Y Bát chơn truyền

Y Bát là mảnh áo chén cơm.

Sao gọi là y bát chơn truyền?

Bởi Đạo Phật là đạo Khất Sĩ du tăng, con đường của bậc giác ngộ, đi theo con đường ấy là đến với chân lý của vũ trụ, để đạt mục đích Niết Bàn, Khất Sĩ y bát là bậc thượng trí, sau sự học của lớp thế gian. Kẻ du học ấy phải đi xin ăn,  mặc một bộ áo ba manh, và một cái chén đựng đồ ăn, để nhẹ mình lo tu học, và đi khắp xứ.

Muốn vào hàng Khất Sĩ phải có chơn sư truyền dạy; bằng chẳng vậy sẽ ra người khất cái kẻ ăn mày đê tiện, tội lỗi, mà chúng ta lại khinh khi. Nếu quả là một Khất Sĩ có chơn truyền đúng phép, mới xứng đáng là một đệ tử của Phật sẽ tới địa vị Phật, ai ai cũng sùng tôn lễ bái, khắp cả trời người, ít ai làm theo được, nên phải giúp công hộ tiếp cúng dường. Thế nên từ xưa đến nay kẻ nào được chơn sư xét xem, chọn lựa, trên hai năm kỹ lưỡng, đủ thiện căn, phúc đức, nhân duyên, mới chịu dạy truyền cho giáo lý y bát ấy, để tách khỏi xa thầy, một mình đi ra tu học thành công. Thế nên sự được ban truyền y bát, rất kỹ lưỡng, khó khăn, và kẻ nào thọ lãnh được là vinh hạnh lắm, rồi sẽ nối chí giống hệt tổ thầy, nối truyền chơn đạo, nên khắp trời người đều uy tín hy vọng cho kẻ đó sẽ đắc đạo buổi tương lai vậy. Vả lại con đường Phật giáo rất cao viễn, như tận trên chót núi cao xa, người mà không cẩn thận, ắt sa xuống hố thẳm sâu địa ngục nên sự hành đạo là một còn một mất, một thắng một bại, một Phật một ma, nếu phải Khất Sĩ là ở Niết Bàn, bằng ra khất cái là conwts đói trong địa ngục. Vậy nên y bát chơn truyền, xưa nay là giáo lý riêng đặc sắc của thầy tổ trao dạy, một thầy chỉ một trò thôi. Quý báu vô cùng nhờ vậy đạo Phật mới được nâng cao, và mãi mãi bền dài không dứt tuyệt.

- Sự công dụng của áo bát ra sao?.

- Bởi khất cái với Khất Sĩ cũng tương tự in nhau, vì kẻ gian manh muốn sắm áo bát bao nhiêu cũng được. Vậy nên người Khất Sĩ phải là có thật học, phải có đủ đúc hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất Sĩ. Giá trị của Khất Sĩ với khất cái khác nhau rất xa, một trời một vực, kẻ khất cái tàn tật mới đi xin, tham sân si tội ác chẳng tiêu trừ. Mà trái lại Khất Sĩ là kẻ thông minh trí thức, hiền lương mạnh khỏe, mà lại  đi ăn xin nuôi sống, mới là sự chướng ngại xốn mắt kẻ thế gian, là việc làm mà ít ai thấu hiểu, bởi quá cao thâm, vậy nên Khất Sĩ phải có đức tính hơn người, thấy chắc kết quả, mới dám đứng ra thực hành, và còn làm cho thế gian kỉnh trọng, chẳng dám khinh khi đạo Phật. Đạo Phật xưa nay ai cũng kỳ lạ, thì ít ra tăng chúng cũng phải là người kỳ lạ, mới được kết quả kỳ lạ ấy! Tuy nói thế chớ thật ra đạo Phật, con đường của bậc giác ngộ là đúng phải, chớ có đâu kỳ lạ; mà chúng sanh thì đã quen ở trong kỳ lạ mãi mãi lâu ngày, nên hầu như là mới vừa thấy gặp, cho là khác trong giây lát. Vậy nên Phật có dạy: Đạo là thường vui, và có ta, còn thế gian là vô thường, khổ não, không ta là bởi nơi kỳ hay mới lạ của say xưa vấp té lội sình kia đó.

Xưa kia cổ nhân mặc vỏ lá cây, mảnh manh lá miếng, chắng có tay ống áo quần may vá, dưới cái chăn trên tấm choàng, khi đi đâu thì phủ thêm một tấm choàng vấn lớn từ trên tới dưới, đêm đến lấy đó làm mền, nên được thanh thản, rảnh rang không điều phiền phức không có cất giữ dư, để dành cho trộm cắp; khi rách mất thì mới sắm thêm cái khác, bỏ ra cái cũ, lúc nào cũng mặc một bộ trong mình, không làm tôi tớ cho áo quần dư dả. Muốn đi đâu, ở đâu, lúc nào, vào lúc nào cũng được, không điều chi nán lại. Cũng như rễ dính liền với cỏ, như lông da thú dính sát với thịt xương, cho nên lúc nào cũng rảnh chí thanh nhàn ung dung khoái lạc. Thân như vỏ trái chín mùi đen xấu, mà tâm trí bên trong lại cứng chắc ngon thơm.

Trẻ nhỏ mới sanh, cha mẹ lót cho miếng tã, khăn choàng vải đậy, cũng là bộ tam y như người xưa, ông già khi sắp chết khi bệnh đau, cũng phải chỉ mặc chăn, vải choàng và mền đắp, tam y như trẻ nhỏ. Đến chết tắm rửa, liệm đem theo cũng tam y đó vậy. Người Khất sĩ mặc tam y, để dứt trừ tham vọng, ngăn ngừa kẻ ác, đoạn diệt phiền não, trong tâm trong sạch, nên gọi là y thanh tịnh. Cũng gọi là y giải thoát, áo rảnh rang, hay là y trẻ nhỏ, áo ông già, y cổ nhân, áo người trí, y kẻ chơn như....

Xưa giống loài người sống ở Hy Mã Lạp Sơn trung ương Ấn Độ mặc khố choàng, lần lần tản mác sang phương tây xứ lạnh, mới sắm mặc bố bô dầy nóng, tập làm máy móc công nghệ, mới may thêm có nút, có ống, có tay cho lanh gọn; Về sau phương đông tập nhiễm sắm áo quần, lại còn lại chế ra mỏng manh chơn láng tuỳ theo mùa nóng lạnh, cho đến ngày nay, không còn cái mặc che thân đậy bịnh, mà lại chau chuốt se sua, phô bày bóng dáng, nay vầy mai khác, thay đổi vô thường, khổ não vì quần áo, và cũng chưa biết được cái ta đã định, của ta là thứ cách kiểu màu nào chắc chắn, thả cho cái ý buông lung lựa chọn, hành ma tác quái, biến thuật nhiệm mầu, xúi kẻ gian tham, xúi người bày sanh giặc già. Cũng có kẻ  sau khi hưu trí sau buổi làm việc trút hơi thở dài, bằng sự cởi bỏ quần áo vận khăn đóng khố, vai vắt khăn lau, đi tắm dưới sông hay trong phòng kín, lấy làm sung sướng, mát mẻ thoải mái, khoẻ khoắn, say sưa với cái hay hay của sự rảnh rang sau cơn khổ nhọc. Trong lúc ấy có kẻ lại sợ áo quần, khổ sở và ao ước sự thong thả mà mặc chăn đơn, chán nhàm với áo quần lao lực, ghê tởm những y phục se sua; sợ sệt cho cái tham sân si dối giả, của đời ác trược ở nơi quần áo. Có người lại ao ước mặc chơn thật, cái mặc có ta, cái mặc thường bền, cái mặc yên vui, của người khất sĩ, muốn trở lại thanh nhàn nương theo lẽ phải, để tìm lo tu học, mà đã lỡ bước vướng chơn rồi, khó bề lui tới, thật là rất thương hại cho dùm.

Con người cũng vì sự mặc lành tốt, miếng ăn ngon, chỗ ở đẹp, thuốc ngọt thơm mà phải chịu chết với nhau, kéo nhau vào hố độc thụt lùi vào hang tối, dầu biết đó là chỗ chết, chỗ tiêu diệt, khổ điên cuồng nhưng bởi sự lôi cuốn rủ ren, sự đua chen, cám dỗ, bởi chớn nặng té ngã của số đông người, nên kẻ yếu sức khó bề đứng gượng, cũng phải chịu sự xô nhào chúi nhủi như ai, thật đáng thương thay! Thế thì cái mặc áo vá bô dày, lượm xin vải bỏ, đâu lại chầm khướu, màu dơ nám xấu, cùng với sự ăn xin rau trái trộn lộn, chỗ ở cóc lều, hang bọng, thuốc uống cỏ cây, của người khất sĩ giác ngộ kia, chẳng là sự duy trì phong hóa, cải sửa cuộc đời, thức tỉnh cho người, chỉ đường nẻo sống, dắt đến chỗ yên vui, chống ngăn cơn sập đổ, cứu vớt biết bao người, ích lợi biết bao nhiêu, và có gì khó hiểu.

Cho đến miếng ăn của người khất sĩ, cũng y như vậy, cổ nhân xưa ít quen ăn lạm sạm, ở không, ngày một bữa cũng đủ no lòng, xin nơi rau trái, ở nơi vườn rừng, khi vào xóm dạy đạo cho người, không phút rảnh rang nên phải đi xin nơi người dư giả, xin của học trò, xin nơi người từ thiện, xin chén cơm dư thừa thải của kẻ tối tăm, cái xin tốt đẹp nơi người cho, xin để kết duyên bạn đạo, xin để giáo đạo, cảm hóa, nhắc nhở tâm người cho họ nhớ lại thuở ngày xưa.

Khất sĩ giống như người chết ông già, hay trẻ nhỏ mới sanh, hoặc như người bệnh, giống kẻ cổ nhân, in như người đi du lịch; nào khác kẻ dạo đồng, tắm biển, hứng mát bờ sông, đi đâu chỉ đem theo một cái chén to bằng đất, để đựng đồ ăn là đủ. Vừa là để tránh sự bối rối thiếu hụt tay không, khi đến bữa vừa là gọn tiện một cái chén đủ đựng chung ăn trộn, để khi vào bụng rồi nó cũng lộn xộn in nhau. Một cái chén to, một chai nước uống, một muỗng múc đồ ăn, đủ làm của cải theo mình đi đây đó, trọn đời không ai lo cất giữ. Áo vá nạp rách tháo ra, vá may lại nhiều miếng, dầu có kêu cho cũng không ai lấy. Bát đất như nồi thố đen thui, quên bỏ chẳng ai giành, bán chẳng ai mua, nài không ai nhận. Cũng như thân mình chết bỏ, vật tạm chẳng tiếc ham; khi rách bể, xin nơi giàu nghèo ai ai đều sẵn có; trộm cắp chẳng rình mò, nằm đem không lo sợ, thong thản rất thanh nhàn. Muốn nhập định lúc nào cũng được, muốn chết lúc nào cũng an, học gẫm điều chi không xáo trộn, bằng mất hết cũng không nhìn. Một hột gạo cũng không, một đồng xu không có, chẳng cất giành đem món ăn chi, không một miếng vải dư, giờ trưa xin đủ ăn, có dư thì bố thí, đặng để thì giờ nuôi trí.

Điều quý nhất của người khất sĩ, là sự giữ gìn giới luật:

1. Không sát sanh (người thú cây to).

2. Không trộm cắp (của người thú cây to).

3. Không dâm dục (với người thú cây to) (thọ thần).

4.Không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi.

5. Không uống rượu, say mê, sân giận tham lam.

6. Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chỗ xinh đẹp như ngôi vua.

7. Không nghe xem hát múa đờn kèn, chỗ đông vui, yến tiệc như quan lại.

8. Không chưng diện phấn son, dầu hoa, áo quần tươi tốt như kẻ sang giàu.

9. Không ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai, ăn chay nuôi trí huệ.

10. Không rớ tới tiền bạc vàng của quý đồ trang sức, Để tập tâm chơn.

Lần giữ oai nghi hạnh kiểm 250 điều, cử chỉ đoan trang, nết na đằm thắm, không chung lộn với kẻ vạy tà. Nơi cốc am, ngoài đường xá, vào xóm, nơi rừng, đi đứng nằm ngồi, ăn mặc nói làm, thức ngủ sống chết, thân tâm trí tánh, thảy ôn hòa nhã nhặn, từ bi trống rỗng.. Sống với chúng sanh chung, bình đẳng không trói buộc, hỷ xả chẳng câu hiềm. Tâm thì nhập định vắng êm, trí năng soi ra cắt đứt điều ô nhiễm. Chỉ lo tập tánh chơn như, hằng ngày lòng không vướng mắc, chẳng buộc ràng, không hơn thua bằng ai cả thảy. Ai có duyên đến hỏi thì chỉ dạy nói vài lời, không việc thì nghỉ yên, không tìm vọng động ác quấy, khoẻ khoắn biết là bao. Ấy cũng nhờ y theo nơi chơn lý Chánh pháp của vũ trụ: Là sự ăn mặc ở bịnh chẳng lo, mới được yên vui như vậy. Ăn phải đi xin, mặc áo vải vá, chỗ ở lều lá, gốc cây, bệnh không tự lo tìm thuốc uống. Nếu là ta sống có lợi ích cho người, thì người khác họ cũng sẽ sống có ích lợi lại cho ta, y theo lẽ tiến hoá, chẳng bảo cho ai tự lo lấy mình, và không để cho ai có lòng tư kỷ. Mà nào sái đạo luật, thì phải bị phạt răn khổ sở thất bại đau sầu.

Giá trị của người khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý, phải cho trọn lành trong sạch, do nhờ đời trước có tu hiền, phải là người có tu tập bố thí phước lành không bỏn xẻn, phải là người có nhơn đức biết thương yêu giúp đỡ chúng sanh, không tham sân si tật đố ích kỷ tự cao, phải là người trước có nhơn duyên gặp Phật nghe pháp gần tăng, tập giữ giới hạnh, hoặc đã theo hầu thầy được dạy dỗ. Người khất sĩ phải có đủ điều kiện của một người học trò không dính dấp vợ con, cửa nhà, bịnh hoạn, thiếu nợ, tà ma nhập xác, hoặc kẻ trốn tránh, tội lỗi chi chi, phải trên mười tám tuổi, phải hiền hậu, thông minh, có nết hạnh.

Đời khất sĩ phải là khổ cực không không, xem mình đã chết, chỉ sống bằng tâm hồn, nơi cõi này cũng như nơi cõi khác, năm này cũng như những tháng kia, chỉ biết một việc lo tu học, cho mau tấn tới mà thôi.

Những ai mới vào tập sự, coi khá thì cho mặc y bát tạm một thời gian, hoặc từ hai năm, nếu được thì cho nhập đạo, bằng xem xát không được thì cho trở ra về thế. Vì sự lựa chọn kỹ lưỡng bậc hiền đức siêu nhân, cho nên đạo Khất Sĩ y bát tuy ít, mà lại rất cao, người tội lỗi khó bước lên, kẻ tự cao khó bước xuống, trong đó thảy thuần thục như nhau, sự tà ác vô minh khổ não không sao có được, nên mới gọi giáo hội tăng già, là cõi Niết bàn hữu dư trên mặt đất hiện tại. Mà không xã hội, gia đình nào, ví sánh sự hoà hợp yên vui của đạo cho kịp. Cho nên đạo là trên trước quý báu hơn hết trong đời. Giáo lý y bát không phải dễ, không phải tự ai muốn bước ra hành là được, nếu kẻ bắt chước, ham vui hoặc không thông chơn lý, chẳng có giới hạnh, không hiểu chánh pháp, chẳng biết cách học tu, không rõ sự quý giá của muôn đời, chẳng nếm được mùi vị Niết Bàn đạo lý, thì khó mà thật hành, khó mà chắc chắn bền dài, khó mà giữ hạnh đắc đạo, và nhất là sẽ bị ma vương phá đổ, chư thiên xô đùa, nhơn loài bắt tội, thú dữ hại thân, chớ dễ gì đủ can đảm diệt lòng tự trọng, để đứng ra đi xin ăn, bữa no bữa đói, thấp thỏi ăn mày cho chúng khi ngạo chửi la, làm kẻ tội nhơn bị sa thải mặc áo tù, đầu cạo trọc, xấu hổ hơn kẻ tật nguyền. Bởi vậy cho nên từ xưa đến nay, đứng ra dẫn đầu lập đạo, thì chỉ có Như lai Bồ tát, bậc Chánh đẳng Chánh giác, đại hùng đại lực, đại từ bi hỷ xả, mới thật hành được. Và từ sau đó, tăng đồ nương theo nẽo sẵn mới dễ dàng đi. Chớ bậc vua trời người, tuy cũng hiểu thông lẽ ấy, mà ngán sợ nỗi thi hành lâu năm nhiều tháng, chán nản rớt rơi, té nặng.

Thật vậy đạo khất sĩ y bát nguy hiểm lắm, khất sĩ cũng như người tướng xông pha vào dinh giặc nghịch, chỉ có kẻ đã đắn đo xét kỹ, mới giám gan bạo liều mình bước vào quảy bát mang y, chịu khổ sở hơn người bệnh tật. Ấy vì giáo lý quá cao siêu, như mũi dao xoay ngược nguồn đời cắt đứt tung lưới sắt, đập bể chuồng lồng của thế gian địa ngục, để cứu người, thì trách sao ai nấy chẳng vì cảnh quen chá mắt, mê muội hiểu lầm, mà chém đâm đánh giết, đập phá hoại đạo, lật đổ, đả đảo lăng xăng. Dầu ta có lòng thương vì họ, muốn lập đạo cứu đời, mà mắc phải chúng sanh mà nỡ đi thù nghịch trở lại hại ta, khiến nên sự lo chống đỡ mệt nhọc nguy hiểm, gay go khó bề giữ vững, vì thế mà lắm nhà sư y bát thối chí ngã lòng, hoặc tức giận chúng sanh, mà quay lui bỏ sụi. Sự khổ cực bền gan ấy cũng như kẻ đầu tiên mở lối chông gai nơi rừng rậm, như sự thương người mà giải cứu mà tất cả trở lại trả ơn bằng lòng tốt ấy, bằng cách đáp oán gây thù, ta phải chịu chúng gây giết hại, vì chúng đã mắc phải bùa độc sảng mê, nên trở làm quyến thuộc ma vương chướng ngại. Vậy nếu không phải lòng từ bi trí tuệ sáng suốt dũng mãnh như Phật, dễ gì thắng giặc ma vương cứu tử cháu con, bắt đem về giác tỉnh, để lập thành nền đạo vững chắc trong đời. Ấy cũng bởi đạo quá cao thâm, vì đời thương giải cứu, như chúng sanh đâu rõ cho là kẻ đi nghịch phá nhà họ, nên lo chống báng, khiến kẻ hành đạo thật rất gian nan. Nhưng cũng nhờ có sự gay go ấy, nên mới ít người Khất Sĩ, mà kẻ nào được bất thối vô sanh tức thì nên đạo. Đó cũng tức là trường thi, nơi sàng lựa chớ  không phải là Niết Bàn, là cảnh dễ đến cho số đông người chưa tắm sạch, mà được hưởng quả yên vui. Nhứt là với kẻ thân miệng ý chằng hay ngừng và những người trẻ con xao xuyến, thì chẳng bao giờ có được cái vui hay của bậc ông già hưu trí nín nghỉ ấy được.

Đó là về sự y bát, còn giáo lý y bát chơn truyền nghĩa rằng: Y là Pháp, Bát là Đạo. Tức là đạo pháp đường chơn truyền dạy, có y bát mới có chơn như. Luật pháp cũng như manh áo che tâm, sự đi sưu tầm gom góp kinh luật luận, cũng như lượm miếng vải đâu kết lại, cho thành kho tạng. Xưa kia Đức Huệ Năng xin chủ đất một lỏm đất đặng trải y, khi ban y pháp lý banh trải, hoằng dương, truyền bá ra, bằng sự nói pháp, thâu nhận đệ tử mở khai  chánh giáo, có đến số muôn người, cho nên chật bít cả miếng vườn to, Tăng chúng ở còn nhiều chỗ mà áo pháp vẫn còn chưa mở ban ra hết. Áo đây tứa là Pháp Bảo, giáo lý để dạy che pháp thân là: Kinh luật luận, cũng là thân đạo, thân của Phật, tức là chơn thân, thân to lớn. Áo của nhà sư cũng như giáp sắt nhờ mặc nó vào, đi xong pha khắp cùng thế giới, đến đâu cũng được, tà ma ác thú thần quỷ chẳng khá lại gần, nhờ mặc nó mà nhẹ bay trôi khắp cùng thiên hạ, che cả thân tâm, và đùm bọc cho biết bao kẻ khác. Mỗi miếng vải vá, nhà sư xem như một điều luật, một câu pháp, một bài kinh. Mặc nó vào tâm hồn yên vui thơ thới, nhờ thanh bần đơn giản, mới sống mãi lâu đời, tâm hồn sẽ được giàu sang vô tận.

Áo ấy trời người khó mặc, mặc mà hành không đúng, ắt phải hoạ tai. Áo vá ngăn ranh như  ruộng đất ý nghĩa nó là ruộng phước cho chúng sanh, hễ ai tìm gặp là mau nên lựa giống, đặt gieo trồng, áo ấy cũng gọi là y, y nguyên chơn thật cội nguồn không sửa đổi y như người xưa ông già, trẻ nhỏ, kẻ chết, cổ nhân, y như người rảnh rang không vọng động. Cũng gọi đúng y chơn lý, y như luật tiến hóa mặc nó vào, cuộc đời đã định, muôn kiếp chẳng đổi dời bao giờ cũng vẫn y nhiên như nguyên. Áo vá mà lành, có nghĩa là pháp thiện lành, gom cả chúng sanh khắp nơi chung hiệp, kết liền làm một cái thể lành để che thân tạm, mà nuôi tâm trí, ấy là giáo lý chúng sanh chung, bình đẳng hiệp hòa trọn lành kín đáo, chẳng để rách, thiếu trống hở trần tâm. Cũng gọi là áo chơn như không vọng động. cũng gọi là áo lành không rách, là thiện lành sống chung không ác hung chia rẽ. Cũng là áo giải thoát khổ, hay gọi giáo lý yên vui. Cái y mặc mặc, vắng lặng y như vũ trụ.

Còn cái bát là thể của bát chánh đạo, đạo bát chánh là y như bầu đựng cơm, đạo như bầu vũ trụ, tâm chúng sanh như cơm đồ ăn chứa mang vào trong đó. Bầu đạo đức để rộng chứa quần sanh, hay là lòng từ bi của chư Phật hằng ôm giữ. Khi xưa Đức Phật Thích Ca liệng bát xuống sông Ni Liên, bát nổi trôi ngược một khoảng xa rồi chìm xuống đụng khua cùng bát chư Phật quá khứ, kêu nghe rổn rảng, có nghĩa là: Ngài thả đạo Ngài xuống chốn sông mê, nổi lên trên cao ráo, trôi ngược trào lưu, qua trên bốn chục năm đi dạy đạo Ngài mới đứng lại, và Ngài ngưng nghỉ vào Niết Bàn, hiệp cùng chư Phật quá khứ, thì tiếng đạo lại vang dội lan tràn, khắp nơi túa rộng.

Chính đạo Phật là đạo bát chánh, là đạo Khất Sĩ mới có bát y, là con đường đến Niết-bàn kêu là đại đạo, đường đi ngay thẳng chỗ chứa tâm người. Trong trần thế này chỉ có đạo ăn xin là đến nơi rốt ráo, là con đường đi tắt, mau đến chỗ thành công. Dầu là hạng bậc nào, mục đích gì, mà kẻ thật hành kiên tâm trì chí nhẫn nhục khổ công, xin ăn khó nhọc, lúc buổi ban đầu, thì đến sau cùng sẽ được thành công đắc đạo, hưởng quả trên người; vì là càng khổ nhọc sẽ là càng vui sướng, làm trước hưởng sau, nhơn quả vốn không sai chạy, vậy thì những ai:

Muốn làm vua, trước cũng phải đi xin ăn, dồi đức.

Muốn làm quan, trước cũng phải đi xin ăn, học hành

Muốn được giàu sang, trước cũng phải đi xin ăn, tu phước.

Muốn học sĩ, nông, công, thương,trước cũng phải đi xin ăn đặng trau tài.

chu_tang_khat_thuc_2.jpg

Trong đời hạng bậc nào trước chẳng có đi xin ăn khổ nhọc, thì ngày sau khó được nên công phú quý. Đó là đi xin ăn nhịn chịu thiệt thòi một lúc, để tích trữ phước dư, đặng ngày sau ngồi không an hưởng, mà còn phải đi xin thay. Huống hồ giáo lý y bát, Niết-bàn, là sự không tiêu xài phước đức, mãi tích trữ thêm hoài không lấy bớt, mười phần thêm chỉ hưởng bớt ra ba, còn bao nhiêu chia sớt bố thí lại cho chúng sanh,kết duyên làm quyến thuộc cho thêm nảy nở, tự mình đi xin mãi mãi, vật chất miễn đủ dùng nuôi thân mỗi ngày, còn tinh thần công dư vạn bội, hưởng sự hạnh phúc nơi thân tâm trí bền bỉ, há chẳng đáng quý hay sao? Vậy ta nên nhớ rằng: muốn không công mà trông mong hưởng mãi, là nguồn gốc của sự thất bại.

Bởi vậy cho nên, những ai khi đã bước chân vào đường y bát, dầu thiếu trí tuệ ở Niết-bàn, thì cũng hưởng phước lạc của thiên đường, bằng không được thiền định, chỉ có điều trì giới thì cũng được làm bậc người trên trước, nhờ sự giữ giới của y bát mà tránh khỏi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, bốn đường ác đạo. Như vậy là oai lực của y bát rất thần thông mạnh mẽ linh diệu đó. Giáo lý y bát không còn có nương theo văn tự, lời nói, việc làm, người khất sĩ chỉ có ba pháp tu vắt tắt là: Giới, Định, Huệ. Bởi giữ giới y bát là giải thoát mọi điều trói buộc, phiền não ô nhiễm rồi, nên thường được thong thả, rảnh rang, ở trong cái thật, cái không sao động, chỉ còn có nhập định và tham thiền, tức là vừa tìm học trong trí não, vừa để tâm yên lặng đứng ngừng. Gọi là tâm nghỉ ngơi, và trí làm việc, khỏe làm, mệt nghỉ. Khi trí làm thì năng sanh huệ, lúc tâm nghỉ thì phát thần thông. Cho nên quả linh và đạo lý tiến triển nhiệm mầu, mà người Khất Sĩ thì không có phúc não lêu lổng. Nhưng đối với sự làm việc định huệ ấy, không có tướng hình chi cả, nên xem bề ngoài như kẻ ở không. Vậy thì giới luật là y bát, là Khất Sĩ. Khất Sĩ là định huệ. Nếu Khất Sĩ không có tu về định huệ dầu mà có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là Khất Sĩ, vì chữ sĩ đây là học đạo với quả linh, bằng pháp tu định huệ. Tu tức là học, hay học tức là tu, bởi tại hành mà dạy sanh ra học. Tu học định huệ là do giới y bát Khất Sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất Sĩ, đủ gồm cả giới, định, huệ. Có giới hạnh mới được làm khất sĩ, nên trước khi vào đạo cũng phải học giới và tu tập cho thuần. Chỉ có giới luật là bằng văn tự bằng sự học nơi bề ngoài tiếng tăm hình sắc mà thôi. Bởi vậy cho nên từ xưa đệ tử Phật quá đông, lắm kẻ không hay gặp nghe giảng dạy, chỉ  được có điều giữ giới, hành theo tứ y pháp của y bát, sống thanh khiết về ăn, mặc, ở bịnh, như vậy là được ở trong cảnh thật rồi; lần hồi suy nghiệm tìm hiểu nơi giáo lý của mình, và mãi lo tịnh dưỡng an nhiên, nên lâu ngày cũng đắc đạo. Chứng quả A-La-Hán như Phật được.

Thế cho nên lời Phật dạy rằng: Trong giới có chứa sẳn định huệ đạo quả rồi, trong luật có chứa sẳn kinh luận rồi như vậy thì quả linh và đạo lý đã là có sẳn trong y bát đó rồi, dầu Phật không nói ra; chớ kẻ nào hành y và chú tâm nhận xét, thì sẽ được học ngay cũng cầm bằng như là đã được ngồi gần bên Phật, và được hiểu cả tâm trí của Phật. Như thế nghĩa là: Bao nhiêu giáo lý pháp bảo kho tàng của võ trụ, đều đã để sẳn trong y bát, trong hai tiếng Khất Sĩ cả rồi, kẻ nào sáng trí định tâm, bươi ra, là dùng xài mãi mãi, khỏi đợi phải ai truyền dạy. Điều ấy để chỉ rằng: kẻ nào giữ y bát theo giới luật lâu đời mà không thối chuyển thì sẽ lần hồi đắc đạo như lại dể gì mà không thối chuyển sa ngã, nếu kẻ ăn cơm chẳng biết mùi vị. Vậy nên chỉ có người nào có trí biết phân biệt món ăn của mình, thì mới được yên tâm, lớn lần kết quả. Có y bát không chưa đủ, vì nếu ta đang chen lấn nơi chỗ yêu ma náo nhiệt, thì tránh sao cho khỏi bị người cướp giựt, hoặc rớt bể rách tan. Bằng muốn bảo tồn y bát, là phải cần giữ gìn giới luật; có giới luậ ngăn ranh ủng hộ ta mới được yên tịnh tự do mà học hành tinh tấn. Ấy vậy, giới luật là y bát chơn truyền, kẻ nào giữ được mười giới lầ sẽ được tập sự đấp y ôm bát. Nhờ có được y bát, mới đến thẳng đường chơn, lẽ thật, để sống đời, an hưởng nơi cõi tự nhiên của tinh thần bất diệt, được ở cảnh vui tột cao siêu chơn phước. Thế nên những ai muốn được y bát, thì phải tập học giữ gìn giới hạnh, có đủ giới hạnh mới được thọ trao giới luật y bát, và cần phải nhờ thầy chỉ dạy thêm cho đúng cách tu theo định huệ, sao lại mới sẽ tự mình đi tới, đi tới chỗ ý muốn của tự mình.

- Có những người tu mà không cần đắp y mang bát được chăng?

- Tu học lớp nào lại không được, miễn là cho vừa với trình độ chí hướng của mọi người. nhưng đối với quả giác của Phật, thì ngoài cách y bát ra, không thể đắc đạo được. Cũng có lắm cách tu luyện công phu đắc thần thông quả linh làm tiên trời, nhưng vì ở một chỗ, thì không toàn giác được. Vậy nên tuỳ theo sở chấp, kẻ thì thích tu học giới, để phát định huệ, kẻ thì tu học định để phát giới huệ, kẻ thì tu học huệ để phát định giới. Sở chấp nào buổi đầu cũng được cả, nhưng khi đeens đủ cả ba rồi, thì ai ai cũng y bát ta bà như nhau. Còn kẻ nào đi ngay giới định huệ đều đủ một lượt, thì y bát phải có mới được. Nếu kẻ tu không y bát, thì dầu cao giỏi bậc gì cũng không thành Phật, không thể gọi Phật. Bởi đạo Phật là trung đạo, vừa vừa chớ không cao thái hóa như bậc trời vô sắc. Chính sự hay giỏi của thái hóa bất cập là nguyên nhân khổ bởi không thường. Cho nên đạo Phật tuy thấp hơn Tiên, ở bậc trung, mà gọi là đạo chơn thường giác ngộ đạo của võ trụ càng khôn, đạo của chúng sanh người trí. Vả lại giới định huệ là chân, mình, đầu, của một thân hình cái sống thiếu một là chưa đủ, nên dầu ai có chấp trước đoạn nào, chớ sao rồi cũng nhìn ra cả thể, như nhau. Cho nên gọi rằng: Đạo y bát giác ngộ của giới định huệ là đạo của tất cả, kêu là rún đạo, đạo cái, ai ai có đi quanh quẩn đâu đâu rồi cũng đến đó mà thôi.

- Làm sao cho hiểu được mùi vị y bát, cho kẻ trước khi vào đạo?

- Hãy nghiên cứu "vũ trụ quan, ngũ uẩn, lục căn, lục trần, lục thức, thập nhị nhân duyên, bát chánh đạo, thuyết có thuyết không, sanh và tử, nhân sanh quan, chánh đẳng chánh giác, công lý võ trụ." có nghiên cứu mười quyển sách chơn lý ấy trước đã thì tất hiểu đạo, sau đó hãy hiểu chơn lý: Khất Sĩ, y bát chơn truyền, luật khất sĩ, giới bổn, ăn chay, nhập định, và giới định huệ..vv...

Có người lại nói tự mình làm ăn lo tu cho mình là quí hơn phải chăng? Có người lại nói tu tốt mà phải tự nuôi sống chớ sao lại bắt người nuôi?

- Nói vậy mới nghe qua cũng cho là được, bằng xét kỹ là sái lắm, nào có ai thực hành lời nói đó trong đời? Nếu tự mình làm ăn thì tập thêm tham sân si dốt nát, độc ác khổ hại, chớ có học tu được cái chi, mà gọi là quý; cái quý là không có độc; độc là riêng một mình, câu nói đó tham lam nhỏ hẹp, ích kỷ, bỏn xẻn, vô đạo, biếng nhác sợ hao công, không muốn sống chung với ai, và không muốn cho ai nhờ cậy chi mình; câu nói đó của kẻ sái quấy nói lời cùng túng ém lỗi vào trong, cũng vì lời nói đó lan rộng, mới có cõi ma đói nơi kia. Giả lại trong đời chúng sanh đang sống chung cho nhau, ta đang nhờ nơi tất cả, nào có ai lo cho mình được mà không phải nhờ nơi kẻ khác, hoặc tài hay là pháp bố thí cho nhau, sau ai lại nói là mình tự làm, nuôi lấy, chẳng là dối? Chính một kẻ kia đang bắt cỏ cây thú người, đất nước lửa gió, nuôi mình đó, sao lại quên đi, còn giáo lý Phật Trời ai đang ăn dùm đó, sao mãi nói tội lỗi vong ân tự đắc được!

Còn như nói phải phải tự nuôi sống chớ sao lại bắt người nuôi, nói như thế là phải cho sự hiểu lầm nói càng, chớ đâu có ai được như vậy. Lìa ông Vua có đi cày cấy đâu, vị Quan có đi nhổ mạ đâu, người giàu sang có đi giả gạo đâu, kẻ quân sĩ có đi phát cỏ ngặt hái đâu, người công, người thương có gieo mạ đâu...

Vậy ta nên biết rằng: Lẽ sống chung tiến hóa trong vũ trụ, chúng sanh vạn vật và các pháp đều sống cho nhau, trau đổi cho nhau, hoặc tài thí, hoặc pháp thí, kẻ giúp cho linh hồn, người dùm cho xác thịt, đó là đạo phận của tất cả, chớ nào có ai mà sống chơ mình được.

Lại nữa, khất Sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại, là người đạo đức hiền lương, nết hạnh, quý giá cho đời biết mấy, gương đức hạnh, dạy đạo lý, chẳng kẻ công đòi lương, mà cơm dư ai hảo tâm đem cho thì ăn, chớ không ép buộc rầy rà Khất sĩ hi sinh chịu sống cực thân, để lo tô đấp nền đạo cho thế gian, trang sức hạnh phúc cho cõi đời. Loài người mà có lòng nhơn, đang biết lẽ phải để sống đó là do từ đâu? chén cơm áo mặc của người đang có kia há chẳng phải là do ảnh hưởng của đạo đức sao? Vua quan đâu có ví giới các nhà Sư? Thế sao có người lại đi nói quấy, không kiên vì luật pháp là đạo đức đang tôn kính trong đời.

Những người tu Phật mà không y bát có hại gì không?

- Nếu không có y bát hay là y bát có mà không dùng, thì gọi là bậc Trời Người đang tập học, nhìn xem Phật, chớ chưa gọi đúng là người đã tu theo Phật. Vì, định huệ có là do giới, giới là y bát giáo lý Khất Sĩ nếu không y bát thì đâu có giới, cõi Phật, bằng mà giới của người chế ra vầy khác, thì gọi đó là giới của trời người thôi. Lại như quả A-la-hán là ưng cúng, tiếng ứng cúng chỉ có nơi người khất sỉ chớ đâu có cho kẻ ở nhà. Nếu không có y bát thì đi xin không được, đâu có ai cho, đâu ra vẻ người Khất Sĩ. Bằng kẻ đi xin mà có đồ vật, ắt phải bị mang tù rạc, chúng oán ghét vu phao ngờ vực. Và nếu có đồ đạc thì nào được đi xin để đi các nơi gieo nhơn lành khắp cùng thiên hạ. Vả lại một người mặc quần áo thì phải hai cái thay đổi, cái đang mặc, cái cất giữ, giấc ngủ phải nhớ lo, và nếu vải nguyên tốt thì còn bị cắp trộm, lại e chúng giết hại thân mạng, như vậy thì làm sao cho có được định huệ, mà gọi là tu học giống như Phật, để thành Phật; còn kẻ không quần áo thì cũng không tiện việc tu học. Đến chén bát mà có nhiều là tư bổn gốc khổ bị hại, bằng không ngơ lại bối rối cũng lo âu phiền não (mà việc thế lại rách bể hư, bịnh, lo mãi có rồi đâu). Vậy nên giáo lý của y bát là trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng không hai, tức là đạo giải thoát toàn giác. Nếu không có dùng y bát, thì chẳng dứt được cái khổ của ăn mặc, và có y bát mới ra Khất Sĩ mà giải thoát luôn chổ ở, thuốc men thì đời sống tinh thần mới được hoàn toàn cứu cánh, sự chết khổ mới sẽ dứt hết.