GN - Cả nước đang đồng lòng thực hiện việc cách ly xã hội trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 1-4-2020, để tránh sự lây lan của SARS-CoV-2. Đây cũng là thời điểm hàng triệu người lao động lao đao vì bị mất việc, đặc biệt là những “thân phận yếu thế” khi họ không thể ra đường phố để mưu sinh…

“Nếu bạn khó khăn, hãy lấy một phần”

Những “thân phận yếu thế” ấy là người làm nghề lao động tự do, bác tài xế xe ôm, người bán vé số, người thu mua ve chai hay bán hàng rong... Họ đa phần từ các tỉnh thành đến TP.HCM ở trọ, kiếm cách mưu sinh… bỗng dưng bị mất việc, mất hẳn thu nhập ít ỏi mỗi ngày mà nhờ lao động họ mới có được.

Sau chỉ thị cách ly xã hội, vé số ngưng phát hành, những người “yếu thế” đành ở lại những khu nhà trọ trong suốt 15 ngày, không thể đi làm như bình thường, cũng không thể về quê… Hiện nay, họ phải sống nhờ vào sự bao dung, tấm lòng nhân hậu của những người xung quanh, của thành phố nghĩa tình luôn chở che, đùm bọc trong lúc hoạn nạn, khó khăn.

TTXH (2).JPG
Chùa Từ Nghiêm chia sẻ quà đến người nghèo trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh: N.Danh

Những ngày này, cả xã hội cùng đồng lòng chống dịch bệnh với sự nhắc nhở “nhà nào ở yên nhà nấy” nhằm tránh sự lây nhiễm. Thế nhưng, người thành phố đã không vô cảm ngó lơ, bỏ mặc những thân phận “yếu thế” hơn.

Nhiều tổ chức, cá nhân đã nối vòng tay yêu thương bằng những phần quà thiết thực, giúp người nghèo khổ vượt qua 15 ngày “khắc nghiệt”. Trên hè phố, trước tam quan những ngôi chùa, các hộ gia đình, hình ảnh những thùng quà, suất cơm được gói cẩn thận kèm lời nhắn: “Nếu bạn khó khăn, hãy lấy một phần. Nếu bạn đã ổn, hãy nhường lại cho người khác”, hay một tủ bánh mì “Mỗi người một ổ, nếu bạn đói có thể lấy hai ổ bánh mì” đã không còn xa lạ nữa.

“Để người nhận đỡ tủi thân”, một mạnh thường quân giải thích cho lời nhắn trên. Bên cạnh đó, những phần quà tặng do các gia đình, nhóm thiện nguyện, các chùa âm thầm mang đến với người nghèo khó.

Dù là âm thầm, việc làm nói trên đã thể hiện sự chia sẻ thật lòng và cần thiết trong lúc cả đất nước đang phải chống chọi với sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19.

Những phần quà, suất cơm ấy là sự cảm thông, tiếp sức những người làm nghề bán vé số, mua ve chai hay lang thang, cơ nhỡ… ở vào hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo đối với họ.

Với cộng đồng Phật giáo, hình ảnh chư Tăng Ni, Phật tử ở các chùa trực tiếp nấu cơm, chăm chút từng món để có phần cơm còn nóng hổi hay một chị tình nguyện viên ở quán chay Bình An (Q.5) cầm bình sát khuẩn nói và giúp bà cụ bán số vé rửa tay, trước khi cụ vào nhận suất cơm miễn phí khiến ai thấy cũng thương và cảm động.

Lúc này, không chỉ có những phần hiện vật hỗ trợ mà lời nhắn nhủ động viên giữ gìn sức khỏe cũng thật sự ý nghĩa. Tất cả mọi người đều mong mỏi dịch bệnh được đẩy lùi nhanh chóng.

Phật giáo TP.HCM kết nối những tấm lòng…

ĐĐ.Thích Trung Nguyện, Phó Thư ký Ban Trị sự (BTS) GHPGVN TP.HCM, Thư ký chùa Ấn Quang (Q.10) cho hay, ngay khi biết thông tin về cách ly xã hội, tạm ngưng phát hành vé số của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày, cùng ý niệm chia sẻ khó khăn với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM đã chỉ đạo Phật giáo TP.HCM phải chung tay hành động, giúp đỡ cho những người nghèo, khó khăn trong thời gian cách ly xã hội. Đặc biệt, quan tâm đời sống cho những người bán vé số, buôn bán lề đường, lang thang, cơ nhỡ…

Thực hiện chỉ đạo của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo thành phố đã họp trực tuyến thành viên của Ban, thống nhất chọn các địa điểm là cơ sở tự viện Phật giáo các quận huyện trên địa bàn thành phố trực tiếp nấu cơm và tặng cho người khó khăn.

TTXH (1).JPG
TT.Thích Thanh Phong trao suất cơm chay đến người nghèo - Ảnh: Như Danh

Bên cạnh đó, Ban Từ thiện còn kết hợp với Mặt trận địa phương để chuyển những phần quà, suất cơm theo danh sách của địa phương để chia sẻ với người nghèo khó trong suốt thời gian 15 ngày thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh.

Những phần quà gồm gạo, mì, trứng, hay suất cơm chay được Ban Từ thiện xã hội Phật giáo chủ trương, phân công Từ thiện Tường Nguyên thực hiện. Mỗi ngày, hai bếp cơm do Từ thiện Tường Nguyên trực tiếp nấu và chia sẻ 1.000 suất cơm chay cho bà con ở 10 phường thuộc Q.4, 2.000 phần cho bà con ở H.Nhà Bè, Q.8 và H.Bình Chánh.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), đích thân TT.Thích Thanh Phong đứng trao mỗi suất cơm chay đầy đủ món kho mặn, canh, trứng chiên và chuối tráng miệng tận tay mỗi người đến nhận. Chùa Vĩnh Nghiêm tặng mỗi ngày 300 suất cơm trưa, 100 suất gởi tặng cho bà con ở quận 10 và duy trì suốt 15 ngày cách ly phòng chống dịch bệnh.

Trong thời điểm hiện nay, sự chung tay góp sức của mọi tổ chức xã hội là vô cùng cần thiết, vì thế Ban TTXH Phật giáo TP, Tăng Ni các tự viện đã kết nối với Mặt trận Tổ quốc tại địa phương mang những phần quà, suất cơm đến từng người, từng nhà mà không sợ tập trung đông người, tránh lây nhiễm bệnh.

Bà Trần Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN Q.10 có mặt ở những địa điểm nấu cơm để phối hợp đưa suất cơm về các phường đến đúng thời gian, đúng đối tượng. Trên địa bàn Q.10, nhiều tự viện như tổ đình Ấn Quang, chùa Long Hoa, Bửu Đà, chư Tăng, Phật tử tự vào bếp nấu cơm, chia sẻ gần 800 suất cơm mỗi ngày.

Đại đức Thích Hoằng Tâm, tổ đình Ấn Quang cho biết: “Trong lúc khó khăn này, nhà chùa cùng Phật tử thật tâm chia sẻ với những đối tượng khó khăn. Họ đang cần được quan tâm hơn lúc nào hết. Vì thế, chúng tôi tận tâm nấu những phần cơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng gởi đến mỗi người và mong mọi người luôn giữ gìn sức khỏe trong mùa dịch bệnh này”.

Với sự chung tay góp sức, đồng lòng của Tăng Ni, Phật tử các cơ sở tự viện Phật giáo các quận huyện, tinh thần đùm bọc, san sẻ và thương yêu giữa người với người trong suốt thời gian cách ly xã hội đã và đang được lan tỏa. Dù vất vả nhưng ai cũng mang trong mình sự hoan hỷ, cùng động viên nhau quyết tâm vượt qua đại dịch.

H.Diệu

Nguồn: giacngo.vn