3. Thờ phượng như là một pháp trợ tu

3.1. Đối với người xuất gia

Đối với Tổ sư, việc thờ phượng không phải là pháp cứu cánh, mà đó chỉ là một phương tiện, là một pháp trợ tu cho những người mới vào cửa đạo. Điều cốt lõi mà Đức Tổ sư dạy là mỗi người xuất gia chúng ta phải tu đúng theo những gì chư Phật, chư Tổ đã dạy, đem lại lợi ích cho mình và cho người. Vấn đề này được Tổ nhắc nhở như sau:

Vả lại, Phật bảo người ta tu y theo con đường của Phật, chớ Phật nào có bảo ai thờ phượng Ngài, độc tôn ích kỷ cho Ngài. Ngài muốn cho tất cả chúng sanh đều bình đẳng giác ngộ như Ngài cả cơ mà! Thế sao chúng ta lại đi thờ cúng lễ bái mãi làm chi như kìa để cho trẻ nhỏ hiểu lầm sanh ác tội. Sự thật đã có, phải chăng như thế? Vậy thì chúng ta nên hiểu rằng, thờ phượng là một phương pháp tạm trong lúc đầu cho kẻ ác quấy tội lỗi yếu tâm non dạ. Sự thờ phượng tạm ấy là để an ủi khuyến khích kềm giữ đức tin, nhắc nhở cho kẻ mới sơ cơ, như nhỏ dại một lúc đầu thôi, rồi về sau là phải tự giác ngộ, tự lo tu để mà làm Phật, y như Phật, chớ phải đâu vĩnh kiếp làm tôi đòi cho cốt tượng, cùng sự lập công kể ơn với tượng cốt, đặng mưu sự toại danh hưởng lợi cho thêm khổ nạn. Thế mới biết rằng: Sự thờ phượng không phải thật, thờ phượng là pháp trợ tu cho kẻ nhỏ, chớ đó chẳng phải là cách tu đâu, thì chúng ta đi nhọc lòng bào chữa làm chi?”[12]

Ngày nay, chúng ta thường mượn phương tiện thờ phượng để tạo điều kiện cho hàng cư sĩ có điều kiện đến các tự viện, tịnh xá tu học hoặc cùng hàng xuất gia làm các thiện sự dần dần hướng họ đi trên con đường cứu cánh. Nhưng cũng có trường hợp, chúng ta sử dụng phương tiện quá nhiều, lâu ngày lầm tưởng phương tiện là cứu cánh, nên càng đi càng xa với mục đích ban đầu. Cái chúng ta có được chỉ là phước hữu lậu. Phước hữu lậu chỉ giúp chúng ta chỉ sanh được trên thiên giới, còn cái người tu cần là thoát khỏi sinh tử luân hồi, là phước vô lậu. Điều này được Tổ nhắc nhở trong Chơn Lý “Thờ Phượng” như sau:

“Các Phật Tăng chơn chánh là sẽ thuyết pháp dạy đạo, lo tu làm gương chớ nào ỷ lại vào sự làm giả tạm ấy. Vì các sự bán rẻ đạo pháp xa xí hủy hoại ấy, cầu danh mưu lợi, tuy có được sự ích lợi mau lẹ rộng nhiều thật, nhưng mà chỉ giúp cho chúng sanh được ham vui trong chốc lát, rồi thì về sau phải đọa khổ muôn đời. Vậy nên các bậc trí huệ chẳng bao giờ nỡ lòng nào đi làm việc quá thiển cận, tai hại như thế. Do đó mà các Ngài chỉ ra rằng đạo Phật, chỗ đến của chúng sanh là tinh thần trong sạch vắng lặng cao quý. Những ai bày ra lắm sự hữu vi sắc tướng phá Phật, giết đạo, mê hoặc chúng sanh mãi, tội lỗi khổ báo ấy chẳng vừa đâu! Kẻ ấy dầu có được nhờ phước hữu lậu đó để sanh lên cõi trời kia đi nữa, thì họ cũng phải chịu khổ báo mãi, bởi những cố chấp nặng nề đọa lạc, khó trông gì giác ngộ vượt nghiệp, bước qua đến được Niết-bàn vô lậu an vui thiệt thọ của Phật.”[13]

Lời dạy của Tổ tuy ngắn gọn nhưng là điều mà chúng ta cần suy gẫm lại sự tu học của mình như thế nào trong quãng thời gian vừa qua. Tuy chúng ta là đệ tử của Tổ sư, học theo Chơn lý của Tổ nhưng có mấy ai hành theo được lời dạy của Ngài.

Tóm lại, việc thờ phượng, chư Phật, Bồ-tát,… của người xuất gia chỉ là phương tiện là một pháp trợ tu để giúp việc giữ gìn niềm tin lúc ban đầu. Cái quan trọng của người tu không phải là việc thờ phượng, mà ở sự tu tập theo đúng Chánh pháp của Phật, đúng theo lời dạy của Tổ sư.

3.2. Đối với hàng cư sĩ

Đối với hàng cư sĩ việc thờ phượng di ảnh, cốt tượng của chư Phật, Bồ-tát,… như là một phương tiện để những người lớn tuổi, hay những người không có điều kiện đến chùa gieo duyên lành với Tam Bảo qua sự tụng kinh niệm Phật hàng ngày. Nhưng nếu hàng cư gia thờ phượng, phải để di ảnh, cốt tượng ở vị trí trang nghiêm và thờ phượng bằng tinh thần kính trọng.

Còn đối với việc thờ phượng ông bà trong nhà, Tổ sư có dạy: “Còn thờ phượng ông bà cha mẹ của bậc cư gia cũng y như thế, thảy đều là sự có thấp có cao, có trước có sau. Khi xưa Đức Khổng Tử bày sự thờ phượng ông bà cha mẹ cho kẻ thế gian tại nhà là vì muốn dạy gương hiếu đạo cho con cháu về sau. Với lẽ ông bà chết rồi, mà cha mẹ còn thờ phượng nhớ ơn như lúc sống, thì con cháu đối với cha mẹ đang sống sẽ có hiếu thảo, chẳng dám vong ân, ấy là sự tốt nên cho nó và có ích lợi cho cha mẹ.”[14]

Cũng trong vấn đề này, Tổ sư dạy tiếp với đại ý như sau, chúng ta thờ cúng ông bà ch mẹ tại nhà tuy là tốt nhưng đó cũng là sự thi ân cầu báo vì sự phụng cúng ông bà của cha mẹ giống như cho vay rồi con cháu cũng trả lại. Tốt hơn hết là chúng ta đem hương linh của người đã khuất vào các tự viện, tịnh xá,… có nơi thờ cúng riêng (nhà Cửu Huyền) để cho Cửu huyền Thất tổ của mình được tu tập giải thoát. Nếu chúng thờ phượng hương linh trong nhà với mục đích là nhắc nhở con cháu về lòng hiếu thảo, những điều tốt đẹp của người đã khuất thì cũng được. Còn chúng ta để hương linh trong nhà rồi cầu mong sự vái van, gia hộ, thì hương linh phải chịu sự vướng bận của thế gian, không an tâm ra đi vì sự mến thương, lo lắng cho con cháu là điều không nên.

Tóm lại, “Sự thờ phượng là để dung hòa kẻ chết với người sống, là pháp tạm trau tâm, giồi trí, thân tập sống chung, chớ đâu phải tư riêng ta người, kiến họ.

Vì tất cả chúng sanh là chỉ có một họ Phật, tánh chơn, võ trụ mà ra, cũng như ông bà ta là ông bà của tất cả, chớ phải nào riêng thân tứ đại, chẳng pha trộn nhau mà có được. Do lẽ đó mà sự thờ phượng một người, đến thờ phượng một kiến họ, để đến với sự thờ phượng chung cả chúng sanh, nơi trong vuông chùa đạo Phật của chúng sanh chung là rất đúng lý”[15].

Thông qua lời dạy trên, Tổ sư cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng, thờ phượng tuy là một pháp trợ tu nhưng chúng ta biết khéo phương tiện vận dụng sẽ tạo ra được sự đoàn kết, hòa hợp giữa người xuất gia với người xuất gia và người xuất gia với hàng cư sĩ. Sự đoàn kết hòa hợp là rất cần thiết để tạo ra một sức mạnh chân chánh giúp mọi người cùng bước đi trên con đường đạo đức.

III. Lời kết

Qua Chơn Lý “Thờ Phượng”, Tổ sư muốn nhắc nhở chúng ta, thờ phượng linh cốt, tượng của Phật, Bồ-tát, các vị Thánh Tăng, hay các hương linh người đã khuất,… chỉ là pháp trợ tu, là phương tiện giúp người thuở ban sơ bước vào cửa đạo. Ngài dạy: “Vậy thì chúng ta cũng nên hãy biết dùng phép thờ phượng tạm, làm phương pháp cứu thế độ đời, chánh lý trong sạch trong lúc khổ nguy; đó là một sự thích hợp với thời cơ, dùng tạm hữu vi để bước tới vô vi, chân thật, yên vui vĩnh viễn. Vì vô vi là đúng lý quí báu hơn hết.”[16]

Đây không phải là pháp cứu cánh để đưa hành giả đến con đường giác ngộ, giải thoát. Con đường giải thoát mà người hành giả Khất sĩ phải đi là con đường Giới-Định-Tuệ. Chư Phật, chư Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng đều phải đi qua con đường này. Vì vậy mà trước khi vào Niết-bàn tịch tĩnh, Đức Phật đã tám[17] lần nhắc nhở đến với hàng đệ tử: Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn, Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu.[18]


SÁCH THAM KHẢO

1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, tập I & II, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.

2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, tập I – III, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1992.

3. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, NXB Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, 2016.

4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, 1999.

5. HT. TS. Thích Trí Quảng, HT. TS. Thích Giác Toàn, TS. Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Hệ phái Khất sĩ – Quá trình thành, phát triển và hội nhập, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2016.

6. Thích Giác Duyên, Hệ phái Khất sĩ – Hình thành và phát triển, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2014.

7. Lê Trung Vũ (chủ biên), Nghi lễ đời người, NXB. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1996.


[1] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB. Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, 1999.

[2] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Thờ Phượng”, NXB. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, 2016, tr. 639.

[3] Đại Tạng kinh Nam truyền, Kinh Trường Bộ “Đại Bát Niết-bàn”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 347.

[4] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Thờ Phượng”, NXB. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, 2016, tr. 639.

[5] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý ‘Thờ Phượng”, NXB. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, 2016, tr. 640.

[6] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, tập 1, Kinh Thừa Tự Pháp, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam ấn hành, 1992,  tr. 31.

[7] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Thờ Phượng”, NXB. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, 2016, tr. 641.

[8] Sđd, tr. 642.

[9] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, tập 3, Viện Nghiên cứu Phật học VN ấn hành, 1992, tr. 473- 481.

[10] Sđd, tr. 474

[11] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý “Thờ Phượng”, NXB. Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, 2016, tr. 641.

[12] Sđd, tr. 645.

[13] Sđd, tr. 646.

[14] Sđd, tr. 647.

[15] Sđd, tr. 649.

[16] Sđd, tr. 650.

[17] Lần 1: Tại Rajagaha; Lần 2: Tại Ambalatthika; Lần 3: Tại Nalanda, rừng Pàvàrikamba; Lần 4: Tại Kotigàma;

Lần 5: Tại Nàdika; Lần 6: Tại Vesàli; Lần 7: Tại Bhandagàma; Lần 8: Tại Bhogamagara.

[18] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, tập I, ‘Kinh Đại Bát Niết-bàn’, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 554- 555.