Tiểu Sử Hòa Thượng Giác Huệ

Hòa thượng Giác Huệ có một đời sống đạo nghiệp như sau:


1. THÂN THẾ THỜI NIÊN THIẾU

Hòa thượng Giác Huệ thế danh Ngô Trọng Tín, sinh ngày rằm tháng tám năm Kỹ Mão 1939 tại Gia Định Sài Gòn nay là quận Bình Thạnh TP. HCM. Ngài vốn sinh trưởng trong một gia đình hiền lương nhân hậu, có nề nếp nho phong lễ giáo. Thân phụ là nhà văn Ngô Trọng Phú, thân mẫu là cụ bà Lâm Thị Lựu, pháp danh Minh Ngọc, Hòa Thượng là người con thứ hai trong gia đình có 3 anh em đều là trai. Năm lên ba tuổi thì thân phụ của Người qua đời, để lại cho mẹ nhiều nỗi thương nhớ, với đôi gánh nặng trên vai của người quá phụ tay yếu chân mềm, xuôi ngược dòng đời tìm kế sinh nhai để nuôi đàn con thơ dại. Thế rồi không còn chịu đựng được nỗi cô độc nơi xứ lạ quê người, người quá phụ ấy bồng bế các con về sống nương quê ngoại ở Bạc Liêu.


2. THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH

Tuy cha mất sớm nhưng nhờ có sự giáo dưỡng của mẹ hiền nên đến tuổi cắp sách đến trường Hòa Thượng học hành rất chăm chỉ, biết lễ độ với mọi người và lúc nào cũng vâng lời mẹ và các anh chị.

Trên thời hiếu thảo mẹ già

Dưới thời anh chị thuận hòa với nhau.

Nhờ hấp thụ trong một gia đình biết kính tin Tam Bảo nên lúc còn đi học, trong những ngày nghỉ Hòa Thượng thường theo bà dì đến chùa nghe kinh lễ Phật. Nhờ vậy mà Hòa Thượng được Tổ sư Minh Đăng Quang rất thương mến và ban cho Pháp danh là Huệ Chơn. Phải chăng ? Huệ trí phá tan đời tục lụy Chơn tâm thị hiện đạo viên thành. Kể từ ấy Huệ Chơn lập hạnh trường chay, quyết chí tu tập theo bậc xuất trần thượng sĩ. Rồi một hôm Hòa Thượng quỳ bên chân đức Tổ Sư cầu xin xuất gia tu học, nhưng Tổ Sư thấy Huệ Chơn tuổi còn nhỏ nên bảo: “ hãy học hết bậc trung học rồi đi tu cũng không muộn”. Vâng lời chỉ dạy của Tổ Sư, Huệ Chơn cố gắng dồi mài kinh sử để một ngày kia được làm môn đệ của Tổ Sư. Nhưng rồi một hôm tin buồn đã đến cho Huệ Chơn! Vào năm 1954 Tổ Sư vắng bóng để lại cho Huệ Chơn nỗi buồn thương tiếc khôn nguôi. Nhưng sự vắng bóng của vị Thầy khả kính không làm thối chuyển đạo tâm của Huệ Chơn mà còn nung nấu chí nguyện xuất gia của Người nhiều hơn nữa.

Mạc đãi lão lai phương niệm Phật

Cô phần đa thị thiếu niên nhơn Tam dịch:

Chớ để đến già rồi niệm Phật

Mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh.

3. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC

Thế rồi vào khoảng năm Huệ Chơn tròn 15 tuổi, đoàn du tăng Khất sĩ do đức Thượng Tọa Giác Chánh đến Sóc Trăng trụ lại Tịnh xá Ngọc Khánh. Không để lở cơ hội, Huệ Chơn liền đến gặp Đức Thượng Tọa trưởng đoàn xin xuất gia và được Thượng Tọa chấp nhận, đổi pháp danh Huệ Chơn thành Giác Huệ. Nhưng không bao lâu thì: Nợ trần còn chút nghiệp vương Huệ Chơn theo gót huyên đường hồi quy. Vì quá thương nhớ con nên thân mẫu của Hòa Thượng đã đến xin đức Thượng Tọa trưởng đoàn cho Người hoàn tục trở về sum hợp gia đình. Do lòng hiếu kính không dám làm phiền lòng mẹ nên Hòa Thượng cam đành theo mẹ trở về nhưng trong thâm tâm của Người vẫn nuôi hy vọng mong đạt thành chí nguyện. Trước khi chia tay chư tăng cũng đã dạy: “ Hiếu hạnh vi Phật hạnh”. Sau khi trở về gia đình, trong đời sống của cư sĩ tại gia, nhưng Hòa Thượng vẫn lập hạnh quyết chí theo đời sống của người xuất gia giữ gìn oai nghi tế hạnh, ăn uống thì:

Mỗi ngay một bữa ngọ trưa,

Cũng vừa đủ sống, lại vừa trao tâm.

Giữ đúng pháp của người xuất gia. Do đó mà chuyển hóa tâm của mẹ Ngài và sau cùng bà phải đồng ý cho con xuất gia trở lại. Thế là, cánh chim bằng lướt gió tung bay, bao nguyện ước đã trở thành hiện thực, Giác Huệ xuất gia lần thứ hai vào ngày rằm tháng bảy năm At Mùi ( 1955 ), lúc bấy giờ Hòa Thượng vừa tròn 16 tuổi. Đặc biệt trong ngày lễ xuất gia lần này Hòa Thượng Giác Huệ được đức Thượng Tọa Giác Chánh cho đắp y Sadi trong ngày ấy và theo đoàn du tăng đi hành đạo. Điều này đã nói lên giới đức và đạo hạnh của Hòa Thượng đầy đủ nên mới có sự kiện như trên. Thời gian thấm thoát qua nhanh với công phu tu tập đạo hạnh viên thành, nên vào ngày rằm tháng 7 năm Mậu Tuất 1958, Hòa Thượng được thọ cụ túc giới tại tịnh xá Liên Trung ( Cần Thơ ), thật sự bước vào hàng xuất gia bình đẳng sánh vai cùng huynh đệ để “ Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

4. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Từ năm 1955 đến năm 1958 là thời kỳ xuất gia học đạo đến khi thọ đại giới, lúc nào Hòa Thượng cũng lo trao giồi đạo hạnh lập công bồi đức, học hỏi các bậc “ Đàn anh” để phát huy sáng kiến, đổi mới tư duy hầu làm lợi ích cho nhân sanh vạn loại. Sau năm 1954 tổ khai sơn Hệ phái Khất Sĩ vắng bóng, đoàn Du tăng Khất Sĩ do đức Thượng Tọa Giác Chánh và Trưởng lão Giác Như thừa truyền dẫn dắt hành đạo khắp miền Tây nam bộ, miền Đông và miền Trung. Chính trong thời gian này Hòa Thượng đã theo chân Đức Nhị Tổ thuyết pháp giảng kinh, tiếp độ tăng chúng, làm lợi lạc quần sanh. Từ năm 1958 đến năm 1960 trên đà phát triển, hệ phái Khất sĩ thành lập các đoàn du tăng để hành đạo do các vị đại đệ tử của Tôn Sư đứng ra xiển dương chánh pháp, đáp ứng nhu cầu học đạo của cư gia bá tánh. Với năng khiếu thuyết giảng vô ngại, Thượng Tọa được GHPGVNTN mời giữ chức vụ “ Tổng Vụ trưởng Vụ Hoằng pháp”. Trong suốt thời gian hoằng pháp độ sanh từ 1962 đến 1971 Hòa Thượng đã xây dựng được 10 tịnh xá như:

- TỊNH XÁ NGỌC LỢI BẠC LIÊU

- TỊNH XÁ NGỌC CHÂU TÂN CHÂU

- TỊNH XÁ NGỌC ÁNH CHỢ MỚI

- TỊNH XÁ NGỌC HUỆ CAI LẬY

- TỊNH XÁ NGỌC TƯỜNG MỸ THO

- TỊNH XÁ NGỌC MỸ MỸ THO

- TỊNH XÁ NGỌC TÂN THỦ THỪA

- TỊNH XÁ NGỌC LÂM QUẬN 6

- TỊNH XÁ LỘC UYỂN QUẬN 6

- TỊNH XÁ NGỌC DIỆP QUẬN 3

Ngoài ra Hòa Thượng còn tiếp nhận 15 ngôi tịnh xá khác xin gia nhập. Từ năm 1971 “Giáo Hội Khất Sĩ Việt Nam” được ra đời trong nhiệm kỳ đầu 1971-1973 Hòa Thượng được công cử làm Tăng Trưởng và đến nhiệm kỳ 1973-1975 được bầu làm Tổng Trị Sự Trưởng cho đến ngày đất nước được giải phóng hoàn toàn. Sau ngày đất nước hòa bình, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước ra đời và Hòa Thượng được mời làm Cố Vấn Ban Liên Lạc Phật giáo Quận 6 cho đến năm 1980. Trong quá trình hành đạo năm 1955 đến năm 1980 trên 20 năm giáo hóa chúng sanh, Hòa Thượng đã thâu nhận nhiều Tăng Ni xuất gia và tiếp độ hàng ngàn cư sĩ thọ Tam quy Ngũ giới. Đối với đoàn thể Hòa Thượng là vị lãnh đạo sáng suốt, còn đối với Hệ phái Hòa Thượng là một giảng sư lỗi lạc. Nhưng đức tính khiêm cung, bình dị, Hòa Thượng lúc nào cũng hòa mình với đại chúng, biết kính trên nhường dưới, luôn luôn gìn giữ đạo hạnh của người bần sĩ. Ngoài việc tu học, Hòa Thượng còn phát huy năng khiếu viết lách các truyện ngắn, cộng tác với nhiều nhật báo trong mục thơ văn, sáng tác các sách:

- THẲNG NÉT MỰC TÀU

- TÔN GIÁO VÀ THẾ GIỚI NGÀY MAI

- TÔN GIÁO VÀ SỰ THỐNG NHẤT NHÂN LOẠI

- ĐƯỜNG XA XỨ LẠ

- THẰNG SỬU CON LOAN.

- ...v…v về thơ có:

- GIÁC HUỆ THI TÂP I

- GIÁC HUỆ THI TẬP II (BÔNG HUỆ TRONG RỪNG THIỀN)

Đó là những đóng góp về tinh thần trong các loại thơ văn cùng vì lợi ích cho chúng sanh qua nhiều phương tiện. Đối với Phật Giáo Thế Giới Hòa Thượng cũng được mời tham dự đại hội Phật Giáo Thế Giới ở các nước: Nhật Bản, Mã Lai, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore……

5. THỜI KỲ VẮNG BÓNG

Từ ngày xuất gia hành đạo nương theo bóng từ quang của Tổ sư Minh Đăng Quang đến ngày vắng bóng đã hơn 20 năm, những tưởng trên bước đường phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh là ngọn hải đăng cho đoàn hậu tấn noi gương, cho kẻ lầm đường lạc lối sớm trở về với chánh pháp … Nào ngờ tâm nguyện chưa tròn thì bỗng nhiên vào ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Thân 1980 trên pháp tòa không thấy hình bóng của Hòa Thượng đâu nữa. Người đã thực sự ra đi không bao giờ trở lại và mãi mãi về sau để lại cho môn đồ pháp quyến và toàn thể Phật tử xa gần hướng tâm mong đợi bóng Thầy.

Thầy con nay đã đi rồi

Đường mây giá lạnh phương trời cách xa

Trời chiều ngã bóng xế tà,

Đêm về sương lạnh xa xa bóng Thầy.

Dư âm văng vẳng đâu đây,

Dường như lời giảng của Thầy hôm nao.

Gió lay cành lá xạc xào,

Thầy con nay đã đi vào … hư vô …

Thế là bóng Thầy đã biền biệt nơi phương trời vô tận.

6. KẾT LUẬN

Phật dạy: Hữu vi là pháp vô thường, Sớm còn tối mất vô phương vững bền. Một khi sinh diệt đã xong, Niết Bàn an lạc thong dong tháng ngày. Trong suốt cuộc đời xuất gia hành đạo của Thầy, với 42 tuổi đời 25 năm hành đạo. Thầy đã thể hiện đúng với tinh thần lợi tha là thuyết pháp độ sanh, thâu nhận Tăng Ni xuất gia hành đạo, phát huy mở rộng ngôi nhà chánh pháp làm chỗ dựa nương cho cư gia bá tánh. Đó là những công đức mà Thầy đã làm được trong cuộc đời hành đạo. Những tưởng trên bước đường phụng sự đạo pháp phụng vụ chúng sanh ngày càng hưng thịnh, là ánh đuốc soi đường dẫn lối cho Phật tử bền lâu. Nào ngờ ngày mồng tám tháng hai năm Canh Thân 1980 Hòa Thượng đã ra đi và đi mãi không về, để lại cho chúng con và hàng Phật tử bao nỗi thương tâm. Mới hơn nửa tuổi đời sao vắng số!!! Nhưng theo quan niệm của Thầy lại khác, được nói lên trong bài thơ: “ SỐNG LÂU HAY CHẾT YỂU".

Chết yểu người ghê muốn sống lâu

Riêng tôi! Tôi chẳng quản cần đâu

Chỉ cần cái sống làm sao ấy

Cái sống muôn đời dứt khổ đau.

Còn hơn cái sống muôn ngàn tuổi,

Mà cứ nồi da xáo thịt nhau

Như thế thà rằng tôi chết yểu

Hơn tôi gây tội ngất trời cao.

Phải chăng đây là lời tiên đoán của Thầy trước ngày vắng bóng.

NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.

Hình ảnh Hòa thượng Giác Huệ đi hành đạo