Minh Sĩ   

Trong kinh Trường bộ, tập 2, bài kinh Giáo thọ Thi- ca- la- việt, Viện NCPHVN ấn hành năm 1991, trang 543, đức Phật có dạy: “Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với người vợ như phương Tây: “Kính trọng vợ; không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ. … Người vợ cũng có lòng thương tưởng đối với chồng theo năm cách: “Thi thành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc”.

Người chồng có năm cách đối xử với người vợ, thì người vợ cũng có năm cách thương tưởng đến người chồng như vậy mới thấy rõ được thông điệp bình đẳng mà đức Phật muốn truyền tải, góp phần cải cách về sự công bằng trong xã hội đương thời.

Năm cách người vợ thương tưởng đến chồng:

- Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình: đây là cách đầu tiên người vợ thương tưởng đến chồng với bổn phận của người phụ nữ. Đây là điều tổng quát hàm chứa các điều còn lại qua lời dạy Phật dạy về bổn phận người vợ đối với chồng. Vì bổn phận của người vợ là: khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng và khéo léo làm mọi công việc.

- Khéo tiếp đón bà con: bà con mà đoạn trích đề cập, có thể bà con của hai bên, bên chồng- bên vợ. Chớ không thể nào chỉ có bà con của một bên. Người vợ phải khéo léo đón tiếp bà con với hai lý do:

Thứ nhất là tình người, vì đã gọi là bà con tức là những người cùng huyết thống trong dòng tộc, nội ngoại của chồng hoặc vợ. Những người này có thể lâu lắm mới đến một lần, hoặc ở phương xa đến thăm những người thân trong gia đình. Nếu người vợ tiếp đón một cách sơ sài, chắc chắn sẽ bị đánh giá là coi thường người thân. Vì những người thân đến thăm chúng ta vì tình cốt nhục, vì huyết thống họ hàng, chớ không phải vì miếng cơm manh áo (trường hợp này cũng có nhưng rất ít). Nếu người vợ khéo léo trong cách tiếp đãi sẽ đế lại một ấn tượng tốt trong lòng bà con.

Thứ hai là nghệ thuật sống, đón tiếp là một phương cách trong giao tiếp. Qua cách giao tiếp, người đối diện có thể hiểu được phần nào về trình độ và nhân cách ứng xử của chúng ta. Qua đó, họ có thể suy đoán và đánh giá luôn về những thành viên còn lại trong gia đình như: cha- mẹ chồng,... Vì thế nếu chúng ta tiếp đón bà con dù bên mình hay bên chồng bằng với một tâm thành, cộng thêm chút khéo léo thì đó là một thành công của người phụ nữ thời xưa cũng như thời nay. Tại sao nói đây là một nghệ thuật sống? Vì mình dùng tâm chân thành để đối xử với người khác thì cũng được đối xử lại như thế trong thời gian nhanh hay chậm mà thôi.

- Trung thành với chồng: là một đức tính cần phải có của người phụ nữ. Vì đức tính này sẽ là một phương châm tốt để giữ vững hạnh phúc gia đình. Trung thành có thể được hiểu theo hai nghĩa:

Một là nói về tình, nếu một người phụ nữ trung thành với chồng gia đình sẽ được hưng thạnh, hoặc ít nhất thì cũng được những hạnh phúc đời thường dù cho cuộc sống gia đình có khó khăn. Ngược lại, một người phụ nữ không trung thành với chồng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Xét về hạnh phúc gia đình, chắc chắn gia đình đó đã bị rạn nứt về tình cảm. Nếu không rạn nứt thì làm gì có chuyện vợ không trung thành với chồng. Thứ đến, là người không trung thành với chồng sẽ làm khổ nhiều người trong đó có: cha mẹ, chồng, con và thậm chí là bản thân người phụ nữ ấy.

Hai là nói về nghĩa, người phụ nữ trung thành với chồng còn gọi là người phụ nữ có nghĩa. Tình cảm vung đắp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn nghĩa cử sẽ làm cho cuộc sống bền vững hơn. Nếu một người chỉ sống vì tình mà không có nghĩa, khi có chuyện không như ý xảy ra thì tình cảm dễ bị đổ vỡ. Còn người chỉ sống vì nghĩa mà không có tình thì đời người trở nên khô khan, thiếu chút ý vị trong cuộc sống. Chính cái nghĩa mới giúp người vợ vững tin và trung thành với chồng hơn. Và cũng chính cái nghĩa mà người vợ vừa mang tư cách của người vợ, cũng vừa mang tư cách của người bạn. Nếu người chồng có điều gì không đúng thì chính cái nghĩa tào khang mà người vợ có thể nhắc nhở người chồng kịp thời sửa chữa sai lầm của mình.

Như vậy, một người vợ trung thành với chồng là một người vợ mang đủ hai đức tánh  “tình” và “nghĩa”. Tình giúp cho người ta sống bằng tình cảm, còn nghĩa cho người ta cuộc sống bằng lý trí. Người vợ mà sống với chồng bằng tình cảm và lý trí là một người vợ trung thành.

- Khéo giữ gìn tài sản của chồng: Nếu bổn phận của người chồng thiên về những việc bên ngoài để đảm bảo tài chánh cho gia đình. Thì người vợ ở nhà đảm trách nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái,… Trong trách nhiệm của mình, người vợ phải khéo giữ gìn tài sản của chồng. Tại sao Phật lại dùng từ khéo? Khéo, ở đây mang ý nghĩa là người vợ giữ gìn tài sản và sử dụng tài sản ấy có tính toán, chi tiêu như thế nào hợp lý nhất để tài sản ấy ngày một lớn mạnh. Chớ không phải khi nắm được tài sản của chồng giao, mình sử dụng một cách tuỳ thích. Người phụ nữ khéo giữ gìn tài sản cho chồng, còn là người phụ nữ biết thương chồng, thương con. Vì chỉ có thương chồng, thương con thì người phụ nữ sẽ suy nghĩ rất kỹ trước khi sử dụng đồng tiền cực khổ do chồng kiếm được.

- Khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc: đây là điều cuối cùng mà người vợ phải làm tốt nếu thương tưởng đến chồng. Đã là phụ nữ thì đa phần mọi người đều biết công việc nội trợ. Nhưng điều quan trọng để nâng tầm người phụ nữ lên một bước nữa là trong những công việc gia đình là người phụ nữ biết vận dụng sự hiểu biết của mình để cho công việc được nhanh và khéo. Hai yếu tố này hỗ tương nhau, thiếu một cũng không được. Vì người nội trợ chỉ có nhanh thì công việc đạt được tuy mất ít thời gian nhưng tỉ lệ thành công rất thấp. Còn chỉ có khéo thì công việc có thể hoàn thành tốt nhưng có thể tốn quá nhiều thời gian.

Nhanh nhẹn và khéo léo còn nói lên thể chất và tâm hồn nghệ thuật của người phụ nữ. Vì nhanh nhẹn thuộc về yếu tố thể lực kèm theo bản tánh tháo vát của con người, còn khéo léo thuộc về yếu tố thẩm mỹ, về cách cảm nhận vấn đề riêng của từng cá nhân. Trong công việc hàng ngày của gia đình người vợ có đủ hai tố chất này sẽ là một đóng góp rất lớn cho việc thành công của người chồng. Và cũng là một bí quyết để giữ người chồng trung thành với mình. Vì thế đó là lý do tại sao mà điều thứ năm “khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc” có mặt trong năm điều của người vợ đối với chồng được đức Phật để cập đến.

        Tóm lại, qua năm điều đức Phật chỉ dạy người vợ thương tưởng với chồng, giúp cho cuộc sống của mỗi gia đình được hạnh phúc. Mọi người biết cảm thông, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Theo chúng tôi, ngang qua những lời dạy này của đức Phật cũng ngầm nhắc nhở những người đàn ông của gia đình phải tôn trọng người vợ của mình. Vì công việc của người vợ cũng không kém sự cực khổ, vất vả,… khi phải gánh vác việc nhà để cho chồng an tâm làm công việc bên ngoài.