conhungCó những cuộc lên đường là sự trở về quê cũ chốn xưa, cũng có những cuộc đi đúng là hành trình tìm về cõi lạ. Có những chuyến lên đường như là cuộc vận động để mình sống hơn, khỏe hơn, đẹp hơn. Có những cuộc lên đường là sự tìm về với bóng tối quạnh hiu, chỉ khiến mình gầy yếu và hao tổn sinh lực…

Có những sự ngồi yên là tĩnh tọa để vào sâu, lên cao, đi xa. Kiểu ngồi khi đó như dáng núi, đá tảng, như voi đứng, cọp nằm. Cũng có những thời khắc ngồi yên chỉ là sự ở lại với đôi chân bất lực, với một góc buồn không sao trốn thoát. Ai lúc này cũng có dáng ngồi như tượng vỡ gỗ mục, kiểu ngồi của đá nát vàng phai…

Có những nỗi buồn cứ như thuốc đắng, làm người ta vững vàng già dặn hơn. Nổi buồn càng sâu, sự trải nghiệm càng lớn. Và dĩ nhiên cũng có nỗi buồn giống hệt thuốc độc, khiến người tan nát can tràng qua từng phút gậm nhấm nỗi đau.

Có những niềm vui là thảo nguyên ngút ngàn hoa cỏ cho lòng lành tung tăng, niềm vui càng lớn thì con người cũng lớn theo để ra bậc hiền nhân. Có những niềm vui chỉ là tên gọi khác của tục lụy, vui mà chứa mầm đau, như mật ngọt trên lưỡi dao hay sắc màu trên mình rắn độc.

Có những cuộc chuyện trò là lời tri tâm của những người tri kỷ thông tuệ, nhất tự thiên kim và một phút cạnh nhau có khi bằng mười năm đọc sách. Lại cũng có những cuộc chuyện trò vô nghĩa như tiếng côn trùng hợp tấu trong đêm, như tiếng muỗi bay báo trước một cái gì bất ổn.

Có những sự im lặng là lối sỏi dẫn vào thiền thất sơn động. Đó là sự im lặng của người có nhẫn, có xả, có trí, có bi. Có những sự im lặng chỉ là cách đồng lõa với vô tri gỗ đá, với vô cảm lạnh lùng. Không phải ai cũng hiểu được và có được sự im lặng lợi mình, lợi người. Phật giáo Bắc truyền gọi đó là sự im lặng của tôn giả Tu Bồ Đề, của nhị tổ Ca Diếp. Phật giáo Nam phương gọi đó là niềm thinh lặng của Vô Tướng Tâm Giải Thoát (Animitta-cetovimutti).

Có những sự chia xa chỉ là tạm biệt, đi mà có hẹn về. Xa kiểu đó tuy xa mà gần. Có những cuộc chia tay là vĩnh biệt, là đi không nghĩ đến lúc về, quay đi không mong có lúc nhìn lại. Xa nhau kiểu này đúng là nghìn dặm thiên nhai, là nghìn thu vĩnh quyết. Trong đạo hay ngoài đời, chỉ cần biết cái gì cần tạm biệt hay vĩnh biệt, hình như chẳng còn gì để nói thêm.

Có những sự bày tỏ là chia sẻ, trao tặng báu vật. Cũng có sự bày tỏ chỉ là buộc người phải ăn trái đắng, uống độc dược. Biết chọn cái để cho và biết lựa món để nhận hình như cũng đủ là phép sống ở đời.

Có những thứ chỉ đọc hay nghe một lần cũng đủ khiến kiếp này không là vô nghĩa. Có thứ dẫu đọc hay nghe một đời cũng chỉ là đếm lá trên non.

Có những sự kết hợp tuyệt vời đến mức không thể tốt hơn, không còn cách nào khác hay hơn nữa. Lại cũng có những cuộc kết hợp chỉ là chắp vá tật nguyền, sai nồi lộn nắp, chỉ khiến người trong cuộc thêm đau.

Từ đó, có những cuộc tình như đến từ vô lượng tiền thân, tìm thấy nhau giữa biển người dễ dàng như đã hẹn.Và nói như một người, có những cuộc tình không là trăm năm!

 

Toại Khanh