Suốt những năm sau này tôi vẫn luôn mang theo nỗi tò mò về em, cũng mang một chút tiếc nuối rằng “giá như…”. Nhưng tôi luôn tâm niệm một điều: Hãy đối xử với người xung quanh như với chính thân nhân của mình trong tiền kiếp. Bởi cuộc đời ngắn ngủi lắm, chỉ một thoáng thôi là ai đó sẽ bay về trời, lúc ấy có muốn yêu thương cũng chẳng kịp nữa rồi.

viet cho em cho ngay theo gio bay ve troi

Vào lớp 10, ngay buổi học đầu tiên thầy giáo dạy văn tặng cho cả lớp chúng tôi mỗi người một bài thơ khác nhau in trên giấy A4. Tôi dốt văn nhất lớp, lại chẳng biết thơ thẩn thẩn thơ là gì, nên cứ nhắm mắt nhắm mũi chọn bừa một cái. Đến khi bước về chỗ tôi đã không dám tin vào mắt mình, bởi bài thơ rất tình cờ ấy lại chính là tiếng lòng thầm kín mà tôi chưa một lần thổ lộ với ai.

Ở nhà tôi là con một, hồi bé mọi người vẫn gọi đùa tôi là “quý tử”, là “cậu ấm sứt vòi”. Nhưng ít ai biết rằng, tôi còn có một người em gái song sinh, chỉ có điều, em đã theo cơn gió bay về trời…

Mẹ kể rằng, hồi mang bầu anh em tôi, mẹ đã có một giấc mơ rất lạ. Mẹ thấy mình đang ngồi giữa chợ, bên cạnh là cái thúng được đậy kín bằng một chiếc nón lá. Mẹ tò mò mở thúng ra, thấy bên trong là hai đứa trẻ bụ bẫm xinh như thiên thần. Cứ như thế, mẹ ngồi ngắm hai thiên thần bé nhỏ hồi lâu, cho đến khi một cụ già có bộ râu đen dài chấm thắt lưng bước tới. Cụ hỏi mẹ rằng, chị cho lão chứ? Mẹ tưởng cụ xin vài đồng lẻ, nhưng nhìn vào trong túi thì thấy không còn đồng nào cả, chỉ có mỗi nắm cơm với vài hạt muối vừng. Nhưng cụ lắc đầu không nhận, mà chỉ tay vào cái thúng rồi nói: “Lão cần là cần đứa nhỏ này này”. Nói rồi cụ già bế lấy một đứa nhỏ, rồi mẹ bàng hoàng tỉnh giấc.

Chẳng bao lâu sau hai anh em tôi chào đời. Tôi ra trước nhưng lại là đứa nhỏ thó, yếu ớt, và nước da xin xỉn. Còn em gái tôi thì trắng hồng nõn nà, lại nhinh nhỉnh bụ bẫm hơn một chút. Mẹ kể rằng, hai chúng bây cùng từ bụng mẹ chui ra, nhưng con thì quấy lắm, đêm nào cũng bắt mẹ phải thức dậy hai, ba lần. Chẳng bù cho em con cứ ngủ một mạch từ tối đến tận sáng hôm sau. Con bé ngoan là thế, vậy mà ông trời nỡ bắt nó ra đi…

Em ra đi khi mới tròn tuần tuổi. Cũng chưa có tên gọi đàng hoàng, cả nhà vẫn chỉ tạm gọi là “con Tép” với “thằng Tôm”. Mẹ khóc hết nước mắt, cũng vì cú sốc ấy mà sau đó mẹ tôi mất sữa, có làm cách nào cũng không hồi lại được. Giờ chỉ còn mình tôi, mẹ thẫn thờ ôm tôi vào lòng, còn ông nội thì lặng lẽ đưa em ra đồng, giữa màn đêm tịch mịch.

Dạo ấy nhà tôi vẫn còn ở cuối làng, gần nhà có lẽ chỉ cách chừng trăm mét là cái bãi tha ma, nằm ngay bên cạnh con đường đất dẫn ra đồng. Len lỏi giữa những nấm mồ thấp lè tè là cỏ hoang mọc đầy, có cả khóm cây ngái sum suê đầy trái chín, nhưng nó cao và âm u một cách kỳ bí đến nỗi mãi sau này, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi không bao giờ dám bén mảng tới. Dưới những gốc cây ấy, những lùm cỏ ấy, có lẽ có một ngôi mộ vô danh mà em tôi nằm tại đó. Ấy là tôi đoán vậy thôi, chứ mẹ không nói, ông cũng không bao giờ nói, bởi cái tục lệ trong làng bao đời nay là thế. Mẹ giải thích rằng, các cụ vẫn nói trẻ nhỏ mà chết đi thì sẽ sớm được đầu thai, do đó người ta không thổi kèn rước đám, cũng không thờ, không cúng, và không bao giờ làm giỗ là vì thế.

Nỗi đau mất em giống như cơn gió, chỉ một thoáng là qua đi, mặc dầu sau đó ba mẹ tôi không còn sinh thêm đứa con nào khác. Nhưng từ khi được biết về em, tôi luôn thấy một dư âm nào đó rất khó diễn tả thành lời. Tôi tin lời mẹ nói, rằng em sẽ sớm đầu thai sang một kiếp sống khác. Rất có thể em đã trở thành cái Tí nhà ông Năm, hồi nhỏ sang nhà tôi chơi nó vẫn thường đòi tôi bế, rồi tè dầm lên người tôi lúc nào chẳng biết. Hoặc em đã trở thành cu Bầu con bác Tào, còi dí còi din lại hay quấy khóc, ngoài bố mẹ nó ra thì ai nó cũng không theo, nhưng lại ngoan ngoãn một cách kỳ lạ mỗi khi tôi có mặt. Hoặc cũng có thể em là một gương mặt vô danh nào đó mà tôi chỉ gặp thoáng qua trên đường, nhưng lại nở với tôi một nụ cười thân thiết…

Suốt những năm sau này tôi vẫn luôn mang theo nỗi tò mò về em, cũng mang một chút tiếc nuối rằng “giá như…”. Nhưng tôi vẫn tâm niệm một điều, nếu như luân hồi là có thật, thì nhất định một ngày nào đó em sẽ trở về và sống giữa những người bên cạnh tôi. Dẫu em có đóng vai một người thân thích hay xa lạ đi chăng nữa, thì như lời ông tôi vẫn nói, rằng con hãy học cách yêu thương tất cả, rằng cuộc đời này ngắn ngủi lắm, chỉ một thoáng thôi là ai đó sẽ bay về trời, lúc ấy có muốn yêu thương cũng chẳng kịp nữa rồi.

Ngày hôm nay ngôi làng tôi đã khang trang đổi khác, những tường đất nhà ngói biến thành bao toà biệt thự tráng lệ, những con đường nhoen nhoét đất nay đã thành bê tông và luôn ngập úng mỗi khi mưa về, những thửa ruộng xanh ri nay nhường chỗ cho khu chung cư cao vút tận mây xanh… Nhưng bãi tha ma nơi cuối làng thì vẫn vậy, chẳng ai dám động đến, cũng chẳng ai dám di dời. Và em tôi, thân xác dẫu đã tan vào đất, thì linh hồn kia vẫn cứ sống mãi giữa cuộc đời…
Tôi lần giở lại bài thơ “Cánh đồng” của Nguyễn Vân Phúc, khẽ vuốt lên trang giấy đã hoen màu thời gian.

Cánh đồng (Nguyễn Vân Phúc)

Em gái tôi khi vừa được đặt tên
Mẹ tôi lấy nước mắt rửa vết sữa cuối cùng còn sót lại trên đôi môi nhỏ
Rồi đặt em vào trong lòng chiếu,
Và gói lại.
Cha tôi trầm trầm thắp lên bàn thờ một nén nhang
Để ghi nhớ sự hiện diện của em

Rồi ôm em ra khỏi làng
Trong chiều mờ sương mùa đông
Đào xuống một hố đất nhỏ
Và dâng tặng em cho cánh đồng.

Cánh đồng đã đón nhận em vào lòng
Đón nhận những giọt máu lạnh, hơi thở vừa dứt
Rồi cha tôi lặng lẽ trở về
Không để lại dấu tích hình mộ.

Trong cả dòng họ, chỉ riêng cha tôi là người biết được nơi cất giấu em.
Năm tháng trôi qua,
Tên gọi của em bị lãng quên
Gương mặt em cũng không còn ai nhớ
Lẫn vào nhiều gương mặt khác vừa được sinh ra kém em nhiều tuổi.

Mùa thu.
Tôi dắt bò ra thả ở cánh đồng
Nhìn thấy cây dương liễu có hình người con gái
Nếu còn được thở, năm nay em gái tôi mười lăm tuổi,
Tóc em xõa ngang lưng, cổ đeo hạt cườm.

Tôi vác cày ra cày miên man ở cánh đồng
Không thể tìm được nơi nào em tôi đang ngủ
Tôi chỉ thấy những rễ lúa có hình của những mạch máu trồi lên
Và tiếng bong bóng sủi dưới chân tôi như hơi thở nhẹ
Những hạt sương đậu trên bờ cỏ rưng rưng giọt lệ.

Năm nay em gái tôi mười lăm tuổi,
Nếu còn được sống, em sẽ có giọng nói dịu dàng với khuôn mặt đẹp xinh.

Bài viết: "Viết cho em, cho ngày theo gió bay về trời"
Tâm Minh/ Vườn hoa Phật giáo