Tam Vô Lậu Học và Bát Chánh Đạo


TK. Minh Lợi

Tùy theo căn cơ, trình độ của chúng sanh mà trong suốt 45 năm hoằn g dương chánhpháp Đức Phật đã chỉ dạy các pháp môn khác nhau cho từng chúng sanh, nhưng không ra ngoài ba pháp tu căn bản, đó là Tam Vô Lậu Học (Giới - Định - Tuệ). Còn Tứ Diệu Đế là giáo lý tinh hoa của đạo Phật, là cội nguồn chuyển vận bánh xe pháp đầu tiên cũng có mối liên hệ với Tam Vô Lậu Học. Nhưng cụ thể và rõ ràng hơn cả là sự liên hệ giữa Tam Vô Lậu Học và Bát Thánh Đạo trong Đạo Đế của Tứ Diệu Đế.

Hơn ai hết, người tu sĩ chúng ta cần phải tìm hiểu sự quan hệ này một cách kỹ lưỡng và chuẩn xác để từ đó xác định lập trường tu học và hành đạo của mình để đạt kết quả tốt đẹp. Trước khi đi vào khảo sát mối quan hệ giữa Bát Thánh Đạo và Tam Vô Lậu Học, điều đầu tiên chúng ta nên biết Bát Thánh Đạo là gì? Tam Vô Lậu Học là gì?

Bát Thánh Đạo còn được gọi là con đường Thánh gồm có 8 ngành. Con đường này đưa hành giả vào suối Thánh, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh, chuyển xấu thành tốt ,… để về biển Niết Bàn nên được gọi là Thánh đạo. Đức Phật định nghĩa Bát Thánh Đạo như sau:

Này các Tỳ Kheo! Thế nào là con đường Thánh đạo tám ngành? Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định[1].

Còn Tam Vô Lậu Học được định nghĩa như sau: “Tam Vô Lậu Học gọi đủ là giới học, định học và tuệ học, tức là ba môn học về giới luật, thiền định và trí tuệ”.  Ba môn học này giúp người tu tập vượt khỏi sự trói buộc của phiền não, giải thoát mọi lậu hoặc, không còn rơi rớt trong ba cõi mà còn chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn nên gọi là Vô Lậu.

Theo định nghĩa trên ta thấy Đức Phật mô tả chánh Tri Kiến là chi phần đầu tiên trong Bát Thánh Đạo, còn Giới là môn học đầu tiên trong Tam Vô Lậu Học “Nhân giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ[2].

Nếu chúng ta đem chia Bát Thánh Đạo ra từng chi phần riêng biệt và bắt buộc theo một trật tự cố định, thì vô tình chúng ta quên đi giáo lý “Một là tất cả, tất cả là một”, chúng có mối quan hệ khắng khít như một mạng lưới, mỗi một chi phần vừa làm nhân, làm duyên cho các chi phần khác và ngươc lại. Để minh chứng qua chi phần Chánh Định:

“Và này các Tỳ Kheo! Thế nào là Chánh Định với các cận duyên và các tư trợ, chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm[3].

Cũng vậy trong Tam Vô Lậu Học cũng có mối quan hệ chặt chẽ lẫn nhau. Chúng tương quan, tương duyên mà dung nhiếp lẫn nhau, nghĩa là trong Giới đã có Định và Tuệ hay trong Định đã có Giới và Tuệ, còn trong Tuệ đã có Giới và Định, đức Phật dạy:

Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu[4].

Trong Kinh Lăng Nghiêm cho biết hậu quả, tai hại của những ai lầm lạc tách rời và xem nhẹ một môn học trong Tam Vô Lậu Học như sau:

“Dầu có người tu hành được đắc định, đắc tuệ mà không có giới luật thì cũng chỉ là ma đạo mà thôi[5].

Qua những bước tìm hiểu trên cho chúng ta thấy rõ ràng các chi phần trong Bát Thánh Đạo, Tam Vô Lậu Học có mối tương quan với nhau chặt chẽ. Trên cơ sở này, tiến xa hơn một bước nữa chúng ta tìm hiểu mối quan hệ giữa Tam Vô Lậu Học và Bát Thánh Đạo.

Thực ra, khi nói đến Bát Thánh Đạo thì đó chỉ là cách nói rộng của Giới - Định - Tuệ. Trong cái này đã bao hàm cái kia và trong cái kia đã chứa đựng cái này. Đó chính là khái niệm tương quan, tương duyên trong triết lý Duyên sinh của Phật giáo. Tuy nhiên, chúng ta cần đề cập chi phần nào của Bát Thánh đạo có liên hệ đến môn học nào trong Tam Vô Lậu Học cho rõ ràng hơn.

Các chi phần Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng được xếp chung vào nhóm Giới, vì có tính chất chung loại đều biểu hiện ở thân và khẩu. Các chi phần Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định được xếp chung vào nhóm Định, vì đây là tiến trình nỗ lực thanh lọc tâm cho được thanh tịnh. Các chi phần Chánh Kiến và Chánh Tư Duy được xếp vào nhóm Tuệ có tính nhận xét và quan sát của khối óc. Như vậy, tiến trình tu học của Tam Vô Lậu cũng chính là tiến trình tu tập của Bát Chánh Đạo.

Giới học liên hệ với Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Muốn thành tựu Giới luật trọn vẹn thì cần phải “sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn”, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt để đầy đủ oai nghi chánh hạnh. Nhờ vậy mà ba nghiệp dần dần thanh tịnh. Thân tránh xa những điều xấu ác như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, mà còn thực hành những nghề nghiệp lương thiện để nuôi mạng sống một cách chân chánh. Miệng không nói dối, nói hai lưỡi, rủa chửi…mà còn tập nói lời lành, lời thiện đó là chánh ngữ. Ý không còn móng khởi tham lam, sân hận, tà kiến. Nhờ vậy, người tu tập được an lạc và đem đến hạnh phúc cho mọi người trong xã hội.

Định học liên hệ với Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Định là kỷ luật tâm linh cần thiết được đặt ra cho người tu tập. Định để đối trị tâm tán loạn, phóng dật theo thói quen cố hữu từ vô thỉ đến nay. Cho nên muốn thành tựu Định cần phải có một ý chí mạnh mẽ, nỗ lực tối đa và chánh niệm tỉnh giác để uốn nắn và ghép tâm điên đảo vọng tưởng vào một kỷ luật nhất định. Cần nói thêm rằng đối với Định không có gì là gò bó, sẽ chống lại quy luật tâm lý con người “Khi càng buộc chú tâm thì tâm càng vọng động, móng khởi nhiều tạp niệm”. Như vậy, kỷ luật ở đây phải nói là nhờ sự hỗ trợ của Giới mà Định dần dần phát sinh. Mặt khác nhờ vào quán Tứ Niệm Xứ, sổ tức…sẽ giúp người tu tập dần dần nhận thấy được thật tướng của các pháp và đưa đến một trạng thái khoái lạc hoan hỷ.

Tuệ học liên hệ với Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Chính vì lý do này mà luận sư Dharmakirti đã khẳng định: “Tất cả mọi thành công của con người đều bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn”. Cũng chính vì tầm quan trọng vô cùng đó mà người con Phật đã khẳng định sự nghiệp của mình là trí tuệ: "Duy tuệ thị nghiệp". Thành tựu được như vậy là nhờ hành giả có cái “thấy” và cái “tư duy” như thật về chân tướng của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã, mầm móng tham ái đã được nhổ tận gốc rễ, hành giả đạt được tự tại giải thoát hoàn toàn.

Ở trên là chúng ta đã cụ thể hóa mối liên hệ từng môn học trong Tam Vô Lậu Học với các chi phần trong Bát Thánh Đạo. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng theo giáo lý trùng trùng duyên khởi “Một là tất cả, tất cả là một” thì mỗi một chi phần trong Bát Thánh Đạo đều có sự hiện diện của Giới - Định - Tuệ, cũng như trong mỗi môn học trong Tam Vô Lậu học đều chứa đựng trọn vẹn tám chi phần của Bát Thánh Đạo.

Trong thực tế, ngay như Chánh Kiến là chi phần đầu tiên của Bát Thánh Đạo thuộc Tuệ học nhưng nó cũng phải có sự hỗ trợ của Giới học và Định học. Vì nếu không có hai môn học này trợ lực thì Chánh Kiến ấy không thể tồn tại lâu dài, mà trái lại kết quả tất yếu là nó sẽ trở thành tà kiến thì cả một chuỗi mắt xích trong Bát Thánh Đạo tan vỡ, cho đến chi cuối cùng là Chánh Định cũng vậy. Nếu đạt đến Định mà không có Giới và Tuệ hỗ trợ đi kèm thì hành giả không thể chứng chánh trí đưa đến giải thoát một cách trọn vẹn.

Hiểu được những điều trên chúng ta sẽ không ngạc nhiên, thắc mắc khi thấy trong Bát Thánh Đạo hai chi phần Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc Tuệ học được đặt lên hàng đầu, trong khi theo thứ tự thông thường của Tam Vô Lậu Học thì Giới là môn học đầu tiên sau đó đến Định học và cuối cùng là Tuệ học.

Qua những phân tích nói trên, chúng ta thấy rằng lời dạy của Đức Phật không mâu thuẫn mà ngược lại rất khoa học và logic biện chứng.  Mối liên hệ giữa Bát Thánh Đạo và Giới Định Tuệ là mối quan hệ trùng trùng nhân quả, nối kết tương quan mật thiết lẫn nhau. Tu tập Bát Thánh Đạo cũng chính là tu tập Giới Định Tuệ và ngược lại.

Giới Định Tuệ kết hợp chặt chẽ với Bát Thánh Đạo, chính là con đường Trung đạo giúp người tu tập tránh xa hai cực đoan thọ hưởng dục lạc thái quá và ép xác khổ hạnh. Đó là con đường duy nhất làm thanh tịnh các loài hữu tình, làm chết đi tất cả những vô minh, tham ái, triền phược, chấp thủ…và giúp con người sống có đạo đức, có an lạc giải thoát  và đạt đến bất tử.

Vì vậy, người tu sĩ cần ý thức Bát Thánh Đạo và Tam Vô Lậu Học như hơi thở, là máu, là xương của chính mình. Tu tập Bát Thánh Đạo hay nói gọn là Tam Vô Lậu Học là tu tập tất cả pháp môn Phật dạy. Đường hướng giáo dục con người toàn vẹn cả hai mặt tài năng và đức hạnh.

Giới Định Tuệ cũng như Bát Thánh Đạo sẽ soi sáng cho mọi phát minh khoa học trong việc khai thác thiên nhiên, tránh sự ô nhiễm môi sinh, hủy diệt sự sống. Đối với xã hội nó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định lâu dài và tích cực của mọi đường lối chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục. Đối với thế giới nó là chất liệu hàn gắn mọi đổ vỡ chiến tranh, thiết lập hòa bình giữa các quốc gia.

Bát Chánh Đạo hay Tam Vô Lậu Học luôn được xem là con đường cổ xưa, con đường truyền thống mà chư Phật, chư vị Bồ-tát, chư vị A-la-hán đã đi, đã đạt được đạo quả giác ngộ. Còn chúng ta muốn đến giải thoát giác ngộ cũng không thể có con đường thứ hai để đi.


[1] Kinh Tương ưng Bộ V,  tr. 19.

[2] Kinh Lăng Nghiêm, quyển 6.

[3] Kinh Trung Bộ III,  tr.  237 – 238.

[4] Kinh Trường Bộ I,  Kinh Đại Bát Niết Bàn, tr. 555.

[5] Kinh Lăng Nghiêm.

Nguồn từ http://daophatkhatsi.vn/phat-hoc/giao-ly-co-ban/558-tam-vo-lau-hoc-va-bat-chanh-dao.html