Giữ gìn đạo đức trên thương trường là rất khó nhưng người biết dùng năm cái tâm trong việc điều phục mình chính là biểu hiện của người có đạo đức, có khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt vai trò. Người có năm cái tâm ấy có mặt ở đâu là thành công ở đó, đem lại niềm tin yêu và hạnh phúc cho muôn người.


 
GIỮ GÌN ĐẠO ĐỨC KINH DOANH, KHÓ HAY DỄ?

Kinh doanh là hoạt động đã có từ rất lâu, tùy vào hoàn cảnh xã hội sẽ có những phương cách kinh doanh khác nhau. Vào thời cổ đại, việc kinh doanh đã rất thịnh hành, điển hình là sự ra đời của “con đường tơ lụa” nối liền các nền văn hóa Đông – Tây vào hơn 2.000 năm trước. Con đường huyền thoại này xuất phát từ Trung Hoa qua Mông Cổ, Ấn Độ, Tây Á, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu với chiều dài khoảng 4.000 dặm, tương đương 6.500km.

Ngoài việc thông thương buôn bán của những “thương nhân lạc đà”, đây còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng. Sau Con đường tơ lụa trên bộ là những hành trình vượt đại dương. Các nhà nghiên cứu đã tìm được nhiều di chỉ và cổ vật cũng như phương tiện vận chuyển hoen dấu thời gian. Điều đó cho thấy, trong quá khứ nhiều thương nhân phải bỏ mình nơi rừng sâu, biển cả, sa mạc hoang vu hoặc bị thổ phỉ giết hại, cướp bóc…

Dân gian thường nói: “Phi thương bất phú”, nghĩa là không kinh doanh thì không thể giàu. Vì vậy, những ai muốn làm giàu đều phải nỗ lực buôn bán, mong kiếm thật nhiều tiền. Bản chất của vấn đề này không có gì xấu, nhưng để đạt được mục đích thì bên cạnh những người kinh doanh chân chính, có không ít kẻ lại dùng thủ đoạn lừa đảo, dối trá.

Chúng ta thường so sánh “thương trường là chiến trường”. Quả thật, nếu không có đạo đức kinh doanh sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dùng thủ đoạn để hãm hại đối thủ. Tôi rất thích cách cạnh tranh của hai thiên tài công nghệ: Bill Gate và Steve Jobs. Họ đôi lúc cũng có những lời lẽ gay gắt để khiêu khích, chỉ trích nhau nhưng hoàn toàn không dùng thủ đoạn, mà dùng tài năng cống hiến, mong muốn “đánh bại” đối thủ bằng sản phẩm trí tuệ. Đó là cuộc cạnh tranh hết sức văn minh.

Tuy nhiên, do định kiến không mấy tốt đẹp liên quan đến con đường làm giàu bằng kinh doanh mà từ xưa đã có quan điểm không thân thiện với giới thương gia, khi cho rằng: “vi phú bất nhân” – làm giàu là kẻ ác. Người xưa khuyên rằng nếu kinh doanh không đạo đức sẽ thành mối họa lớn cho cộng đồng. Ngược lại, kinh doanh có đạo đức vừa đảm bảo chất lượng phục vụ cho đại chúng, vừa gìn giữ uy tín thương hiệu dài lâu. Theo triết lý Phật giáo là tránh được quả báo xấu trong tương lai.

GIỮ NĂM CÁI TÂM ĐỂ TRỞ THÀNH DOANH NHÂN CHÂN CHÍNH

Thế nhưng để vận dụng đạo đức trong môi trường kinh doanh có phải rất khó khăn?

Có một vị đại sư hay giảng dạy rằng: Muốn thành công, doanh nhân cần phải có đạo đức. Nhưng lấy gì để làm tiêu chuẩn đạo đức, đó là năm cái tâm: hy sinh, siêng năng, nhẫn nhục, chân thật và tình thương. Nếu rèn luyện được năm cái tâm này, doanh nhân nhất định sẽ thành công.

Tâm hy sinh: Người kinh doanh nhưng tâm ích kỷ, hẹp hòi sẽ khó lòng thành công. Làm lãnh đạo phải có tâm hy sinh cho tổ chức và nhân viên của mình. Người có tâm rộng lớn thì trí mới rộng lớn, trí rộng lớn thì đức mới rộng lớn, đức rộng lớn thì phương tiện rộng lớn, phương tiện rộng lớn thì quyến thuộc rộng lớn, quyến thuộc rộng lớn thì hạnh phúc an lạc rộng lớn. Như vậy, tâm có hy sinh mới đem lại lợi ích cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng thì phúc đức rất lớn lao. Khi có phúc đức lớn, việc gì cũng thành công cả.

Tâm nhẫn nhục: Nếu muốn trở thành một doanh nghiệp mà không có tâm nhẫn nhục, sẽ khó có thể thành công. Rào cản lớn nhất của mỗi người là thiếu kiên nhẫn, dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Nhờ rèn luyện tâm nhẫn nhục nên biết kiềm chế khi gặp nghịch cảnh, có sức chịu đựng dẻo dai, bền chí khi việc chưa thành. Đó là một trong những tố chất quan trọng của những doanh nghiệp thành công.

Tâm siêng năng, Cổ đức từng dạy: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Ở đời “có làm thì mới có ăn”, trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Trên thương trường, đó là sự siêng năng, cần mẫn, nỗ lực không ngừng mới có thể đạt được mục đích.

Tâm chân thật: Nếu không có tâm chân thật, ở đời sẽ thật vô nghĩa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị sống của con người, nhất là doanh nhân. Tâm chân thật tạo niềm tin để khách hàng ngày càng ủng hộ và đó là cơ hội tốt để phát triển nghề nghiệp.

Tâm từ tình thương là yếu tố không thể thiếu trong xã hội loài người. Nhờ đó mà ta có động lực để phấn đấu và thực hiện những điều tốt nhất cho người thân, cộng đồng. Tình thương là chất liệu để cuộc sống trở nên đáng sống.

Như vậy, chỉ cần căn cứ vào năm yếu tố trên để tự đánh giá cái tâm của mình. Đó là thước đo đạo đức của mỗi người, đặc biệt với người lãnh đạo. Những ông chủ tốt, công việc sẽ phát triển bền vững và nhất định thành công. Đồng thời, người chủ cũng dựa vào năm yếu tố đó để nhận biết nhân viên, đối tác của mình có đạo đức hay không.

Do khủng hoảng kéo dài của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lâm vào c ảnh phá sản, hàng triệu người thất nghiệp, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hết lòng hỗ trợ nhân viên. Nhờ vậy, người lao động mới thấy được tấm lòng của lãnh đạo để hy sinh, phấn đấu vì công ty. Dù chịu nhiều áp lực về suy thoái kinh tế do đại dịch Covid -19 gây ra nhưng nhờ có tâm hy sinh và nhẫn nhục, nhiều doanh nghiệp vẫn trụ được và đem lại kết quả ngoài dự kiến, bảo đảm đời sống công nhân, duy trì doanh thu nhất định. Chỉ có tình thương và tâm chân thành không tính toán, mưu mẹo, đoàn kết tương trợ nhau mới là cách tốt nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn này.Giữ gìn đạo đức trong kinh doanh là điều vô cùng quan trọng. Nó không trực tiếp tạo ra tiền tài nhưng là nhân tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp giữ uy tín, niềm tin với khách hàng. Người kinh doanh chân chính, tâm mới thanh thản, tự tin và an lạc. Người kinh doanh gian dối, tâm sẽ bất an và phải cố tình tạo ra nhiều mưu mẹo để giữ khách hàng và cách làm đó không hề bền lâu.

Giữ gìn đạo đức trên thương trường là rất khó nhưng người biết dùng năm cái tâm trong việc điều phục mình chính là biểu hiện của người có đạo đức, có khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt vai trò. Người có năm cái tâm ấy có mặt ở đâu là thành công ở đó, đem lại niềm tin yêu và hạnh phúc cho muôn người.
 

Thượng tọa Thích Phước Tiến

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com