Tiểu sử

THƯỢNG TỌA THÍCH MINH ĐIỂN

 

    -    Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN Phật giáo huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu.

    -   Thành viên Hội Chữ thập đỏ Huyện Tân Thành.

    -    Chánh đại diện Phật giáo liên xã: Tân Phước – Phước Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu.

    -    Thành viên UBMT TQ huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu

    -     Viện chủ Tịnh xá Quang Minh

Ngài có một cuộc đời đạo nghiệp như sau:

I. THÂN THẾ THỜI NIÊN THIẾU

Thượng tọa Thích Minh Điển thế danh là Lê Văn Nhàn. Sinh ngày 23-12-Qúy Tỵ (1953) tại xóm Thành Tài, làng Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ngài là người con út trong gia đình có 6 anh chị em.Cha là cụ ông Lê Văn Trạc, mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Yến.

Thượng tọa sinh trong một gia đình trung nông Nho giáo, cha làm Hương kiểm trong làng. Tuy có địa vị chức quyền trong làng nhưng cụ ông rất đạo đức thương dân, thường giúp đỡ kẻ nghèo khó.Vào ngày 07 - 12 – 1964, sau một cơn bệnh nặng cụ ông đã từ trần, hưởng thọ 64 tuổi. Từ đó, Ngài sống với mẹ cho đến ngày xuất gia.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA

Hội đủ duyên lành, Ngài quy y trở thành Phật tử tại chùa Long Khánh vào năm 1972 với pháp danh Nguyên Tín. Từ đó, Ngài lập hạnh trường trai, giữ giới, mỗi ngày đều đến chùa làm công quả, niệm Phật, tụng kinh một lòng hướng thiện. Trong thời gian này, có vị đạo hữu kết nghĩa huynh đệ và tặng cho Ngài một quyển Chơn Lý của Đạo Phật Khất Sĩ. Sau khi thọ nhận quyển Chơn Lý, Ngài đọc đến đâu cảm thấy tâm đắc giáo pháp cao siêu nhiệm mầu của Phật pháp đến đó. Thế là hạt giống bồ đề phát khởi vô cùng mạnh mẽ nên Ngài xin mẹ cho phép xuất gia tu hành. Nhưng vì quá thương con, nên mẹ và các cô dì chú bác trong gia đình một mực cản ngăn.

Trải qua vài năm sau đó, do chiến tranh ảnh hưởng nên Ngài lưu lạc đến mảnh đất Quy Nhơn. Trong thời gian làm Phật tử ở đây, Thượng tọa luôn trì

niệm chú Đại Bi và Thập chú hàng ngày. Khi vừa đến xứ Quy Nhơn, Ngài chợt nằm mộng thấy Bồ tát Quan Âm hiện ra thành mẹ ruột của mình và xưng hô mẹ con với Ngài. Bồ tát còn dạy Ngài phải trở về nhà mua cau trầu dâng lên lạy mẹ để xin xuất gia, nhớ gửi gắm mẹ hiền lại cho anh chị dưỡng nuôi rồi sẽ dắt Ngài đi tu.

Lúc bấy giờ tại xứ Ngài lưu trú có ngôi Tịnh xá Ngọc Quang tương đối yên ổn. Vào trước hôm Ngài đến thăm Tịnh xá thì Sư bà Trụ trì Thích Nữ Tâm Liên nằm chiêm bao thấy Phật bà Quan Âm báo mộng rằng: “Hai ngày nữa có người dẫn đến đây một thanh niên trẻ tuổi, dễ mến, hiền lương. Người này kiếp xưa là anh ruột của Sư bà nên kiếp này sinh ra cùng mang một họ. Sư bà hãy giữ người đó lại và độ cho xuất gia tu hành”.

Quả đúng như lời báo mộng, hai ngày sau, có một cụ bà lớn tuổi quen trong đoàn tị nạn dẫn Thượng tọa đến ngay ngôi tịnh xá Ngọc Quang lễ Phật. Nhớ lại giấc mơ của mình, sư bà trụ trì bèn giữ hai người khách lạ lại và mời một bữa cơm chay đạm bạc và nghỉ đêm ở đó.

Sáng hôm sau, Sư bà trụ trì đến hỏi thăm thân thế, nhận ra Thượng tọa chính là người thanh niên trong giấc mộng lành vì hai người đồng mang họ Lê. Thượng tọa cũng kể lại giấc mơ và trình bày tâm nguyện muốn xuất gia của mình. Sư bà đồng ý liền dẫn Ngài trở lại điểm tản cư để xin gia đình cho ngày xuất gia. Qua lời kể 2 giấc mộng lành và sự kiện kì lạ đêm qua, gia đình đã đồng ý để Ngài vào chốn thiền môn. Ngài được sư Bà cho ở tại Tịnh xá Ngọc Quang sống đời cư sĩ và đặt pháp danh là Huệ Trí. Ở đây tu học đúng một năm tròn, nhận thấy con đường xuất gia phải cầu thọ Tăng chúng, nên Ngài quyết tâm từ biệt Sư bà để cầu xin thọ học với các bậc minh sư của Giáo hội Tăng già Khất sĩ. Ngài từ biệt Sư bà tìm đến vùng đất Sài Gòn tại Tịnh xá Trung Tâm và được Pháp sư Giác Nhiên thâu nhận. Ngài chính thức xuất gia vào ngày mùng 08 tháng 02 năm 1974 được Pháp sư Giác Nhiên đặt pháp danh là Minh Điển và giao cho Hòa thượng Giác Phúc làm thầy y chỉ. Đến ngày 17 tháng 11 năm 1974 Ngài được truyền trao giới pháp Sa di tại tịnh xá Ngọc Hương – Vũng Tàu.

III. THỜI KỲ TU TẬP

Sau khi cầu thọ giới pháp Sa di, Ngài ra sức lập công bồi đức, học hành giới luật, giữ gìn oai nghi và tu tập các pháp căn bản. Cho đến một năm sau, Ngài đảnh lễ Pháp sư xin về vùng đất Thất Sơn tỉnh An Giang tu hành. Sau khi đất nước thống nhất Thượng tọa cùng Đại đức Minh Hải và Đại đức Minh Đồng ẩn tu gần đó cùng nhau xuống núi. Nhân duyên đưa đẩy, bước chân Ngài tìm đến Cù Lao Xanh (còn gọi là đảo Nhơn Châu hay đảo Vân Phi) là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Tại đây khi xưa sư Giác Cần đến hành đạo và lập tịnh xá Ngọc Châu ở giữa cù lao. Khi Thượng tọa đến nơi đây ngôi tịnh xá bị bỏ trống hoàn toàn và đã thành hoang phế. Thượng tọa phát tâm ở tại đây trùng hưng lại tịnh xá và hóa độ cư dân làm nghề biển với khoảng 1000 hộ gia đình. Sau 2 năm tu hành và phục dựng tịnh xá Ngọc Châu trở lại khang trang, Ngài giao tịnh xá lại cho sư cô Hành trông coi. Đầu năm 1977, rời Cù Lao Xanh Ngài trở về Tịnh xá Trung Tâm đảnh lễ Thầy trình bày quá trình tu tập và hành đạo trong 3 năm qua. Lúc bấy giờ Hòa thượng Giác Phúc chứng minh và bổ nhiệm Ngài về làm phó trụ trì Tịnh xá Ngọc Minh quận Thủ Đức.

Cũng trong năm 1977, Thượng tọa có tên trong danh sách tòng quân bị chính quyền bắt buộc phải cải tục. Thân mẫu của Ngài cùng Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ làm đơn xin cho Ngài ở lại dưỡng nuôi mẹ già vì hiện Ngài là con trai duy nhất. Tuy được chính quyền chấp thuận nhưng Ngài không còn mang thân xuất gia mà phải trở lại thân cư sĩ. Dù gặp nghịch duyên như vậy nhưng Ngài vẫn giữ đời sống như người xuất gia, giữ giới trường trai và công phu nghiêm mật. Đến năm 1979, cảnh duyên thuận lợi, Ngài trở lại xuất gia với đoàn du Tăng của Thượng tọa Bửu Long. Và một năm sau Ngài chính thức được đăng đàn thọ giới Tỳ kheo trở thành người xuất gia thiệt thọ trong giáo pháp.

IV. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Đến năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, trở thành tổ chức thống nhất các Hệ phái trong Phật giáo tại nước ta. Đến năm 1982, Trưởng lão Giác Đức gia nhập Hệ phái Khất Sĩ thì Thượng tọa cũng đến xin gia nhập vào Giáo đoàn VI này. Với công hạnh và đức độ sẵn có, Trưởng lão Giác Đức bổ nhiệm Ngài trụ trì chùa Giác Thành huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây Ngài được chính quyền ủng hộ nên con đường hoằng pháp lợi sanh bắt đầu rộng mở. Ngài mở các khóa tu hành, tiếp độ hàng trăm Phật tử quy y và thâu nhận đệ tử xuất gia đầu tiên, hiện nay là Thượng tọa Giác Nhuận đang giữ chức vụ Ủy Viên Ban nghi lễ BTS GHPGVN Tp.HCM, Phó ban thường trực BTS GHPGVN quận 6, Giáo phẩm Thường trực Hệ Phái Khất Sĩ và Phó Trị sự Trưởng Giáo đoàn VI.

Đến năm 1984, Ngài rời đạo tràng nơi đây đến hành đạo tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Bước chân người Khất Sĩ rày đây mai đó đã du hành qua miền đất Bà Rịa – Vũng Tàu hữu tình. Tại nơi đây, một số Phật tử phát tâm quy y và cung thỉnh Thượng tọa ở lại hóa độ dân lành. Với sự chứng minh của Ngài, Phật tử đã hiến cúng đất đai và xây dựng nên tịnh xá Quang Minh khang trang, tốt đẹp.Thế là chuyến tàu chở đạo khắp muôn phương của người Khất Sĩ tạm dừng chân tại sân ga hữu duyên này. Trong vòng hai mươi năm, Ngài thành lập đạo tràng tu tập dành cho người xuất gia và Phật tử tại gia. Ngài thâu nhận đệ tử xuất gia có 10 vị, trong đó Thượng tọa Giác Nhuận là trưởng tử. Ngài truyền trao Tam quy Ngũ giới cho cả ngàn Phật tử trong vùng. Ngài còn thành lập hội từ thiện, hội chữ thập đỏ để cứu giúp bà con nghèo khó tại địa phương. Ngài còn tổ chức cúng dường trường Hạ, tổ chức các chuyến cứu trợ vùng sâu vùng xa cho bà con qua cơn hoạn nạn.

Năm 1986, Ngài độ cho thân mẫu xuất gia tại Tịnh xá Quang Minh do Hòa thượng Thích Đồng Huy – Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và ban cho pháp danh Thích Nữ Ngọc Liên. Cụ bà thọ Sadi giới và Bồ tát giới năm 1988. Từ đó, cụ bà tinh tấn tu hành cho đến khi viên tịch cũng tại Tịnh xá Quang Minh vào ngày mùng 07- 05 - Bính Tý (1996), hưởng thọ 82 tuổi.

Vào năm 2012, nhận thấy tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu kém nên Thượng tọa Minh Điển trình lên Ban Trị sự Giáo đoàn VI giao tịnh xá Quang Minh lại cho Thượng tọa Giác Nhuận làm trụ trì. Từ đây, Ngài an tâm tu dưỡng cho bản thân mình sau mấy chục năm trời xả thân hành đạo.

V. THỜI KỲ THỌ BỆNH &VIÊN TỊCH

Cổ đức từng dạy rằng:

Đời người như lá mùa thu

Mỏng manh như giọt sương mù ngoài hiên.

Một lần sinh: kiếp hiện tiền,

Một lần tử: phải như thuyền qua sông.

          Kiếp con người vốn là thân tứ đại có hợp, có tan. Trên cuộc đời này có mấy ai tránh được con đường sinh tử. Trải qua trên 40 năm sống trong cửa đạo, Thượng tọa đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho quê hương và đạo pháp. Khi tuổi càng về chiều, sức khỏe ngày càng yếu kém, xác thân Thượng tọa bắt đầu chịu nhiều cơn bạo bệnh. Vào giữa năm 2016, Thượng tọa phải nhập viện để chữa trị. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa và sự chăm sóc hết lòng của gia đình nhưng Ngài vẫn không thể vượt qua cơn trọng bệnh.

          Vào một đêm tối trời giữa mùa xuân năm Đinh Dậu, Ngài cũng nhẹ nhàng từ bỏ xác thân giả tạm trở về cõi Phật vào ngày 14 tháng 02 năm Đinh Dậu, nhằm ngày 11 tháng 03 năm 2017, trụ thế: 65 năm, hạ lạp: 37 năm. Xung quanh Thượng tọa lúc bấy giờ có chư Đại đức Tăng và người thân đồng trợ niệm vãng sanh trong không khí trang nghiêm.

          Sự ra đi của cố Thượng tọa đã để lại cho Giáo hội sự mất mát lớn lao và môn đồ pháp quyến niềm kính tiếc khôn nguôi. Từ đây Giáo đoàn VI mất đi bậc cao Tăng thạc đức, hàng Phật tử mất đi vị ân sự khả kính.

Thật là:

                   Sau trận gió: lá vàng rơi lả tả,

                   Sau cơn mưa: trời trút cạn mây mù,

                   Sau giấc mộng: hồn trở về thổn thức.

                   Sau một đời: người đã hóa thiên thu.

          Đôi dòng tiểu sử xin thành kính nguyện cầu giác linh cố Thượng tọa cao đăng Phật quốc.

 

NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT MA HA TÁT.