Nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.


Hình ảnh: Cuộc hội ngộ của nhị vị Thiền sư, Sư Ông Làng Mai và Sư Ông Trúc Lâm tại Thiền Viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt, năm 2008
 
Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.
Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau - chuyện đó vẫn thường xảy ra...

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.

Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn "án tù chung thân" cho cuộc đời mình.

Chọn người hiểu và thương mình, hãy nhớ, đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Trong cuốn sách “How to Love” (tạm dịch: Cách để yêu) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một bộ sưu tập ngôn từ đơn giản, nhỏ gọn về những sự thật ngầm hiểu vô cùng sáng suốt của ông về tiềm lực đáng giá nhất và phức tạp nhất của con người.

Trọng tâm các lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đó là ý tưởng: “Thấu hiểu là tên gọi khác của tình yêu” – rằng để yêu một người khác có nghĩa là phải thấu hiểu đầy đủ những đau khổ (suffering) của anh ấy hoặc cô ấy (“suffering” có vẻ nặng nề, nhưng trong Đạo Phật, nó ám chỉ bất cứ điều gì khiến chúng ta cảm thấy hoàn toàn không thỏa mãn – có thể là về mặt thể chất, hoặc tinh thần hoặc tâm cảm). Rốt cuộc, thấu hiểu điều mọi người cần – thậm chí là nếu hiểu được điều này dù chỉ về mặt lý thuyết, chúng ta cũng có thể thường xuyên chạm tới một góc nhỏ của những mê muội để vươn tới một hiểu biết rộng mở hơn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã minh họa sự không phù hợp của những mức độ này với một ẩn dụ rất đúng đắn:

Nếu bạn cho một nhúm muối vào một chén nước thì nó sẽ trở thành thứ không thể uống được. Nhưng nếu bạn đổ một nhúm muối vào một dòng sông thì mọi người vẫn tiếp tục lấy nước để nấu nướng, tắm rửa và uống. Dòng sông rộng lớn và nó có khả năng nhận lấy, ôm trọn và chuyển đổi. Khi trái tim của chúng ta nhỏ, hiểu biết và lòng trắc ẩn của chúng ta bị giới hạn, và chúng ta đau khổ. Chúng ta không thể chấp nhận hoặc tha thứ cho những người khác và những thiếu sót của họ, và chúng ta đòi hỏi họ thay đổi. Nhưng khi trái tim của chúng ta rộng mở, những thứ đó sẽ không còn khiến chúng ta đau khổ nữa. Chúng ta có nhiều hiểu biết và lòng trắc ẩn hơn và có thể đón nhận những người khác. Chúng ta chấp nhận con người thật của họ và khi đó, họ có cơ hội để thay đổi.

Bài viết: "Nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời"
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh/ Vườn hoa Phật giáo