GN - Vừa qua, Ban Văn hóa Trung ương đã có Văn bản số 33/CV-BVHTU gửi Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành, Hệ phái Phật giáo về phối hợp triển khai khóa tụng thống nhất, pháp phục thống nhất của GHPGVN.

Để hiểu thêm về vấn đề này đang được dư luận rất quan tâm này, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương. Nói về cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện đề án thống nhất khóa tụng và pháp phục Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa cho biết:

- Dựa trên chủ trương của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Văn hóa Trung ương là cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ phối kết hợp cùng các ban, ngành, viện Trung ương của Giáo hội cũng như ở ngoài xã hội nghiên cứu thực hiện đề án với tên gọi chung “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam”, dựa trên tinh thần “Thống nhất trong đa dạng”.

Ngay chủ đề đã bao hàm tất cả ý tưởng rồi, nên khi thực hiện cũng phải đi theo nguyên tắc định hướng được đặc trưng văn hóa của Phật giáo Việt Nam, thể hiện được tinh thần thống nhất trong đa dạng, thông qua 4 khía cạnh: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản. Từ việc xây dựng đề án, quá trình nghiên cứu, điền dã, tổ chức cho đến khi có được kết quả đệ trình chư tôn đức Hội đồng Trị sự, tất cả đều không đi ra ngoài tinh thần đó.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói về đề án thống nhất khóa tụng và pháp phục Phật giáo Việt Nam ảnh 1
Khóa tụng thống nhất được Giáo hội phê duyệt sử dụng trong các Phật sự chung

Khóa tụng thống nhất lần này được chủ trương bởi Hội đồng Trị sự với đại diện các hệ phái cùng tham gia biên tập, hoàn thiện. Ban Văn hóa Trung ương chỉ là cơ quan chuyên được Giáo hội giao cho thực hiện việc này. Chính vì vậy, tất cả các bài kinh đưa vào Khóa tụng thống nhất đều được thống nhất lựa chọn bởi chư tôn đức đại diện các hệ phái, vùng miền,… Trong đó có 3 bài kinh Bắc truyền và 3 bài kinh Nam truyền, là những kinh văn tiêu biểu của các hệ phái. Bản Việt dịch các bài kinh sử dụng trong Khóa tụng thống nhất do chư tôn túc như: Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Viên Minh, Hòa thượng Pháp Tông,… thực hiện với một số điểm biên tập, điều chỉnh ngôn từ phù hợp và được các vị đồng ý.

Mọi việc liên quan đến các văn bản kinh đều trình lên các vị duyệt qua nhiều lần trước khi đi đến thống nhất, trình Hội đồng Trị sự thẩm định và đưa ra lấy ý kiến tại các tọa đàm, hội thảo trước khi ra quyết định phê duyệt, áp dụng Khóa tụng thống nhất cho các nghi lễ chung của Giáo hội.

* Văn hóa Việt Nam chúng ta vốn đa dạng, ngôn ngữ mỗi vùng miền, thậm chí mỗi địa phương có những nét dị biệt, điều này cũng thể hiện ngay trong ngôn ngữ kinh văn, nghi lễ Phật giáo. Việc thống nhất một khóa tụng chung liệu có làm mất đi phần nào nét đa dạng, đặc sắc này không, thưa Thượng tọa?

- Việc biên tập Khóa tụng thống nhất với ngôn ngữ chung là tiếng Việt chuẩn đã được quy định cụ thể. Trong lịch sử, do chịu tác động lớn từ 2 nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, có những thời kỳ Phật giáo chúng ta sử dụng kinh văn bằng chữ Hán, hay ở một số khu vực phía Nam thì sử dụng kinh văn bằng tiếng Pàli, Phạn,… Đến thời đại ngày nay, những ngôn ngữ đó không phải là ngôn ngữ chính của nước ta, được sử dụng phổ thông trong quần chúng.

Chúng ta không phủ nhận những ngôn ngữ cổ đã từng tồn tại, nhưng trong thời hiện đại, những hoành phi, câu đối, kinh sách cổ được bảo tồn nhưng lại không mấy người hiểu. Để có thể phổ biến cho số đông hiểu, ứng dụng và tu tập theo giáo pháp của Đức Phật, chúng ta phải phiên dịch kinh văn ra tiếng Việt.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói về đề án thống nhất khóa tụng và pháp phục Phật giáo Việt Nam ảnh 2

Riêng về vấn đề ngôn ngữ mỗi vùng miền, chắc chắn chúng ta phải có sự tôn trọng nét khác biệt. Khi biên tập Khóa tụng thống nhất, bên cạnh việc xin ý kiến chư tôn đức các hệ phái, vùng miền, chúng tôi còn tham khảo ý kiến từ các chuyên gia của Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trước khi đi đến quyết định sử dụng những từ ngữ nào vừa đảm bảo những nguyên tắc tiếng Việt phổ thông đã được chuẩn hóa cụ thể qua các văn bản pháp quy, vừa gần với tinh thần văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Nhiều người hiểu lầm rằng việc thực hiện Khóa tụng thống nhất là sự thống nhất về một thể, điều này phần nào không đúng bởi nó không phù hợp với tinh thần của văn hóa Việt Nam cũng như Phật giáo Việt Nam. Như đã nói, Giáo hội chúng ta ra đời dựa trên sự thống nhất 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo khác nhau, tuy thống nhất trong một tổ chức GHPGVN nhưng vẫn đảm bảo nét riêng của từng hệ phái và đó cũng là tinh thần khi thực hiện đề án lần này.

Khóa tụng thống nhất, trong thực tế, sẽ được sử dụng cho các Phật sự chung của Giáo hội hay áp dụng cho khóa lễ trong các tự viện?

- Khi có chỉ đạo và giao Ban Văn hóa Trung ương chủ trương thực hiện Khóa tụng thống nhất, Giáo hội đã nhận thấy có một số bất cập trong vấn đề nghi lễ lâu nay. Tại các sự kiện chung của Giáo hội có phần nghi lễ tâm linh, ví dụ như Đại lễ Phật đản, chúng ta không có một khóa tụng chung cho tất cả các hệ phái.

Ở các buổi lễ như thế, tại một số nơi, các hệ phái sẽ luân phiên thực hiện các khóa tụng theo truyền thống của mình, nhưng thời gian chương trình lại có hạn, không thể thực hiện một cách đầy đủ. Ở các diễn đàn Phật giáo quốc tế như Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, khi đại diện các quốc gia được mời lên thực hiện khóa tụng của quốc gia mình trong khoảng 10 phút, lúc đó, việc bất cập khi đoàn Phật giáo Việt Nam không có một khóa tụng chung thể hiện càng rõ.

Việc thống nhất một khóa tụng đã được chư tôn đức tiền bối trong Giáo hội trăn trở, ấp ủ từ lâu và đến gần đây mới mạnh mẽ thực hiện. Bây giờ, khi các hệ phái đã cùng tham gia biên tập nên Khóa tụng thống nhất như thế này và đã được Hội đồng Trị sự duyệt phổ biến bằng văn bản, chúng ta cũng cần áp dụng chung cho các hệ phái, vùng miền, đặc biệt trong các Phật sự chung của Giáo hội. Bên cạnh đó, Khóa tụng thống nhất cũng cần áp dụng cho các tự viện, phổ biến trong Tăng Ni, Phật tử để sử dụng trong các khóa tụng hàng ngày.

Tất nhiên, bên cạnh việc áp dụng sử dụng Khóa tụng thống nhất này, mỗi hệ phái, sơn môn vẫn có thể duy trì thực hiện các nghi lễ, khóa tụng theo truyền thống của mình. Chúng ta không lấy cái này thay thế cho cái kia mà thực hiện tất cả công việc trên tinh thần thống nhất trong đa dạng.

* Về vấn đề thống nhất pháp phục, cùng với việc hoàn thiện bộ catalogue pháp phục, việc áp dụng (may đo, phát hành, phổ biến,…) trong Tăng Ni, Phật tử sẽ được Giáo hội triển khai như thế nào? Ban Văn hóa Trung ương có đề xuất, hình thức nào nhằm phối hợp với các nhà may y pháp phục nhằm thực hiện hiệu quả đề án cũng như hạn chế tối thiểu các tình trạng lạm dụng pháp phục Phật giáo?

- Thống nhất pháp phục ở đây trước hết là thống nhất về màu sắc. Lâu nay, chúng ta có thể thấy việc sử dụng màu sắc pháp phục của các hệ phái có rất nhiều dị biệt. Do vậy, việc thống nhất pháp phục trước hết đó là thống nhất về màu sắc, là màu vàng đất, hoại sắc. Về hình thức 3 y của chư Tăng Ni, dù hệ phái nào, cũng đảm bảo 3 y đúng như quy định trong giới luật. Tuy nhiên, với pháp phục của Tăng Ni Bắc truyền, trên cổ áo và tay áo hậu có các nếp gấp để phân biệt giáo phẩm. Trước đây, trong quy định của Giáo hội, việc phân biệt giáo phẩm dựa trên độ rộng của tay áo, tuy nhiên rất khó phân biệt bằng mắt thường.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói về đề án thống nhất khóa tụng và pháp phục Phật giáo Việt Nam ảnh 3

Bên cạnh đó, trong catalogue pháp phục Phật giáo Việt Nam cũng có quy định chi tiết về các loại hình pháp phục, y phục khác như: áo đi đường, lễ phục Phật tử,… Việc thống nhất y pháp phục cũng dựa trên việc tham khảo, hướng dẫn và chấp thuận bằng văn bản của chư tôn đức trưởng thượng đại diện các hệ phái, sau đó tiến hành may thử, đưa ra lấy ý kiến tại các hội thảo, diễn đàn trước khi đi đến kết quả sau cùng.

“Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lựa chọn và ký kết với một đơn vị dệt may lớn trực thuộc hiệp hội này để tạo ra một mẫu vải chuẩn theo đề án, đảm bảo các yêu cầu đưa ra về chất liệu, chỉ số màu,… Theo chủ trương của Ban Văn hóa Trung ương, đơn vị này cũng có trách nhiệm phải trao đổi, làm việc với các nhà may y pháp phục lớn trong nước nhằm đưa ra một hướng triển khai thích hợp để làm sao phổ biến, lan tỏa đề án thống nhất pháp phục một cách hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng đến công việc lâu nay của họ”.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc

Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN

Khi đi khảo sát trong thực tế, chúng tôi nhận thấy tại các nhà may y pháp phục có rất nhiều mẫu mã, chất liệu, màu sắc đa dạng và đẹp và rất nhiều trong đó xuất xứ từ Trung Quốc. Một thực trạng đáng ngại đó là hiện nay rất nhiều thầy đã và đang sử dụng mẫu pháp phục hoàn toàn của Trung Quốc. Đây có thể coi là hiện tượng xâm thực văn hóa đáng lo ngại. Ngay cả chư Tăng Nam truyền Việt Nam cũng đang phải sử dụng pháp phục được may ở các nước Phật giáo Nam truyền khác vì ở trong nước không có ai may.

Trước đây, khi chưa khảo sát trực tiếp trong thực tế, bản thân chúng tôi cũng thấy việc sử dụng mẫu y pháp phục đa dạng như vậy không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đến khi thực hiện, khảo sát rồi mới thấy việc xâm thực văn hóa như vậy rất đáng lo ngại, chúng ta có thể trở thành phiên bản của người khác lúc nào không hay biết. Chính vì vậy, việc xác định một sắc thái thống nhất, riêng biệt cho pháp phục Phật giáo Việt Nam là hết sức cần thiết.

Giáo hội đã phê chuẩn và giao cho Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành trách nhiệm thực hiện, lan tỏa và giám sát đề án thống nhất pháp phục này trong vòng 7 năm kể từ tháng 4-2021.

Sau khi Giác Ngộ online đưa tin về Văn bản 33/CV-BVHTU của Ban Văn hóa Trung ương gửi Ban Nghi lễ và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành về việc phối hợp triển khai khóa tụng thống nhất, pháp phục thống nhất của GHPGVN, lập tức được dư luận quan tâm.

Ghi nhận từ các phản hồi về tòa soạn và trong các nền tảng số của báo Giác Ngộ, một số ý kiến tán thành, hoan nghênh việc làm này. Ý kiến tán thành đặc biệt lưu ý đến nội dung: Ban Văn hóa Trung ương đề nghị các ban, hệ phái Phật giáo thuộc GHPGVN phối hợp để kiểm tra, giám sát trong việc các Tăng Ni, Phật tử sử dụng mẫu pháp phục và nhắc nhở, xử lý những trường hợp lạm dụng hoặc cố ý làm sai với mẫu pháp phục đã được Giáo hội phê duyệt và đăng ký bản quyền. Việc làm đó, nếu được làm, sẽ góp phần kiểm soát tình trạng mua bán pháp phục tràn lan, vừa lộn xộn, lại vừa tạo điều kiện cho nạn giả sư, gây ngộ nhận về Tăng đoàn, ảnh hưởng sâu sắc đến hình ảnh của Phật giáo như hiện nay.

“Đề nghị Giáo hội xem xét lại các kinh Hán-Việt, nên dịch nghĩa cho Phật tử dễ dàng đọc tụng dễ hiểu lời Phật. Giáo hội nên xem xét về pháp phục cho chúng xuất gia và tại gia, nên có hướng dẫn cụ thể, để không còn tình trạng cư sĩ mặc áo giống tu sĩ gây nhầm lẫn cho nhiều người, để tránh việc lợi dụng pháp phục, làm điều không đúng với Phật giáo”, bạn đọc Trí Thành bày tỏ.

“Tôi nghĩ vấn đề này nên làm, bởi thời đại phát triển quá nhanh, chiếc áo của người tu sĩ dễ bị lạm dụng, một ông, bà ất ơ nào cạo đầu mặc vào đi long nhong đánh lộn, làm những việc sai quy định, người khác nhìn vào đâu biết là sư giả, rồi thản nhiên thốt lên mấy câu nói rất mất lịch sự kiểu mấy thằng thầy chùa, hoặc thầy chùa lửa,... như vậy thì hình ảnh chư Tăng bị bôi nhọ bởi những kẻ này.

Điển hình như vụ ông Lê Tùng Vân, rõ ràng cả nhà ổng đâu phải thầy tu, nhưng nhà ổng tự cạo đầu, mặc y áo của tu sĩ rồi người khác nhìn vào gọi là “thầy”, coi là thầy tu Phật giáo”, bạn đọc Daniel Ngô viết.

Việc quy định pháp phục có các dấu hiệu (nếp gấp) ở cổ áo và tay áo hậu dành cho cấp giáo phẩm tương ứng như Đại đức và Sư cô (1 nếp gấp), Thượng tọa, Ni sư (2 nếp gấp), Hòa thượng, Ni trưởng (3 nếp gấp), “khi phát hành đại trà, làm sao kiểm soát việc ‘mặc nhầm’”?

Bên cạnh đó, có không ít ý kiến tỏ ra quan ngại, vì hệ quả của sự “thống nhất” trong văn hóa sẽ dẫn tới hệ quả xóa nhòa sự đa dạng, kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa, làm nên sự phong phú của thực thể sinh động này.

Một số ý kiến băn khoăn việc thống nhất về nghi lễ, theo chủ trương của Ban Văn hóa Trung ương và theo Viện Ngôn ngữ phải theo âm miền Bắc, chẳng hạn sẽ không còn đọc “Bổn sư” mà phải “Bản sư”, không phát âm “Chơn lý” mà phải là “Chân lý”, không tụng đọc “Ta-bà” mà phải theo âm “Sa-bà”, v.v…

“Tôi nghĩ chỉ nên thống nhất cho Phật giáo Bắc tông, còn Khất sĩ và Nam tông hay Kim cang thừa hoặc một số chùa Bắc tông nhưng trang phục như Nam tông thì Ban Văn hóa Trung ương nên tôn trọng vì đó là đặc trưng của Phật giáo Việt Nam ở vị trí giao lưu tiếp xúc văn hóa, tôn giáo vùng biển đảo đa dạng. Chớ không nên áp đặt trang phục theo mô hình Phật giáo Đài Loan hay Nhật Bản, Trung Quốc được”, nick Cuong Nguyen Lam viết.

“Theo cá nhân tôi, chỉ thống nhất về mặc pháp phục. Chư tôn đức Bắc tông thống nhất y phục Bắc tông, quý sư Nam tông y phục theo Nam tông, Tăng Ni Khất sĩ theo truyền thống của mình, tông phái, hệ phái nào thống nhất một màu theo tông phái ấy. Còn về nghi lễ thì không dễ, vừa khó nhằn vừa mất đi tính đặc sắc. Kêu người ta thống nhất cách ăn mặc được, còn giọng nói, giai điệu, văn hóa, nghi lễ tập tục làm sao thống nhất được. Trong khi đó Phật giáo luôn nhấn mạnh “Tính văn hóa dân tộc”, Phật giáo đi đến đâu đều uyển chuyển theo nét văn hóa vùng miền, đất nước mà Phật giáo đặt chân đến. Phật giáo không có Bắc Nam nhưng văn hóa thì có. Đồng ý là phát triển đồng bộ nhưng đừng cố làm mất đi nét văn hóa đặc trưng vùng miền”, bạn đọc nick Pew Max phản hồi.

Một số ý kiến mong rằng, sau văn bản này, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nên nhanh chóng triển khai các nội dung trên vào thực tiễn. Nếu việc quy định thống nhất trên chỉ dành cho các vị đại biểu trong các sự kiện của Giáo hội thì không thành vấn đề, còn nếu triển khai cho toàn thể Tăng Ni các tự viện thì cần tổ chức các điểm may đo, phát hành pháp phục chuẩn, cùng các yếu tố khác như giá cả, thẩm mỹ, chất liệu vải phù hợp với khí hậu vùng…

Nguyễn Cường/Báo Giác Ngộ

Nguồn: giacngo.vn