Tình yêu trong mắt người tu sĩ qua hai thi phẩm Giác Huệ thi tập 1& 2

Phú Sĩ

A. Dẫn nhập

Tình yêu là một đề tài rất được nhiều nhiều chú ý và đề cập đến dù trong xã hội dù trong thời cổ đại, trung đại hay trong xã hội hiện đại. Một con người không có tình yêu thì giống như một cơ dần dần mất đi sự sống và sẽ lụi tàn theo năm tháng. Ngược lại, một người có tình yêu giống như cây có nước, có ánh sáng, có đầy đủ dinh dưỡng,… sẽ tràn đầy sức sống, làm việc gì cũng tràn đầy nhiệt huyết.

Tình yêu mà chúng tôi muốn đề cập ở đây không phải chỉ riêng là tình yêu đôi lứa, tình yêu của những người khác phái với nhau. Bên cạnh tình yêu của những người khác phái thì có nhiều thứ tình yêu mang đậm tính nhân văn như: tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, hay giữa các anh em trong gia đình, hoặc tình yêu thương đồng bào, quê hương, đất nước,… Và trong đó có tình yêu thượng của người tu sĩ đối với chúng sanh. Đây là một thứ tình yêu không biên giới, mà trong nhà Phật gọi đó là tình yêu của sự từ bi, tình yêu của phụng sự và hy sinh.

Tình yêu lứa đôi chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân, tình yêu của cha mẹ, anh em, con cái tuy rất cao thượng nhưng chỉ dừng lại ở mức độ gia đình. Tình yêu thương đối với đồng bào mình, với đất nước mình thì chỉ dừng lại ở mức độ quốc gia. Còn tình yêu của người tu sĩ đúng chất là vượt qua những điều này. Vì sao? Vì tình yêu của người tu sĩ không những yêu gia đình, đồng bào, đất nước mình,… mà tình yêu của người tu sĩ là tình yêu đối với tất cả vạn loại chúng sanh, dù đó là đó là người thương hay người ghét mình, là bạn mình hay người rất căm thù mình,.. Thì trong mắt người tu sĩ chân chánh mọi thứ đều bình đẳng như  nhau.


B. Nội dung

1. Tình yêu theo quan niệm của những nhà thơ

Tuy các nhà thơ không phải là đại diện cho tất cả quan niệm về tình yêu của người thế gian (người không xuất gia) nhưng cũng phần nào nói lên ý nghĩ, tâm tư của tình yêu nhân thế. Trong bài viết của mình chúng tôi không đi sâu vào dạng tình yêu này mà chỉ ghé ngang qua để tiện bề so sánh như thế nào là sự giống nhau và khác nhau về tình yêu của người tại gia và người xuất gia.

Với Xuân Diệu rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất thấu hiểu trong Yêu:

“Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Cho rất nhiều song nhận chẳng có bao nhiêu

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”[1]

Hay Vũ Hoàng Chương rất cháy bỏng trong Đời vắng em rồi:

“Em ơi? Lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai”[2]

Hoặc Nguyễn Bính mộc mạc trong Chân quê[3]:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

Và Hàn Mặc Tử trong Những giọt lệ

“ Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”

Rồi Hồ Dzếnh trong Ngập ngừng

“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề

Đời chỉ đẹp khi còn dang dở”[4]

Ngang qua vấn đề này thì trong Từ điển tiếng Việt có nói về tình yêu như sau: “ 1. Tình cảm yêu mến làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật. 2. Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ”[5]. Và trong Đại từ điển Tiếng Việt[6] cũng định nghĩa như vậy.

Tuỳ theo quan điểm của mỗi người, có một cách nhìn khác nhau về tình yêu  nó đẹp hay không đẹp. Nếu mình thấy thích, hợp với tâm trạng của mình thì chắc chắc nói là hay, là cao thượng, còn ngược lại. Nhưng đối với tác giả thì đứa con tinh thần do mình tạo ra lúc nào cũng đẹp, chỉ vậy thôi. Đó là một số câu thơ tiêu biểu nói về tình yêu của một số thi sĩ nổi tiếng đương thời.

2. Tình yêu rộng lớn

Thông thường thì mọi người nghĩ rằng khi đi xuất rồi thì không có tình yêu, điều này đúng không? Theo chúng tôi đã là người xuất gia thì không những có tình yêu mà còn phải nhiều hơn những người không xuất gia. Tình yêu mà chúng tôi muốn nói đến không phải chỉ có tình yêu của hai người mới được gọi là yêu. Vì trên đời này chẳng lẽ chỉ có những người khác phái yêu nhau mới gọi là yêu còn những thứ tình yêu khác không được gọi là yêu? Nếu một tu sĩ không có tình yêu thương thì sẽ không hoá độ, hướng dẫn mọi người cùng đi trên con đường đạo đức vì người ấy chỉ là một con người vị kỷ mà không có tinh thần vị tha, chỉ biết quan tâm mình mà không nghĩ cho người khác.

Vậy còn những vầng thơ của người tu sĩ có tình yêu như thế nào? Điều này chúng ta sẽ bắt gặp trong bài thơ có nhan đề Tình yêu cao thượng[7]. Đây là một bài thơ có rất nhiều câu, nhiều khổ, chúng tôi xin trích một số khổ tiêu biểu:

Người Khất sĩ có tình yêu không nhỉ?

Nếu nói “không” là kẻ vô tri!

Bằng nói “yêu” là những kẻ tình si!

Không? Hay có? Xin ai giùm giảng giải

Hãy lẳng lặng lắng nghe tăng đáp lại

Có mà không! – Không! Mà có, mới kỳ

Không! Là không: cái tình ái li ti

Có: là có: mối tình yêu đại hải…

………………………………..

Tăng không thể: yêu riêng tình cốt nhục

đồng: tinh cha, đồng: lệ nóng, máu đào.

Sống bên nhau và mãi mãi bên nhau

Bước đồng bước, vai sánh vai khắp xứ.

Tăng không thể yêu riêng người mỹ nữ

Bên giường ngà, chiếu ngọc tiệc linh đình

Nào thân kề, má dựa, tựa si tình

Phải có thứ tình yêu cao viễn chứ?

Có! Có! Có! Tình yêu vô tư lự…

Rộng mênh mông ngàn biển… “Thái Bình dương”

Cao chập chùng, muôn núi… “Mã Lạp sơn”

Quý vạn bội kỳ quan: “Kim Tự tháp”

………………………………….

Tăng hiện tại noi gương người quá khứ

Đời bao nhiêu sầu khổ, bấy nhiêu yêu

Yêu! Yêu! Yêu! Đoàn Khất sĩ cứ yêu

Yêu tha thiết, muôn loài đang lận đận!!!

………………………………………..

Những khổ thơ trên một phần nào nói lên quan điểm tình yêu của một người tu sĩ đối với nhân sinh. Nhưng còn vấn đề cần phải nói ở phía sau nên chúng tôi chỉ trích vài đoạn thơ tiêu biểu mà thôi. Nếu đọc được cả bài thì mới thấy hết được cái hay của nó.

Và tình yêu của người tu sĩ không chỉ dừng lại ở mức độ gia đình hay anh em mà còn thể hiện ở chỗ biết hy sinh những cái riêng tư, đặc biệt là tình yêu nam nữ để đem lại an lạc, hạnh phúc đến với mọi người. Khi thái tử Sĩ Đạt Ta từ biệt vợ đẹp, con ngoan, lầu son, điện ngọc… để đi tầm đạo. Hoà thượng có cảm thán mấy vầng thơ trong bài Mở cánh tình[8]

Em! Hãy hy sinh hạnh phúc mình

Để anh tầm đạo cứu nhân sinh

Tình ta, nay: đẹp, mai: đau khổ

Lưu luyến làm chi một bóng hình.

Chiếc áo “cẩm bào”, nay gác lại

Khoác vào chiếc áo khách phiêu linh

Chén cơm hoàng tộc xin từ biệt

Đổi bát muôn nhà độ chúng sanh.

Đêm nay khép cánh tình riêng lại

Mở cánh tình chung, rải Ánh vàng

…………………………………

Đức Chúa Jesus:

“Chúa cứu thế thấy nhơn loài háo sát

Ngài thốt lời bất hủ đáng bia son:

“Con hãy thương những kẻ chẳng thương con

Con chớ ghét những người con đáng ghét”[9]


Đức Huỳnh Giáo chủ:

Tôi có tình yêu rất đượm nồng

Yêu đời, yêu đạo lẫn non sông

Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ

Không thể yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu

Thì trong tâm trí phải xoay chiều

Quay về phụng sự cho nhân loại

Thì sẽ gặp tình tôi trong khối yêu.


Đời người tu sĩ:

Con, hiện tại, con là đời vạn dặm

Gót hải hồ phiêu bạt khắp năm châu

Lấy tàn hơi, chỉ rõ lý đạo mầu

Cho lữ khách quay đầu về Phật, Pháp

(Hai chí hướng, Giác Huệ thi tập 1)


Bên cạnh bài thơ nói lên tình yêu cao thượng của người tu sĩ thì Hoà thượng còn có rất nhiều bài thơ nói lên nhiều khía cạnh cụ thể khác nhau.

4. Tình yêu hoà bình

Yêu hoà bình, đồng nghĩa là không thích chiến tranh, vì chiến tranh xảy ra dù cho kẻ thắng, người thua nhưng tất cả điều có những tổn thất về vật chất và con người  không thể nào bù đắp được. Trừ phi là những người hiếu chiến, vì lòng tham lam, sân hận của riêng tư mới khơi dậy những cuộc chiến với nhau. Còn đối với những người thích cuộc sống bình hòa thì không ai muốn chiến tranh xảy ra dù đó là cuộc chiến chánh nghĩa hay phi nghĩa. Điều này được thể hiện rõ qua bài Tâm sự[10] với một số khổ sau:

…………………………………

Chiều nay mây trắng bước lê thê

Hình ảnh xa xa… lẻo đẽo về

Giọt lệ ta, người chung vị mặn

Sao đành giết hại quá ê chề

Xương trắng! Đừng thêm xương trắng phếu

Đầu đen ai nỡ giết đầu đen

Dù sao máu cũng cùng chung đỏ

Ruột cắt, ruột đau thật quá hèn

…………………………………

Ai tưới: oán, thù, bằng máu, lệ

Ai xây: Đế, Bá với xương người

Còn em Phật tử, em cần phải:

Mở rộng tình thương cả vạn loài.

Và vấn đề này cũng được đức Phật đề cập trong kinh Tiểu bộ[11]. Chuyện kể rằng có hai bộ tộc Sàkya và Kotiya cùng tranh chấp dòng nước của con sông Rohini, trong lúc mọi người đang tranh cãi gay gắt và chuẩn bị đánh nhau thì đức Phật xuất hiện để giải quyết với những lời lẽ rất là ôn hòa. Đại ý là Ngài hỏi giữa dòng nước và con người thì cái nào là quý hơn? Thì mọi người đồng trả lời nước tuy quý nhưng ít giá trị, còn sinh mạng con người là vô giá. Nhân đó Phật dạy: “Thế tại sao chỉ vì một chút nước chẳng ra gì mà các vị phải hủy diệt các tướng quân cao quý? Quả thật, cuộc tranh chấp không có gì đền bù được cả…

Sau khi nghe Phật giải thích xong mọi người hòa thuận trở lại. Đây quả là một hình  ảnh rất đẹp của Như Lai, nếu là người khác gặp trường hợp tương tự thì chắc chắc họ sẽ dành phần phải về họ tộc của mình, như vậy sẽ thì có những cuộc chiến đẫm máu xảy ra trong một vấn đề rất là nhạy cảm như thế này. Với tinh thần bình đẳng, luôn xem trọng hoà bình, luôn xem mạng người là trên hết, Phật không những đã giúp cho cuộc tranh chấp biến mất mà còn tạo điều kiện cho họ có mối thân thiện nhiều hơn trước.

Và cũng Giác Huệ thi tập 2, bài Mong Bồ câu trắng[12], đề cập đến vấn đề này như sau:

………………………………….

Đàn chó giành ăn vì “miếng thịt”

Con người tham lợi mới tranh nhau

Binh đao phát khởi do tâm khởi

Nếu diệt bên ngoài, diệt được đâu?

Tâm tư hiếu chiến, miệng la hoà

Hoà ấy … là hoà giả dối đa

Ta dối với người, người “bị dối”

Riêng ta nào có dối được lòng ta.

Hoà bình “lời nói”, hoà bình “miệng”

Còn “ viết hoà bình” chỉ “ viết” thôi

Thực sự hoà bình “ không phải vậy”

Phải từ “ tâm niệm” tới ngoài môi.

Thay gì cầu nguyện cho yên giặc

Hãy nguyện thương nhau chớ giết nhau

Chớ thổi lửa tham phừng phực cháy

Hoà bình khỏi muốn, cũng bình thôi.

Cùng với quan điểm trên, chúng tôi nhận thấy rằng trong cuộc sống này, sở dĩ con người có sự tranh chấp, thù hằn, chém giết lẫn nhau cũng do lòng tham. Mà tham ở đây chính là các cái tham căn bản về: tài sản, vật chất, sắc đẹp, tình thương,… Đó chính là những nguyên nhân gây ra chiến tranh giữa người và người, giữa quốc gia này với quốc gia kia.

Điều thứ hai mà chúng tôi muốn nói đến là chiến tranh đồng nghĩa với đau khổ, hoà bình đồng nghĩa với hạnh phúc. Nếu chúng ta được sống trong một đất nước thanh bình thì chúng ta phải biết trân trọng nó. Muốn như thế thì trong tâm niệm của mỗi người phải lần lần dẹp bớt những tâm tham lam, ganh ghét lẫn nhau. Và đặc biệt là phải thương yêu nhau hơn. Trong cuộc sống này nếu chúng ta chỉ hiện diện một thời gian rất ngắn nhưng chúng làm được nhiều lợi ích cho người, cho mình thì tốt hơn gấp nhiều lần chúng ta sống rất lâu nhưng lại gây đau thương, mất mát cho người khác.

Bài thơ Sống lâu hay chết yểu[13], sáng tác năm 1960, Hoà thượng cũng đề cập rõ vấn đề này:


Chết yểu! Người ghê, muốn sống lâu

Riêng tôi?- Tôi chả quản cần đâu.

Chỉ cần: cái sống làm sao ấy!

… Cái sống muôn loài dứt khổ đau

Còn hơn cái sống: trăm, ngàn tuổi

Mà cứ nồi da, xáo thịt nhau

Như thế thà rằng: “ Tôi chết yểu”

Hơn tôi gây tội ngất trời cao.

Qua bài thơ trên cho chúng ta thấy rằng, cuộc sống của mỗi người dài ngắn không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ trong quãng thời gian sống đó ta đem được hạnh phúc gì cho đời mà thôi.

Pháp cú số 5:

Với hận diệt hận thù

Đời này không có được

Không hận diệt hận thù

Là định luật ngàn thu

Pháp cú 197

Vui thay chúng ta sống

Không hận giữa hận thù

Giữa những người hận thù

Chúng ta sống không hận thù


C. Kết luận

Qua phần trình bày ở trên chúng tôi thấy rằng, tình yêu thương  sẽ là mầm sống, là động lực giúp con người sống tốt hơn nếu đó là một tình yêu mãnh mẽ, một tình yêu trong sáng. Còn ngược lại, nếu trong cuộc đời này ta yêu một ai đó, rồi thất tình, rồi chết trong tình yêu thì thực sự tình yêu đó không nên cổ vũ.

Trong cuộc đời không ai cấm được người khác yêu, vì có thể cấm được thể xác chớ không thể nào cấm được tâm hồn. Như thế tình yêu là một “cái gì đó” rất tự do, như là nhu cầu của con người. Không phải vì thế mà chúng ta yêu thương một cách “lung tung” không còn có lễ giáo, quên đi thuần phong mỹ tục… Nghĩa là hình thức yêu thương thì giống nhau nhưng ý nghĩa bên trong phải khác nhau. Chẳng hạn như: tình yêu giữa cha mẹ và con cái, anh em trong gia đình, vợ chồng, thầy trò, nam nữ,…

Thường thì khi nói đến tình yêu, mọi người hay nghĩ đến tình yêu giữa người nam và người nữ, một chàng trai và một cô gái,… Nhưng thực sự trong cuộc sống có nhiều thứ tình yêu khác nữa, cao thượng hơn rất là nhiều như: tình yêu thương cha mẹ đối với con cái, và ngược lại, hay tình yêu thương của đức Phật đối với chúng sanh, tình yêu thương của đức Chúa Jesus đối với con chiên, hay tình yêu thương đối với quê hương, đất nước, hay tình yêu thương chân chánh của người tu sĩ (không riêng tôn giáo nào) đối với tín đồ... Đó chính là những thứ tình yêu bất tử với thời gian vì những tình yêu này không có vụ lợi, chỉ mang tính lợi tha mà thôi.

Còn tình yêu trong mắt người tu sĩ qua hai thi phẩm Giác Huệ thi tập 1 và 2 cho chúng ta thấy rằng hình bóng của của một tình yêu chân chánh, mang đậm phong cách của người tu sĩ bỏ lại tình yêu thương cá nhân để thực hiện hoài bảo của mình bằng tình yêu thương rộng lớn. Qua đó cũng cho chúng ta cũng thấy rằng người tu sĩ cũng biết yêu. Theo chúng tôi, cái yêu của người tu sĩ khác với cái yêu của những người không phải là tu sĩ ở chỗ, tình yêu của người tu sĩ là hy sinh, là cho,… chớ không phải nhận. Còn những người không phải tu sĩ thì tình yêu là sự có cho, có nhận, hiếm khi chỉ có một chiều./.

Một số đoạn thơ nói về tình yêu non sông đất nước, tình mẹ con, chúng tôi xin được trích lược thêm để cho mọi người cùng biết thêm về 02 thi phẩm nói trên


Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh

Nguyện lòng du khách gọi tình nước no

Dâu bể Vĩnh Long trơ tuế nguyệt

Thăng trầm lang miếu vững non sông

Địa linh nhân kiệt lưu thiên cổ

Lữ khách tha hương luống chạnh lòng

………………………………………..

( Non nước Vĩnh Long- Giác Huệ thi tập 2)


Nói đến Huế phải nói ngàn vẻ đẹp

Của sông Hương, êm ả,… nước mơ màng

Của thuyền nan, cất mái trăng vàng

Của đỉnh Ngự mĩ miều sương lóng lánh

Của Thiên Mụ chuông chiều ngân lanh lảnh

Của Thọ Xương xao xác mấy canh gà

Của Tràng Tiền, sáu nhịp kế Đông Ba

Của lăng tẩm huy hùng nhưng tráng lệ

( Huế- Giác Huệ thi tập 2)

· Tình yêu Mẹ con

Chiều chiều mẹ đến bên song cửa

Vá áo cho con được ấm lòng

Sáng sáng, con ra ngoài vĩ tuyến

Thi tài, chung sức, vá non sông

Thuở ấy, con là con của mẹ

Quạt nồng, ấp lạnh lúc trời đông

Mà nay: con tức, con dân tộc

Quyết xả đời trai cứu giống giòng

Dù mai có chết trong rừng bụi

Quạ gắp, Diều tha xác mỏi mòn

Không một người thân đi tiễn biệt

Thì còn sông núi tiễn đưa con

Thôi nhé! Mẹ đừng: trông đợi nữa

Cánh chim vô định cứ tung trời

…………………………………



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tiểu bộ kinh, tập 9, bản dịch: hoà thượng Thích Minh Châu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004.

2.   Giáo hội Khất sĩ Việt Nam, Giác Huệ thi tập 1, (tái bản lần 3), Giấy phép số 1096 BTT. PTNT  ngày 22. 03. 1971.

3.   HT. Giác Huệ, Giác Huệ thi tập 2, ‘ Mong Bồ câu trắng’, xuất bản Đoàn du tăng Khất sĩ Giảng đường Lộc Uyển, Phú Lâm- Chợ Lớn, 1967.

4.   Tuyển tập thơ chọn lọc, Thơ Nguyễn Bính, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1996.

5.   Thi ca Việt Nam chọn lọc, Thơ Vũ Hoàng Chương, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008.

6.   Hà Minh Đức ( tuyển và giới thiệu), Xuân Diệu – Ông Hoàng của thơ tình yêu, Nxb Giáo dục, 2008.

7.   Thi ca Việt Nam chọn lọc, Thơ Hồ Dzếnh, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008.

8.   Việtlex, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008.

9.   Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2011.



[1] Hà Minh Đức ( tuyển và giới thiệu), Xuân Diệu – Ông Hoàng của thơ tình yêu, Nxb Giáo dục, 2008, trang 20.

[2] Thi ca Việt Nam chọn lọc, Thơ Vũ Hoàng Chương, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008, trang 45.

[3] Tuyển tập thơ chọn lọc, Thơ Nguyễn Bính, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1996, trang 3

[4] Thi ca Việt Nam chọn lọc, Thơ Hồ Dzếnh, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008, trang 35.

[5] Việtlex, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008, trang 1237

[6] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2011, trang 1591

[7] Giáo hội Khất sĩ Việt Nam, Giác Huệ thi tập 1, (tái bản lần 3), Giấy phép số 1096 BTT. PTNT  ngày 22. 03. 1971. Trụ sở Trung ương Giảng đường Lộc Uyển ấn hành, trang

[8] HT. Giác Huệ, Giác Huệ thi tập 2, ‘ Mở cánh tình”, xuất bản Đoàn du tăng Khất sĩ Giảng đường Lộc Uyển, Phú Lâm- Chợ Lớn, 1967, trang 14.

[9] Giáo hội Khất sĩ Việt Nam, Giác Huệ thi tập 1, (tái bản lần 3), Giấy phép số 1096 BTT. PTNT  ngày 22. 03. 1971. Trụ sở Trung ương Giảng đường Lộc Uyển ấn hành, trang 99.

[10] Giáo hội Khất sĩ Việt Nam, Giác Huệ thi tập 1, (tái bản lần 3), Giấy phép số 1096 BTT. PTNT  ngày 22. 03. 1971. Trụ sở Trung ương Giảng đường Lộc Uyển ấn hành, trang 73- 75.

[11] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ, tập 9, ‘ Chuyện chúa chim Kùnala’, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 482- 563.

[12] HT. Giác Huệ, Giác Huệ thi tập 2, ‘ Mong Bồ câu trắng’, xuất bản Đoàn du tăng Khất sĩ Giảng đường Lộc Uyển, Phú Lâm- Chợ Lớn, 1967, trang 31.

[13] HT. Giác Huệ, Giác Huệ thi tập 2, ‘ Sống lâu hay chết yểu” , xuất bản Đoàn du tăng Khất sĩ Giảng đường Lộc Uyển, Phú Lâm- Chợ Lớn, 1967, trang 11