Đêm thu!

Trăng thu vằng vặc, gió thu hiu hắt, hồ thu sóng gợn lăn tăn…

Gió lặng, sóng êm, mảnh trăng thu càng lộ hình rõ rệt dưới mặt hồ.

Em bé đứng nhìn trăng, quá thích thú vội vàng nhảy xuống hồ để bắt.

Thân em vừa rơi xuống, nước xao động, vầng trăng liền tan ra từng mảnh như đàn rắn vàng uốn éo chạy đi. Em càng cố mò trăng, nước càng xao động, trăng càng tan rã. Quá mệt, em lặng yên, lên bờ ngồi nghỉ, nước trở về yên lặng, mặt trăng lại lộ hình rõ rệt.

Thưa quý vị, em bé này, muốn tìm bắt trăng, vô tình làm mất vầng trăng. Phải chi em để nước yên lặng, thì trăng sẽ lộ hình rõ ràng. Trên đời, biết bao nhiêu chuyện “mò trăng dưới đáy nước” nhưng có khác hơn là sự kiện xảy ra cách này hay cách khác. Con người muốn tìm đạo, mà cứ để tâm hồn lao xao, vọng loạn, tự do phóng túng, thì vô tình rời xa đạo quả. Bởi: “đạo” thuộc về “thanh tịnh chơn như”. Còn “vọng” thuộc về “loạn”. Nay ta muốn tìm “chơn” tức là “đạo” mà ta cứ để dục vọng xao xuyến biển lòng, ta càng xa đạo.

Cũng như em bé mò trăng, nước xao động, trăng càng tan rã. Phải chăng em bé càng lìa trăng. Muốn đạt đạo, không gì hơn: chúng ta hãy để lòng chúng ta thanh tịnh, yên lặng. Tự nhiên đạo sẽ đến với lòng chúng ta. Cũng như nước yên thì trăng hiện.

Gió tạnh thanh thiên lồng bóng nguyệt,

Mây tan bạch nhựt lộ vầng ô

Khai trì bất đãi nguyệt, trì thanh nguyệt tự lai. Tạm dịch: đào ao đừng mong có trăng, nhưng khi ao sâu nước lặng, trăng sẽ lộ hình”.

Còn ngài Xuyên thiền sư thì dạy: “minh cảnh đương đài, vạn tượng cư” là: “đài gương tỏ rạng, thì hình ảnh gì cũng rọi vào đó cả”: Ngài lại dạy tiếp: “thủy cảnh trần phong bất đáo thời, ứng hiện vô hà chiếu thiên địa”. Tạm dịch: “nước không có gió, tự nhiên không có sóng, gương không có bụi, tứ không lờ, cũng như lòng người không tham, sân, si, dục vọng, thì định huệ sẽ phát hiện”.

Cổ nhân cũng bảo:

“Đạo giả vô chung thỉ

Minh minh hà xứ tầm?

Thanh tịnh vô vi pháp

Chánh đạo ẩn chơn tâm”.

Có thể dịch:

“Đạo không có đầu, đuôi

Nó u u, minh minh biết tầm ở đâu?

Giữ được thanh tịnh và chơn như

Chánh đạo sẽ ẩn nơi lòng”.

Bữa nọ, đức Phật cùng với chư đệ tử của Ngài đứng dưới tàng cây, Ngài bèn chỉ vầng trăng rồi bảo:

“Nhứt thiết “tu đa la” giáo, giai như tiêu nguyệt chỉ”.

Nghĩa là: “tất cả khế kinh của ta nói ra, cũng như ngón tay chỉ mặt trăng “Phật dạy tiếp: “các ngươi không nên nhận lầm ngón tay ta là mặt trăng, mà phải noi theo nó để đến với trăng”.

Tại sao em bé ấy, không nhìn theo ngón tay để đến với vầng trăng “chân thật”, lại nhảy xuống hồ mò vầng trăng “giả dối” chi cho thất vọng?

Trích trong tác phẩm Thẳng nét mực tàu- HT. Giác Huệ