Khi còn tại thế, trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật để lại 8 vạn 4 ngàn pháp môn, theo Phật hạnh nào cũng đáng kính nể, quý trọng. Trong số các Thánh chúng, Ma Ha Ca Diếp là người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh, nên được Phật và Thánh chúng tôn xưng là bậc Đầu đà đệ nhất.


Đầy đủ phước tướng, tư chất thông minh

“Ma Ha Ca Diếp”: Ma Ha, nghĩa là “đại” (lớn); Ma Ha Ca Diếp chính là “Đại Ca Diếp”. Theo lịch sử Phật giáo, ngài Ma Ha Ca Diếp sinh ra trong gia đình phú hào Ni Câu Lự Đà Kiệt Ba thôn Sa La Đà, nước Ma Kiệt Đà, vốn tên là Tất Bát La Da Na vì thân mẫu ngài đi chơi quanh gốc cây Tất Bát La thì hạ sinh ngài nên lấy tên cây đặt cho con. 

Đại Ca Diếp phước tướng đầy đủ, tư chất thông minh, 8 tuổi học văn học, toán thuật, thi họa, âm nhạc, thiên văn, tướng số... cùng các phép tế đàn 4 mùa, thánh điển Vệ Đà... đều thấu hiểu rất nhanh. Lớn lên Đại Ca Diếp thường thích xa đám đông, riêng ở một mình.

Khi phải vâng lời cha mẹ lập gia đình, Ma Ha Ca Diếp cũng không chung giường với người vợ mới cưới là Diệu Hiền, một cô gái sắc nước hương trời, từ ngày cưới cho đến hơn chục năm về sau không ai nói với ai một lời nào. Im lặng lâu quá không thể nín thinh mãi được, Ma Ha Ca Diếp hỏi Diệu Hiền lý do tại sao mặt lúc nào cũng buồn, Diệu Hiền trả lời: “Chàng đã phá hoại chí nguyện của tôi, sự giàu sang của chàng đã mê hoặc cha mẹ tôi, từ trước tôi vẫn thích phạm hạnh, ghét ngũ dục, nên hiện làm dâu gia đình nầy tôi rất lấy làm buồn!”. Nghe ước vọng của Diệu Hiền, Ma Ha Ca Diếp nói: “Thế là hai ta cùng chung một ước nguyện, nhìn về một hướng. Tôi vẫn không thiết tha với việc lập gia đình, nhưng vì là con một tạm để cho cha mẹ khỏi buồn, tôi phải tạm theo ý của gia đình mà thôi. Giờ đây chúng ta hãy tiếp tục sống theo phạm hạnh và dù là vợ chồng chúng ta cũng giữ sự thanh tịnh”.

Mãi 12 năm sau, khi cha mẹ đều từ giã cõi đời, Ma Ha Ca Diếp rời gia đình đi tìm thầy học đạo, hứa sẽ trở về hướng dẫn Diệu Hiền khi tìm được minh sư.

Giữ hạnh “Đầu đà”

Năm 30 tuồi, Ma Ha Ca Diếp vào rừng tìm đạo thì cũng là lúc Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề. Nghe tiếng Đức Phật, Ma Ha Ca Diếp tìm đến thành Vương xá, ngày ngày theo Thánh chúng đến nghe pháp. Đức Phật nhìn xuống thấy và biết Ma Ha Ca Diếp là người có thể kế thừa đạo nghiệp của Như Lai.

Tại hội Linh Sơn, khi đức Phật đưa lên một cành hoa, Ma Ha Ca Diếp mỉm cười, Phật biết chánh pháp đã có người tâm đắc kế thừa sau này. Một hôm, sau khi mãn buổi thuyết pháp Phật đi đường tắt đón Ma Ha Ca Diếp ở một ngã đường, Ma Ha Ca Diếp chính thức bái yết Phật, theo Phật trở lại Tinh Xá Trúc Lâm, được Đức Phật đem pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên mà khai thị cho.

Vốn thích tu hạnh “Đầu đà” sau khi gặp Phật, Ma Ha Ca Diếp tiếp tục thực hành pháp tu phạm hạnh. Hạnh “đầu đà” có năng lực tịnh hóa tâm hồn, nhưng khi tu theo hạnh này cần giữ đủ 10 điều: Chọn ở nơi hoang vắng; sinh hoạt bằng phép trì bình; thường ở tại một nơi; ngày ăn một bữa; khất thực không phân biệt giàu nghèo; tài sản gồm có 3 y (áo), một bình bát; tư duy dưới gốc cây; thường ngồi giữa đồng trống; mặc áo phấn tảo; sống tại các bãi tha ma.

Trong 10 điều kiện trên, Ma Ha Ca Diếp tuân giữ trọn vẹn chỉ có 9 điều, riêng khất thực thì chỉ đến khất thực trước nhà người nghèo. “Người giàu đã thừa phước đức, ta không cần phải mang phước đến cho họ, còn người nghèo vì thiếu phước đức ta cần đem phước điền cho họ gieo trồng”- Ma Ha Ca Diếp lý giải. Hạnh “đầu đà” được Ma Ha Ca Diếp giữ cho đến hơi thở cuối cùng, không ai lay chuyển được, cho nên được tôn xưng là bậc “Đầu đà đệ nhất”.

Tiếp độ thân sơ

Sau khi Đức Phật cho di mẫu của mình xuất gia hiệu là Kiều Đàm Di, trở thành vị nữ đầu tiên trong giáo đoàn của Phật, Ma Ha Ca Diếp nhờ một tỳ kheo ni đi đón nàng về ni viện. Vì sắc đẹp kiều diễm, Diệu Hiền không tránh khỏi sự xì xầm nơi chốn đông người, đành bỏ không ra ngoài khất thực, không tiếp xúc với đại chúng, tránh chỗ đông đảo. Thế là hàng ngày Ma Ha Ca Diếp chia nửa phần cơm, nhờ người mang đến cho Diệu Hiền.

Những người tò mò có tính thị phi lại sinh tâm tật đố, cho là giữa hai người chắc còn tình ý. Để tránh tiếng, Ma Ha Ca Diếp không chia phần cơm cho Diệu Hiền nữa; còn tỳ kheo ni Diệu Hiền ngày đêm không ăn ngủ, tịnh tọa sám hối tấn tu đạo nghiệp, chứng được Túc mạng thông, được Đức Phật khen ngợi.

Một hôm vào thành Vương Xá khất thực, Ma Ha Ca Diếp thấy một bà lão ăn mày đau ốm nằm rên rỉ bên vệ đường, nên ân cần thăm hỏi.

Bà lão đáp: “Ngài có gì cho tôi không? Sao tôi thấy Ngài cũng có vẻ nghèo và mang bát đi xin ăn, tôi chẳng có gì cho Ngài cả. Thế Ngài có phép gì giúp tôi hết bệnh và hết nghèo đói chăng?”.

“Tôi là một Tỳ kheo đang theo học đạo lý với Phật Thích Ca và đang tu khổ hạnh nên cũng đi xin như bà, nhưng lại đi bán giàu mua nghèo, bà hãy bán nghèo cho tôi để tạo nhiều phước báu giàu sang phú quý”- Ma Ha Ca Diếp trả lời. “Nghèo thì lấy gì để bán? Đã ba ngày qua tôi không có chút gì để bỏ vào bụng, sáng sớm hôm nay có người đi đổ nước cơm, tôi hứng được một tí đỉnh, nhưng nước đã có mùi chưa dám uống sợ tháo dạ”. “Thế bà đem nước đó bố thí cho tôi chút đỉnh, gọi là gieo trồng phước đức, hy vọng tương lai gặp may mắn, trở nên giàu có”. Nghe giảng giải, tâm bà đầy hỷ lạc quên cả sự ô uế của thân mình, đem mẻ nước cơm dâng cúng cho Ca Diếp. Ngài hoan hỷ tiếp nhận, chúc phúc cho bà rồi lên đường hành hóa.

Thừa kế Đức Phật

Thấy Ma Ha Ca Diếp đạo cao đức trọng, Phật và giáo đoàn đều vị nể. Trọn giữ hạnh đầu đà, lúc nào Ma Ha Ca Diếp cũng ở trong rừng già, kinh hành hoặc tọa thiền dưới gốc cây, quán xương trắng ở bãi tha ma chẳng quản nắng mưa, sương gió... mãi đến lúc tuổi già râu tóc bạc phơ, thân thể gầy guộc vẫn không bao giờ chểnh mảng.

Thực hành phạm hạnh đầu đà là trực tiếp củng cố giáo đoàn, gián tiếp lợi lạc chúng sinh, củng cố tăng đoàn là điều kiện thừa kế Đức Phật. Phật dạy rằng: “Này các Tỳ kheo! Đại Ca Diếp luôn luôn lo ngại cho tiền đồ chính pháp. Thiên ma ngoại đạo hay thế lực cường quyền không thể phá hoại chính pháp, nội tình lộn xộn, Tăng đoàn hủ hóa thiếu phạm hạnh là điều kiện chính làm cho chính pháp tiêu diệt, "Trùng trong sư tử ăn thịt sư tử." Vì thế nếu Tăng đoàn được củng cố, giới đức trang nghiêm, nội tình ổn định hòa hợp tất yếu chính pháp được trường tồn. Để củng cố Tăng đoàn, sinh hoạt phải nghiêm túc, giới luật phải được tôn trọng giữ gìn, giới luật còn thì đạo ta còn. Người có thể chủ trì thừa kế chính pháp của ta phải là Ma Ha Ca Diếp”.

Kết tập kinh điển

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 7 ngày, Ma Ha Ca Diếp liền triệu tập hội nghị kết tập kinh điển trong suốt 3 tháng. Đại chúng nhất trí đề cử Ma Ha Ca Diếp làm chủ tọa.

Sau cuộc kết tập kinh điển, khoảng hai hoặc ba mươi năm sau, cảm thấy cơ thể đã già yếu, mệt mỏi vì đã trên trăm tuổi, Ma Ha Ca Diếp quyết định nhập Niết Bàn. Ma Ha Ca Diếp tìm đến nơi A Nan đang du hóa để phú chúc pháp tạng, yêu cầu A Nan tiếp nối sứ mạng thừa kế truyền bá chính pháp, rồi đến 8 tháp thờ Xá Lợi phật để lễ lạy cúng dường. Sau đó Ma Ha Ca Diếp mang theo y bát của Phật đến núi Kê Túc, ngồi nhập định và nhập Niết Bàn.

Mặc dù tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã nhập Niết Bàn, nhưng ảnh hưởng nếp sống đạo đức, phạm hạnh của tôn giả vẫn còn tồn tại mãi với thời gian... Suốt cả cuộc đời, tôn giả Ma Ha Ca Diếp trở thành một con người gương mẫu trong giáo đoàn, phẩm hạnh có tầm ảnh hưởng rất rộng. Đức Phật cũng vị nể xem tôn giả như bạn, có lần Phật đã nhường nửa tòa ngồi giảng pháp cho tôn giả. Gương của Ma Ha Ca Diếp chính là, người có tư cách đạo đức bao giờ cũng được kính nể, ngược lại không tư cách đạo đức dù giàu mạnh đến đâu, cuối cùng.


Bài viết: Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh"
Thích Minh Tuệ/ Vườn hoa Phật giáo