TK. Minh Nhật

"Huynh hỡi! hãy là viên sỏi nhỏ

Hiện thân cùng năm tháng tha hương

Rồi một chiều khi có người cần đến

Nguyện lót đường tiếp bước khách mười phương."

Thật vậy, người xuất gia, vì lòng tin về thánh hạnh, từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình; mặc áo cà sa nguyện dấn thân, hòa vào cộng đồng của đời sống Tăng lữ, để học đạo. Trước, lòng phải như “lá rụng”, như lá cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam Thiên rụng xuống. (Kinh Trung A Hàm – tập 1, phần 1, phẩm Thất Pháp, tr. 19). Cũng vậy, đời sống thực tập theo con đường của phạm hạnh, phải bỏ tâm đời ở thế gian. Thậm chí, những phiền não, ham muốn, khát khao, buồn phiền, bực dọc cũng phải tập lạnh như tờ, con đường cao thượng mới mở ra và hành giả mới có thể bước chân đi trên con đường đó được.


Người xuất gia vì lòng tin về thánh hạnh, từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình...

Từ đó, Đức Thế Tôn dạy bài học mà xưa kia Ngài từng thực tập rằng, hãy khép mình trong nếp sống của Giới, tức “phải chịu các điều khuôn khổ trong một thời gian nhứt định, ấy cũng là phương pháp ung đúc lòng kiên nhẫn của người tu và đòi hỏi hạnh kiên tâm trì chí” (Luật Nghi Khất Sĩ, Tổ Sư Minh Đăng Quang, tr. 106). Nếp sống đạo đức ấy, giúp hành giả bỏ rơi thói quen lạ thường từ nhiều đời, tạo ra một năng lượng bao phủ Giới thân, để có thể tránh những bám bu từ nội tại cũng như ngoại tại, từ thuận ứng cũng như nghịch ứng. Nếu chúng ta thực hành một cách nghiêm túc, hành giả sẽ thấy có một năng lượng bảo vệ chính mình và cảm nhận sự bình an do Giới mang lại; kết quả góp thêm sức mạnh cùng các vị đồng phạm hạnh làm sáng ngôi nhà Phật Pháp mỗi lúc càng hưng thạnh. Đức Phật dạy tiếp như thế chưa đủ, vì đó chỉ là vỏ ngoài của cây, qua chặng đường thứ nhất, không nên dừng lại, hành giả cần phải tiếp thêm năng lượng bằng cách nuôi dưỡng với bốn thức ăn tâm linh mà trong kinh gọi là “bốn trạng thái thiền”, đó là, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Sau khi đoạn được năm phần ngăn che thô thiển, ái nhiễm, từ đó, nâng cao phát triển năm thiền chi, tức là, tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Lần lượt bỏ qua từng giai đoạn, cho đến khi hành giả đạt đến một trạng thái xả niệm thanh tịnh hay còn gọi là nhất tâm, một trạng thái mà trong kinh gọi là hiện tại lạc trú.

Lại nữa, Đức Phật dạy như thế cũng chưa đủ, chưa phải chỗ đến cuối cùng của đời sống phạm hạnh, của rốt ráo hạnh phúc; mà nhờ năng lực định tĩnh ấy, hành giả khéo dẫn tâm vào trí tuệ, thấy rõ bản chất như thật của các pháp là “vô thường, khổ, vô ngã”. Với năng lực tinh tấn hỗ trợ, hành giả sẽ dần đạt được những thiện pháp mà ngang qua đó sẽ gặt hái nhiều sự an lạc hạnh phúc. Mà Đức Phật từng khẳng định cho chúng ta thấy rằng: “Ðây là Giới, Đây là Ðịnh, Đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.” (Trường Bộ 1, Kinh Đại Bát Niết Bàn). Ba pháp cùng tương liên, quyện vào nhau mà tạo ra kết quả vô cùng lớn lao. Hơn nữa, người sống với tuệ giác luôn được hướng dẫn bởi những bước đi vững vàng, sự mầu nhiệm khi an trú được trong tri kiến chơn chánh khiến hành giả không bao giờ bị lệch hướng. Người ấy đã thật sự sáng mắt pháp, không bị u ám làm mê.


Tiến bước trên lộ trình giải thoát

Đây mới thật sự là con đường chúng ta cần phải đi, cần phải học tập và thực hành bài học này. Đức Như Lai Thế Tôn xưa cũng đã từng tha thiết với các Tỳ-kheo: “… tốt đẹp trong giai đoạn đầu, tốt đẹp trong giai đoạn giữa, tốt đẹp trong giai đoạn cuối.” Đó là lộ trình mà chúng ta đã thấy trình bày ở trên. Bất cứ một hành giả xuất gia nào, cũng phải thực tập bài học này, vì đây là dấu chân mà Như Lai đã đi qua. Muốn tìm rõ dấu chân ấy, bắt buộc phải lần theo gót chân ấy nhất định sẽ tìm đến được hạnh phúc tuyệt đối – Niết-bàn. Sau khi tự mình tạo ra năng lượng hạnh phúc cho mình, Đức Phật dạy chư Tăng “Hãy ra đi,…vì hạnh phúc cho tất cả chư thiên và loài người”; mà Tổ Quy Sơn cũng đã từng nhắc nhở: “… dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” (Quy Sơn Cảnh Sách). Hãy đem chất liệu hạnh phúc ấy chia sẻ với tất cả mọi người. Trước, mang hạnh phúc đến cho những thân hữu từ gần cho đến xa; mà theo tinh thần Kinh Vu Lan gọi là cúng dường pháp qua thức ăn trăm món, trái cây năm màu đến cho Đại đức tăng. Sau khi có được chung niềm lợi ích, chung những thánh hạnh cao thượng. Bấy giờ, sách tấn chư Tăng đồng hành chuyển tải nguồn sống hạnh phúc đến cho muôn loài chúng sanh. Như vậy mới có thể tròn xong phận sự của mình được.

Trái lại, đã chấp nhận tham gia vào con đường chí thiện này, tâm đời chưa phai, hành vi lại tội tẩu làm sao có thể đón nhận thánh pháp được; để cho những tham dục, sự nóng giận càng lúc càng tăng trưởng, như thế hành giả sẽ tự mình đào bới gốc mình, tự mình che phủ và làm phôi pha đi tuệ giác của mình. Đức Phật nói, sống như vậy là người sống bần cùng (chánh pháp). (Kinh A Hàm, Kinh Bần Cùng, tập III, tr. 67). Người ấy sẽ bị nghèo, luôn bị đói khổ. Do vậy, rất tội nghiệp, đáng thương.

Tóm lại, người xuất gia lập nguyện cao thượng, vì lợi ích cho số đông, luôn tinh tấn tròn xong trách nhiệm của mình: “Giờ giờ phút phút phải thường soi tâm” (Pháp kệ Ý trong Luật Nghi Khất Sĩ), mới có thể làm nên nhiều thành tựu lớn giúp cho ngôi nhà Phật Pháp mãi trường tồn.