SKĐS - Rau càng cua có tên khoa học là Peperomia pellucida Kunth thuộc họ hồ tiêu Piperaceae. Cây thảo sống hàng năm, lá thân trơn bóng mọng, xanh tươi trông đã thấy giòn ngon.

Rau càng cua có tên khoa học là Peperomia pellucida Kunth thuộc họ hồ tiêu Piperaceae. Cây thảo sống hàng năm, lá thân trơn bóng mọng, xanh tươi trông đã thấy giòn ngon. Ở nước ta, rau càng cua mọc hoang khắp nơi. Hiện nay, ở Hà Nội cũng như một số địa phương có nhiều người rất thích ăn hàng ngày vì nó thơm giòn, ấm bụng, tiêu cơm, đặc biệt rau càng cua có nhiều công dụng phòng chữa bệnh.

Rau càng cua chứa nhiều nước, P, Ca, K, Mg, Fe, carotenoid, vitamin C. Rau càng cua góp phần tăng khả năng miễn dịch phòng xơ vữa động mạch, bệnh về mắt, tăng cường sức mạnh cơ bắp, mau lành vết thương, giải nhiệt độc trong cơ thể, phòng chống còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn thiếu máu thiết sắc, bệnh tim mạch và tăng huyết áp, đái tháo đường vì có nhiều kali, magie. Ăn mỗi ngày 100g rau càng cua đủ đáp ứng nhu cầu vitamin của người lớn (50mg). Rau càng cua dùng ăn sống trộn dầu dấm đường  xem là ngon nhất, bổ nhất vì giòn, thơm, như dạng cải soong. Ngoài ra còn dùng để xào, nấu canh suông hoặc với tôm nõn, thịt lợn, cho vào cháo nóng, lẩu, đặc biệt ăn sống với ếch chiên, thịt bò xào tái, lươn om; làm dầu giấm với đậu phụ chiên giòn là món chay hấp dẫn. Theo kinh nghiệm dân gian, rau càng cua dùng dưới dạng thức ăn phòng chữa cảm mạo, ho hen, ăn không tiêu, tăng huyết áp. Để có tác dụng mạnh phải ăn cả hoa, quả (nhiều người không biết thường bỏ đi).

Rau càng cua ép nước uống chữa phế nhiệt, viêm họng, khô cổ, khản tiếng.

Theo các lương y, rau càng cua tính chua cay hàn có tác dụng bổ âm, dưỡng huyết, thanh nhiệt giải độc, thông ứ, chỉ thống, lợi đại tiểu tiện. Chữa phế nhiệt, miệng khô khát, chứng huyết nhiệt sinh lở ngứa mụn nhọt và chứng đau mỏi cơ khớp do phong nhiệt.

Một số cách dùng rau càng cua làm thuốc

Chữa phế nhiệt, viêm họng, khô cổ khản tiếng: rau càng cua tươi rửa sạch nhai ngậm hoặc xay nước uống ngày 50-100g.

Chữa chứng tiêu khát (đái tháo đường) có kèm chứng miệng khô khát, táo bón: rau càng cua rửa sạch 100g bóp giấm, chanh, thịt ếch chiên bột 100g ăn tuần vài lần.

Chữa thiếu máu: rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm, thịt bò cho gia vị vừa đủ xào chín tới, trộn đều ăn vài lần.

Chữa tiểu gắt, tiểu khó: rau càng cua ăn sống hoặc nấu nước uống ngày 150-200g.

Chữa đau lưng cơ co rút (nhiệt độc nhập kinh thận): rau càng cua sắc uống mỗi ngày 50-100g.

Chữa nhiễm khuẩn đầu ngón tay (chín mé): rau càng cua 100-150g sắc uống trong, bã đắp ngoài.

Chữa ngoài da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành: rau càng cua ăn sống hoặc xay nước uống, giã đắp ngoài.

Ăn rau càng cua làm người mát, bớt táo bón, đi tiểu dễ dàng, người khỏe, tim bớt hồi hộp.

Nên nhổ cả cây, cho vào chậu nhiều nước, khoắng nhẹ cho đất cát rơi xuống đáy chậu đến khi hết đất cát thì rửa lại rồi phải vớt ra rổ thưa cho nhanh ráo nước. Nếu để lâu trong nước, rau sẽ bị nát nhũn. Nấu xào cũng nên dùng tái mới thơm ngon và phát huy được công dụng phòng chữa bệnh của tinh dầu (dùng như cải cúc).

BS. Phó Thuần Hương

Nguồn: suckhoedoisong.vn