Cổ nhân có câu Trong bụng của tể tướng có thể chèo thuyền. Người có tấm lòng rộng lớn có thể bao dung cả thiên hạ, chính là nói làm người thì phải có sự độ lượng, tấm lòng rộng mở…

Núi không nói mình cao, biển không nói mình sâu, nhưng ai cũng biết sự cao và sâu của chúng. Vậy mới nói, muốn cảm hóa người khác thì cần có lòng nhân từ độ lượng vậy.
 

 
Câu chuyện thứ nhất: A hoàn cũng là con người

Dương Vạn Lý là một thi nhân nổi tiếng thời Nam Tống. Vợ của ông gọi là La phu nhân. Năm đó bà đã hơn 70 tuổi. Mùa đông giá rét, La phu nhân thức dậy từ rất sớm, xuống bếp nấu cơm cho gia nhân và những người giúp việc ăn, sau đó mới để họ làm việc.

Thấy vậy, con của La phu nhân đã ra sức khuyên can, nói: “Trời lạnh như vậy, sao mẹ phải tự làm khổ mình? Mẹ gọi người hầu đi làm, để mẹ ngủ thêm một chút có tốt hơn không?”.

La phu nhân nghe xong lời khuyên của con thì ôn tồn nói: “A hoàn hay nô bộc cũng đều là con người, có cha mẹ sinh ra, cũng là con cái nhà người ta đấy con à. Sáng sớm, trời rét, mẹ thức dậy nấu cơm để họ có thể ăn cho ấm bụng, sau đó làm việc mới tốt”.

Câu chuyện thứ hai: “Lòng nhân từ như vậy, tương lai mới có thể làm Tể tướng”

Phạm Trọng Yêm là người Bắc Tống. Năm ông được hai tuổi thì cha mất. Mặc dù tuổi nhỏ sống trong cảnh nghèo khó nhưng ông lại vô cùng chăm chỉ học tập, về sau đỗ đạt làm quan tới chức Tể tướng. 

Thời niên thiếu vì gia đình rất nghèo nên Phạm Trọng Yêm phải sống trong hoàn cảnh bần hàn cần kiệm. Mỗi ngày ông chỉ được uống một chút canh rau dại. Tuy nhiên, Phạm Trọng Yêm lại là một người đầy tài năng, mong nguyện lấy việc coi sóc thiên hạ là trách nhiệm của mình. 

Một lần, Phạm Trọng Yêm đến gặp một vị thầy tướng số và hỏi: “Tương lai cháu có thể làm Tể Tướng không?”.

Vị thầy tướng số liếc nhìn Phạm Trọng Yêm rồi trả lời: “Không thể”. 

Phạm Trọng Yêm lại hỏi tiếp: “Vậy cháu có thể trở thành một thầy thuốc giỏi không?”.

Cảm thấy kinh ngạc trước câu hỏi, vị thầy tướng số hỏi: “Vì điều gì mà cháu đặt ước muốn đầu tiên cao như vậy, còn ước muốn thứ 2 lại thấp như thế?”.

Phạm Trọng Yêm giải thích: “Cháu nghĩ rằng, chỉ có làm hai nghề này cháu mới có thể giúp đỡ được tất cả mọi người”. 

Thấy vậy, thầy tướng số nhìn cậu bé Phạm Trọng Yêm một cách cẩn thận, sau đó khen ngợi nói: “Cháu có tấm lòng nhân từ như vậy, thực đúng là Tể tướng tương lai rồi”. 

Câu chuyện thứ ba: Người giàu trả hết nợ, nhà tù trống rỗng

Tôn Giác là người thời Bắc Tống, tên chữ là Sân Lão. Lúc ông làm quan phủ Phúc Châu, có rất nhiều người dân trước đây từng vì thiếu nợ thuế ruộng mà bị quan phủ tiền nhiệm bắt nhốt vào ngục. 

Tới khi Tôn Giác về nhậm chức, một số người giàu trong quận định quyên 500 vạn đồng và thỉnh cầu ông sửa chữa đình chùa. Tôn Giác liền nói với họ như sau: “Mọi người góp tiền sửa chữa đình chùa với mong muốn làm chút việc thiện, tích chút công đức, hy vọng có được phúc báo. Tuy nhiên, đình chùa cũng không có hư hỏng gì nghiêm trọng, trước mắt chưa cần sửa chữa vội. Ta khuyên mọi người dành số tiền này trả nợ thuế giúp một số người dân đang bị giam giữ trong ngục, để họ thoát khỏi cảnh tù tội và thống khổ xiềng xích. Mọi người làm được việc thiện như vậy, Phật tổ biết được cũng sẽ mỉm cười ban phúc, như thế chẳng phải là mọi người sẽ nhận được nhiều phúc đức hơn sao?”.

Những người quyên tiền nghe thấy lời nói của Tôn Giác có tình có lý, liền đưa tiền cho quan phủ để xóa nợ thuế cho dân nghèo. Nhờ vậy mà ngục giam không còn tội phạm.


 Theo Epoch Times 

 San San biên dịch

 Nguồn: vuonhoaphatgiao.com