thích làm vua vì không đủ trí tuệ. Con cần quy y Phật, theo Phật học để đạt được trí tuệ thì biết rõ người, và thấu tỏ việc không sai lầm mới không bị thất bại.

Tiếp theo là quy y pháp. Pháp là tất cả hiện tượng trong trời đất. Chúng ta phải sống theo luật tự nhiên của trời đất xoay chuyển. Sống ngược lại luật tự nhiên của trời đất sẽ khó tồn tại. Trời đất có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và biết thuận theo bốn mùa, làm gì cũng tốt. Mùa xuân sự sống của vạn vật sinh sôi nẩy nở, chúng ta bắt đầu gieo hạt chắc chắn thu hoạch tốt. Con người sống thuận theo bốn mùa, cơ thể được khỏe mạnh. Làm ăn thuận với bốn mùa phải thành công. Ngày nay có đài thiên văn để quan sát hiện tượng thiên nhiên càng có nhiều thuận lợi hơn cho con người, vì biết được, tránh được thiên tai.

Ngoài sống thuận theo luật của trời đất, phải sống thuận theo luật của xã hội, tức trí tuệ tập thể của nhân dân. Luật này do đại biểu Quốc hội biên soạn và đại biểu do nhân dân bầu ra. Họ đại diện nhân dân, nói tiếng nói của dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Tất cả đại biểu tập hợp những gì nhân dân cần và chấp nhận mà lập ra những bộ luật, từ đó có Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Hình sự…

Tất cả những bộ luật đặt ra đều nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và cũng là nguyện vọng của nhân dân. Nhưng điều quan trọng, đại biểu phải là người đại diện thực sự của dân, nói được nguyện vọng của dân hay không dám nói. Vì vậy, có nơi luật thích hợp, có nơi luật áp đặt, không hiệu quả. Thực tế cho thấy có luật thuận theo trời đất, có luật thuận theo từng quốc gia, theo từng dân tộc. Ngày nay, những nước văn minh có luật của liên bang áp dụng cho cả nước và luật của tiểu bang chỉ có hiệu lực cho địa phương. Như vậy, từng vùng lãnh thổ có sinh hoạt tập quán, phong tục khác nhau mà người lãnh đạo nơi đó phải tôn trọng thì hợp với lòng dân sẽ được dân ủng hộ.

Quy y Tăng là nương theo tập thể hòa hợp, pháp này cũng rất quan trọng. Thật vậy, trong một tập thể, nếu mọi người đều hòa hợp, đồng tình với việc làm vì lợi ích chung chắc chắn làm được. Còn có người không đồng ý, phải thuyết phục để họ chấp nhận, không thể áp đặt. Thể hiện tinh thần đoàn kết hòa hợp tuyệt đối, trong Phật giáo có pháp yết-ma. Nghĩa là một vấn đề cần giải quyết phải được tất cả đại chúng đồng ý, nếu chỉ còn một người không bằng lòng cũng phải tìm cách giải thích cho họ thông hiểu và chấp nhận thì áp dụng chắc chắn thành công. Như vậy, trong Phật giáo mọi việc phải được đại chúng tán thành 100%, không phải theo cách đa số thắng thiểu số.

Có thể thấy rõ rằng nương theo Tam bảo Phật Pháp Tăng, các vị vua anh minh nước ta thời Lý - Trần đã có được tâm trí sáng suốt để chế tác những bộ luật thực sự có giá trị, hợp với lòng dân mới giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề trong cuộc sống của nhân dân, cũng như trong việc giữ gìn sự toàn vẹn của quốc gia dù nước ta luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm phương Bắc.

Đặc biệt còn ghi dấu ấn son sắt tinh thần hòa hợp, đoàn kết (quy y Tăng) của các vị minh quân nhà Trần luôn luôn vì lợi ích chung của đất nước thể hiện qua hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng đã tạo nên sức mạnh thần kỳ, giữ vững non song gấm vóc mà ngàn đời tổ tiên cha ông chúng ta đã khổ công xây dựng.

Thật vậy, lịch sử đã ghi rằng thời Lý - Trần là thời kỳ thạnh trị nhất của đất nước ta, vì các vua đã áp dụng tốt đẹp lời Phật dạy cho người lãnh đạo, làm cho đất nước thái bình, thịnh vượng. Thời Lý khởi đầu nhờ tuệ giác của Vạn Hạnh thiền sư giúp đất nước giữ vững bờ cõi và nhân dân sống an lạc. Thời Trần nhờ Phù Vân quốc sư mở ra con đường trị nước an dân, cuộc sống người dân được phát triển, sống thuần lương, đạo đức, không mê tín và còn giúp các vua Trần bảo vệ đất nước, không hề nao núng trước gót giày xâm lăng khét tiếng của quân Mông Nguyên.

Như đã nói, pháp quy y Tam bảo mang đến lợi ích thiết thực trong cuộc sống con người. Từ đó, ngoài Tam thừa giáo, còn có thêm Nhơn thừa và Thiên thừa, tổng cộng là Ngũ thừa giáo theo Phật dạy. Cần nhớ rằng pháp quy y Tam bảo áp dụng cho cả giới xuất gia và tại gia.

Với giới tại gia, Phật bảo ông Da Xá ở nhà tu, vì chưa đủ căn lành để sống cuộc đời Sa-môn. Phật vẫn công nhận ông là đệ tử với điều kiện phải quy y Tam bảo và giữ năm giới.
Giới thứ nhất từ đây đến suốt đời không được sát sanh hại mạng. Về giới sát sanh có chia ra từng cấp bậc khác nhau. Có người nói rằng Phật dạy có bốn loài là noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh và thai sanh. Mình là thai sanh thì tất cả loài đẻ con đồng chủng với mình, nên không ăn thịt nó. Vì vậy, họ không ăn thịt heo, thịt bò, thịt chó,... nhưng ăn thịt gà vì gà đẻ trứng và ăn tôm cua sò ốc. Nếu giữ giới cấm sát sanh như vậy là không giết người, không giết súc vật đẻ con thì tạm coi là được với người này, vì giữ trọn vẹn giới sát đối với họ khó quá.

Có người nói đối với loài có máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn thì không ăn vì Phật nói chúng cũng ham sống sợ chết. Nước mắt của chúng thì không thấy, nhưng thấy máu đỏ, nên họ không ăn cá, nhưng ăn tôm cua sò ốc vì chúng có máu trắng. Tôi nói anh cữ như vậy cũng khá, anh chỉ nợ tôm cua sò ốc, cũng còn có chút tội, nhưng anh không nợ loài người và loài vật có máu đỏ.

Các loài không có máu đỏ, nhưng cũng có sự sống, chúng ta không nên làm hại, giữ được sự sống của chúng để tạo thế quân bằng trong trời đất. Ngày nay khoa học đã chứng minh rằng sự tồn tại của các loài kể cả cây cỏ cũng là sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta và muôn loài cần có sự hỗ tương cộng tồn để giữ cho quả địa cầu này được thọ mạng bền vững.

Phật dạy rằng vì mình giết nhiều người, giết nhiều loài, nên tái sanh thế gian này, gặp lại các người, các loài thù hận mình luôn muốn giết mình. Hoặc tái sanh làm loài vật để họ giết trả thù. Nợ mạng về sau phải trả bằng mạng sống. Các loài ăn nuốt lẫn nhau vì oan gia tương báo.

Tuân thủ giới không sát sanh thì sanh ở đâu cũng không gặp cảnh tương tàn tương sát. Thiền sư Vạn Hạnh khuyên Lý Công Uẩn hạn chế tối đa việc sát sanh. Vì vậy, lên ngôi, vua lệnh cho cả nước trong một tháng vào ngày mùng 1 và 15 không được sát sanh các loài, không được đánh bắt các loài thủy sản. Ngày nay, theo khoa học nghiên cứu, các loài thủy sản sanh nở nhiều nhất vào hai ngày này.

Giới cấm thứ hai là không gian tham, trộm cắp. Những gì sở hữu do mình tạo ra hợp pháp thì mình giữ; đối với sở hữu của người khác, mình phải tôn trọng. Nâng lên một bước, không lượm của rơi. Thời Lý, nhà nhà không cần đóng cửa vì không có kẻ gian tham trộm cắp. Ở Nhật tại nhà ga có phòng chứa của bỏ quên là của rơi. Ai mất thì đến đó nhận lại. Người không lấy của rơi thực tốt. Người như thế đời đời sanh lại không rơi vào hoàn cảnh nghèo đói, tức có phước do tạo phước, nên luôn luôn được giàu có. Gian tham trộm cắp thì tiền vào cửa trước sẽ ra cửa sau. Của phi pháp xài hết rồi nhưng còn tội mang theo đời này và kiếp sau cũng nghèo đói.

Giới thứ ba là không tà dâm. Giữ được giới này cũng thể hiện con người đạo đức, có được uy tín và cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc.

Giới thứ tư không nói láo, không đặt điều, không nói lời gây chia rẽ, không nói lời hung ác. Giữ được như vậy, chắc chắn tạo được sự tín nhiệm của nhiều người và cũng làm cho tâm mình được thanh thản.

Giới thứ năm không uống rượu, ngày nay còn thêm các chất gây nghiện, ma túy... Vì sử dụng các chất độc hại này khiến tâm trí không bình tĩnh, bị kích động, điên loạn, hoang tưởng… khiến họ thường nghĩ những điều tội lỗi và lao vào những việc ác kinh khủng.

Tuân thủ trọn vẹn năm giới cấm, đời đời được sanh chốn nhơn thiên. Nếu tái sanh trong loài người sẽ được làm người cao quý, có sức khỏe tốt, thông minh, ngoại hình xinh đẹp.

Tóm lại, theo tôi, con đường trị nước an dân mà các nhà vua anh minh của nước ta đã thể hiện xuất sắc không ngoài ba pháp quy y Tam bảo và giữ năm giới cấm.

Có thể khẳng định rằng quy y Tam bảo và năm giới cấm không phải là lý thuyết suông mà phải áp dụng trong cuộc sống của hành giả để đạt được lợi ích thực sự.

Pháp Tam quy và ngũ giới Phật dạy cho các ông vua nước ta từ hàng ngàn năm trước, thiết nghĩ ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, vì mang lại lợi ích thiết thực cho những người lãnh đạo điều hành quốc sự.

Và pháp Tam quy, ngũ giới chắc chắn cũng giúp ích rất nhiều cho hàng đệ tử Phật biết áp dụng sẽ có được cuộc sống an vui, hiểu biết, tiến bộ và thăng hoa tâm linh cho mình, làm tốt đời, đẹp đạo.

  HT.Thích Trí Quảng

  Bài giảng ngày 5-4-2020 tại chùa Huê Nghiêm


   Nguồn: giacngo.vn