Trong ngày Phật đản, bên cạnh việc hộ trì cúng dường Tam Bảo, Phật tử cần ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày. Đó là luôn không chỉ nghĩ đến mình mà còn nghĩ tới cha mẹ, ông bà, con cháu, làm sao cùng nhau tu tập hạnh giải thoát...


Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là một thái tử tên Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, Vương tộc Thích Ca. Lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha (nhằm ngày 15 tháng tư âm lịch, năm 624 Trước Công Nguyên), một ngày rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo.

Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng tư, hầu hết những nước có Phật giáo và các phật tử long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, ngày Phật đản vào 15/4 đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố, làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức… có hàng nghìn tăng, ni, phật tử tham dự.

Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành và các chùa cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương còn tổ chức các hoạt động từ thiện, xây nhà tình thương, thăm hỏi và tặng quà bà con nghèo. Tại một số nước châu Á, vào ngày Phật Đản, không ai bị đói vì nhà nào cũng để mâm cơm ở trước cửa và ai cũng được mời ăn.

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, giết gà, vịt... Ngày đó, tất cả mọi người đều ăn chay, người bán hàng ở chợ cũng chỉ bán đồ chay. Ngoài ra, nhiều người còn thả chim, thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài... Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, vốn là đạo lý nhà Phật.

Mùa Phật đản PL.2564 năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp ở hầu khắp các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Do đó, GHPGVN yêu cầu các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thành kính kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh trang nghiêm, tôn kính Đức Từ Phụ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni theo nghi thức tắm Phật truyền thống tại các cơ sở tự viện, tại tư gia; không tổ chức lễ đài tập trung đông người, không tổ chức rước xe hoa, không tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng và tất cả các hình thức tập trung đông người. 

Thời gian tổ chức từ ngày 8-15/4/Canh Tý (tức 30/4 - 7/5/2020), chính lễ ngày 15 tháng 4 năm Canh Tý (tức 7/5/2020). Thông tư của HĐTS GHPGVN cũng hướng dẫn cụ thể về hình thức kỷ niệm đại lễ Phật đản tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN các cấp, tại các chùa, cơ sở tự viện.

Trong ngày Phật đản, bên cạnh việc hộ trì cúng dường Tam Bảo, Phật tử cần ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày. Đó là luôn không chỉ nghĩ đến mình mà còn nghĩ tới cha mẹ, ông bà, con cháu, làm sao cùng nhau tu tập hạnh giải thoát...

Mỗi người sau mỗi lần đi chùa về nên bớt đi cái dở như tật đố kỵ, kiêu căng, sân hận, ích kỷ nhỏ nhoi, biết sống hiền lành, tha thứ... Đồng thời, truyền đạt lại những giáo lý tốt đẹp đó cho mọi người xung quanh để tất cả cùng nhau được bình an, hạnh phúc. Đó là tinh thần của người đệ tử Phật trong ngày lễ Phật đản.

Nếu chúng ta chỉ thấy vui khi ở buổi lễ, về nhà lại quanh quẩn với những buồn lo, được mất khen chê hay dở, không có ấn tượng gì sâu sắc về ngày Phật đản thì chưa phải là biết ơn và đền ơn Phật.


Bài viết: "Ý nghĩa ngày Phật đản trong đời sống người Việt"

Minh Chính

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com