GNO - Khi chúng ta gặp phải những vấn đề trong đời sống hàng ngày, mà tất cả chúng ta ai ai thỉnh thoảng cũng đụng đầu, việc rèn luyện tâm trí sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sát thực tế hơn về nguyên nhân gây ra những khó khăn ấy.

Chẳng hạn, nếu chúng ta có lời qua tiếng lại gay gắt với ai đó - người trong gia đình, bạn đồng nghiệp, hay một người không quen biết - thì nên dùng một vài phút trong thời thiền tập hồi tưởng lại cảnh tượng ấy và xem xét các phản ứng của chúng ta. Sau đó, hãy hình dung ra đối phương ở ngay trước mặt, chúng ta nên có một cảm giác biết ơn người ấy.

Điều này thoạt nghe hơi kỳ quặc. Nhưng, như tôi đã từng chỉ rõ, những kẻ thù của ta, về một nghĩa nào đó, là người thầy của ta, vì thế cảm giác biết ơn là hoàn toàn thích hợp.

Với ý nghĩ này trong trí, chúng ta hình dung mình cúi đầu chào đối phương. Khi lặp đi lặp lại vài lần như thế, nếu thái độ của chúng ta là thành thật và động cơ thanh khiết, thì lòng ghét bỏ đối phương trong ta dần dần phai nhạt, và thay vào đó, chúng ta có thể phát sinh lòng từ ái đối với người ấy.

Về cơ bản, mục đích của việc này là bài thực tập rèn luyện tâm trí, đặc biệt là từ góc độ thế tục, làm cho chúng ta bình tĩnh hơn, từ ái hơn và trở thành một con người sáng suốt hơn.

Việc thực tập còn đem lại rất nhiều lợi ích khác trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt là khi tiến bộ, chúng ta tạo được một mức độ trầm tĩnh trong tâm trí, khiến cho nó không bị rơi vào trạng thái bị kích động hoặc trầm cảm, và như vậy việc thực tập giúp bảo vệ chúng ta khỏi stress trước những biến cố thăng trầm trong cuộc đời.

Dalai Lama/Trích Beyond Religion: Ethics for a Whole World

Nguồn: giacngo.vn