Ý nghĩa khất thực của hệ phái Khất sĩ

09/09/2009 14:39 (GMT+7)

Khất thực là một pháp môn phương tiện để giúp cho những giáo đoàn Sa môn hay những cá nhân Sa môn du hành trong xứ Ấn Độ thời cổ đại có được một đời sống giải thoát, tạo nên tiền đề cho việc tìm cầu chân lý từ thời bình minh của hạnh tha phương cầu đạo hay tha phương hóa đạo. Lịch sử của Ấn Độ cổ đại thường ghi lại sự kiện bốn giai cấp tức là giai cấp tăng lữ Bà la môn, giai cấp vua chúa, giai cấp thương gia địa chủ, và giai cấp hạ tiện Chiên đà la, nhưng hiếm khi nói đến những Sa môn, đó là những người tu hạnh không nhà rày đây mai đó để thỏa mãn những khao khát về tâm linh, tìm kiếm câu trả lời tối hậu. Điều này hàm ý rằng về mặt lịch sử thì trước khi có mặt những vị Sa môn đệ tử của Sa môn Gotama (cũng là một Sa môn) thì những Sa môn ngoại giáo hay ngoại đạo khác đã hiện diện và du hành, điểm xuyết cho bộ mặt sinh hoạt tín ngưỡng thời tiền Phật giáo. Họ đến rồi đi, đi rồi đến những làng mạc thôn dã như Pàva, Kushinagara, hay là những phố thị náo nhiệt xa hoa như Vương Xá, Kiều Tất La. Họ có mặt ở dọc theo rặng Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ và vùng bình nguyên châu thổ sông Hằng. Trên con đường của những kẻ sĩ không nhà cửa, không vợ con, tiền bạc đó thì pháp môn mà họ sử dụng để nuôi thân tứ đại dĩ nhiên là "khất thực".

Khất thực trong giai đoạn khởi thủy của Phật giáo:

Chính Thái tử Sĩ Đạt Ta khi chưa thành tựu quả vị vô thượng đã gia nhập vào hàng ngũ những kẻ sĩ không nhà này và dĩ nhiên là Ngài cũng đã sử dụng pháp môn khất thực để giải quyết vấn đề cơm áo trong giai đoạn tìm phương pháp giải quyết chuyện tử sinh. Chẳng những trong giai đoạn tìm kiếm chơn lý mà ngay cả sau khi sáng tỏ đạo mầu thì Ngài cũng cho rằng khất thực là một pháp môn phương tiện chính để sinh sống và khẳng định nó là pháp môn truyền thống của chư Phật ba đời. Sau thời kinh Chuyển Pháp Luân mà nội dung chủ yếu là giáo lý Tứ đế và Trung đạo thì tuyên ngôn của Ngài dành cho bản thân và dành cho những Sa môn đệ tử đầu tiên là chủ trương ‘hoằng hóa chúng sinh', nói nôm na là ‘mở đạo': "Hãy ra đi, các Tỳ-khưu, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc lại cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhơn loại. Mỗi người hãy đi một ngả..."[1]. Mà mở đạo theo kiểu cổ điển là phải du hành, không nhà cửa, không sự nghiệp vợ con; mà du hành thì lại gắn liền với pháp môn khất thực. ‘Khất thực', cũng công việc này mà những người nghèo hèn đói khổ thì gọi là đi ăn xin hay đi ăn mày, còn những vị Sa môn đệ tử của Sa môn Gotama thì gọi một cách kính trọng là ‘đi hóa duyên'.

Khất thực được ghi chép trong Kinh tạng:

Kinh Kim Cang là một bộ kinh góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên nền tảng của tư tưởng Bắc truyền, gọi theo cách khác là Bắc tông hay Đại thừa. Kinh này có một khởi đề rất truyền thống với việc kể lại trình tự công việc "đời thường" của bậc thầy của trời và người là "Một hôm Đức Phật ở nước Xá-vệ tại rừng Kỳ-đà trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Khi ấy gần đến giờ thọ trai, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá Vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi"[2].

Hình ảnh của một vị Vô thượng sĩ mà lại hiền hòa và bình dị, đầu trần chân không, mỗi sáng đi trì bình khất thực là một hình ảnh xuất hiện rất thường xuyên trong hệ thống Kinh tạng Nikàya. Theo định nghĩa truyền thống thì tất cả mọi Tỷ kheo tức là mọi tu sĩ Phật giáo có thọ giới đầy đủ đều được định nghĩa là "Khất sĩ", "bố ma" và "phá ác".

Ý nghĩa khất thực của Hệ phái Khất sĩ: Đối với một người có một chút suy tư sâu xa thì khái niệm ‘xin' không tách rời khỏi khái niệm ‘cho', khái niệm ‘học tách rời khỏi khái niệm ‘dạy'. Người Khất sĩ vừa xin vừa cho, vừa học vừa dạy, theo chủ trương: Xin vật chất cho lại tinh thần; học từ nơi tất cả chúng sanh, dạy lại tất cả chúng sanh, tùy theo nhân duyên cảnh ngộ. Chữ Khất sĩ được phân tích một cách chính thức bởi vị tổ sư khai sơn của hệ phái Khất sĩ thành ra hai vế: Khất là xin, Sĩ là học. Bài viết này hướng về ý nghĩa của "khất thực", nên sẽ không phân tích xa hơn về mối quan hệ "học-dạy" của người Khất sĩ mà phân tích ý nghĩa việc "xin cho" của người Khất sĩ.  Người Khất sĩ vừa xin vừa cho, vừa học vừa dạy, theo chủ trương: Xin vật chất cho lại tinh thần. Chí ít thì cũng tạo điều kiện giúp có cơ hội để gieo một duyên lành nào đó, cơ hội để mài mòn bớt lòng bỏn sẻn, ích kỷ; và cũng tự cho mình một cơ hội để mài mòn ‘cái ta'. ‘Cái ta' này bình thường thì nó tự động to lớn ra, vì vậy người có ‘cái ta' ít khi được điều phục, chế ngự thì thường gây nên hầu hết tất cả những bi kịch trong gia đình và trong các tổ chức, xã hội mà người đó có mặt. Có thể nói rằng ‘cái ta' ở đâu thì tai nạn, khổ đau có mặt ở đó nếu ‘cái ta' đó không được chế ngự; và ‘cái ta này thường được sự giàu có, chức tước và uy quyền nâng cấp. Hiện nay ở những nước mà Phật giáo Nam truyền được nâng lên vị trí quốc giáo thì truyền thống khất thực được hành trì nghiêm chỉnh như là một thời khóa tu tập đầu tiên không thể bỏ qua trong một ngày. Ở Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, từ  05 giờ sáng hầu hết các nhà sư đều xuống đường đi khất thực cho cả bữa điểm tâm và bữa ngọ trưa. Khoảng 06 giờ 30 là công việc khất thực kết thúc, các nhà sư lại tập trung vào các việc khác như đi học, đi dạy, thuyết giảng, biên soạn, dịch thuật, lao tác, và các công tác xã hội khác. Ở những nước mà truyền thống Phật giáo Bắc tông là chủ đạo thì vẫn có một bộ phận Tăng Ni còn kính tin, giữ gìn và quý trọng truyền thống này như ở  Nhật Bản, Hàn Quốc mặc dù việc hành trì có phần hạn chế.

Ở Việt Nam chúng ta, trong thời kỳ khởi thủy của đạo Phật Khất sĩ vào những thập niên 40, 50, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam cũng vẫn đã thể hiện và hành trì nghiêm túc pháp môn khất thực và chính pháp môn này đã giúp các nhà sư Khất sĩ trên bước đường du hóa trong thời kỳ mở đạo, đẩy mạnh được bánh xe Chánh pháp vào những địa phương mà trước đó Chánh pháp là một điều rất là xa lạ và mơ hồ. Đạo Phật khất Sĩ (tên gọi đầu tiên sử dụng từ thời kỳ lập đạo đến năm 1982) là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tên gọi mới là Hệ phái Khất sĩ còn kết hợp việc khất thực với việc ăn chay. Và việc này đã tạo nên bản sắc riêng của ‘Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam'. Đức Tôn sư Minh Đăng Quang, vị Tổ sư khai sáng ra dòng truyền thừa Khất sĩ Việt Nam đã nâng việc khất thực lên làm một nguyên lý chung cho tất cả mọi người: Ai cũng phải xin và cho. Ai cũng phải học và dạy vì không ai tự một mình mình mà có thể sống được, "lẽ xin là chơn lý của vũ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vật chất để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí, ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy"[3]. Ngài đã phân tích việc ‘xin' ra làm nhiều phương thức ‘xin' như dùng thế lực để ‘xin', dùng mánh lới để ‘xin', gian lận để ‘xin', cướp giật để ‘xin'... trong đó cái xin tốt đẹp nhất là cái xin của người Khất sĩ chân chính. Người cho và kẻ thọ nhận đều được lợi lạc, phước báu, an vui, với tinh thần tự nguyện.

Trong việc nối truyền Chánh pháp, pháp môn khất thực được Ngài nâng lên thành Chánh đạo thứ năm trong Tám đạo của Bát chánh đạo hay còn gọi là Bát Thánh đạo. Đó là Chánh mạng đạo: nuôi mạng một cách chơn chánh. Theo Ngài, một tu sĩ Phật giáo dùng các cách nuôi mạng khác như xem tướng số, xăm quẻ, chiêm tinh, bùa chú, thư tôm, ếm đối (thời đó rất thịnh hành) đều thuộc về tà mạng đạo, đang thực hành tà mạng, tức là đang thực hành các phương tiện để mưu sinh không chơn chánh.


PHỤ LỤC:

Hai mươi sáu phép đi khất thực của phái Khất sĩ 1.      Phép đi khất thực chỉ từ một tới hai người mà thôi trừ khi nào đến xứ lạ, một hai ngày đầu đi chung cho biết đường sá, đi từ người cách khoảng hai thước. 2.      Khi đi lấy cơm, hoặc đi trai tăng tại nhà cư sĩ thì được đi chung, đi một hàng một, cách nhau 2 thước tây, ai lớn tuổi đạo đi trước, tập sự đi sau. 3.      Tại tịnh xá có ban cư sĩ hộ pháp, hoặc có nhiều người xin cúng dường luân phiên giáp 30 ngày trong mỗi tháng, thì Giáo hội nếu đông chia ra: phân nửa Tăng đi khất thực, phân nửa Tăng nhận cúng dường trọn bữa ăn. 4.      Tốt hơn là mỗi người hàng ngày đều phải đi bát, ban hộ pháp chỉ hộ thêm sau khi đi về. 5.      Khi đi khất thực nếu ai về không kịp ngọ, lỡ quá trưa thì phải độ nơi chỗ vắng, gốc cây, xa đường lộ, phố xá, chợ đông. Phải tránh những chỗ dơ dáy bụi bặm, cấu trược ồn ào, vì thế sẽ làm nhẹ thể pháp Phật. 6.      Đi bát không được vô chợ, hoặc đứng phía góc chợ, hoặc chen lấn chỗ đám đông. Nên phải đi vào trong xóm hoặc các đường lộ xa chợ. 7.      Mỗi đường có thể đi ba ngày, đi xa không quá ba ngàn thước. 8.      Bận đi phải đi luôn, bận về nếu thiếu thì đứng trước cửa từ nhà (ngoài đường, chớ không được vào thềm), mỗi nhà đứng năm ba phút theo thứ tự. 9.      Khi bát còn lưng, thì ôm quá tay trái gần trước bụng, lúc đầy rồi phải để vào túi, phủ nắp lại, quảy phía tay mặt không nhận nữa. 10.  Không nhận lãnh đồ vật để trong túi, ngoài bát, hoặc trên nắp bát. 11.  Không được nhận tiền, gạo, không được nhận đồ ăn mặn, khi người đem đến cúng, mình có thể hỏi thêm chay hay mặn, đó là gương dạy thiện cho người. 12.  Không được đi vào nhà ai, khi đi khất thực. Nếu phải đi viếng ai, hoặc có việc của Giáo hội sai, thì đi lại ngay nhà người ta trước, bát mang chớ không ôm, bận về mới ôm ra đi xin mà trở về. 13.  Không được đứng lại uống nước, hay đại tiểu khi đi khất thực. 14.  Bát nếu ôm trần thì được nhận, bát mang trong túi cấm thâu nhận. 15.  Không được ngó mặt thí chủ, hoặc nói chuyện quá năm sáu câu. 16.  Ai có hỏi đạo giữa đường thì kiếm gốc cây ngồi nói, hoặc hẹn sau khi độ cơm rồi sẽ nói, hoặc mời người đến ngay chỗ ngụ, hoặc để ngày khác người thỉnh cúng dường tại nhà có Tăng đông, có cư sĩ nhiều sẽ nói.  17.  Khi đi khất thực, ai muốn cúng hoặc thí gì tự ý, bao giờ người hỏi sẽ chỉ dạy, bằng không thì thôi, chớ chê khen bắt lỗi ép buộc người ta. 18.  Nếu biết cơm có dính lỡ đồ ăn mặn, thì khi về phải cho người khác, chớ không được dùng, bằng khi túng ngặt, phải gụt rửa sạch mới được dùng. 19.  Khi đi khất thực phải trang nghiêm hòa huỡn ngó ngay xuống, ngó xa hai thước, chớ ngó liếc hai bên, chớ tìm lóng nghe chuyện người nói, tâm phải niệm Phật. 20.  Đừng vừa đi vừa nói chuyện, chỉ chỏ, muốn qua đường quẹo phải đứng lại xoay mình, chớ đừng đi tắt xéo. 21.  Mỗi khi có chuyện gì thì phải đứng lại, có ai cúng thì chỉ lại người sau, cho để bát trước. 22.  Ngày nào ai đi bát đường nào, phải sắp đặt trước tại chùa, chớ đừng ra đường lộn xộn. 23.  Khi đi khất thực, ngoài món ăn ra, không nhận món chi ai gởi hết. Hãy bảo người ta đem lại các chùa kia. Ai nói gởi cúng Phật thì không được nhận, hãy nói: "Tăng chỉ là người tu đi xin ăn mà thôi". 24.  Đồ ăn rồi nếu còn dư phải cho hết, không được để dành. 25.  Đồ khất thực trước phải độ trước. Đồ cúng dường sau phải độ sau.

26.  Khi đi khất thực không được chống gậy, mang giày, che dù... Bên trong mặc áo chừa cánh tay mặt, đầu trần, chưn không; bên ngoài phải mặc vấn thượng y trùm kín.


[1]Nàrada: Đức Phật và Phật Pháp, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 115.
[2]Từ, Thích Thanh: Kinh Kim Cang Giảng Giải, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999; tr. 15.
[3]Quang, Minh Đăng: Chơn Lý, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 167.
[4]Quang, Minh Đăng: Chơn Lý - Luật Khất sĩ, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1993, tr. 44

Mây Lành