TT. Giác Nhuận

I. Phần giới thiệu

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, những lời dạy của Ngài được các Thánh đệ tử tiếp tục truyền bá khắp nơi, đem lại nhiều lợi ích và an lạc cho chư thiên và loài người, trong đó có những người con đất Việt.

Theo sự nghiên cứu của GS. Lê Mạnh Thát trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam,[1] Phật giáo có thể du nhập vào nước ta vào thế kỷ thứ 2 - 3 trước Tây lịch. Phật giáo đến Việt Nam và phát triển theo thăng trầm của đất nước, có lúc rất cực thịnh như vào thời Lý, Trần nhưng cũng có lúc suy vi như vào những thập niên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Trong thời gian này, có nhiều vị Tôn đức và các nhà nghiên cứu Phật học đã dấn thân vào con đường phục hưng Phật giáo, trong đó có Tổ sư Minh Đăng Quang.

Trong thời gian 10 năm (1944-1954), từ khi bắt đầu hành đạo đến khi vắng bóng, Tổ sư đã để lại cho thế hệ sau bộ Chơn Lý với 60 bài vô cùng giá trị.

Thượng tọa GIÁC NHUẬN, Tri sự phó GĐ VI, trụ trì TX. Ngọc Chơn

II. Nội dung

1. Duyên khởi của việc thờ phượng

Khi Đức Phật còn sanh tiền chưa có việc thờ phượng Ngài cũng như chư Thánh đệ tử. Chỉ có chăng là việc tưởng nhớ đến công hạnh, đức độ của các Ngài để các các hành giả cũng như hàng cư sĩ thực hành theo. Trong Chơn Lý “Thờ Phượng”, Tổ sư cũng khẳng định điều này: “Khi xưa ở xứ Ấn Độ, thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc Giải thoát tu chơn nên không có thờ phượng[2].

Việc thờ phượng được manh nha từ khi Đức Phật Niết-bàn ở Kusinàrà, vì để cho mọi người tưởng nhớ công đức và cũng để tránh việc tranh giành tro cốt (xá-lợi) của Đức Phật nên sau khi trà tỳ, xá-lợi của Ngài được Bà-la-môn Dona, người đại diện hội chúng chia ra làm 8 phần. Điều này được đề cập trong Kinh Trường Bộ, bài kinh Đại Bát Niết-bàn:

– Này Tôn giả Bà-la-môn, ngài hãy phân chia xá lợi ra tám phần đồng đều.

– Xin vâng, các Tôn giả!

Bà-la-môn Dona vâng lời hội chúng ấy, phân chia xá-lợi Thế Tôn thành tám phần đồng đều rồi thưa hội chúng:

– Các Tôn giả hãy cho tôi cái bình dùng để phân chia xá-lợi này. Tôi sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ cho cái bình.

Và hội chúng ấy tặng Bà-la-môn Dona cái bình.[3]

Rồi đến thời Vua A Dục (Asoka), một vị vua rất tôn sùng Tam Bảo, đã cho xây rất nhiều tháp để tưởng nhớ đến ân đức của Phật và chư Thánh đệ tử. Trong Chơn Lý “Thờ phượng”,[4] Đức Tổ sư cũng có đề cập đến vấn đề này.

2. Mục đích của việc thờ phượng

2.1. Thờ phượng vì kính trọng

Việc thờ phượng của người xuất gia nói chung là để tưởng nhớ đến ân đức sâu dày của chư Phật, chư Thánh đệ tử của Phật, cũng như các vị tiền bối có công với đạo pháp, dân tộc. Còn đối với hàng cư sĩ Phật tử, họ thờ phượng có thể vì tin sâu Phật Pháp, cũng có thể thờ phượng vì tín ngưỡng. Lại có người thờ phượng vì phong trào, thấy ai cũng thờ thì mình cũng thờ nhưng không biết ý nghĩa thật sự của việc thờ cúng.

Còn theo quan điểm của Đức Tổ sư, việc thờ phượng phải được kính trọng tuyệt đối: Lại còn đối với sự tinh tấn là các Ngài chẳng bao giờ dám ngó ngay mặt Phật, chẳng dám ngồi ngang, ngồi gần, hoặc đi trước mặt thoáng bóng, cho đến chỗ ở ngủ của các Ngài thảy cách xa nơi Phật ngự, nhứt là nơi thờ phượng. Những lúc sau Phật tịch, các Ngài thờ phượng xây lập đền tháp nền cao, chỗ tịnh; ngoài cuộc nhóm họp làm lễ, sám hối, khi có việc, hoặc quét dọn, chẳng bao giờ ai dám léo hánh tới gần. Chỗ ăn ngủ phải cách xa nền đất, riêng hẳn mái hiên, tiếng nói chẳng cho nghe lọt bay vào nơi ngôi cốt Phật, giữ y như lúc Phật thuở sanh tiền”[5]. Qua lời dạy của Đức Tổ sư, chúng ta thấy rằng, việc thờ phượng cần có sự hiểu biết và kính trọng một cách đúng đắn. Cũng qua lời dạy này, chúng ra biết được nơi thờ phượng và nơi ở của Tăng chúng cần có một sự tách biệt rõ ràng. Vì có sự tách biệt mới có sự kính trọng tuyệt đối, còn chúng ta ở gần gũi lâu ngày có thể sự kính trọng và niềm tin bị suy giảm.

Vì sao người xuất gia cần phải kính trọng Phật Pháp? Vấn đề này được Tổ sư dạy trong Chơn Lý “Thờ Phượng” với đại ý rằng kỉnh Phật là để kỉnh tâm, mà tâm sẽ biết quý trọng pháp, biết quý trọng pháp thì chúng ta cố gắng tu hành để giải quyết vấn đề sanh tử. Còn không biết kỉnh Phật, trọng Pháp chúng ta sẽ giải đãi, bị vật chất thao túng, gần gũi pháp bất thiện, xa rời pháp thiện, trái với tinh thần tầm cầu Phật đạo ban đầu mà chư Phật, chư Tổ đã dạy.

Vấn đề này cũng được Đức Phật nhắc trong Kinh Trung Bộ, tập 1, bài Kinh Thừa Tự Pháp. Đức Phật đánh giá rất cao những người tu tập theo hạnh viễn ly, không tích chứa tài sản, vật chất  qua câu nói: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật.[6] Tuy đây là một câu nói có vẻ rất đơn giản nhưng lại hàm chứa một triết lý rất sâu sắc. Vì khi là một Sa-môn, một người tu thì hãy lấy tinh thần giáo lý làm đầu, lấy tinh thần tu tập làm đầu, không nên chú trọng nhiều vào các thế lợi để ảnh hưởng đến con đường tu tập. Đức Phật đã thấy rõ được nguy hiểm của những tham dục thế gian mới từ bỏ tất cả để tìm pháp giác ngộ giải thoát và Ngài khuyên các hàng đệ tử cũng cảnh giác với các vấn đề trên để con đường tu tập được tốt đẹp.

Ngày xưa, hàng đệ tử Phật rất kính Phật nhưng không dám gần gũi  vì sợ phát sanh ra sự dễ duôi với Phật, với lời chỉ dạy của Ngài. Họ chỉ cầu pháp với Phật, được Phật chỉ dẫn rồi cố gắng thực hành để chứng được đạo quả. Ngày nay chúng ta có điều kiện học hành rất tốt, kiến thức rất rộng nhưng thành công ở pháp hành rất ít. Vì vậy mà Tổ sư có dạy: “Mặc dầu ít nghe ít học, mà mùi vị đạo lý giúp cho các Ngài được no vui sống mãi đời đời, khác xa hẳn với ông A-nan theo chi gần Phật, thông minh mà không đắc quả. Đúng lý như vậy, kẻ chưa tu thì còn dám làm vi trùng sâu rận ở trong mình Phật, chớ người có tu lâu là sẽ càng xa Phật lần lần, nên đến một ngày kia, ở nơi những thế giới xa, có ra đời những Đức Phật khác được.”[7]

Tóm lại, thờ phượng nói chung, thờ Phật, hay bất cứ vị Bồ-tát nào nói riêng, chúng ta phải có sự kính trọng về công hạnh, thực hành theo các lời dạy các ngài để đem lại lợi ích cho mình, cho người, đó mới là sự kính trọng thật sự. Còn như chúng ta chỉ thờ phượng cho có lệ, học hành kiến thức rất đa văn nhưng chỉ sử dụng kiến thức đó làm lợi ích cá nhân, không phụng sự chúng sanh thì chúng ta chưa thật sự kỉnh Phật và trọng pháp.

2.2. Thờ Phật như một vị thần linh

Đối với hàng cư sĩ Phật tử có điều kiện đến chùa, tịnh xá hay các tự viện thường xuyên, được nghe thuyết giảng và thực hành theo theo những lời chỉ dạy của chư Tôn đức Tăng Ni thì việc thờ phượng của họ tương đối đúng theo tinh thần kỉnh Phật, trọng pháp. Còn lại, phần nhiều Phật tử hay những người theo đạo ông bà, thì cách thờ phượng của họ chỉ theo hình thức tín ngưỡng. Họ đến chùa cũng rất cung kính, cũng lễ Phật, cũng nghe pháp nhưng không thực hành pháp. Họ chỉ xem Phật, Bồ-tát như các vị thần linh với hình thức cầu xin và ban phát. Nếu cầu xin mà được như ý nguyện thì họ càng càng tôn kính hơn và ngược lại. Vì vậy mà Tổ có dạy: “Có người lại tưởng chừng như cốt tượng ấy là vị thần tài, thổ địa, giúp sự nên hay nơi gia đình người. Ấy bởi do nơi sự dể duôi nhàm chán mỗi ngày, mà gây sanh ác tội không hay. Ai ai tâm trạng chúng sanh là thảy giống nhau: Ăn cơm mãi một món thì đâu còn biết ngon? Nói hoài một lời, làm cố một việc thì đâu còn vui thích? Sao bằng là ít nói, ít làm, ít ăn, hay lâu lâu mới ăn, làm, nói một lần, mới gọi là quý hay tốt đẹp.”[8]

Qua đoạn trích trên, Tổ sư muốn nhắc nhở hàng cư sĩ tại gia nếu muốn thờ phượng thì mình phải kính trọng vị Phật, hay vị Bồ-tát mình thờ. Vì mình có kính trọng mới học được các hạnh nguyện lành của các Ngài, rồi thực hành sẽ giúp cho đời sống đạo đức của mình được thăng hoa. Còn mình thờ các Ngài mà xem đó như là một vị thần linh để ban phước, hay giáng họa, điều này không đúng với chân lý, không đúng với tinh thần nhân quả nghiệp báo của đạo Phật.

Trong bài Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt[9] thuộc Kinh Trung Bộ, tập 3, có đề cập vấn đề này khi Phật ở Savatthi, thanh niên tên Subha Todeyyaputta hỏi Đức Phật tại sao giữa loài người với nhau mà có người liệt người ưu, người đoản thọ, người trường thọ, người nhiều bệnh, người ít bệnh, người có quyền lực, người không quyền lực…?

Phật dạy rằng: “ Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt có ưu[10]. Qua lời dạy trên của Phật cho ta thấy rõ hai vấn đề:

Một là, con người chính là chủ nhân của nghiệp. Ở đây, Phật muốn nói con người phải tự làm chủ trong các hành động tạo tác của chính mình. Tức là tự mình quyết định những vấn đề tương lai của mình, chớ không một ai quyết định được tương lai và số phận cho mình. Nếu mình không muốn có một kết cục không được như ý ở tương lai thì chính bản thân mình phải nhận thức và hành động theo lý trí, theo những điều đạo đức thiện lành.

Hai là, mình phải có trách nhiệm và thừa tự những gì mình tạo ra, nếu mình tạo ra nhân tốt, sẽ hưởng được những quả lành và ngược lại. Trách nhiệm về hành động của mình không những liên quan hiện tại mà nó còn ảnh hưởng đến tương lai.

Vì vậy nếu chúng ta thờ Phật, các vị Bồ-tát hay các vị Thánh Tăng trong gia đình bằng lòng sự kính trọng, bài trí nơi trang nghiêm, rồi học hỏi theo gương lành các Ngài là một điều tốt. Ngược lại, chúng ta thờ các Ngài như là các vị thần linh để ban phước, mang tài lộc về cho gia chủ thì đó là việc không nên và cũng trái với tinh thần của người học Phật. Điều này được Tổ sư nhắc nhở như sau: “Đã vậy nào thôi, sự muốn rước thỉnh Phật vào mãi nơi nhà, hay cùng sự thờ phượng cốt tượng Phật trong nhà, ngoài sự vị kỷ sái luật tai hại cho mình ấy, còn thêm phải mắc tội tâm với chúng sanh, với đạo Phật. Vì sự cầm chưn Phật, nhốt phạt tượng cốt Phật là có tội với chúng sanh chung. Đem Phật Thánh vào chôn sâu trong giữa nơi uế trược quấy ác phiền não xấu xa là tổn hại cho tinh thần và giáo lý đạo Phật. Ngoại giáo sẽ chê cười rằng Phật Thánh ở nơi cấu trược. Trẻ nhỏ về sau sẽ tưởng lầm Phật Thánh cũng ở trong nhà người thế”[11].

Tóm lại, người đệ tử Phật, khi thờ Phật, Bồ-tát,… cần hiểu rõ được ý nghĩa của thờ phượng, không coi các Ngài là một vị thần linh ban phước hay giáng họa, các Ngài chỉ là bậc Đạo Sư, là người chỉ đường sáng cho chúng sanh. Còn việc có đi và đi đến đích hay không là sự nỗ lực tinh tấn của mỗi con người.