HT. Giác Pháp

A. DẪN NHẬP

Duy trì và phát triển tông phong hệ phái là trách nhiệm chung của Tăng Ni trong Hệ phái Khất sĩ, không riêng gì trụ trì. Tuy nhiên, trụ trì là người lãnh trách nhiệm quan trọng nhất. Trụ trì là người điều hành, hướng dẫn Tăng (Ni) và Phật tử sinh hoạt tu học tại trú xứ của mình. Trụ trì còn là người quyết định mọi hoạt động đối nội, đối ngoại, chịu trách nhiệm về sự hưng thịnh hay suy vong của ngôi đạo tràng mình đang quản lý. Trong thực tế, không phải vị trụ trì nào cũng ý thức một cách sâu sắc vấn đề này. Vì vậy trong khóa Bồi dưỡng kinh nghiệm trụ trì này chúng tôi xin trình bày một cách tổng quát trách nhiệm của vị trụ trì đối với sự tồn tại và phát triển của Hệ phái. Đối tượng chúng tôi nhắm đến là các huynh đệ trụ trì trẻ hoặc dự bị trụ trì trong tương lai. Do thời lượng có hạn nên chúng tôi chỉ trình bày phần tổng quát, không đi sâu vào những chi tiết như chủ đề khóa bồi dưỡng đề ra. Những chi tiết này sẽ do chư Tôn đức khác trình bày trong các bài thuyết trình của mình.

B. NỘI DUNG

Như vấn đề đã được đặt ra là “TRÁCH NHIỆM TRỤ TRÌ TRONG VIỆC DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN TÔNG PHONG HỆ PHÁI”, đúng ra duy trì phải đi đôi với phát triển vì trong sự duy trì cần có phát triển và trong sự phát triển cũng cần có duy trì. Tuy nhiên để cho việc trình bày được rõ ràng, dễ hiểu, chúng tôi chia ra 2 phần riêng biệt.

1. Duy trì gìn giữ những nét đặc thù của Hệ phái.

1.1. Tinh thần đoàn kết hòa hợp theo lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang “Nên tập sống chung tu học”.

Giải pháp thực hiện:

- Xóa bỏ tư tưởng phân chia Tăng, Ni, Giáo đoàn, Tịnh xá…để có thể hòa mình trong cộng đồng Pháp lữ đồng môn.

- Tham gia đầy đủ các hoạt động của Hệ phái như: Khóa tu truyền thống, bồi dưỡng trụ trì, những ngày lễ tưởng niệm v.v…

- Đóng góp tích cực cho các hoạt động của Hệ phái hoặc do Hệ phái đề ra.

1.2. Giữ gìn nghiêm túc những nét đặc thù của Hệ phái như: Mô hình xây dựng tịnh xá, cách thờ phượng, nghi thức hành trì cho Tăng (Ni), Phật tử, Y bát, Khất thực, v.v…

Giải pháp thực hiện:

- Trụ trì cần gắn bó với Giáo đoàn, Hệ phái trong các sinh hoạt để nắm bắt thông tin và chủ trương của Hệ phái, trao đổi với các vị có trách nhiệm trong Giáo đoàn mỗi khi có Phật sự quan trọng.

- Ý thức trách nhiệm thừa kế là trọng trách mà Hệ phái, Giáo đoàn đã trao cho mình, không thể hành xử theo ý riêng của mình.

1.3. Gìn giữ sự trong sáng của giáo pháp Khất sĩ, không để cho danh xưng, lợi dưỡng và các khuynh hướng ngoại lai trà trộn vào làm nhẹ thể giáo pháp Khất sĩ.

Giải pháp thực hiện:

- Lấy Tứ Y Pháp làm định hướng cho sinh hoạt tu học hằng ngày.

- Cương quyết không chạy theo lợi dưỡng, và nhu cầu của một số Phật tử Cư sĩ tại gia.

2. Phát triển

2.1 Phát triển nhận thức của cá nhân mỗi vị trụ trì (Phát triển nguồn tuệ giác).

Giải pháp thực hiện:

- Mặc dù bận rộn với bộn bề công việc, nhưng trụ trì cần dành thời gian cho việc nghiên cứu, tư duy những lời Phật dạy để nâng cao nhận thức, đáp ứng được nhu cầu học hỏi của Tăng (Ni), Phật tử.

2.2 Phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho Hệ phái nối tiếp tông phong.

Giải pháp thực hiện:

- Trụ trì cần quan tâm đến việc tiếp Tăng độ chúng, hướng dẫn, dạy dỗ, đào tạo thế hệ kế thừa có đủ năng lực gánh vác Phật sự trong tương lai.

2.3 Phát triển cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu tu học ngày càng phong phú của cư gia bá tánh.

Giải pháp thực hiện:

- Quan tâm chăm sóc cơ sở vật chất, trùng tu cái cũ, xây dựng cái mới, đáp ứng điều kiện sinh hoạt tu học của Tăng (Ni), Phật tử. Chăm sóc sân vườn, tạo cảnh quang trang nghiêm thanh tịnh của ngôi già-lam.

2.4 Phát triển đồng bộ các hoạt động của Hệ phái

Giải pháp thực hiện:

- Trụ trì cần thấy rõ sự tồn tại, phát triển tịnh xá mình đang quản lý không thể tách rời sự tồn tại phát triển chung của cả Hệ phái.

- Nỗ lực cùng Tăng Ni trong Hệ phái chia sẻ những Phật sự chung, không cục bộ, riêng tư.

C. KẾT LUẬN

Nhận lãnh trách nhiệm trụ trì không có nghĩa là nhận lấy một đặc quyền muốn làm gì cũng được, mà là nhận lãnh trách nhiệm thiêng liêng cao cả do Hệ phái, Giáo đoàn giao phó. Ngoài việc tu tập cho tự thân, gìn giữ oai nghi, giới luật, trụ trì còn phải hy sinh phục vụ cho cộng đồng, gìn giữ những gì cần gìn giữ, phát huy những gì cần phát huy, có như vậy mới góp phần làm cho “Tông phong vĩnh chấn, Đạo mạch trường lưu”. Chúng tôi tạm mượn lời Tổ Quy Sơn để kết thúc: “Phục vọng hưng quyết liệt chi chí, khai đặc đạt chi hoài, cử thố khán tha thượng lưu, mạc thiện tùy ư dung bỉ” (Xin phủ phục mà cầu mong các vị nổi dậy cái chí khí quyết liệt, mở ra cái hoài bão cao xa, hết thảy mọi sự động tĩnh đều nhìn lên các bậc thượng thặng, đừng tự ý sống theo những thói hư hèn).