Vấn đề xã hội hóa Xã hội học và Đạo đức học Phật giáo

A. GIỚI THIỆU

Khi con người sanh ra đời không một ai trở thành một con người hoàn hảo ngay lập tức mà phải trải qua một quá trình toi luyện về nhân cách đạo đức từ các môi trường như trong gia đình, nhà trường và xã hội. Ở mỗi nơi đều có sự mài dủa khác nhau để hoàn thiện cho chính bản thân của họ. Nếu chúng ta may mắn ở một môi trường, có một tiêu chuẩn giáo dục có chuẩn mực thì khả năng trở thành một người tốt lớn hơn ở một môi trường có cuộc sống không lành mạnh. Quá trình đó gọi là quá trình xã hội hoá trong Xã hội học.

Còn về giáo dục trong Phật giáo dạy con người sống đạo đức, làm lành, lánh dữ, biết rộng lòng tha thứ lỗi của người khác và hãy chịu hoàn toàn những trách nhiệm và hậu quả của những việc mình đã làm thông qua các nền giáo lý cơ bản như: Tứ vô lương tâm, Nhân quả, Ngũ giới, ... trong Đạo đức quan Phật giáo. Giáo lý nhà Phật giúp cho con người thiên về phần tu dưỡng tâm linh nhiều hơn là về vật chất cho cuộc sống đời thường.

B.  NỘI DUNG

I. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA QUÁ TRÌNH XÃ HỘI HOÁ

Các nhà Xã Hội học cùng thống nhất với nhau về các giai đoạn xã hội hoá trong Xã Hội học về mặt cơ bản là có ba giai đoạn: giai đoạn ở gia đình, giai đoạn ở nhà trường, giai đoạn ngoài xã hội. Tuy là phận chia ra thành ba giai đoạn nhưng trong quá trình phát triển của con người thì các giai đoạn này có sự đan xen lẫn nhau chớ không có sự phân chia một cách rõ ràng sự bắt đầu và kết thúc của một giai đoạn này rồi mới đến giai đoạn khác.

1. XÃ HỘI HOÁ TRONG GIA ĐÌNH

Gia đình là nơi đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của một con người. Từ nơi gia đình mà chúng ta có thể học hỏi và làm theo những điều tốt và xấu. Theo cách nói của H. Spencer “Văn hoá tạo nên nề nếp gia đình và duy trì gia phong. Các kinh nghiệm xã hội, sự kế thừa nghề nghiệp và kỹ năng sống cũng truyền bá thông qua mối liên hệ này. Nó là tác nhân đầu tiên và nhạy cảm nhất đối với quá trình xã hội hoá cá nhân”1. Vì thế mà cách ứng xử của những thành viên trong gia đình như: ông bà, cha mẹ, chú bác... có ảnh hưởng rất lớn về những hành vi cư xử và nếp sống đạo đức của một đứa trẻ khi trưởng thành. Nếu một gia đình sống trong một môi trường lành mạnh và cha mẹ có một cách dạy dỗ con cái tốt thì thường tạo ra những đứa trẻ tốt cho xã hội sau này. Trong tác phẩm Giáo dục và Thời đại phát triển Văn hoá có viết rằng: “cuộc sống gia đình là một tấm gương phản chiếu, một bức thông điệp để lại cho người nối tiếp. Vì vậy mỗi cử chỉ, thái độ của cha mẹ quan trọng hơn lời nói rất nhiều lần2. Trong bất kỳ trong xã hội nào, nếu cha mẹ quá coi trọng đồng tiền và thường làm những chuyện phạm pháp thì con cái của họ cũng thế.

      2.XÃ HỘI HOÁ TRONG TRƯỜNG HỌC

Theo đà tiến hoá chung của nhân loại thì những kiến thức mà chúng ta học hỏi từ gia đình hay thông qua những phương tiện xã hội hoá không chính thức thì chưa đủ. Vì những kiến thức từ gia đình chỉ bó hẹp trong một phạm vi nhỏ không đủ đáp ứng cho nhu cầu xã hội hiện đại. Còn thông qua những phương tiện thông tin đại chúng thì cho ta một kiến thức khá chung chung, làm cho một người ở độ tuổi này khó ý thức được cái nào cần tiếp nhận và cái nào không nên tiếp nhận. Cho nên, việc đến trường là một điều không thể thiếu được cho tất cả mọi người trong giai đoạn này. Tại trường, ngoài những kiến thức chung được quy định bởi xã hội, chúng ta còn học rất nhiều điều tốt đẹp từ tác phong, đạo đức từ các thầy cô và cách hoà hợp cư xử với bạn bè.

           3. XÃ HỘI HOÁ TRONG MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI

Hoà nhập trong lòng xã hội là một quá trình không thể thiếu được trong quá trình phát triển của một con người. Trong giai đoạn này thì “các nhóm xã hội được thành lập một cách có ý thức vì những mục đích cụ thể nào đó ( nhà máy, tiểu đội, quân đội, các nhóm nghiên cứu ...)”3. Theo sự nghiên cứu của các nhà Xã hội học thì mỗi nhóm tuy thành lập với những mục đích khác nhau nhưng về việc tuân thủ quy tắc trong mỗi nhóm đặt ra là điều không thể thiếu được.

Tuy về mặt nghiên cứu, ta phân chia xã hội hoá thành ba giai đoạn cho mỗi lứa tuổi nhưng trên  thực tế thì các hoạt động của các giai đoạn này có sự hoạt động hỗ tương lẫn nhau, chớ không đơn giản như những nhà nghiên cứu đã làm.

          4. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁI TÔI

Theo Xã hội học, cái tôi được hình thành từ nhân cách của một con người, thông qua những kinh nghiệm của cuộc sống từ khi mới sinh ra cho đến lúc rời xa cuộc đời này. Trong đời  người thì cái tôi phát triển mạnh mẽ nhất là khi chúng ta ở vào giai đoạn là những đứa trẻ.

Trong quá trình phát triển cái tôi thì quá trình tự nhìn lại chính mình4 không kém phần quan trọng, vì có nhìn lại chính mình thì mới thấy những cái ưu và cái khuyết của mình mà từ đó có định hướng phát triển những ưu điểm và kịp thời khắc phục những khuyết điểm.

Còn Mead cho rằng, sự phát triển cái tôi như là “một sinh vật xã hội5, mà trong đó con người diễn thành nhiều vai trong từng giai đoạn xã hội khác nhau và có những phản ứng với những lời nhận xét chung quanh về mình.

Tóm lại, quá trình Xã hội hoá trong xã hội không thể thiếu được, vì có xã hội hoá thì con người mới phát triển, con người phát triển thì các mặt khác mới phát triển, vì con người là chủ nhân của xã hội. Trong quá trình xã hội hoá thì yếu tố giáo dục trong gia đình được coi là quan trọng nhất. Vì “ trong gia đình giữ được mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, dân chủ, bình đẳng đối với người cùng thế hệ, người dưới phải tôn kính người trên, người trên phải khiêm nhường độ lượng với người dưới. Luôn giữ bầu không khí đầm ấm vui tươi6. Gia đình như thế mới là bước nhảy tốt về nhân cách  cho một đứa trẻ thơ bước vào giáo dục học đường cũng như hoà nhập vào cuộc sống xã hội sau này.

II. ĐẠO ĐỨC HỌC TRONG PHẬT GIÁO QUA TỨ VÔ LƯỢNG TÂM VÀ NGŨ GIỚI...

Bên cạnh các giáo lý cơ bản như: Nhân sinh quan, Vũ trụ quan, Thế giới quan... thì Đạo đức quan là một phần trong quá trình truyền đưa giáo lý nhà Phật đến với mọi người với những tư tưởng giáo lý gần với cuộc sống đời thường như: Tứ vô lượng tâm, Ngũ giới, Nhân quả,...

1. TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Theo Phật học Phổ thông thì Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) là bốn loại tâm rộng lớn, thoát ra mọi phiền não của phàm phu, là tâm có một tình yêu thương rộng lớn bao trùm tất cả chúng sanh7 . Tâm từ bi giúp ta rộng vòng tay ôm trọn hết tất cả, không phân biệt là màu da, chủng tộc, tình thương chân thật bình đẳng đến với tất cả mọi người. Ở đây không phải nói niềm vui của thế gian không chân thật nhưng những niềm vui mà người thế gian ban tặng cho nhau thường mang theo vụ lợi, thường kèm theo sự tính toán có đầy dẫy sự tham, sân, tà kiến trong ấy. Trừ một thứ tình yêu không vụ lợi đó là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái.

Tâm từ sẽ nối liền mọi người lại với nhau8. Trong tâm lý học Phật giáo tính chất này được ví như là yếu tố nước, vì nước có tính lưu  nhuận dính liền lại với  nhau. Tâm chúng ta sẽ bị  cằn cỏi, nếu lúc nào chúng ta cũng mang trong mình một sự thù hận, một sự ganh ghét. Và tâm chúng ta sẽ tươi mát khi chúng ta có lòng yêu thương nhau. Đức Khổng phu tử có dạy: “Nhân dữ nhân tương ái” nghĩa là người và người phải có lòng yêu thương lẫn nhau. Vì chỉ có tình thương người thì mới hoá giải được các hận thù oan trái của cuộc đời. Vì thế mà trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:

“Kẻ thù càng muốn ta thua

Thắng thù ta quyết nên người đức cao.

Ngàn xưa cho đến ngàn sau

Tình thương ngăn đặng máu đào mà thôi”

Tâm hỷ xả dạy cho người ta biết tha thứ lỗi lầm cho nhau. Vì cuộc đời này dài lắm chỉ đến trăm năm là cùng, nếu trong lòng ta lúc nào cũng tự mang và chất chứa mối hận thù cao như núi, trong khi đó, người gây thù thì sống vui vẻ. Cho nên cách trả thù tốt nhất là hãy quên đi thù hận để có cuộc sống vui vẻ. Trong tác phẩm Luận về Nhân quả có dạy: “chúng ta muốn có tình thương yêu chan hoà với mọi người, muốn thế giới này không có hận thù, ganh ghét, hãy cẩn thận dè dặt về phán xét đối với bất cứ ai. Khi nào có sự khiêm hạ và dung hoà, lúc đó ta gần gũi với chân lý”9.

Tóm lại, Đạo đức học qua lăng kính Tứ Vô lượng tâm cho tất cả mọi người cái nhìn từ bi, bình đẳng, xoá bỏ hận thù bằng tình yêu thương với tất cả chúng sanh, mà quan trọng là tình người trong cách cư xử đời thường.

            2. NGŨ GIỚI

Ngũ giới là năm điều cấm mà Phật đã chế ra để ngăn ngừa những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm điều răn ấy là: không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu10. Tuy là giới cấm Phật chế ra cho người đệ tử tại gia, nhưng nó lại phù hợp cho tất cả mọi người trong xã hội dù có theo đạo hay không theo đạo. Vì giáo lý ngũ giới này mang đậm chất từ bi, bình đẳng, uy tín, hạnh phúc, trí tuệ... cho tất cả mọi người hành trì nó. Tại sao vậy? Vì:

- Nếu một người không sát sanh, không làm tổn thương sinh mạng của người của người khác thì trong cuộc sống hiện tại cũng như vị lai có một cuộc sống an bình, tâm hồn thư thái, giấc ngủ hiền hoà,... Còn nếu tất cả mọi người trên thế giới không sát sinh, thì thế giới được hoà bình, hạnh phúc, người thân không khóc tiễn nhau khi tuổi còn quá trẻ.

- Nếu một người không gian tham, trộm cướp thì chính bản thân người ấy thân tâm an ổn, không bị giam cầm tù tội, mà người khác cũng không bị đau khổ vì bị mất trộm. Còn trong một xã hội rộng lớn nếu không có kẻ gian tham, trộm cắp thì đêm ngủ không cần đóng cửa, nhà nước giảm bớt đi gánh nặng về chi phí cho việc giam giữ ...

- Nếu một người không tà dâm thì thân thể khoẻ mạnh, gia đình của mình và của người được hạnh phúc, tránh được những cảnh đau khổ, ly tán, tù tội,...  do thù hận, ghen tương tạo ra. Còn người có tà tâm với chồng người, vợ người thì kết quả cuối cùng là hạnh phúc tan vỡ khi mọi người biết được sự thật.

- Nếu một người không  nói dối thì được mọi người tin cậy, kính nể, không gây thù chuốc oán với ai, đi đến đâu cũng được mọi người tiếp đón bằng sự kính trọng. Còn về địa vị xã hội, người không nói sai sự thật thường được mọi người tín nhiệm giao cho những trọng trách quan trọng, việc làm thường được người khác ủng hộ.

- Người không uống rượu hoặc những loại men làm say sưa thì ít gây ra những lỗi lầm về xét đoán công việc, thân tâm ít bệnh, trí tuệ minh mẫn, không nóng giận vô cớ, được mọi người tín nhiệm,...

Tóm lại, năm giới cấm mà Phật chế ra mọi người trong xã hội đều có thể thực hành. Nếu chúng ta giữ được giới nào thì  sẽ được lợi ích về giới đó. Thậm chí nếu một người nào đó chỉ giữ nửa giới Phật chế ra thì cũng lợi ích rồi.

C. KẾT LUẬN

Quá trình xã hội hoá trong Xã hội học là một quá trình không thể thiếu được trong các giai đoạn phát triển của đời người. Nếu trong quá trình xã hội hoá mà ta có được những đường hướng giáo dục tốt thì sẽ đem lại một nhân tài cho đất nước sau này. Ngoài việc áp dụng những tiêu chuẩn cần và đủ về kiến thức xã hội, ta cũng cần giáo dục các em về mặt đạo đức tâm linh thông qua lời dạy của đức Phật, đức Chúa hay đức Khổng tử,... để cho đất nước chúng ta có một con người có đầy đủ tài năng và đức độ  phục vụ xã hội trong tương lai.

Minh Sĩ


(1)  Mai Quỳnh Nam (chủ biên), Gia đình trong tấm gương Xã Hội học, Nxb Khoa học Xã hội, 2004, tr 299.

(2)  Lê Thanh biên dịch, Giáo dục thời đại và Phát triển văn hoá, Nxb Thanh Niên, 2003, tr 13.

(3) Trần Thị Kim Xuyến (chủ biên), Nhập môn Xã hội học, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2005, tr 153.

(4) Trong  Phật giáo gọi quá trình này là “phản quang tự kỷ” tức là hãy coi lại chính mình

(5)  Trần Thị Kim Xuyến (chủ biên), Nhập môn Xã hội học, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2005, tr 161.

(6)  Bùi Đình Châu, Văn hoá gia đình, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002, tr 141.

(7) Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ thông, tập 1, Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1997, tr 158.

(8)  Nguyễn Duy Niên, Tứ Vô Lượng Tâm, Nxb Sinh Thức, tr 49.

(9)  Thích Chơn Quang, Luận về Nhân quả, Nxb Tôn giáo, Hà nội, 2001, tr 99.

(10)  Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ thông, tập 1, Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1997, tr 82.


SÁCH THAM KHẢO

1.       Bùi Đình Châu (biên soạn), Văn hoá Gia đình, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002.

2.       Trần Thị Kim Xuyến (chủ biên), Xã Hội học nhập môn, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2005.

3.       Lê Thanh (biên dịch), Giáo dục thời đại và Phát triển văn hoá, Nxb Thanh Niên, 2003.

4.       Mai Quỳnh Nam (chủ biên), Gia đình trong tấm gương Xã Hội học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.

5.       Thích Chơn Quang, Luận về Nhân quả, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001.

6.       Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, Thành hội Phật   giáo TP. HCM, 1997.

7.       Tâm Minh Lê Đình Thám, Phật học thường thức, Nxb Thuận Hoá, 1999.

8.       Thích Minh Thành, Luật học cơ bản, tập 1, 2, 3, 4, 5, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001.