GN - Càng cung kính những người bạn đồng tu thì sự thanh tịnh và hòa hợp trong đại chúng càng tăng thêm.

“Một thời Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương Xá, ở tại Vô sự thất, cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương Xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lê Tử từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:

- Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận quán sát’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học kính trọng và biết tùy thuận quán sát.

- Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay cười giỡn, tháo động’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Xá-lê Tử tương ưng, kinh Cù-ni-sư, số 26 [trích])

Vô sự có nghĩa là sống ẩn dật trong núi rừng. Tỳ-kheo vô sự là người giữ hạnh độc cư nơi vắng vẻ. Mặc dù không sống chung với chúng Tăng nhưng đây là một hạnh lành, khi vị Tỳ-kheo đã khá vững về oai nghi tế hạnh và có hiểu biết căn bản về giáo pháp thì có thể phát nguyện sống một mình, xa lìa những nơi đông đúc, ồn náo để chuyên tâm thiền định.

Tuy vậy, một số Tỳ-kheo vì ly chúng quá sớm nên khi sống một mình ẩn dật thường có biểu hiện oai nghi khiếm khuyết, hành vi thô tháo, tâm tư loạn động. Tỳ-kheo ấy chuyên làm mọi việc theo ý mình, không tuân thủ theo phép tắc của giới luật, thường bị thất niệm và phóng dật chi phối. Tỳ-kheo Cù-ni-sư trong pháp thoại là một điển hình.

Theo Tôn giả Xá-lợi-phất (Xá-lê Tử), người nguyện sống đời vô sự, ẩn dật trong núi rừng khi gia nhập hội chúng cần hòa hợp và thanh tịnh. Một trong những nguyên tắc đầu tiên là “học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát”, tức cung kính các bậc trưởng thượng và các vị đồng phạm hạnh. Càng cung kính những người bạn đồng tu thì sự thanh tịnh và hòa hợp trong đại chúng càng tăng thêm.

Kế nữa là vị Tỳ-kheo khi nhập chúng phải biết kiềm chế sự cười giỡn, tháo động. Tu học rất cần sự vui cười nhưng phải biết chừng mực. Cười mà “không hở răng”, vui mà không đùa giỡn, an tịnh và nhẹ nhàng, bên trong không loạn, bên ngoài không động.

Nếu không biết cung kính và không kiềm chế được cười giỡn thì Tỳ-kheo không thể hòa hợp và thanh tịnh trong đại chúng, do vậy vị ấy thường bị quở trách hoặc chê cười. Nên sống ẩn dật cũng có hai mặt. Nếu Tỳ-kheo đã biết tự chủ, an trú trong luật nghi, ẩn dật để chuyên tâm thiền định thì rất tuyệt. Ngược lại, nếu ở nơi vắng vẻ, không bị ràng buộc để phóng túng theo ý thích của mình thì cần quay về nương tựa vào Tăng chúng. Câu “Tăng ly chúng Tăng tàn” để chỉ cho những trường hợp này.

Quảng Tánh

Nguồn: giacngo.vn